Luật Đất đai 2024

Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Số hiệu 27/2020/NĐ-CP
Cơ quan ban hành Chính phủ
Ngày ban hành 01/03/2020
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương
Loại văn bản Nghị định
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 40/2014/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC SỬ DỤNG, TRỌNG DỤNG CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 87/2014/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THU HÚT CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VÀ CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI THAM GIA HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:

1. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ

1. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Cá nhân có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ không phải qua tập sự và được xếp vào bậc lương phù hợp với vị trí việc làm theo quy định.”

2. Bổ sung Điều 5a như sau:

“Điều 5a. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ đối với cá nhân có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ

1. Thông báo tiếp nhận vào viên chức

Đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ thông báo công khai nhu cầu tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo nói, báo hình) trước ngày bắt đầu nhận hồ sơ ít nhất 30 ngày; đồng thời đăng tải trong thời hạn ít nhất 30 ngày trên Cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của đơn vị.

2. Hồ sơ đăng ký xét tiếp nhận vào viên chức

Cá nhân đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, các điều kiện để được tuyển dụng theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và đạt thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký xét tiếp nhận vào viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ (tại Bộ phận Một cửa) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc gửi theo đường bưu chính. Hồ sơ bao gồm:

a) Phiếu đăng ký xét tiếp nhận vào viên chức (theo Mẫu số 01/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Bản Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

c) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập, thành tích khoa học và công nghệ theo yêu cầu của vị trí xét tuyển. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận;

d) Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe cấp theo quy định của Bộ Y tế;

đ) Lý lịch khoa học của người đề nghị tiếp nhận vào viên chức.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của các hồ sơ và lập danh sách kèm theo hồ sơ của cá nhân đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.

4. Việc xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh trợ lý nghiên cứu, kỹ thuật viên (chức danh hạng IV), nghiên cứu viên, kỹ sư (chức danh hạng III) thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tiếp nhận vào viên chức, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ (hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận vào viên chức) thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để xét chọn ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng IV, chức danh hạng III;

b) Căn cứ kết quả xét chọn của Hội đồng kiểm tra, sát hạch, trong thời hạn 15 ngày, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ (hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng) xem xét, quyết định công nhận kết quả xét tiếp nhận vào viên chức. Kết quả xét tiếp nhận vào viên chức được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả xét tiếp nhận vào viên chức, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ (hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức) ra quyết định tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào hạng chức danh.

5. Việc xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu viên chính, kỹ sư chính (chức danh hạng II) được thực hiện như sau:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ gửi hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng II đến cơ quan chủ quản là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị xem xét tiếp nhận vào viên chức;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng II;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng II của Hội đồng kiểm tra, sát hạch, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kết quả xét của Hội đồng kiểm tra, sát hạch và hồ sơ của các cá nhân đề nghị tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng II về Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của từng cá nhân;

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, có ý kiến trả lời bằng văn bản về việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của từng cá nhân được đề nghị tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng II;

đ) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo kết quả xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng II. Kết quả xét tiếp nhận vào viên chức được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị.

6. Việc xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu viên cao cấp, kỹ sư cao cấp (chức danh hạng I) được thực hiện như sau:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ gửi hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng I đến cơ quan chủ quản là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị xem xét tiếp nhận;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng I;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả của Hội đồng kiểm tra, sát hạch, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kết quả và kèm hồ sơ của các cá nhân đề nghị xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng I về Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của từng cá nhân;

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, tổng hợp danh sách đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng I gửi Bộ Nội vụ để có ý kiến về bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh hạng I;

đ) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ xem xét, có ý kiến trả lời về việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh hạng I đối với từng trường hợp đủ điều kiện được tiếp nhận vào viên chức, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện;

e) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo kết quả xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh hạng I. Kết quả xét tiếp nhận vào viên chức được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về thành tích khoa học và công nghệ, Hội đồng kiểm tra, sát hạch, cách tính điểm để xác định người được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ quy định tại Điều này.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác

1. Người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thăng hạng đạt một trong các điều kiện sau:

a) Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội;

c) Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ;

d) Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư;

đ) Được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

2. Mỗi thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng 01 làn để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.”

4. Bổ sung Điều 6a như sau:

“Điều 6a. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác

1. Cơ quan có thẩm quyền đặc cách bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ căn cứ kết quả rà soát vị trí việc làm và cơ cấu hạng chức danh viên chức khoa học và công nghệ thông báo về việc xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh cao hơn cho cá nhân đang giữ hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.

2. Cá nhân đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác nộp trực tiếp hồ sơ đề nghị xét đặc cách bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ nơi công tác (tại Bộ phận Một cửa, nếu có) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của cơ quan, đơn vị. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn đề nghị xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác (theo Mẫu số 02/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Sơ yếu lý lịch của viên chức có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ viên chức;

c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan sử dụng viên chức về mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề của năm xét;

d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ, tài liệu chứng minh thành tích đạt được trong hoạt động khoa học và công nghệ và các tài liệu khác theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp đề nghị xét đặc cách bổ nhiệm;

đ) Lý lịch khoa học có xác nhận của cơ quan quản lý viên chức.

3. Đối với việc xét đặc cách bổ nhiệm chức danh nghiên cứu viên, kỹ sư (chức danh hạng III) không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ lập danh sách, kèm theo hồ sơ viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm vào hạng chức danh cao hơn;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị và hồ sơ xét bổ nhiệm đặc cách, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách để xem xét, thẩm định hồ sơ;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả xét bổ nhiệm đặc cách của Hội đồng, cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đặc cách thông báo kết quả xét và quyết định bổ nhiệm đặc cách vào hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.

4. Đối với việc xét đặc cách bổ nhiệm chức danh nghiên cứu viên chính, kỹ sư chính (chức danh hạng II) không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ lập danh sách, kèm theo hồ sơ viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh hạng II gửi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị và hồ sơ xét bổ nhiệm đặc cách, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách để xem xét, thẩm định hồ sơ;

c) Căn cứ kết quả xét của Hội đồng, trong thời hạn 15 ngày sau khi có kết quả của Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng II, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kết quả và hồ sơ của các cá nhân đề nghị bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng II về Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn của từng cá nhân;

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn của từng cá nhân được đề nghị bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng II;

đ) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng II.

