Điều kiện xin miễn công tác và sinh hoạt đảng năm 2025 là gì? Mức đóng đảng phí của đảng viên hiện nay là bao nhiêu?
Điều kiện xin miễn công tác và sinh hoạt đảng năm 2025 là gì?
Căn cứ Điều 7 Quy định 232-QĐ/TW năm 2025 quy định như sau:
Đảng viên xin miễn công tác và sinh hoạt đảng
7.1. Đảng viên tuổi cao, sức khoẻ yếu không thể tham gia sinh hoạt đảng được, tự làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo với chi bộ xin giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng, chi bộ xem xét, quyết định. Chi ủy hoặc bí thư chi bộ báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp biết.
7.2. Đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng có quyền hạn và trách nhiệm sau:
7.2.1. Được dự đại hội đảng viên; được cung cấp thông tin theo quy định tại Mục 2.1 nếu đảng viên đó yêu cầu.
7.2.2. Được xét tặng Huy hiệu Đảng khi có đủ tiêu chuẩn.
7.2.3. Được miễn đánh giá chất lượng đảng viên trong thời gian được miễn công tác và sinh hoạt đảng.
7.2.4. Bản thân phải gương mẫu và vận động gia đình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, nếu vi phạm kỷ luật đảng thì xử lý kỷ luật như đối với đảng viên đang sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng.
Như vậy điều kiện xin miễn công tác và sinh hoạt đảng của đảng viên là đảng viên tuổi cao, sức khoẻ yếu không thể tham gia sinh hoạt đảng được.
Lưu ý:
Khi đảng viên muốn tự xin miễn công tác và sinh hoạt đảng thì đảng viên phải tự làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo với chi bộ xin giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng, chi bộ xem xét, quyết định.
Điều kiện xin miễn công tác và sinh hoạt đảng năm 2025 là gì? Mức đóng đảng phí của đảng viên hiện nay là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Đảng viên có quyền gì theo Quy định 232?
Căn cứ Điều 3 Quy định 232-QĐ/TW năm 2025 thì đảng viên có những quyền sau:
(1) Quyền được thông tin của đảng viên.
Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp ủy cấp trên, các cấp ủy đảng thông tin cho đảng viên về tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thời sự trong nước, thế giới... phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(2) Quyền của đảng viên trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.
Thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(3) Quyền của đảng viên trong việc phê bình, chất vấn tổ chức đảng và đảng viên; báo cáo, kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm.
Đảng viên được phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị trực tiếp hoặc bằng văn bản trong phạm vi tổ chức của Đảng về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp; về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức của đảng viên đó; chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng về ý kiến của mình. Khi nhận được ý kiến phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị, tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm phải trả lời theo thẩm quyền, chậm nhất là 30 ngày làm việc đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, 60 ngày làm việc đối với cấp huyện, tỉnh và tương đương, 90 ngày làm việc đối với cấp Trung ương. Những trường hợp phức tạp cần phải kéo dài hơn thời gian quy định trên thì phải thông báo cho tổ chức đảng và đảng viên biết lý do.
(4) Đảng viên được thông báo ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi làm việc và nơi cư trú khi xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; được trình bày ý kiến với tổ chức đảng, cấp ủy đảng khi xem xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.
Mức đóng đảng phí của đảng viên hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ theo Mục 1 Phần B Quy định về chế độ đảng phí ban hành kèm theo Quyết định 342/QĐ-TW năm 2010 thì mức đóng đảng phí của đảng viên hiện nay được quy định như sau:
Thu nhập hằng tháng của đảng viên để tính đóng đảng phí bao gồm: tiền lương, một số khoản phụ cấp; tiền công; sinh hoạt phí; thu nhập khác. Đảng viên xác định được thu nhập thường xuyên, đóng đảng phí theo tỷ lệ (%) của thu nhập hằng tháng (chưa tính trừ thuế thu nhập cá nhân); đảng viên khó xác định được thu nhập thì quy định mức đóng cụ thể hằng tháng cho từng loại đối tượng.
Đối tượng đóng phí | Mức đóng đảng phí hằng tháng |
Đảng viên trong các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang | Đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền lương, các khoản phụ cấp, tiền công, sinh hoạt phí |
Đảng viên hưởng lương bảo hiểm xã hội | Đóng đảng phí hằng tháng bằng 0,5% mức tiền lương bảo hiểm xã hội |
Đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế | Đóng đảng phí hẳng tháng bằng 1% tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ quỹ tiền lương của đơn vị |
Đảng viên khác trong nước (bao gồm đảng viên nông nghiệp, nông thôn, đảng viên là học sinh, sinh viên...) | Đóng đảng phí từ 2.000 đồng đến 30.000 đồng/tháng. Đối với đảng viên ngoài độ tuổi lao động, mức đóng đảng phí bằng 50% đảng viên trong độ tuổi lao động. |
Đảng viên sống học tập, làm việc ở ngoài nước: | |
(1) Đảng viên làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở ngoài nước; đảng viên là lưu học sinh theo Hiệp dịnh được nước ngoài tài trợ hoặc được đài thọ từ ngân sách nhà nước | Đóng đảng phí bằng 1% mức sinh hoạt phí hằng tháng. |
(2) Đảng viên đi du học tự túc; đảng viên đi xuất khẩu lao động; đảng viên đi theo gia đình, đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống | Đóng đảng phí hằng tháng từ 2 đến 5 USD |
(3) Đảng viên là chủ hoặc đồng chủ sở hữu các doanh nghiệp, khu thương mại, cửa hàng dịch vụ | Đóng đảng phí hằng tháng tối thiểu hằng tháng là 10 USD |
Lưu ý: Khuyến khích đảng viên thuộc mọi đối tượng trên đây tự nguyện đóng đảng phí cao hơn mức quy định nhưng phải được chi ủy đồng ý.
Đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nếu có đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng đảng phí, chi bộ xem xét, báo cáo lên cấp ủy cơ sở quyết định.