FOB là gì? CIF là gì? Cách tính thuế xuất nhập khẩu theo giá FOB?

Định nghĩa về FOB và CIF? Thuế xuất nhập khẩu theo giá FOB sẽ tính như thế nào?

FOB là gì? CIF là gì?

FOB (Free On Board) và CIF (Cost, Insurance, and Freight) là hai điều khoản phổ biến trong thương mại quốc tế, được sử dụng để xác định trách nhiệm và chi phí giữa người bán và người mua trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

- FOB (Free On Board): có nghĩa là người bán hoàn thành trách nhiệm khi hàng hóa đã được xếp lên boong tàu tại cảng xếp. Từ thời điểm đó, người mua chịu trách nhiệm về mọi rủi ro và chi phí liên quan đến vận chuyển hàng hóa từ cảng xếp đến điểm đích.

- CIF (Cost, Insurance, and Freight): là người bán chịu trách nhiệm về chi phí vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa đến cảng đích. Tuy nhiên, rủi ro chuyển giao từ người bán sang người mua khi hàng hóa đã được xếp lên boong tàu tại cảng xếp. Điều này có nghĩa là người bán phải trả chi phí vận chuyển và bảo hiểm, nhưng người mua chịu rủi ro từ khi hàng hóa được xếp lên tàu.

FOB là gì? CIF là gì? Cách tính thuế xuất nhập khẩu theo giá FOB?

FOB là gì? CIF là gì? Cách tính thuế xuất nhập khẩu theo giá FOB? (Hình từ Internet)

Cách tính thuế xuất nhập khẩu theo giá FOB?

Cách tính thuế xuất nhập khẩu theo giá FOB được căn cứ Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016. Cụ thể thuế xuất nhập khẩu sẽ được xác định theo trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.

Trị giá tính thuế (trị giá hải quan) được xác định đối với mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu như sau:

- Hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên (trị giá CIF).

- Hàng xuất khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu xuất (trị giá FOB).

Hàng hóa xuất khẩu bị ấn định thuế khi nào?

Theo khoản 1 Điều 52 Luật Quản lý thuế 2019 thì hàng hóa xuất khẩu bị ấn định thuế trong các trường hợp sau:

- Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không khai thuế hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;

- Quá thời hạn quy định mà người khai thuế không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp theo quy định;

- Người khai thuế không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan;

- Người khai thuế không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;

- Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;

- Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp;

- Người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp;

- Trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật.

Ấn định thuế dựa trên những căn cứ nào?

Theo Điều 15 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về căn cứ ấn định thuế như sau:

(1) Người nộp thuế bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp

- Tổ chức, cá nhân bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung nhưng người nộp thuế không khai bổ sung hoặc khai bổ sung không chính xác, trung thực theo yêu cầu của cơ quan thuế.

+ Qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp của người nộp thuế hoặc qua kiểm tra, đối chiếu, xác minh, sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thuế có cơ sở chứng minh người nộp thuế hạch toán không chính xác, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.

+ Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế hoặc hạch toán giá mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.

+ Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhưng không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số tiền thuế phải nộp.

+ Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 10, 11, 12 Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

- Căn cứ ấn định thuế

+ Đối với người nộp thuế là tổ chức

Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; số tiền thuế phải nộp bình quân tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác để thực hiện ấn định theo từng yếu tố.

+ Đối với cá nhân chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản

Cơ quan thuế ấn định giá tính thuế trong trường hợp xác định được cá nhân kê khai, nộp thuế với giá tính thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường trên thị trường. Giá tính thuế do cơ quan thuế ấn định phải đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thông thường trên thị trường nhưng không thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm xác định giá tính thuế.

- Trên cơ sở từng yếu tố bị ấn định, cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

(2) Người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định của pháp luật, như sau:

- Tổ chức nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

- Căn cứ ấn định thuế

Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; doanh thu tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác có cùng điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế để thực hiện ấn định doanh thu tính thuế.

- Trên cơ sở doanh thu đã ấn định, cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

Giá fob và cif
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
FOB là gì? CIF là gì? Cách tính thuế xuất nhập khẩu theo giá FOB?
Tác giả: Đỗ Văn Minh
Lượt xem: 224
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;