5. Đối với việc xét đặc cách bổ nhiệm chức danh nghiên cứu viên cao cấp, kỹ sư cao cấp (chức danh hạng I) không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác:

a) Thực hiện các bước theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều này;

b) Căn cứ kết quả xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng I, trọng thời hạn 15 ngày sau khi có kết quả của Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng I, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kết quả và hồ sơ của các cá nhân đề nghị bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng I về Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của từng cá nhân;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, tổng hợp danh sách đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để được đặc cách vào chức danh hạng I gửi Bộ Nội vụ để có ý kiến về bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh hạng I;

d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ xem xét, có ý kiến trả lời về bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh hạng I của từng trường hợp, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện;

đ) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm đặc cách vào chức danh hạng I;

6. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết về thành tích khoa học và công nghệ, Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác quy định tại Điều này.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:

“Điều 7. Nâng lương vượt bậc đối với cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ

1. Người đang giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lương vượt bậc trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và trong thời gian giữ bậc liền kề đạt một trong các thành tích sau:

a) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Được tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng;

c) Được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

d) Được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ được bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I và được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Tiêu chuẩn của nhà khoa học đầu ngành

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành thuộc các ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

2. Tiêu chuẩn chung của nhà khoa học đầu ngành:

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, công nhận nhà khoa học đầu ngành nếu đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn chung sau:

a) Không vi phạm một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ, không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự;

b) Có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên môn và năng lực tham gia hội nhập quốc tế, đại diện cho ngành, chuyên ngành trong các hoạt động trao đổi học thuật:

- Là người đứng đầu về chuyên môn của bộ môn khoa học, phòng thí nghiệm hoặc tương đương trong các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền thành lập được quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1 Điều 12 Luật Khoa học và Công nghệ hoặc là cá nhân có kinh nghiệm lãnh đạo nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hoặc đơn vị học thuật có uy tín;

- Có khả năng tập hợp, huy động các cán bộ khoa học xuất sắc, dẫn dắt được nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện ý tưởng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới để phát triển, dẫn dắt một ngành hoặc một chuyên ngành khoa học;

- Được mời giảng dạy tại trường đại học thuộc nhóm 500 Đại học hàng đầu theo Bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng của các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli, Anh quốc hoặc Bảng xếp hạng các đại học trên toàn thế giới của Thời báo Giáo dục đại học Anh quốc; hoặc tham gia, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài có uy tín, có kết quả khoa học chung đã được công bố; hoặc có báo cáo được mời trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành có uy tín; hoặc chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia;

- Cá nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã hướng dẫn chính ít nhất 05 nghiên cứu sinh.

c) Trình độ đào tạo và ngoại ngữ:

- Có trình độ tiến sỹ trở lên;

- Sử dụng thành thạo tiếng Anh hoặc một trong các ngôn ngữ chính thức khác của Liên hiệp quốc.

d) Đáp ứng điều kiện về thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại khoản 3 Điều này;

đ) Có Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học được các Hội đồng quy định tại Điều 16 Nghị định này thông qua và có khả năng huy động được nhóm nghiên cứu để triển khai thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học phải hướng đến phát triển được một hướng nghiên cứu mới, hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học và công nghệ của đất nước, tiên phong triển khai các ý tưởng nghiên cứu khoa học mới, hoặc kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được chuyển giao, mang lại nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị cho xã hội.

3. Điều kiện về thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ và năng lực hội nhập quốc tế để xem xét, lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

a) Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 2 Điều này, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu đạt đồng thời các điều kiện sau:

- Là thành viên Ban Biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có H index (theo Google Scholar) từ 10 trở lên; hoặc đạt giải thưởng khoa học và công nghệ uy tín quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 10 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia xét chọn có ít nhất 01 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ và được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm của ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; hoặc là chủ nhiệm 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên và kết quả/sản phẩm của nhiệm vụ có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên và là tác giả chính của 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 2 Điều này, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu là tác giả chính của ít nhất 03 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước mà mỗi bài được tính điểm công trình từ 01 điểm trở lên và là chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực chuyên ngành đã được xuất bản tại nhà xuất bản có uy tín, hoặc đã tham gia chủ trì hoặc là thành viên chính trong các hoạt động nghiên cứu, tư vấn xây dựng dự thảo các văn kiện, văn bản của Đảng, chiến lược phát triển quốc gia đã được ban hành hoặc công trình nghiên cứu đóng góp cho xây dựng, hoạch định chính sách được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học quy định tại Điều này.”

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“Điều 16. Trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành

1. Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 15 Nghị định này chủ động hoặc theo đề xuất của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nơi công tác nộp hồ sơ xét công nhận nhà khoa học đầu ngành tại tổ chức khoa học và công nghệ nơi công tác. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nếu không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập nộp hồ sơ xét chọn nhà khoa học đầu ngành tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

a) Hồ sơ xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm có:

- Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học đầu ngành (theo Mẫu số 03/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có liên quan đến chuyên môn;

- Lý lịch khoa học (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý nếu cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập);

- Các tài liệu khác chứng minh đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

b) Hồ sơ được nộp trực tiếp (hoặc tại Bộ phận Một cửa, nếu có) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (đối với cá nhân không thuộc tổ chức khoa học công nghệ công lập).

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành, Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đang công tác thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ, gửi kết quả thẩm định và hồ sơ của cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành đến bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học công tác để xem xét, xác nhận và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thực hiện việc lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ, gửi kết quả thẩm định và hồ sơ của cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành đến Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thực hiện việc lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nơi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang công tác và các thành phần khác để đánh giá, đề xuất lựa chọn nhà khoa học đầu ngành (không phân biệt cá nhân thuộc hay không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) theo hồ sơ cung cấp và theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xét chọn của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận kết quả xét chọn và quyết định áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về thành phần, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của các Hội đồng quy định tại Điều này.”

9. Sửa đổi khoản 2 Điều 17 như sau:

“Điều 17. Nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành

2. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua, trong đó đạt ít nhất một trong các kết quả sau đây:

- Bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc tạp chí khoa học trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước; chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế thuộc chuyên ngành; hoặc tham gia là thành viên Ban biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Công trình khoa học được nhận giải thưởng quốc tế, giải thưởng trong nước có uy tín; hoặc sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; hoặc công nghệ, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn;

b) Hằng năm, có hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành nghiên cứu; tham gia đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ kế cận của ngành, lĩnh vực;

c) Tham gia tư vấn, xây dựng, đánh giá, phản biện về các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của ngành; tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất của ngành;

d) Tham gia tuyển chọn, nghiệm thu, phản biện độc lập các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh.”

10. Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 8 Điều 18 như sau:

“Điều 18. Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

1. Được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án.

8. Được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ đối với các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.”

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

“Điều 19. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí khoản kinh phí thích hợp cấp cho nhà khoa học đầu ngành theo nhiệm vụ trong năm để triển khai Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được thông qua.

3. Đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Đối với nhà khoa học đầu ngành thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có nhà khoa học đầu ngành dự toán kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định này trừ kinh phí quy định tại khoản 2 Điều này, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ.”

