Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là gì?
Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là gì?
Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là gì, tuy nhiên có thể hiểu ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là việc một bên (thường là nhà bán hàng, cung cấp dịch vụ) được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba để lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ và gửi hóa đơn điện tử thay mặt cho mình.
Và theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 78/2021/TT-BTC như sau:
Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử
1. Nguyên tắc ủy nhiệm lập hóa đơn
a) Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba là bên có quan hệ liên kết với người bán, là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Quan hệ liên kết được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
b) Việc ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản (hợp đồng hoặc thỏa thuận) giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm;
c) Việc ủy nhiệm phải thông báo cho cơ quan thuế khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử;
d) Hóa đơn điện tử do tổ chức được ủy nhiệm lập là hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế và phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của bên ủy nhiệm và tên, địa chỉ, mã số thuế của bên nhận ủy nhiệm;
đ) Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm có trách nhiệm niêm yết trên website của đơn vị mình hoặc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người mua hàng hóa, dịch vụ được biết về việc ủy nhiệm lập hóa đơn. Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước thời hạn ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử theo thỏa thuận giữa các bên thì bên ủy nhiệm, bên nhận ủy nhiệm hủy các niêm yết, thông báo trên website của đơn vị mình hoặc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về việc ủy nhiệm lập hóa đơn;
...
Như vậy, người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba là bên có quan hệ liên kết với người bán, là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định pháp luật.
Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là gì? (Hình từ Internet)
Hợp đồng ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử của doanh nghiệp cho bên thứ ba phải đảm bảo nội dung nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 78/2021/TT-BTC có quy định về nội dung của hợp đồng ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử phải thể hiện đầy đủ các thông tin sau:
- Thông tin về bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm (tên, địa chỉ, mã số thuế, chứng thư số);
- Thông tin về hóa đơn điện tử ủy nhiệm (loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn);
- Mục đích ủy nhiệm;
- Thời hạn ủy nhiệm;
- Phương thức thanh toán hóa đơn ủy nhiệm (ghi rõ trách nhiệm thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn ủy nhiệm);
Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm có trách nhiệm lưu trữ văn bản ủy nhiệm và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Các trường hợp doanh nghiệp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có quy định doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp sau ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế:
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp cơ quan thuế xác minh và thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạm ngừng kinh doanh;
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh có thông báo của cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện cưỡng chế nợ thuế;
- Trường hợp có hành vi sử dụng hóa đơn điện tử để bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;
- Trường hợp có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;
-Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế xác định doanh nghiệp được thành lập để thực hiện mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để trốn thuế theo quy định thì cơ quan thuế ban hành quyết định ngừng sử dụng hóa đơn điện tử; doanh nghiệp bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Người nộp thuế bị ấn định thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
- Doanh nghiệp chậm đăng ký thuế cho nhân viên bị phạt bao nhiêu tiền?
- Cách điều chỉnh giá trị trên hóa đơn sai sót như thế nào? Thông tư 78 xử lý hóa đơn sai sót áp dụng cho ai?
- Khoản chi tài trợ cho y tế có được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp?
- Mã chương nộp thuế môn bài 2025 như thế nào?
- Hướng dẫn điền mẫu 05-ĐK-TCT Tờ khai đăng ký thuế dùng cho cá nhân không kinh doanh trực tiếp đăng ký thuế mới nhất 2025?
- Hướng dẫn điền mẫu 04-ĐK-TCT Tờ khai đăng ký thuế dùng cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài áp dụng từ 06/02/2025?
- Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký thuế mới nhất 2025 theo Thông tư 86 như thế nào?
- Link tải mẫu hóa đơn bán lẻ file word, excel, pdf mới nhất 2025?
- Mẫu Tờ khai thuế TNDN áp dụng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo từng lần phát sinh là mẫu nào?