TÒA ÁN NHÂN DÂN NHÂN TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 01/2018/LĐ-PT NGÀY 11/01/2018 VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong ngày 14 tháng 12 năm 2017 và ngày 11/01/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 03/2017/TLPT-LĐ ngày 20 tháng 10 năm 2017 về việc " Yêu cầu bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số: 03/2017/LĐ-ST ngày 01 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa ra vụ án xét xử số: 03/2017/QĐ-PT, ngày 14 tháng 11 năm 2017 và quyết định tạm ngừng phiên tòa số 02/2017/QĐ-PT ngày 14/12/2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Ngọc V, sinh năm 1978; địa chỉ: Số H2-45 đường C, phường H, thành phố G, tỉnh Kiên Giang
- Bị đơn: Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang
Địa chỉ: số 891 đường M, phường Q, thành phố G, tỉnh Kiên Giang
Người đại diện theo pháp luật của bị đơn: Ông Tôn Hữu S, sinh năm 1979 – Chức vụ: phó trưởng ban quản lý (Quyết định phân công phụ trách Ban quản lý B tỉnh của Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Kiên Giang số 13152/QĐ- LĐTBXH ngày 07/12/2017.
- Người kháng cáo: Chị Nguyễn Ngọc V, sinh năm 1978 là nguyên đơn
( Các đương sự có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn chị Nguyễn Ngọc V trình bày: Vào tháng 5 năm 2012 chị được nhận vào làm việc tại Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang với công việc là thủ quỹ, có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 29/HĐLĐ ngày 01/8/2012. Từ khi làm việc đến tháng 3/2016 chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được khen thưởng qua các năm. Đến ngày 11/3/2016 chị nhận được quyết định số 12/QĐ-BQLNTLS của Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang về việc chấm dứt hợp đồng lao động, chị không đồng ý với quyết định trên và có khiếu nại đến trưởng ban quản lý, nhưng ông Phan Đình Sáu - Trưởng ban quản lý khẳng định quyết định trên là đúng. Lý do trong quyết định nêu là chị không chấp hành sự phân công của lãnh đạo, gây mất đoàn kết nội bộ, nhưng trong thời gian công tác chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không có hành V sai phạm nào.
Chị V yêu cầu hủy quyết định 12/QĐ-BQLNTLS của Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 08/QĐ-BQLNTLS, ngày 19/4/2016 của Trưởng Ban quản lý; yêu cầu được phục hồi công việc là thủ quỹ, thanh toán tiền lương từ ngày nghỉ việc đến ngày xét xử sơ thẩm là 13 tháng 18 ngày bằng số tiền 32.218.388 đồng; và 02 tháng trợ cấp thôi việc là 4.438.000 đồng. Chị V xin rút lại yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần số tiền 11.500.000 đồng.
Bị đơn là Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang do ông Phan Đình S đại diện trình bày: Vào ngày 01/8/2012 Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang có ký hợp đồng lao động với chị V làm thủ quỹ. Đến ngày 14/6/2014 ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, công việc chính là thủ quỹ, trong quy chế làm việc của cơ quan có quy định nhân viên phải chịu sự phân công, sắp xếp của lãnh đạo. Trong quá trình làm việc chị V có 02 lần không chấp hành sự phân công của lãnh đạo, cụ thể: Vào tháng 6/2014 chi V không chi tiền cho đồng chí phó ban lãnh đạo cơ quan. Lần hai cũng trong tháng 6/2014 chị V không đồng ý giao chìa khóa nhà bếp cho khách sử dụng. Đầu tháng 7/2014 Ban lãnh đạo cơ quan tiến hành họp kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với chị V, nhưng chưa đến mức kỷ luật. Do Ban quản lý không muốn giữ chị V làm việc nên tiến hành tổ chức cuộc họp ngày 26/01/2016 để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, thành phần tham dự cuộc họp gồm tất cả cán bộ, nhân viên cơ quan có 08 đồng chí, kết quả 8/8 người đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động với chị V (trong đó có cả chị V). Sau khi họp xong Ban quản lý có giao thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với chị V trước 45 ngày, do ông Lê Trung Y – chức vụ Phó ban giao. Trong thời gian 45 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đến khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chị V không có bất kỳ khiếu nại nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Đến ngày 11/3/2016 Ban quản lý có ban hành Quyết định số 12, chị V có đơn khiếu nại, đến ngày 19/3/2016 Ban quản lý có ban hành Quyết định số 08 khẳng định quyết định số 12 là đúng. Từ đó Ban quản lý B tỉnh Kiên giang không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của chị V.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 03/LĐ-ST, ngày 01 tháng 6 năm 2017, Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tuyên xử:
Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Nguyễn Ngọc V đối với bị đơn Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang về yêu cầu bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động và phục hồi công việc.
Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Nguyễn Ngọc V về việc hủy quyết định số 12/QĐ-BQLNTLS, ngày 11/3/2016 của Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang và yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần số tiền 11.500.000 đồng.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và báo quyền kháng cáo cho các đương sự theo luật định.
Ngày 13 tháng 6 năm 2017, chị Nguyễn Ngọc V là nguyên đơn kháng cáo với nội dung sau: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết lại vụ án theo trình tự phúc thẩm hủy Quyết định số 12/QĐ-BQLNTLS ngày 11/3/2016 của Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, chị V không yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét khôi phục lại việc làm và bồi thường các khoản lương, phụ cấp theo khởi kiện ban đầu và cũng không yêu cầu xem xét phần khởi kiện bổ sung.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo với yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chị V không yêu cầu ban quản lý nghĩa trang phải nhận chị lại làm việc và rút yêu cầu khởi kiện bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với số tiền là 48.700.000 đồng.
Đại diện Vện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có ý kiến phát biểu về việc giải quyết vụ án:
- việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng: từ khi thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán đã chấp hành hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (Bộ luật TTDS)về thời hạn ra thông báo thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử, gửi hồ sơ cho Vện kiểm sát. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định tại Điều 290, Điều 294 Bộ luật TTDS và thực hiện đúng trình tự việc hỏi tại phiên tòa, đảm bảo cho đương sự được tranh luận và đối đáp, tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện theo quy định của Bộ luật TTDS. Các đương sự đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, Điều 71, Điều 72 của Bộ luật TTDS.
- Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm có V phạm về thủ tục tố tụng, theo đơn khởi kiện ngày 05/9/2016, chị V yêu cầu hủy Quyết định số 12/QĐ-BQLNTLS (Quyết định số 12) ngày 11/3/2016 của Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với trưởng ban quản lý B tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày 22/5/2017 chị V thay đổi yêu cầu khởi kiện, chị V khởi kiện đối với Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang và được Tòa án sơ thẩm thụ lý giải quyết trong bản án. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý yêu cầu này của chị V và xác định bị đơn là Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang là không đúng trình tự thủ tục tố tụng. Tuy nhiên việc thay đổi này các đương sự không có ý kiến.
Đối với nhận định của bản án sơ thẩm cho rằng Quyết định số 12 là không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo điểm đ khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS nên căn cứ điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS đình chỉ giải quyết vụ án là không có cơ sở.