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

“Điều 20. Tiếp tục hoặc dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành

1. Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (trong trường hợp nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) định kỳ 01 lần/ năm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành để tiếp tục công nhận đối với nhà khoa học đầu ngành hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Nghị định này. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, nhà khoa học đầu ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Nghị định này với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản nơi công tác hoặc báo cáo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ (nếu nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

2. Dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành trong các trường hợp sau:

a) Không hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ và kết quả công việc thực hiện theo Đề án đã được thông qua trong 03 năm liên tiếp, kể từ khi được áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành mà không có lý do chính đáng được cơ quan chủ quản xem xét, chấp thuận;

b) Thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ làm sai lệch kết quả xét công nhận nhà khoa học đầu ngành;

c) Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ về các hành vi bị cấm trong hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Nhà khoa học bị dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành không được hưởng ưu đãi quy định tại Điều 18 Nghị định này kể từ khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập). Nhà khoa học đầu ngành bị dừng áp dụng chính sách trọng dụng theo khoản 2 Điều này không được xét công nhận trong các lần tiếp theo và phải hoàn trả ngân sách nhà nước khoản kinh phí đã được hưởng theo chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành.

Tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành đang công tác quyết định và chịu trách nhiệm về phương án tiếp tục thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định này trong trường hợp dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành, sau khi báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản. Phương án tiếp tục thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đối với nhà khoa học không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Điều này.”

13. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:

“Điều 23. Tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học trẻ tài năng và nhiệm vụ của nhà khoa học trẻ tài năng

1. Nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên, có kết quả học tập xuất sắc các năm học bậc đại học và đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Là tác giả chính ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 01 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm một nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu mà kết quả/sản phẩm mang lại có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nếu không đáp ứng điều kiện này phải có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước và có ít nhất 03 lần tham gia chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia hoặc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành quốc tế.

2. Trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học trẻ tài năng

a) Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị công nhận nhà khoa học trẻ tài năng đến Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Hồ sơ được nộp trực tiếp (tại Bộ phận Một cửa) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Hồ sơ để xem xét, công nhận là nhà khoa học trẻ tài năng gồm có;

- Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học trẻ tài năng (theo Mẫu số 04/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ;

- Lý lịch khoa học (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý nếu cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập);

- Các tài liệu khác chứng minh đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này.

b) Trước ngày 01 tháng 5 hằng năm, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức xem xét, thẩm định hồ sơ và báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Trước ngày 15 tháng 5 hằng năm, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ra quyết định công nhận nhà khoa học trẻ tài năng đối với các cá nhân đủ điều kiện tiêu chuẩn và thông báo bằng văn bản cho những cá nhân không đủ điều kiện tiêu chuẩn được công nhận là nhà khoa học trẻ tài năng.

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quyết định công nhận nhà khoa học trẻ tài năng được gửi đến các cá nhân và tổ chức có liên quan để thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học trẻ tài năng.”

14. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 24 như sau:

“Điều 24. Chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

5. Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài tối đa 1 lần trong 1 năm; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng ở trong nước và nước ngoài, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.”

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng quy định tại Điều 24 Nghị định này được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong dự toán giao cho tổ chức khoa học và công nghệ hoặc được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; các nguồn kinh phí hợp pháp khác nếu có. Riêng kinh phí thực hiện hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà khoa học trẻ tài năng quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia dự toán kinh phí và thực hiện việc hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng chính sách trọng dụng theo quy định.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Điều kiện áp dụng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này khi chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, có ảnh hưởng ở tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của một địa phương hoặc cho sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đã được ứng dụng, chuyển giao tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn hoặc có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam và đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu, Trường đại học hoặc doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc, đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ hoặc đã được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ và đang giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong ít nhất 03 năm tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài về lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ và đã làm việc ít nhất 03 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ tình hình thực tiễn và theo đề nghị của cơ quan có nhu cầu sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng chính sách thu hút đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau:

“Điều 5. Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Chính sách về tiền lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân.

3. Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.”

4. Bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:

“Điều 8. Chính sách về tiếp cận thông tin

3. Các cơ quan, tổ chức trong nước có trách nhiệm công khai đầy đủ, cụ thể theo quy định của pháp luật và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin về các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhu cầu hợp tác, tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (thông tin chi tiết về nhiệm vụ hợp tác; yêu cầu đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi tham gia hợp tác, quyền lợi và nghĩa vụ đối với công việc; cam kết về việc tạo điều kiện để hợp tác và các thông tin cần thiết khác.”

5. Sửa đổi điểm e và bổ sung điểm i khoản 2 Điều 10 như sau:

“Điều 10. Các chính sách khác

e) Trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, mỗi năm không quá 01 lần; được hỗ trợ kinh phí để tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, đăng ký bảo hộ giống cây trồng là kết quả trong quá trình hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam. Kinh phí hỗ trợ nêu tại quy định này được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có);

i) Được tham gia các chương trình, đề án đẩy mạnh hợp tác, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.”

6. Bổ sung điểm c khoản 1, sửa đổi khoản 2, bổ sung điểm c khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 14 như sau:

“Điều 14. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

c) Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác song phương, đa phương về khoa học và công nghệ để hỗ trợ, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

3. Bộ Ngoại giao:

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách; về nhu cầu hợp tác của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước; thúc đẩy và kết nối hoạt động hợp tác và thu hút.

7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát và công khai kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện; cung cấp thông tin về các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài và công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ để tạo điều kiện và thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện chính sách thu hút tại Nghị định này với đối tượng đủ điều kiện theo quy định;

d) Báo cáo tình hình sử dụng, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao trước ngày 20 tháng 11 hằng năm, để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020.

2. Đối với việc xét tuyển dụng đặc cách vào viên chức khoa học và công nghệ không qua thi tuyển (nay là xét tiếp nhận vào viên chức); hoặc xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác; hoặc xem xét áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học trẻ tài năng đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo về việc tổ chức xét hoặc đã nhận hồ sơ để xem xét trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo, nhận hồ sơ để xem xét áp dụng các chính sách trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC

CÁC BIỂU MẪU
(Kèm theo Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ)

1. Mẫu số 01/KHCN: Đơn đăng ký xét tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển vào chức danh ... hạng ...

2. Mẫu số 02/KHCN: Đơn đề nghị xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ không qua thi thăng hạng không phụ thuộc vào năm công tác

3. Mẫu số 03/KHCN: Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học đầu ngành...

4. Mẫu số 04/KHCN: Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học trẻ tài năng

Mẫu số 01/KHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

…………, ngày tháng năm 20……

ĐƠN ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN DỤNG BẰNG HÌNH THỨC TIẾP NHẬN KHÔNG QUA THI TUYỂN VÀO CHỨC DANH (1)... HẠNG......(2)

Họ và tên:................................................................. Nam, Nữ:……………………………

Ngày sinh: ..................................................................................................................

