Phương án tinh gọn các Bộ và cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141 như thế nào?

Phương án sắp xếp, tinh gọn các Bộ và cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141 như thế nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ cụ thể gì trong Kế hoạch 141?

Phương án tinh gọn các Bộ và cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141 như thế nào?

Căn cứ tiểu mục 2.2 Mục II Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 có nêu định hướng kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với các Bộ và cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ như sau:

(1) Duy trì 08 Bộ, cơ quan ngang Bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong)

- Đối với các Bộ, gồm: (1) Bộ Quốc phòng; (2) Bộ Công an; (3) Bộ Tư pháp; (4) Bộ Công Thương; (5) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đối với các cơ quan ngang Bộ, gồm: (1) Văn phòng Chính phủ; (2) Thanh tra Chính phủ; (3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc đề xuất duy trì các bộ, cơ quan ngang Bộ nêu trên là cần thiết, bảo tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

(2) Định hướng cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang Bộ

- Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng).

- Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.

- Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ).

- Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

- Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động Ban này); đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

- Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội).

- Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.

- Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phương án tinh gọn các Bộ và cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141 như thế nào?

Phương án tinh gọn các Bộ và cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141 như thế nào? (Hình từ Internet)

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ cụ thể gì trong Kế hoạch 141?

Căn cứ tiểu mục 3.10 Mục V Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ cụ thể sau:

- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 02 Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 02 Đại học Quốc gia (kèm theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi sắp xếp).

- Chủ động xây dựng phương án tiếp nhận và sắp xếp, cơ cấu lại, thu gọn đầu mối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang), bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục là cơ quan nào?

Theo Điều 105 Luật Giáo dục năm 2019 thì cơ quan quản lý về giáo dục hiện nay là các cơ quan sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.

- Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

+ Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn;

+ Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý;

+ Phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương;

+ Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước và chính sách của địa phương để bảo đảm quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ và chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý;

+ Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Từ ngày 05/01/2025, hồ sơ đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Phương án tinh gọn các Bộ và cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141 như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Phôi văn bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục bị hủy bỏ khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Địa chỉ phần mềm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Hỏi đáp Pháp luật
Công văn 5636 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về vấn đề gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Số điện thoại đường dây nóng Bộ Giáo dục và Đào tạo 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Nguyên tắc làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo là như thế nào?
Tác giả: Nguyễn Như Quỳnh
Lượt xem: 516

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;