Về xác định quan hệ tranh chấp: chị V yêu cầu hủy quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó, quan hệ pháp luật tranh chấp là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đối với kháng cáo của chị V yêu cầu cấp phúc thẩm hủy quyết định số 12, theo hồ sơ thể hiện, chị V vào làm việc tại Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang (Ban quản lý B) từ năm 2012 đến cuối năm 2015 và luôn hoàn thành nhiệm vụ, không V phạm kỷ luật. Đến ngày 26/01/2016, Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang họp cơ quan thường lệ và kết hợp nội dung lấy ý kiến cơ quan chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị V. Sau cuộc họp ngày 26/1/2016, Ban quản lý B ban hành thông báo số 01/TB-BQLNTLS thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị V. Bản án sơ thẩm nhận định Ban quản lý B chấm dứt hợp đồng lao động với chị V là do thỏa thuận của hai bên theo khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động (BLLĐ) là không chính xác. Vì, mặc dù vào ngày 26/01/2016, tại cuộc họp chị V có ý kiến biểu quyết đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động thì cũng không thể coi đây là sự thỏa thuận vì theo quy định của pháp luật thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động phải thể hiện ý chí của hai bên về tiền lương và các chế độ theo quy định. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động của Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang đối với chị V trong trường hợp này là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định tại Điều 38, Điều 41 BLLĐ 2012. Nên cần chấp nhận kháng cáo của chị V về việc hủy quyết định số 12. Căn cứ vào Điều 42 BLLĐ, người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho chị V, nhưng trong vụ kiện này tại đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm chị V tự nguyện rút yêu cầu bồi thường thiệt hại và không yêu cầu nhận trở lại làm việc. Đây là sự tự nguyện của chị V nên ghi nhận. Các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật thì Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang phải chi trả cho chị V.
Mặc dù, về tố tụng bản án sơ thẩm có V phạm nhưng trong vụ án này chị V không yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án.Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật TTDS, sửa bản án sơ thẩm số 03/2017/LĐ-ST ngày 01/6/2017 của TAND thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chấp nhận một phần kháng cáo của chị V về hủy Quyết định số 12 ngày 11/3/2016 của Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang, đình chỉ yêu cầu khởi kiện của chị V về ye6i cầu bồi thường thiệt hại và phục hồi công việc do chị V rút yêu cầu khởi kiện.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến tranh luận của các đương sự, ý kiến của đại diện Vện kiểm sát.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm chị V khởi kiện ông Phan Đình S – Trưởng Ban quản lý nghĩa trang tỉnh Kiên Giang với yêu cầu hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm chị V thay đổi yêu cầu và xác định khởi kiện bị đơn là Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang, cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục tố tụng về thông báo thụ lý nhưng vẫn chấp nhận việc thay đổi tư cách bị đơn. Vấn đề này là vi phạm thủ tục tố tụng về xác định tư cách đương sự, tuy nhiên trong trường hợp này phía bị đơn là Ban quản lý nghĩa trang không có ý kiến và chấp nhận việc thay đổi, đồng thời chị V không yêu cầu bồi thường nên Hội đồng xét xử xét thấy việc thay đổi này mặc dù có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên nên cần giữ nguyên và cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị V rút yêu cầu khởi kiện về việc thanh toán tiền lương trong những ngày không làm việc là 32.218.388 đồng và 02 tháng trợ cấp thôi việc là 4.438.000 đồng. Đây là sự tự nguyện nên Hội đồng xét xử ghi nhận và đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của chị V.
[2]. Về quan hệ pháp luật:
Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án là tranh chấp lao động cá nhân giữa người sử dụng lao động với người người lao động và bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động là chưa chính xác. Bởi lẽ, theo đơn khởi kiện chị V yêu cầu hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại thì phải xác định quan hệ tranh chấp là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
[3]. Xét kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Ngọc V, Hội đồng xét xử thấy: Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng lao động được ký kết giữa Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang với chị V là hợp đồng không xác định thời hạn, đúng thẩm quyền là có căn cứ.
