Cải cách chính sách thuế sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ có đúng không?
Xuất khẩu tại chỗ là gì?
Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm xuất nhập khẩu tại chỗ. Tuy nhiên, có thể hiểu xuất khẩu tại chỗ là một hình thức mà hàng hóa được các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bán cho thương nhân nước ngoài, nhưng lại giao hàng cho một doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.
Điều này có nghĩa là hàng hóa không cần phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, mà chỉ cần di chuyển từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp nhận hàng trong nước. Hình thức này giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, thời gian và còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế.
Theo khoản 1 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:
- Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công;
- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Cải cách chính sách thuế sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ có đúng không? (Hình từ Internet)
Cải cách chính sách thuế sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ có đúng không?
Theo điểm c khoản 1 Mục 3 Điều 1 Quyết định 508/QĐ-TTg năm 2022 quy định thì giải pháp thực hiện chiến lược cải cách chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 như sau:
- Tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2025 số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 32 mức hiện nay xuống còn khoảng 25 mức vào năm 2025 và 20 mức vào năm 2030;
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô;
- Có chính sách ưu đãi phù hợp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và các cam kết quốc tế;
- Nghiên cứu sửa đổi các quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ và các quy định liên quan đến khu phi thuế quan, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, hạn chế gian lận thương mại, trốn thuế.
Theo đó thực hiện chiến lược cải cách chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì sẽ tiến hành nghiên cứu sửa đổi các quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ để đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, hạn chế gian lận thương mại, trốn thuế.
Hồ sơ đề nghị giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm những gì?
Theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP và điểm d khoản 20 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP) quy định hồ sơ đề nghị giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm:
(1) Công văn đề nghị giảm thuế của người nộp thuế gửi qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan theo các tiêu chí thông tin tại Mẫu số 3 Phụ lục VIIa hoặc công văn đề nghị giảm thuế theo Mẫu số 08 tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP: 01 bản chính;
(2) Hợp đồng bảo hiểm, thông báo trả tiền bồi thường của tổ chức nhận bảo hiểm (nếu có), trường hợp hợp đồng bảo hiểm không bao gồm nội dung bồi thường về thuế phải có xác nhận của tổ chức bảo hiểm; hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận đền bù của hãng vận tải đối với trường hợp tổn thất do hãng vận tải gây ra (nếu có): 01 bản chụp;
(3) Biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại (biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy của địa phương nơi xảy ra vụ cháy; văn bản xác nhận của một trong các cơ quan, tổ chức có liên quan sau: Cơ quan Công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý khu công nghiệp; Ban quản lý khu chế xuất; Ban quản lý khu kinh tế; Ban quản lý cửa khẩu; Cảng vụ hàng hải; Cảng vụ hàng không nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng về thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại cho nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu): 01 bản chính.
(4) Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa: 01 bản chính.
- Sửa đổi quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu từ ngày 01/7/2025?
- Ngày 10 tháng Chạp rơi vào ngày mấy dương lịch 2025? Ngày 10 tháng Chạp là ngày gì? Hạn cuối nộp lệ phí môn bài 2025 là khi nào?
- Mẫu giấy ủy quyền mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in là mẫu nào?
- Mẫu kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia mới nhất năm 2024?
- Không đề nghị hoàn thuế thì cơ quan thuế có tự động hoàn thuế TNCN không?
- Hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị khép vào tội gì?
- 03 điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào từ 01/7/2025?
- Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại được hoàn thuế GTGT khi nào?
- Thưởng Tết cho người nào động bằng quà là hiện vật trị giá 2 triệu có tính thuế thu nhập cá nhân không?
- Chế độ làm việc của Tổng cục Thuế như thế nào?