TÒA ÁN NHÂN DÂN TP.BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐĂK LĂK
BẢN ÁN 01/2022/LĐ-ST NGÀY 08/09/2022 VỀ TRANH CHẤP VỀ TRỢ CẤP KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 08 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 03/2021/TLST-LĐ ngày 05 tháng 7 năm 2021 về “Kiện tranh chấp về trợ cấp mất việc làm khi chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2022/QĐXX - LĐST ngày 25 tháng 7 năm 2022 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Ông Lê Cảnh D; Sinh năm 1965. Địa chỉ: Số 47 N, phường TL, thành phố B, tỉnh Đ.
Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Bà Phạm Thị T; Sinh năm:
1960. Địa chỉ: Số 100/8A Ama K, phường TL, , thành phố B, tỉnh Đ (Có mặt).
* Bị đơn: Sở giao thông vận tải tỉnh Đ. Địa chỉ: Số 07 Đ, phường TA, thành phố B, tỉnh Đ.
Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Phạm Văn X; Sinh năm 1968. Địa chỉ: Số 07 Đ, phường TA, thành phố B, tỉnh Đ (Có mặt).
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Đ; Địa chỉ: Số 38 Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1966. Địa chỉ: Số 38 H, thành phố B, tỉnh Đ.
- Công ty cổ phần quản lý sửa chữa đường bộ Đắk N: Đại diện theo pháp luật ông Hoàng Anh V - Chủ tịch Hội đồng quản trị; Địa chỉ: Tổ dân phố 3, phường N, thành phố G, tỉnh Đắk N.
(Đều có đơn xin xét xử vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện; bản tự khai; biên bản hòa giải và tại phiên tòa ngƣời đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Trước khi ký Biên bản chấm dứt hợp đồng lao động với giám đốc Sở giao thông vận tải ngày 21 tháng 12 năm 2020 thì ông Lê Cảnh D (nguyên đơn) đã có thời gian công tác cụ thể:
Từ tháng 04/1986 đến tháng 01/1998, ông D công tác tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ (thời điểm này đang là Doanh nghiệp nhà nước) thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Đ (Sở).
Ngày 14/02/1998, Sở có Quyết định số 01/QĐ-TC điều động ông D về công tác tại Sở cho đến hết tháng 12/2020 thì hai bên ký biên bản chấm dứt Hợp đồng lao động. Như vậy, ông D có tổng thời gian công tác là 34 năm 9 tháng, trong đó: Thời gian làm việc tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý đường bộ là 11 năm 10 tháng (chưa được chi trả trợ cấp thôi việc, hiện nay Công ty cầu đường, đoạn quản lý đường bộ đã bị tuyên bố phá sản và thực hiện cổ phần hóa 100%),thời gian ông D công tác tại Sở là 22 năm 11 tháng (trong đó có 03 năm 04 tháng là đóng bảo hiểm thất nghiệp), nhưng Sở chỉ trả trợ cấp mất việc làm cho ông D làm tròn 20 năm công tác tại Sở (trừ thời gian ông D đóng bảo hiểm thất nghiệp) theo Quyết định số 358/QĐ-SGTVT ngày 06/5/2021 mà không chi trả trợ cấp mất việc làm cho ông D trong thời gian 11 năm 10 tháng ông D công tác tại Công ty cầu đường- Đoạn quản lý đường bộ thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Đ là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông D theo quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012 và khoản 3 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ (được sửa đổi bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động).
Vì vậy, ông D làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột: Buộc Sở giao thông vận tải tỉnh Đ phải thanh toán tiếp số tiền trợ cấp mất việc làm cho ông D trong thời gian ông công tác tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý đường bộ thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Đ là 11 năm 10 tháng là 68.838.000đồng.
Đối với số tiền trợ cấp mất việc làm mà Sở đã thanh toán cho ông D là: 20 năm tương ứng 114.730.000đồng ông D đã nhận không có ý kiến gì.
Theo bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa ngƣời đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
1. Diễn biến quá trình công tác của ông Lê Cảnh D:
- Từ tháng 4/1986 đến tháng 4/1994 làm việc tại Công ty Cầu đường Đắk Lắk, theo Quyết định số 161/TC/QĐ ngày 10/3/1986 của Công ty Cầu đường.
- Từ tháng 5/1994 đến tháng 12/1996, chuyển công tác từ Công ty Công trình giao thông (Công ty cầu đường đổi tên thành Công ty Công trình giao thông) về Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ theo Quyết định số 29/QĐ-TC ngày 15/4/1994 của Đoạn Quản lý và sửa chữa cầu đường bộ.
- Từ tháng 12/1996 đến tháng 01/1998 chuyển công tác từ Đoạn quản lý sửa chữa cầu đường bộ về Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II, theo Quyết định số 69/QĐ-TC ngày 20/12/1996 của Đoạn Quản quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II (các doanh nghiệp trên đều là doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành Giao thông vận tải).