Quê quán: ...................................................................................................................

Hộ khẩu thường trú: ....................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: ...........................................................................................................

Điện thoại liên lạc: .......................................................................................................

Dân tộc: .....................................................................................................................

Trình độ và chuyên ngành đào tạo: ...............................................................................

Đối tượng ưu tiên (nếu có): (3) .....................................................................................

Sau khi nghiên cứu điều kiện đăng ký xét tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển vào chức danh...hạng... của……………………………….(4), tôi thấy có đủ điều kiện để tham dự kỳ xét tuyển ở vị trí chức danh…………………..hạng…………(5). Vì vậy, tôi làm đơn này đăng ký dự xét tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển vào chức danh ... hạng ... theo thông báo của quý cơ quan, đơn vị.

Nếu trúng tuyển tôi sẽ chấp hành các quy định của Nhà nước và của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng.

Tôi gửi kèm theo đơn này hồ sơ dự tuyển, gồm:

1. Bản sơ yếu lý lịch tự thuật;

2. Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập, gồm:…………………………(6)

3. Tài liệu chứng minh những kết quả khoa học và công nghệ đạt được;

4. Giấy chứng nhận sức khỏe;

5. 02 phong bì (ghi rõ địa chỉ liên lạc), 02 ảnh cỡ 4 x 6.

Tôi cam đoan hồ sơ dự tuyển của tôi là đúng sự thật. Nếu sai sự thật, kết quả tuyển dụng của tôi hủy bỏ và tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

Kính đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)

Ghi chú:

(1) Ghi rõ chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ;

(2), (5) Ghi đúng vị trí hạng chức danh cần tuyển của đơn vị tuyển dụng;

(3) Ghi rõ đối tượng ưu tiên theo quy định;

(4) Ghi đúng tên đơn vị có thông báo tuyển dụng;

(6) Ghi rõ tên của các bản chụp, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực, gửi kèm đơn đăng ký dự tuyển.

Mẫu số 02/KHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

……….., ngày ... tháng ... năm ...

ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÉT ĐẶC CÁCH BỔ NHIỆM VÀO HẠNG CHỨC DANH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CHỨC DANH CÔNG NGHỆ HẠNG... KHÔNG QUA THI THĂNG HẠNG KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO NĂM CÔNG TÁC

Kính gửi:

Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách vào hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng ... không qua thi thăng hạng không phụ thuộc vào năm công tác

Họ và tên (chữ in hoa):....................................................... Nam (nữ):……………………

Ngày sinh: ..................................................................................................................

Nơi ở hiện nay: ...........................................................................................................

Đơn vị công tác: .........................................................................................................

Chức vụ/chức danh chuyên môn:………………………………… mã số: ...........................

Ngày tháng năm được tuyển dụng ...............................................................................

Hạng chức danh:................................................................... mã số:…………………….

Hệ số lương hiện hưởng........................................ Được hưởng từ ngày: …./…../…….

Thời gian xét nâng lương lần sau: ................................................................................

Điện thoại liên hệ:..................................................... Email…………………………………

Căn cứ Nghị định số .../2020/NĐ-CP ngày…./…./…… của Chính phủ ... Thông tư số …./…./TT-BKHCN ngày của Bộ Khoa học và Công nghệ; căn cứ thông báo số....ngày.... của....(2) về nhu cầu thăng hạng chức danh cho cá nhân đang giữ hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ. Tôi tự nhận thấy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để được xét bổ nhiệm đặc cách đối với chức danh....hạng.... (ghi rõ hạng chức danh, bậc đăng ký dự xét bổ nhiệm đặc cách)....

Kính đề nghị Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách xem xét và chấp thuận cho tôi được tham dự kỳ thi thăng hạng lên chức danh………………hạng…………….

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ tên)

Hồ sơ gửi kèm theo đơn này gồm có:

1.................................................................

2.................................................................

3.................................................................

Ghi chú:

(1) Ghi rõ chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ;

(2) Ghi rõ tổ chức khoa học và công nghệ nơi có thông báo về nhu cầu thăng hạng chức danh.

Mẫu số 03/KHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

BẢN ĐĂNG KÝ XÉT CÔNG NHẬN NHÀ KHOA HỌC ĐẦU NGÀNH…………

Kính gửi:

(- Cơ quan, đơn vị đang công tác;
- Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật...;
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (quản lý ngành))

Tên tôi là (chữ in hoa):................................................................... Nam/Nữ:……………

Ngày tháng năm sinh: ..................................................................................................

Nơi ở hiện nay: ...........................................................................................................

Đơn vị công tác: .........................................................................................................

Chức vụ: .....................................................................................................................

Trình độ và chuyên ngành đào tạo: ...............................................................................

Ngày tháng năm được tuyển vào vị trí việc làm/HĐLV: ..................................................

Hạng chức danh khoa học/chức danh công nghệ hiện nay:……………………….. mã số:………….. Thời gian xếp: ……………

Hệ số lương hiện hưởng:............................................. ngày tháng năm xếp:…/…./……

Sau khi nghiên cứu các quy định về việc công nhận nhà khoa học đầu ngành tại Nghị định số …./2020/NĐ-CP và Thông tư số………., tôi tự đánh giá bản thân có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn để tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành ngành…………………..

Tôi làm đơn này kính đề nghị ………………………….(như phần kính gửi) xem xét cho tôi được tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

…………, ngày ... tháng ... năm ...
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ tên)

Hồ sơ gửi kèm theo đơn này gồm có:

1……………………………………………….

2……………………………………………….

3..................................................................

Mẫu số 04/KHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

BẢN ĐĂNG KÝ XÉT CÔNG NHẬN NHÀ KHOA HỌC TRẺ TÀI NĂNG

Kính gửi: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Tên tôi là (chữ in hoa):............................................................. Nam/Nữ:…………………

Ngày tháng năm sinh: ..................................................................................................

Nơi ở hiện nay: ...........................................................................................................

Đơn vị công tác: .........................................................................................................

Chức vụ: .....................................................................................................................

Trình độ và chuyên ngành đào tạo: ...............................................................................

Ngày tháng năm được tuyển vào vị trí việc làm/HĐLĐ: ..................................................

Hạng chức danh khoa học/chức d anh công nghệ hiện nay (nếu có):………… mã số:………… Thời gian xếp:

Hệ số lương hiện hưởng/mức lương:............................ ngày tháng năm xếp:…./.../……

Sau khi nghiên cứu các quy định về việc công nhận nhà khoa học trẻ tài năng tại Nghị định số .../2020/NĐ-CP và Thông tư số………., tôi làm đơn này kính đề nghị ………………..(như phần kính gửi) xem xét cho tôi được tham gia xét chọn nhà khoa học trẻ tài năng.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

…….., ngày ... tháng ... năm ...
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ tên)

Hồ sơ gửi kèm theo đơn này gồm có:

1...................................................................

