Danh hiệu giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm là gì? Mục đích như thế nào?
Danh hiệu giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm là gì? Mục đích như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Điều lệ Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc kèm theo Quyết định 2777/QĐ-BGDĐT năm 2022 quy định danh hiệu giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm là một hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh của cơ quan có thẩm quyền đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đạt thành tích tại Hội thi.
Theo Điều 2 Điều lệ Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc kèm theo Quyết định 2777/QĐ-BGDĐT năm 2022 mục đích Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc là:
- Nâng cao năng lực sư phạm của giảng viên: đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá, tạo điều kiện giảng viên học tập, trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ sư phạm, tăng cường đoàn kết, hợp tác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo;
- Phát hiện, công nhận, tuyên dương và tổng kết, phổ biến những mô hình, phương thức tổ chức đào tạo, giảng dạy và kiểm tra đánh giá hiệu quả trong giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm;
- Góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của trường và của ngành; khuyến khích giảng viên tự rèn luyện, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp;
- Là căn cứ đánh giá năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên, làm cơ sở để các cơ quan quản lý, các nhà trường chỉ đạo việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
Danh hiệu giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm là gì? Mục đích như thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Điều lệ Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc kèm theo Quyết định 2777/QĐ-BGDĐT năm 2022 nội dung thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc bao gồm những nội dung các vấn đề có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục:
- Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014;
- Quy định về: Chế độ làm việc đối với giảng viên; đạo đức nhà giáo; tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp giảng viên;
- Quy chế sinh viên;
- Hiểu biết chung về: Khung trình độ quốc gia, chuẩn chương trình đào tạo của nhóm ngành, đổi mới giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, giáo dục học đại học và tâm lý lứa tuổi sinh viên, phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá hiện đại trong giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Số lượng thành viên Ban Thư ký Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc?
Theo khoản 1 Điều 11 Điều lệ Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc ban hành kèm theo Quyết định 2777/QĐ-BGDĐT năm 2022 quy định như sau:
Ban Thư ký Hội thi
1. Thành phần Ban Thư ký Hội thi (sau đây gọi là Ban Thư ký) gồm: Trưởng ban và ủy viên (không bao gồm thư ký của Tiểu Ban Giám khảo), số lượng thành viên Ban Thư ký có ít nhất là 03 người và do Trưởng Ban Tổ chức quyết định.
a) Trưởng Ban Thư ký: Một thành viên của Ban Tổ chức kiêm nhiệm;
b) Ủy viên: Bao gồm những người có đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của ủy viên Ban Thư ký được quy định tại khoản 4 của Điều này.
...
Căn cứ trên quy định thành phần Ban Thư ký Hội thi gồm: Trưởng ban và ủy viên (không bao gồm thư ký của Tiểu Ban Giám khảo).
Số lượng thành viên Ban Thư ký Hội thi có ít nhất là 03 người và do Trưởng Ban Tổ chức quyết định.
- Trưởng Ban Thư ký: Một thành viên của Ban Tổ chức kiêm nhiệm;
- Ủy viên: Bao gồm những người có đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của ủy viên Ban Thư ký như sau:
+ Chịu sự phân công, chỉ đạo của Trưởng Ban Thư ký về việc thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn được quy định;
+ Được phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực của mỗi ủy viên.