Hướng dẫn xác định số tiền thuế phải nộp đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán?
Hướng dẫn xác định số tiền thuế phải nộp đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán?
Căn cứ khoản 3 Điều 67 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
...
3. Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần tiền thuế nợ còn lại do chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông góp vốn, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm nộp theo quy định đối với mỗi loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp
...
Căn cứ điểm b khoản 10 Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Các trường hợp cơ quan quản lý thuế tính thuế, thông báo nộp thuế
...
10. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cơ quan hải quan tính thuế, thông báo thuế trong các trường hợp sau:
...
b) Người nộp thuế chấm dứt hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, giải thể, phá sản chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì cơ quan hải quan tính thuế, thông báo thuế để xác định số tiền thuế phải nộp đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
...
Căn cứ điểm b.2 khoản 4 Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC như sau:
Báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu
...
4. Xử lý quá hạn nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu
...
b) Biện pháp xử lý sau khi đã thực hiện đôn đốc, điều tra, xác minh, truy tìm:
...
b.2) Đối với tổ chức, cá nhân bỏ trốn, mất tích mà cơ quan hải quan không có định mức thực tế để xác định số tiền thuế thì sử dụng định mức thực tế đối với hàng hóa tương tự của tổ chức, cá nhân khác. Sau khi xác định được số tiền thuế thì hoàn thiện hồ sơ và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền điều tra về tội buôn lậu, trốn thuế theo quy định của Bộ Luật hình sự.
...
Bên cạnh đó, Công văn 6060/TCHQ-TXNK 2024 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn cách xác định số tiền thuế phải nộp đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán như sau:
- Trường hợp người nộp thuế chấm dứt hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, giải thể, phá sản chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì cơ quan hải quan tính thuế, thông báo thuế xác định số tiền thuế phải nộp đối với tổ chức, cá nhân có liên quan: như chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông góp vốn, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm nộp theo quy định đối với mỗi loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ liên quan và các cơ quan chức năng đang thụ lý, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp vụ việc có dấu hiệu của tội buôn lậu, trốn thuế thì thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại điểm b.2 khoản 4 Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) và điểm 3 Công văn số 7420/TCHQ-TXNK ngày 28/11/2019 của Tổng cục Hải quan.
- Thông báo thuế thực hiện theo quy định tại Mẫu số 01/TBXNK Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Hướng dẫn xác định số tiền thuế phải nộp đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào phải cập nhật số tiền thuế phải nộp trên hệ thống kế toán thuế tập trung?
Căn cứ điểm a, d khoản 3 Điều 16 Thông tư 174/2015/TT-BTC quy định về nhiệm vụ thực hiện kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Nhiệm vụ thực hiện kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu
...
3. Tại các Chi cục Hải quan và tương đương:
a) Kiểm tra tính hợp lệ của các chứng từ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu và cập nhật vào hệ thống kế toán;
...
d) Tổ chức công tác kế toán tại đơn vị mình đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật thuế, hải quan và pháp luật kế toán.
Căn cứ quy định trên, trường hợp cơ quan hải quan tính thuế và ban hành thông báo thuế để xác định số tiền thuế phải nộp thì cơ quan hải quan thực hiện cập nhật vào hệ thống kế toán thuế tập trung theo quy định của pháp luật.
Việc lập và ký chứng từ kế toán được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 19 Thông tư 174/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 112/2018/TT-BTC quy định về việc lập, ký và lưu giữ chứng từ kế toán như sau:
(1) Mọi phát sinh liên quan đến việc ghi sổ kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đều phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập 01 lần cho một nghiệp vụ phát sinh.
(2) Chứng từ kế toán phải lập theo nội dung quy định trên mẫu cho từng loại nghiệp vụ, phải bảo đảm đủ nội dung và bảo đảm tính pháp lý đối với từng loại chứng từ theo quy định của Luật Kế toán và Nghị định 174/2016/NĐ-CP.
(3) Ghi chép trên chứng từ kế toán
- Việc ghi chép trên chứng từ phải đầy đủ, rõ ràng, kịp thời, chính xác theo quy định tại Điều 18 của Luật Kế toán và Nghị định 174/2016/NĐ-CP;
- Chữ viết trên chứng từ phải liên tục, không ngắt quãng, không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút bi hoặc bút mực; không viết bằng mực đỏ, bằng bút chì;
- Số tiền viết bằng chữ phải đúng với số tiền viết bằng số. Chữ đầu tiên phải viết in hoa, những chữ còn lại không được viết bằng chữ in hoa; phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn; chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ. Chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa đều không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai vào mẫu chứng từ in sẵn thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo chứng từ viết sai.
(4) Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên quy định. Trường hợp phải lập nhiều liên chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính thì nội dung các liên phải giống nhau.
(5) Chứng từ kế toán được lập dưới dạng chứng từ điện tử phải tuân theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 của Luật Kế toán và Nghị định 174/2016/NĐ-CP.
(6) Ký chứng từ kế toán
- Chứng từ kế toán phải được ký theo đúng quy định tại Điều 19 Luật Kế toán và Nghị định 174/2016/NĐ-CP. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với mẫu chữ ký đã đăng ký theo quy định;
- Người lập, người duyệt và những người khác ký tên trên chứng từ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán;
- Người có trách nhiệm ký chứng từ kế toán chỉ được ký chứng từ khi đã ghi đầy đủ nội dung thuộc trách nhiệm của mình theo quy định.