2………………………………………………..

3.……………………………………………….

89
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam
Tải văn bản gốc Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
--------------

No.: 27/2020/ND-CP

Hanoi, March 01, 2020

 

DECREE

AMENDING THE GOVERNMENT’S DECREE NO. 40/2014/ND-CP DATED MAY 12, 2014 ON UTILIZATION OF INDIVIDUALS’ PARTICIPATION IN SCIENCE AND TECHNOLOGY ACTIVITIES AND THE GOVERNMENT’S DECREE NO. 87/2014/ND-CP DATED SEPTEMBER 22, 2014 ON ATTRACTING PARTICIPATION OF VIETNAMESE PEOPLE LIVING ABROAD AND FOREIGN EXPERTS IN SCIENCE AND TECHNOLOGY ACTIVITIES IN VIETNAM

Pursuant to the Law on organization of Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Science and Technology dated June 18, 2013;

At the request of the Minister of Science and Technology;

The Government promulgates a Decree amending the Government’s Decree No. 40/2014/ND-CP dated May 12, 2014 on utilization of individuals’ participation in science and technology activities and the Government’s Decree No. 87/2014/ND-CP dated September 22, 2014 on attracting participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts in science and technology activities in Vietnam.

Article 1. Amendments to the Government’s Decree No. 40/2014/ND-CP dated May 12, 2014 on utilization of individuals’ participation in science and technology activities

1. Article 5 is amended as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Special cases of recruitment and appointment of holders of scientific titles/technological titles in public service providers that perform science and technology activities (hereinafter referred to as “public service providers”) shall comply with regulations of law on recruitment and management of public employees.

2. Persons who have outstanding achievements in science and technology activities and meet job requirements shall be received as public employees, appointed to hold scientific/technological titles without probation period and arranged into salary grades corresponding with their positions as prescribed.”

2. Article 5a is added as follows:

“Article 5a.   Procedures and authority to receive persons with outstanding achievements in science and technology activities as public employees and appoint them to hold scientific research titles and technological titles

1. Notification of recruitment of public employees

The public service provider shall publicly notify its recruitment and appointment of public employees to scientific research titles/technological titles on means of mass media (including printed, radio and television newspapers) at least 30 days before the date of receipt of applications, publish that on its website for at least 30 days and also openly post the same at its headquarters.

2. Applications for admission as public employees

An individual that meets job requirements as laid down in regulations of law on recruitment and management of public employees and has outstanding achievements in science and technology activities as prescribed by the Ministry of Science and Technology shall submit an application for admission as a public employee directly to the public service provider (through the single-window section) or online via its public service portal or by post. Such application includes:

a) The application form for admission as a public employee (using Form No. 01/KHCN enclosed herewith);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) The copies of qualifications, certificates and records of achievements in science and technology sector corresponding with the job position. Qualifications awarded by foreign institutions must be accredited by the Ministry of Education and Training;

d) The unexpired health certificate issued by an eligible health facility as prescribed by the Ministry of Health;

dd) The applicant’s scientific profile.

3. The public service provider shall examine the adequacy and validity of received applications and make the list of qualified persons, accompanied by their applications, for considering or requesting competent authorities to receive them as public employees and appoint them to scientific research titles/technological titles.

4. Receipt and appointment of qualified persons to the position of research assistant or technician (grade-IV title), researcher or engineer (grade-III title) shall be carried out as follows:

a) Within 15 days after the deadline for submission of applications, the head of the public service provider (or the recruiting authority) shall establish an examination council for selecting qualified persons who will be received as public employees and appointed to grade-IV or grade-III titles;

b) Based on the results given by the examination council, within 15 days, the head of the public service provider (or the recruiting authority) shall consider making decision to recognize recruitment results.  Recruitment results shall be published on the website of the public service provider or the recruiting authority and openly posted at its headquarters;

5. Receipt and appointment of qualified persons to the position of principal researcher or principal engineer (grade-II title) shall be carried out as follows:

a) The public service provider shall send qualified applications to its supervisory authority that is a supervisory Ministry, ministerial agency, Governmental agency or provincial People's Committee for considering and admitting qualified persons as public employees;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Within 15 days after the examination council gives recruitment results, the relevant ministerial agency, Governmental agency, or provincial People's Committee shall send such recruitment results and applications of qualified applicants to the Ministry of Science and Technology that is requested to give its opinions about the satisfaction of relevant conditions and standards by each applicant;  

d) Within 15 days from the receipt of relevant documents from the relevant Ministry, ministerial agency, Governmental agency, or provincial People's Committee, the Ministry of Science and Technology shall give its opinions about the satisfaction of relevant conditions and standards by each applicant;

dd) Within 15 days from the receipt of opinions given by the Ministry of Science and Technology, the relevant Minister, head of ministerial agency, or Governmental agency, or Chairperson of provincial People's Committee shall notify the recruitment results.  Recruitment results shall be published on the website of the public service provider and openly posted at its headquarters.

6. Receipt and appointment of qualified persons to the position of senior researcher or senior engineer (grade-I title) shall be carried out as follows:

a) The public service provider shall send qualified applications to its supervisory authority that is a supervisory Ministry, ministerial agency, Governmental agency or provincial People's Committee for considering and admitting qualified persons as public employees;

b) Within 15 days from the receipt of applications, the relevant Minister, head of ministerial agency, or Governmental agency, or Chairperson of provincial People's Committee shall establish an examination council for selecting qualified applicants who will be received as public employees and appointed to grade-I title;

c) Within 15 days after the examination council gives recruitment results, the relevant Ministry, ministerial agency, Governmental agency, or provincial People's Committee shall send such recruitment results and applications of applicants who are qualified to be received as public employees and exceptionally appointed to grade-I title to the Ministry of Science and Technology that is requested to give its opinions about the satisfaction of relevant conditions and standards by each applicant; 

d) Within 15 days from the receipt of relevant documents from the relevant Ministry, ministerial agency, Governmental agency, or provincial People's Committee, the Ministry of Science and Technology shall examine, make and send a list of qualified applicants to the Ministry of Home Affairs that shall give its opinions about the appointment and salary grades of holders of grade-I title;

dd) Within 15 days from the receipt of the list of qualified applicants from the Ministry of Science and Technology, the Ministry of Home Affairs shall give its opinions about the appointment and salary grades of holders of grade-I title to the Ministry of Science and Technology and the relevant Ministry, ministerial agency, Governmental agency, or provincial People's Committee;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

7. The Ministry of Science and Technology shall stipulate scientific and technological achievements, examination councils, methods for scoring and determining persons qualified to be received as public employees and appointed to scientific/technological titles as prescribed in this Article.”

