Lịch đi làm lại của cán bộ, công chức, viên chức sau Tết Nguyên đán 2025? Công chức thuế có những chức danh như thế nào?
Lịch đi làm lại của cán bộ, công chức, viên chức sau Tết Nguyên đán 2025?
Căn cứ theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 của Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hộ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 8726/VPCP-KGVX năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về việc lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như sau:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công văn số 8726/VPCP-KGVX ngày 26 tháng 11 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về việc nghỉ tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo để các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 như sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là công chức, viên chức) được nghỉ dịp tết Âm lịch năm 2025 từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 05 ngày nghỉ tết Âm lịch và 04 ngày nghỉ hằng tuần.
...
2. Công chức, viên chức được nghỉ dịp lễ Quốc khánh năm 2025 từ thứ Bảy ngày 30/8/2025 đến hết thứ Ba ngày 02/9/2025 Dương lịch. Đợt nghỉ này bao gồm 02 ngày nghỉ lễ Quốc khánh và 02 ngày nghỉ hằng tuần.
3. Công chức, viên chức được hoán đổi ngày làm việc từ thứ Sáu ngày 02/5/2025 sang thứ Bảy ngày 26/4/2025. Như vậy, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 công chức, viên chức được nghỉ 05 ngày liên tục từ thứ Tư ngày 30/4/2025 đến hết Chủ nhật ngày 04/5/2025 (làm bù vào thứ Bảy ngày 26/4/2025).
4. Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 lưu ý thực hiện: bố trí, sắp xếp các bộ phận ứng trực theo quy định và làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, Nhân dân, trong đó lưu ý cử cán bộ, công chức ứng trực xử lý những công việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra trong thời gian nghỉ Tết, nghỉ lễ theo quy định.
5. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch, biện pháp cụ thể, phù hợp khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực, chủ động triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả, thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025, năm tăng tốc, bứt phá thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
...
Theo đó, lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ tổng cộng 09 ngày từ ngày 25/01/2025 Dương lịch (26 tháng Chạp) đến hết ngày 02/02/2025 Dương lịch (Mùng 5 Tết).
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức sẽ đi làm lại sau Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 03/02/2025 (Mùng 6 Tết)
Lịch đi làm lại của cán bộ, công chức, viên chức sau Tết Nguyên đán 2025? (Hình ảnh từ Internet)
Công chức thuế có những chức danh như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 29/2022/TT-BTC quy định 05 chức danh của công chức thuế như sau:
Chức danh | Mã số ngạch |
Kiểm tra viên cao cấp thuế | 06.036 |
Kiểm tra viên chính thuế | 06.037 |
Kiểm tra viên thuế | 06.038 |
Kiểm tra viên trung cấp thuế | 06.039 |
Nhân viên thuế | 06.040 |
Trong đó:
(1) Kiểm tra viên cao cấp thuế:
Căn cứu theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định kiểm tra viên cấp cao thuế là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhất trong lĩnh vực thuế, bố trí đối với các chức danh lãnh đạo cấp Tổng cục, lãnh đạo Vụ, Cục và tương đương, lãnh đạo Cục thuế tỉnh, thành phố có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về thuế tại Tổng cục Thuế và Cục thuế tỉnh, thành phố và thực hiện các phần hành nghiệp vụ thuế ở mức độ phức tạp cao, tiến hành trong phạm vi tỉnh, nhiều tỉnh hoặc toàn quốc.
(2) Kiểm tra viên chính thuế:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định kiểm tra viên chính thuế là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao của ngành thuế, giúp lãnh đạo chủ trì, tổ chức thực hiện quản lý thuế hoặc trực tiếp thực hiện các phần hành của nghiệp vụ thuế theo chức năng được phân công tại các đơn vị trong ngành thuế.
(3) Kiểm tra viên thuế
Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định kiểm tra viên thuế là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản của ngành thuế; trực tiếp thực hiện phần hành công việc của nghiệp vụ quản lý thuế.
(4) Kiểm tra viên trung cấp thuế
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định kiểm tra viên trung cấp thuế là công chức thực thi các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ của ngành thuế; trực tiếp thực hiện một phần hành nghiệp vụ trong công tác quản lý thuế tại đơn vị.
(5) Nhân viên thuế
Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định nhân viên thuế là công chức thừa hành, thực hiện nhiệm vụ đơn giản về chuyên môn nghiệp vụ của ngành thuế; trực tiếp thực hiện một phần hành công việc thuộc nghiệp vụ quản lý thuế theo sự phân công của đơn vị.
Nhiệm vụ của nhân viên thuế là gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định về nhiệm vụ của nhân viên thuế như sau:
- Tham gia xây dựng kế hoạch công việc tháng, quý, năm và kế hoạch thu thuế và thu khác của đơn vị thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:
+ Xác định các đối tượng nộp thuế thuộc phạm vi quản lý để có biện pháp quản lý phù hợp theo quy định của pháp luật thuế;
+ Hướng dẫn đối tượng nộp thuế thực hiện việc đăng ký thuế, khai thuế, cấp mã số thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế. Đồng thời giải thích cho đối tượng nộp thuế hiểu rõ chính sách thuế thuộc phần hành quản lý;
+ Tiếp nhận tờ khai đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, kiểm tra xác định tính đúng đắn, chính xác căn cứ tính thuế để có nhận xét chính thức vào tờ khai nộp thuế của đối tượng nộp thuế;
+ Tính thuế, lập sổ bộ thuế, phát hành thông báo nộp thuế, lệnh thu thuế, nộp phạt tiền thuế;
+ Theo dõi đôn đốc để thu đúng, thu đủ, kịp thời số tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước;
+ Thực hiện kiểm tra về nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng nộp thuế trong phạm vi quản lý, lập biên bản trường hợp vi phạm chính sách thuế để trình cấp có thẩm quyền xử lý;
- Phối hợp với đồng nghiệp, cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế;
- Quản lý hồ sơ tài liệu thuộc phần hành quản lý theo quy định hiện hành;
- Chịu sự hướng dẫn quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của công chức chuyên môn ngạch cao hơn và của cấp trên.