- Từ tháng 02/1998 đến tháng 12/2020 công tác tại Sở (Theo Quyết định điều động số 01/QĐ-TC ngày 14/02/1998 của Sở, điều động từ Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II về nhận công tác tại Sở).
- Như vậy, ông D có tổng thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội là 34 năm 09 tháng (từ tháng 4/1986 đến hết tháng 12/2020), trong đó thời gian làm việc tại doanh nghiệp là 11 năm 10 tháng (từ tháng 4/1986 đến tháng 01/1998), làm việc tại Sở là 22 năm 11 tháng (từ tháng 02/1998 đến hết tháng 12/2020, kể cả 3 năm 4 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp).
- Ngày 21/12/2020, Sở Giao thông vận tải và ông D thỏa thuận ký biên bản chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Về giải quyết chế độ trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động:
+ Thời gian thực tế ông D làm việc tại Sở là 22 năm 11 tháng, trong đó thời gian có đóng BHTN chưa hưởng là 03 năm 04 tháng. Thời gian được hưởng trợ cấp mất việc làm là: 22 năm 11 tháng - 3 năm 4 tháng = 19 năm 7 tháng; làm tròn là 20 năm. Số tiền trợ cấp mất việc làm được hưởng là: 20 năm x Hệ số lương 3,85 (3,63*6%) x 1.490.000 đồng = 114.730.000đồng.
Căn cứ quy định tại Điều 44, Điều 45 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13, Sở Giao thông vận tải thấy rằng:
- Thứ nhất, về tài chính: Trong thời gian 11 năm 10 tháng ông D làm việc lần lượt ở 3 doanh nghiệp Nhà nước là: Công ty Cầu đường Đắk Lắk, Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ; Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II. Các đơn vị này là doanh nghiệp thuộc Ngành Giao thông vận tải quản lý, là những đơn vị hoạch toán độc lập, tự chủ về kinh phí (tự thu, tự chi) có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản lương, thưởng, chế độ chính sách và nâng lương thường xuyên cho công nhân mà không phải chịu bất kỳ sự quản lý, phân bổ ngân sách của Sở chỉ quản lý về mặt Nhà nước.
- Thứ hai, về nhân sự: Giám đốc doanh nghiệp là người có thẩm quyền trực tiếp ký quyết định tuyển dụng công nhân vào làm việc tại Công ty, là đơn vị trực tiếp sử dụng lao động không thông qua Sở, các quyền lợi của người lao động (lương, thưởng, phép, ốm đau) đều do công ty tự chi trả và thực hiện.
Thứ ba, về căn cứ pháp lý, căn cứ Điều 49 của Bộ luật lao động năm 2012 thì Sở không phải là “Người sử dụng lao động” và ông D cũng không phải là “người lao động làm việc thường xuyên” trực tiếp cho Sở; thời gian 11 năm 10 tháng là thời gian ông D làm việc “thực tế” cho doanh nghiệp chứ không phải làm việc “thực tế” cho Sở. Do vậy, Sở không đồng ý chi trả trợ cấp mất việc làm cho ông D theo đơn khởi kiện.
Ngƣời có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
+ Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Đ trình bày: Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại công ty không có hồ sơ và thông tin liên quan đến ông D, nên không có tài liệu cung cấp cho Tòa án. Về tên gọi của công ty, năm 1992 có tên là đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ; Năm 1998 đổi tên thành công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 1 Đắk Lắk. Năm 2007 được cổ phần hóa thành Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Đ.
+ Công ty cổ phần quản lý sửa chữa đường bộ Đắk N trình bày: Ông Lê Cảnh D có thời gian công tác tại đơn vị từ tháng 01/1997 (theo quyết định tiếp nhận số 26/QĐ-GĐ ngày 27/12/1996). Quá trình trong, sau thời gian làm việc trong hồ sơ lưu trữ không thể hiện việc thanh toán trợ cấp mất việc làm hay trợ cấp nào khác cho ông D nên không có chứng cứ cung cấp cho Tòa án.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột phát biểu nhƣ sau:
Về tố tụng: Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của vụ án từ khi thụ lý đến khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán đã giải quyết đúng trình tự của BLTTDS, tại phiên tòa HĐXX và đương sự đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Về nội dung: Áp dụng Điều 32, Điều 35 BLTTDS. Căn cứ các Điều 36, Điều 48 Bộ luật lao động. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Đề nghị HĐXX:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn phải có trách nhiệm thanh toán trợ cấp mất việc làm cho nguyên đơn với số tiền là 68.838.000đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đƣợc thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền và quan hệ tranh chấp: Đây là vụ án “Kiện tranh chấp về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động” thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột theo quy định tại Điều 32, Điều 35 BLTTDS.
[2] Về trình tự thủ tục: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa nên HĐXX căn cứ các điều 227, 228 BLTTDS để xét xử vụ án là phù hợp.
[3] Về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ: Đương sự có mặt đã thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định pháp luật và tại phiên tòa đương sự có mặt không cung cấp chứng cứ gì thêm. Do đó HĐXX sẽ xem xét các tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập và đương sự giao nộp có lưu trong hồ sơ vụ án.