Chị V cho rằng Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang chấm dứt hợp đồng lao động với chị là trái pháp luật do chị không vi phạm kỷ luật lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại phiên tòa, đại diện Ban quản lý nghĩa trang cho rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động với chị V là do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật lao động. Hội đồng xét xử xét thấy theo trích biên bản họp lấy ý kiến tập thể ngày 26/01/2016 và trích biên bản về việc họp lãnh đạo cơ quan ngày 13/01/2016 thể hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động với chị V là do chị V gây mất đoàn kết nội bộ, từng lúc không hoàn thành nhiệm vụ nên tập thể thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động trong khi tại biên bản họp xét cuối năm ngày 15/12/2015 thì chị V hoàn thành tốt nhiệm vụ với tỷ lệ phiếu bầu 6/8 (đạt tỷ lệ 75%). việc chị V vi phạm kỷ luật không có biên bản họp xét kỷ luật hoặc quyết định xử lý. Ban quản lý B cho rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động là có sự đồng ý của chị V nhưng các bên không có biên bản về việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ căn cứ vào biên bản họp tập thể có ý kiến của chị V là chưa phù hợp. Trong các căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động thể hiện qua thông báo chấm dứt hợp đồng lao động ngày 26/01/2016 và quyết định giải quyết khiếu nại của chị V thì trưởng ban quản lý B đều xác định chị V chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, gây mất đoàn kết nội bộ. Hiện tại chị V cũng chưa nhận các khoản trợ cấp thôi việc trong khi theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật Lao động nếu các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động thì trong thời hạn 7 ngày phải thanh toán các khoản có liên quan đến quyền lợi. Do đó, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định đây là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và việc đơn phương này là trái pháp luật bởi lẽ Ban quản lý nghĩa trang không có căn cứ xác định chị V thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ. Ban quản lý nghĩa trang không có căn cứ chứng minh đã giao thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho chị V trong khi chị V cho rằng không nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm về thời hạn giao thông báo chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động.
[4]. Cấp sơ thẩm xác định yêu cầu khởi kiện của chị V hủy Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động số 12/QĐ-BQLNTLS ngày 11/3/2016 không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đình chỉ là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, tranh chấp lao động giữa chị V và Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang là tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự.
Yêu cầu khởi kiện của chị V hủy quyết định buộc thôi việc số 12 ngày 16/3/2016 của Trưởng ban quản lý nghĩa trang là có căn cứ. Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động, trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận lại người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động và phải trả tiền lương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc và bồi thường ít nhất hai tháng tiền lương theo hợp đồng.Tại phiên tòa, chị V chỉ yêu cầu hủy quyết định và không yêu cầu buộc Ban quản lý B phải nhận lại làm việc và rút toàn bộ yêu cầu bồi thường. Đây là sự tự nguyện của chị V nên Hội đồng xét xử cần ghi nhận.
[5]. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử có căn cứ chấp nhận đề nghị của đại diện Vện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Ngọc V, sửa bản án lao động sơ thẩm, hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 12 ngày 11/3/2016 của Trưởng ban quản lý B tỉnh Kiên Giang, ghi nhận sự tự nguyện của chị V không yêu cầu nhận lại vào làm việc, đình chỉ yêu cầu của chị V về thanh toán tiền lương trong những ngày không làm việc là 32.218.388 đồng, 02 tháng trợ cấp thôi việc là 4.438.000 đồng và tiền tổn thất tinh thần 11.500.000 đồng. Chị V được nhận các khoản trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.
[6]. Về án phí: Chị V không phải chịu án phí lao động sơ thẩm và án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Ngọc V về việc hủy quyết định chấp dứt hợp đồng lao động.
Sửa bản án lao động sơ thẩm số 03/2017/LĐ-ST, ngày 01/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Áp dụng Điều 15, 16, 17, 38, Điều 41, 42 của Bộ luật Lao động; khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009 của UBTVQH khóa 12; Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ; điểm c khoản 1 Điều 217 của bộ luật tố tụng dân sự. Tuyên xử:
1/ Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Ngọc V về việc yêu cầu bị đơn là Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang thanh toán tiền lương trong những ngày không làm việc là 32.218.388 đồng, 02 tháng trợ cấp thôi việc là 4.438.000 đồng và tổn thất tinh thần là 11.500.000 đồng.
2/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Hủy quyết định số 12/QĐ- BQLNTLS ngày 16/3/2016 của Trưởng ban quản lý B tỉnh Kiên Giang về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Nguyễn Ngọc V. Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn Nguyễn Ngọc V không yêu cầu Ban quản lý B tỉnh Kiên Giang nhận trở lại làm việc. Chị V được nhận trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.
3/ Về án phí: Án phí sơ thẩm và phúc thẩm nguyên đơn Nguyễn Ngọc V thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2018/LĐ-PT ngày 11/01/2018 về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 01/2018/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 11/01/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về