3. Article 6 is amended as follows:

“Article 6. Exceptional appointment of qualified persons to higher scientific/technological titles without title/rank promotion examinations and seniority consideration

a) He/she has won an internationally or nationally prestigious award in science and technology sector as prescribed by the Ministry of Science and Technology;

b) He/she has played a leading or primary role in performing special or nationally significant science and technology missions which have been accepted at “pass” level or higher, or has played a leading role in performing science and technology missions at ministerial- or provincial-level or higher with great socioeconomic efficiency;

c) He/she possesses a doctoral degree and has won outstanding achievements in science and technology activities;

d) He/she possesses a Doctor of Philosophy or is holding the title of associate professor; or

dd) He/she is holding the title of professor.

2. Each achievement or outcome which a person has won in his/her science and technology activities shall be considered once when he/she is being considered for a higher scientific/technological title without title/rank promotion examination and seniority consideration.”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

“Article 6a.   Procedures and authority to make exceptional appointment of qualified persons to higher scientific/technological titles without title/rank promotion examinations and seniority consideration

1. After having reviewed job positions and ranks of public employees performing science and technology activities, authorities competent to make exceptional appointment of holders of scientific /technological titles shall notify the consideration for exceptional appointment of persons holding scientific /technological titles to higher titles.

2. A person who is found himself/herself to meet conditions/standards for being exceptionally appointed to a higher scientific /technological title without title/rank promotion examination and seniority consideration shall submit application for exceptional appointment directly to the public service provider (through the single-window section, if available) or online via its public service portal. The application includes:

a) An application form for exceptional appointment to a higher scientific /technological title without title/rank promotion examination and seniority consideration (using Form No. 02/KHCN enclosed herewith);

b) The applicant’s curriculum vitae bearing certification given by the competent authority managing the applicant;

c) The written assessment made by the head of the authority where the applicant is working of the applicant’s performance in the year preceding the year of application;

d) Copies of qualifications, certificates, documentary evidences of achievements in science and technology activities and other documents as requested by his/her expected title;

dd) The applicant’s scientific profile bearing certification given by the authority managing the applicant.

3. Exceptional appointment of holders of the position of researcher or engineer (grade-III title) without title/rank promotion examination and seniority consideration is made as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Within 15 days from the receipt of request and qualified applications, the head of the authority competent to make exceptional appointment of scientific/technological titles shall establish an examination council;

c) Within 15 days after the examination council gives its consideration results, the authority competent to make exceptional appointment shall notify such consideration results and make decision to make exceptional appointment of qualified persons to scientific/technological titles without title/rank promotion examination and seniority consideration.

4. Exceptional appointment of holders of the position of principal researcher or principal engineer (grade-II title) without title/rank promotion examination and seniority consideration is made as follows:

a) The public service provider shall prepare and send the list of qualified applicants, enclosed with their applications, to its supervisory authority that is a supervisory Ministry, ministerial agency, Governmental agency or provincial People's Committee;

b) Within 15 days from the receipt of the list of qualified applicants and relevant applications, the relevant Minister, head of ministerial agency, or Governmental agency, or Chairperson of provincial People's Committee shall establish an examination council for considering received applications;

c) Within 15 days after the examination council gives its consideration results, the relevant Minister, head of ministerial agency, or Governmental agency, or Chairperson of provincial People's Committee shall send such consideration results and applications of applicants who are qualified to be exceptionally appointed to grade-II title to the Ministry of Science and Technology that is requested to give its opinions about the satisfaction of relevant conditions and standards by each applicant; 

d) Within 15 days from the receipt of the request from the relevant Ministry, ministerial agency, Governmental agency or provincial People's Committee, the Ministry of Science and Technology shall give its opinions about the satisfaction of relevant conditions and standards by each applicant;

dd) Within 15 days from the receipt of opinions given by the Ministry of Science and Technology, the relevant Minister, head of ministerial agency, or Governmental agency, or Chairperson of provincial People's Committee shall issue a decision to make exceptional appointment of holders of grade-II titles.

5. Exceptional appointment of holders of the position of senior researcher or senior engineer (grade-I title) without title/rank promotion examination and seniority consideration is made as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Within 15 days after the examination council gives its consideration results, the relevant Minister, head of ministerial agency, or Governmental agency, or Chairperson of provincial People's Committee shall send such consideration results and applications of applicants who are qualified to be exceptionally appointed to grade-I title to the Ministry of Science and Technology that is requested to give its opinions about the satisfaction of relevant conditions and standards by each applicant; 

c) Within 15 days from the receipt of relevant documents from the relevant Ministry, ministerial agency, Governmental agency, or provincial People's Committee, the Ministry of Science and Technology shall examine, make and send a list of qualified applicants to the Ministry of Home Affairs that is requested to give its opinions about the appointment and salary grades of holders of grade-I title;

d) Within 15 days from the receipt of the request from the Ministry of Science and Technology, the Ministry of Home Affairs shall give its opinions about the appointment and salary grades of holders of grade-I title to the Ministry of Science and Technology and the relevant Ministry, ministerial agency, Governmental agency, or provincial People's Committee;

dd) Within 15 days from the receipt of opinions given by the Ministry of Home Affairs, the relevant Minister, head of ministerial agency, or Governmental agency, or Chairperson of provincial People's Committee shall issue a decision to make exceptional appointment of holders of grade-I titles;

6. The Ministry of Science and Technology shall provide specific guidance on scientific and technological achievements and examination councils in charge of considering exceptional appointment of qualified persons to higher scientific/technological titles without title/rank promotion examinations and seniority consideration as prescribed in this Article."

5. Clause 1 Article 7 is amended as follows:

“Article 7. Special pay increases for persons with scientific and technological achievements

1. A special pay increase shall be provided for a person who is holding a scientific/technological title in a public service provider without a corresponding change in his/her grade of job title if, during his/her enjoyment of current salary grade, he/she has demonstrated no breach of discipline and won one of the following achievements:

a) He/she has played a leading role in performing national science and technology missions accepted and assessed to have great socioeconomic efficiency;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) He/she has been awarded the "Anh hùng Lao động” ("Hero of Labor") title; or

d) He/she has been awarded the “Chiến sỹ Thi đua toàn quốc” (“A soldier of national emulation campaigns”) title.”

6. Article 10 is amended as follows:

“Article 10. Incentives for holders of the title of professor or associate professor in science and technology activities

Persons who are holding the position of professor or associate professor in public science and technology institutions and meet standards for relevant titles adopted by the Ministry of Science and Technology shall be exceptionally appointed to hold grade-I scientific research/technological titles and receive the same benefits and other incentives as those offered to holders of equivalent titles in public higher education institutions if such benefits and incentives are deemed more advantageous for them.”