[4] Về nội dung:
[4.1] Xét người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn có thời gian công tác 34 năm 9 tháng cụ thể: Từ tháng 04/1986 đến tháng 01/1998, nguyên đơn công tác tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ (Doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Đ). Ngày 14/02/1998, Sở ban hành Quyết định số 01/QĐ-TC điều động nguyên đơn về công tác Sở cho đến hết tháng 12/2020 thì hai bên ký biên bản chấm dứt Hợp đồng lao động; Nhưng Sở chỉ thanh toán cho nguyên đơn 114.730.000đồng tương ứng với thời gian 20 năm làm việc tại Sở, còn thời gian nguyên đơn làm việc tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ thuộc Sở từ 04/1986 đến tháng 01/1998 là 11 năm 10 tháng Sở không thanh toán nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Sở tiếp tục thanh toán số tiền trợ cấp mất việc làm trong thời gian 12 năm là 68.838.000đồng là có căn cứ.
[4.2] Xét lời trình bày của bị đơn: Bị đơn thừa nhận việc nguyên đơn có thời gian làm việc 34 năm 9 tháng vào các giai đoạn nêu trên là đúng. Bị đơn căn cứ vào công văn số 55/QHLĐTL-CSLĐ ngày 05/3/2021 của cục quan hệ lao động tiền lương, đồng thời xác định từ tháng 4/1986 đến tháng 01/1998 nguyên đơn làm việc tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ. Giám đốc doanh nghiệp là người trực tiếp ký quyết định tuyển dụng công nhân và là đơn vị trực tiếp sử dụng lao động không thông qua Sở, các quyền lợi của người lao động đều do doanh nghiệp chi trả. Sở được giao là đơn vị chủ quản của các doanh nghiệp nêu trên, nhưng chỉ quản lý về mặt Nhà nước, không được giao quản lý về tuyển dụng người lao động của doanh nghiệp nên không đồng ý chi trả trợ cấp mất việc làm trong thời gian từ tháng 4/1986 đến tháng 01/1998 theo yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở. Bởi lẽ: Tại Quyết định số 01/QĐ-TC ngày 14/02/1998, Sở điều động nguyên đơn đang công tác tại Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II đến nhận công tác tại ban thanh tra giao thông thuộc Sở; tại thời điểm điều động giữa nguyên đơn và Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ; Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II Đắk Lắk chưa thực hiện theo quy định của pháp luật, nội dung này phù hợp với lời khai của người liên quan, do đó Sở là cơ quan chủ quản của Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ; Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II Đắk Lắk phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho nguyên đơn trong thời gian từ tháng 4/1986 đến tháng 01/1998 là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, cụ thể:
Khoản 2 Điều 38 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định: “Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01/01/1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó”.
Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính Phủ quy định sửa đổi khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ như sau: “3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó….c: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng ½ năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc”.
- Căn cứ khoản 5 Điều 42 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 “...Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này...” - Căn cứ Điều 47 của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 quy định: (1) Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
(2) Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
(3) Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.” Như vậy, Sở giao thông vận tải phải có trách nhiệm thanh toán tiền trợ cấp mất việc làm cho ông Lê Cảnh D trong thời gian ông D công tác tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ; Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II Đắk Lắk là 11 năm 10 tháng (làm tròn 12 năm) x hệ số lương 3,85 (3,63 x 6%) x 1.490.000đồng = 68.838.000đồng.
Xét việc các bên không tranh chấp về hợp đồng lao động, tiền trợ cấp mất việc làm được hưởng 20 năm (từ tháng 02/1998 đến hết tháng 12/2020) nên HĐXX không xem xét.
[5] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận, nên bị đơn phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 68.838.000 đồng x 3% = 2.065.140đồng.
Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp miễn nộp tạm ứng án phí nên không đề cập giải quyết.
Vì các lẽ trên:
1. Về điều luật áp dụng:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 32, Điều 35, Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự;
Áp dụng khoản 5 Điều 42, Điều 47, Điều 48 Bộ Luật lao động; khoản 2 Điều 38 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015; khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính Phủ; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
2. Về nội dung:
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Cảnh D.
Buộc bị đơn Sở giao thông vận tải tỉnh Đ phải có trách nhiệm thanh toán trợ cấp mất việc làm cho ông Lê Cảnh D trong thời gian công tác tại Công ty cầu đường - Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ Đ; Đoạn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ II Đắk Lắk thuộc Sở giao thông vận tải tỉnh Đ là 11 năm 10 tháng (làm tròn 12 năm) với số tiền là 68.838.000đồng (Sáu mươi tám triệu, tám trăm ba mươi tám ngàn đồng).
Kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Về án phí: Sở giao thông vận tải tỉnh Đ phải chịu 2.065.140đồng (Hai triệu, không trăm sáu mươi lăm ngàn, một trăm bốn mươi đồng) án phí lao động sơ thẩm.
Đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.
Bản án 01/2022/LĐ-ST về tranh chấp về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 01/2022/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 08/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về