Quy định về hội đồng trường của trường tiểu học công lập?
Quy định về hội đồng trường của trường tiểu học công lập?
Căn cứ Điều 10 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định Hội đồng trường của trường công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan.
Hội đồng trường của trường công lập chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục.
- Thành phần của hội đồng trường tiểu học công lập gồm:
+ Bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch Công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh.
+ Hội đồng trường có chủ tịch, phó chủ tịch, thư kí và các thành viên khác.
+ Số lượng thành viên của hội đồng trường tiểu học công lập tối thiểu là 07 người và tối đa là 11 người.
- Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường tiểu học công lập bao gồm:
+ Quyết nghị về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển của nhà trường trong từng giai đoạn và từng năm học; quyết nghị về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường;
+ Giám sát các hoạt động của nhà trường; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.
- Hoạt động của hội đồng trường tiểu học công lập
+ Hội đồng trường họp thường kì ít nhất ba lần trong một năm. Trong trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường.
+ Chủ tịch hội đồng trường có thể mời đại diện chính quyền và đoàn thể địa phương tham dự cuộc họp của hội đồng trường khi cần thiết.
+ Phiên họp hội đồng trường được công nhận là hợp lệ khi có mặt từ ba phần tư số thành viên của hội đồng trở lên (trong đó có chủ tịch hội đồng). Quyết nghị của hội đồng trường được thông qua và có hiệu lực khi được ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt nhất trí.
Lưu ý: Quyết nghị của hội đồng trường được công bố công khai.
+ Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT.
Nếu hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị của hội đồng trường thì phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp của trường.
Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo quyết nghị của hội đồng trường đối với các vấn đề không trái với pháp luật hiện hành và Điều lệ này.
- Thủ tục thành lập hội đồng trường tiểu học công lập
Bước 1: Căn cứ vào quy định về thành phần của hội đồng trường tại mục b, khoản 1, Điều 10 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, hiệu trưởng tổng hợp danh sách nhân sự do tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường giới thiệu, trình đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hội đồng trường.
Bước 2: Chủ tịch hội đồng trường là thành viên trong nhà trường và do các thành viên của hội đồng bầu; phó chủ tịch và thư kí hội đồng do chủ tịch hội đồng chỉ định.
Nhiệm kì của hội đồng trường là 05 năm, trong trường hợp có sự thay đổi về nhân sự, hiệu trưởng làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng trường.
Quy định về hội đồng trường của trường tiểu học công lập? (Hình từ Internet)
Các hội đồng khác trong trường tiểu học gồm các hội đồng nào?
Căn cứ Điều 12 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, các hội đồng khác trong trường tiểu học gồm:
- Hội đồng thi đua khen thưởng
Hội đồng thi đua khen thưởng giúp hiệu trưởng tổ chức phong trào thi đua; hướng dẫn tổ chức phát động thi đua và giám sát việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết, xét và đề nghị khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường; kiến nghị đề xuất về công tác thi đua, khen thưởng.
Hội đồng thi đua khen thưởng do hiệu trưởng thành lập vào đầu mỗi năm học bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và các thành viên. Hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng.
Các thành viên của hội đồng bao gồm: phó hiệu trưởng, đại diện cấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổng phụ trách Đội, tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng, đại diện giáo viên.
Số lượng thành viên trong Hội đồng thi đua khen thưởng là số lẻ.
Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng triệu tập họp hội đồng định kì vào đầu năm học, cuối học kì 1, cuối năm học và họp đột xuất khi có yêu cầu công việc.
- Hội đồng kỉ luật
Hội đồng kỉ luật được thành lập để xét hoặc xóa kỉ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên theo từng vụ việc.Việc thành lập, thành phần và hoạt động của hội đồng kỉ luật được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Hội đồng tư vấn
Hiệu trưởng thành lập các hội đồng tư vấn để tư vấn giúp hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động quản lý và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ.
Nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần và thời gian hoạt động của các hội đồng tư vấn do hiệu trưởng quy định.
Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể trong trường tiểu học được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 13 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể trong nhà trường như sau:
- Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường tiểu học lãnh đạo nhà trường và hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
- Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong trường tiểu học theo quy định của pháp luật nhằm giúp nhà trường thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục.
- Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh hoạt động theo Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các quy định của pháp luật.
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh có tổng phụ trách Đội.
Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của tổng phụ trách Đội thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Những điểm mới đáng chú ý của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025 so với các năm trước?
- Mẫu phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân lớp 9? Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS?
- Đã có Thông tư 24 Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025?
- Làm thế nào để phòng ngừa bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp?
- Điều kiện cơ sở vật chất trong bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học?
- Căn cứ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành giáo dục?
- Định luật bảo toàn cơ năng là gì? Công thức định luật bảo toàn cơ năng học ở lớp mấy?
- Điều kiện thành lập trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao công lập là gì?
- Công thức tính lực đẩy Acsimet là gì? Học sinh lớp 8 được chuyển trường khi nào?
- Địa điểm nào được Nguyễn Huệ chọn làm nơi quyết chiến với quân Xiêm? Quy tắc chung về ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là gì?