7. Article 15 is amended as follows:

“Article 15. Standards of leading scientists

1. Persons performing science and technology activities shall be considered and accredited as leading scientists in science and technology branches prescribed by the Minister of Science and Technology.

2. Standards of a leading scientist:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) He/she does not perform any prohibited acts specified in Article 8 of the Law on Science and Technology and is not liable to any disciplinary actions at warning, or severer, or any effective criminal sentences;

b) He/she has experience in managing/directing professional activities and is capable of participating in international integration activities/representing the branch/major in academic exchange programs. To be specific:

- He/she is playing the leading role in charge of professional activities of a scientific subject or laboratory, or is holding equivalent positions in higher education institutions, universities, research institutes and other science and technology institutions established by the competent authorities specified in Points a, b and dd Clause 1 Article 12 of the Law on Science and Technology, or has experience in leading research groups, laboratories or other reputable academic establishments;

- He/she is capable of mobilizing excellent scientific officers or leading a research group in performing new scientific research/technological development topics in order to develop or lead a scientific branch or major;

- He/she has been invited by one or more of the world’s top 500 universities according to QS World University Rankings annually published by Quacquarelli Symonds (UK) or the World University Rankings published by the Times Higher Education magazine (UK); or has participated or cooperated with prestigious foreign scientists in scientific research topics with recognized outcomes; or has been invited to speak at internationally renowned scientific conferences/seminars; or has chaired national scientific conferences/seminars;

- He/she has acted as the principal instructor for at least 05 scientific researchers.

c) Qualifications and foreign language proficiency:

- He/she possesses a doctoral degree or higher;

- He/she is proficient in English or one of official languages of the United Nations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) He/she has designed scientific development schemes approved by the councils prescribed in Article 16 hereof and is capable of mobilizing research groups for implementing such schemes.

A scientific development scheme must develop orientation to developing a new research method, or solving a national science and technology matter, leading in developing new scientific research ideas or transferred outcomes of scientific research/technological development which will result in a lot of socially valuable scientific and technological products.

3. Achievements/outcomes won in science and technology and capacity to perform international integration activities:

a) In addition to general standards specified in Clause 2 of this Article, a person to be considered and accredited as a leading scientist in a science and technology branch must also meet the following conditions:

- He/she must be a member of the editorial board of an internationally reputable scientific journal as prescribed by the Ministry of Science and Technology; or has an H index of 10 or higher (in Google Scholar); or has won internationally prestigious science and technology awards as prescribed by the Ministry of Science and Technology; or has at least 10 scientific articles published in internationally reputable scientific journals as prescribed by the Ministry of Science and Technology.

- Within the last 05 years prior to the date of application for accreditation as a leading scientist, he/she has designed at least an invention protected by a patent and practically applied with great socioeconomic efficiency; or is the head of at least 01 national science and technology mission; or is the head of at least 02 ministerial science and technology missions accepted at “pass” level, or higher, and creating valuable outcomes/products with great socioeconomic efficiency; or is the head of a ministerial science and technology mission accepted at “pass” level, or higher, and is the lead author of a scientific article published in an internationally reputable scientific journals as prescribed by the Ministry of Science and Technology.

b) In the field of social sciences and humanities, in addition to general standards specified in Clause 2 of this Article, a person to be considered and accredited as a leading scientist in a science and technology branch must be the lead author of at least 03 scientific articles published in internationally reputable scientific journals as prescribed by the Ministry of Science and Technology; or have at least 05 scientific articles which have been published in scientific journals assigned ISSN numbers and included in lists of scored journals of specialized or interdisciplinary councils of professors annually published by the State Council for Professorship and each of which has been given at least 01 point, and be the chief editor of at least 01 monograph in specialized field published by a reputable publisher, or have played the leading or primary role in doing research or providing consultancy for formulating drafts of documents of the Communist Party, promulgated national development strategies or research works contributing to formulation of policies certified by competent authorities.

4. The Minister of Science and Technology shall stipulate specialized scientific development schemes prescribed in this Article.”

8. Article 16 is amended as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. By June 30 of every year, a person who performs science and technology activities and meet standards laid down in Article 15 hereof shall, either on his/her initiative or upon the recommendation of the public science and technology institution where he/she is working, submit an application for accreditation as a leading scientist to the public science and technology institution where he/she is working. Other persons who are not working at public science and technology institutions may also submit applications for accreditation as leading scientists to Vietnam Union of Science and Technology Associations (VUSTA).

a) An application for accreditation as a leading scientist includes:

- The application form for accreditation as a leading scientist (according to Form No. 03/KHCN enclosed herewith);

- Copies of qualifications/certificates relating to his/her specialization;

- The applicant’s scientific profile (which bears certification given by the managing authority if the applicant is working at a public science and technology institution);

- Other documents proving the applicant’s satisfaction of standards in Clause 2 and Clause 3 Article 15 hereof; the scientific development scheme.

b) The application shall be submitted directly (or through the single-window section, if available) or online via the public service portal of the public science and technology institution or of VUSTA (if the applicant is not working at any public science and technology institution).

2. Within 20 days from the receipt of an application for accreditation as a leading scientist, head of the public science and technology institution where the applicant is working shall establish an internal examination council that shall take charge of considering the received application and send consideration results and the qualified application to the ministry, ministerial agency, Governmental agency or provincial People's Committee that is the supervisory authority of the public science and technology institution where the applicant is working for considering, certifying and transferring that application to the Ministry of Science and Technology for consideration.

VUSTA shall establish an internal examination council that shall take charge of considering the received application and send consideration results and the qualified application to the Ministry of Science and Technology for consideration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Within 15 days from the receipt of selection results given by the examination council, the Minister of Science and Technology shall issue decision to recognize selection results and apply policies on utilization of accredited leading scientists who have been selected by at least 2/3 of members of the examination council.

5. The Ministry of Science and Technology shall stipulate the composition, duties and working principle of the examination council prescribed in this Article.”

9. Clause 2 Article 17 is amended as follows:

“Article 17. Duties of leading scientists

2. Specific duties:

a) Ensure progress and quality of performance of duties according to scientific development schemes selected by the examination council established by the Minister of Science and Technology, and have at least one of the following achievements:

- Have scientific articles published in internationally reputable scientific journals as prescribed by the Ministry of Science and Technology or scientific journals assigned ISSN numbers and included in lists of scored journals of specialized or interdisciplinary councils of professors annually published by the State Council for Professorship; have chaired international specialized seminars/conferences; or have acted as a member of the editorial board of an internationally reputable scientific journal as prescribed by the Ministry of Science and Technology;

- Have scientific works given internationally or nationally prestigious awards; or have inventions protected by patents; or have technical solutions/technologies practically applied;

b) Annually instruct postgraduate students and researchers of their research specializations; participate in provision of training in successor technologies;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Participate in selection, acceptance and independent review of national, ministerial and provincial science and technology missions.”

10. Clause 1 Article 18 is amended and Clause 8 is added to Article 18 as follows:

“Article 18. Policies on utilization of leading scientists

1. Leading scientists shall be provided with funding for performing approved science and technology missions according to scientific development schemes selected by the examination council established by the Minister of Science and Technology according to annual progress.

8. Leading scientists shall be gloried and awarded scientific and technological titles/prizes with respect to excellent science and technology results according to relevant laws.”

11. Article 19 is amended as follows:

“Article 19. Funding for implementing policies on utilization of leading scientists

1. Funding for implementing policies on utilization of leading scientists shall be derived from funding for science and technology development.

2. The Ministry of Science and Technology shall annually allocate appropriate funding to leading scientists for performing their duties in the year according to approved scientific development schemes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Public science and technology institutions where leading scientists are working shall make and send estimates of funding for implementing policies on utilization of leading scientists according to Article 18 hereof, except the funding in Clause 2 of this Article, to the Ministry of Science and Technology for aggregating and requesting competent authorities to allocate funding."

12. Article 20 is amended as follows:

“Article 20. Maintaining or suspending policies on utilization of leading scientists

1. Ministries and ministerial agencies shall cooperate with the Ministry of Science and Technology and VUSTA (in case leading scientists are not working at public science and technology institutions) to carry out annual inspection of performance of duties by leading scientists for maintaining accreditation as leading scientists who have fulfilled their duties as prescribed in Article 17 hereof. By December 31 of every year, leading scientists shall submit reports on their fulfillment of duties as prescribed in Article 17 hereof to ministries, ministerial agencies, Governmental agencies or provincial People's Committees that are supervisory authorities of public science and technology institutions where they are working or to VUSTA and the Ministry of Science and Technology (if they are not working at any public science and technology institutions).

2. The application of policies on utilization of leading scientists shall be suspended in the following cases:

a) A leading scientist has failed to ensure the progress and performance of duties according to the approved scheme for 03 consecutive years since he/she was accredited as a leading scientist without giving any legitimate reasons considered and accepted by his/her supervisory authority;

b) Information provided  when applying for accreditation as leading scientist is inaccurate or has been forged;

c) A leading scientist commits violations against regulations in Article 8 of the Law on Science and Technology regarding prohibited acts in the field of science and technology.

3. Leading scientists for whom policies on utilization of leading scientists are suspended shall not receive benefits prescribed in Article 18 hereof from the effective date of the decision issued by the Minister of Science and Technology according to the proposal of the Minister, head of ministerial agency or Governmental agency or Chairperson of provincial People’s Committee that is the supervisory authority of the public science and technology institution where the leading scientist is working or VUSTA (if the leading scientist is not working at any public science and technology institution). A leading scientist for whom policies on utilization of leading scientists is suspended as prescribed in Clause 2 of this Article shall not be considered for being accredited as leading scientist and must return funding allocated according to policies on utilization of leading scientists to state budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. The Ministry of Science and Technology shall provide specific regulations and guidance on this Article.”

13. Article 23 is amended as follows:

“Article 23. Standards, conditions and procedures for selection and accreditation as talented young scientists and duties of talented young scientists

1. A talented young scientist is a person performing science and technology activities, aged under 35 years, possessing doctoral degree or higher, getting excellent study results at higher education institution and meeting one of the following standards/conditions:

a) He/she has played the leading role in scientific works given internationally prestigious science and technology awards as prescribed by the Ministry of Science and Technology;

b) He/she is the lead author of at least 05 scientific articles published in internationally reputable scientific journals as prescribed by the Ministry of Science and Technology; or has designed 02 inventions, or more, protected by patents of which at least 01 invention has been practically applied with great socioeconomic efficiency; or has acted as the head of a science and technology mission whose outcomes/products have been accepted and certified to have great socioeconomic efficiency. In addition to this condition, a person operating in the field of social sciences and humanities must have at least 05 scientific articles which have been published in scientific journals assigned ISSN numbers and included in lists of scored journals of specialized or interdisciplinary councils of professors annually published by the State Council for Professorship and has chaired at least 03 national scientific conferences/seminars or has participated in international scientific conferences/seminars.

2. Procedures for selection and accreditation as talented young scientists

a) By March 31 of every year, persons meeting relevant standards/conditions shall submit applications for accreditation as talented young scientists to the National Foundation for Science and Technology Development (NAFOSTED). Such applications shall be submitted directly (through the single-window section) or online via the public service portal of NAFOSTED.

An application for accreditation as a talented young scientist includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- Copies of qualifications/certificates;

- The applicant’s scientific profile (which bears certification given by the managing authority if the applicant is working at a public science and technology institution);

- Other documents proving the applicant’s satisfaction of standards/conditions in Clause 1 Article 23 hereof.

b) By May 01 of every year, NAFOSTED shall consider and examine received applications, and report consideration results to the President of the Board of Trustees of NAFOSTED. By May 15 of every year, the President of the Board of Trustees of NAFOSTED shall issue decision to accredit qualified applicants as talented young scientists and give written notification to unqualified applicants.

c) Within 15 days after the President of the Board of Trustees of NAFOSTED issues a decision to accredit talented young scientists, this decision must be sent to relevant individuals and organizations for applying policies on utilization of talented young scientists.”

14. Clause 5 Article 24 is amended as follows:

“Article 24. Policies on utilization of talented young scientists

5. An accredited talented young scientist shall be provided with funding for participating in not more than a domestic or foreign scientific conference or seminar in a year; provided with funding for announcing science and technology findings, applying for registration of intellectual property rights over inventions and plant varieties domestically or abroad, except these expenses are covered by funding for performing relevant missions."

15. Article 25 is amended as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Funding for implementing policies on utilization of talented young scientists prescribed in Article 24 hereof shall be derived from funding for science and technology development and included in budget estimates allocated to science and technology institutions or provided by NAFOSTED and other lawful funding sources, if any. In particular, funding for assisting talented young scientists in participating in training courses as prescribed in Clause 2 Article 24 hereof shall be included in annual estimated funding for training science and technology personnel according to the Prime Minister's decision and other lawful funding sources.

2. NAFOSTED shall make cost estimates and assist talented young scientists in benefiting from utilization policies as prescribed."

Article 2. Amendments to the Government’s Decree No. 87/2014/ND-CP dated September 22, 2014 on attracting participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts in science and technology activities in Vietnam

1. Article 3 is amended as follows:

“Article 3. Conditions for applying attraction policies

1. Vietnamese people living abroad and foreign experts shall receive benefits according to this Decree when playing the leading role or participating in performance of science and technology missions that are nationally important or significant or practically contribute to the socioeconomic development of Vietnam or of a specific province or the development of a specific science and technology branch in Vietnam, and meeting one of the following conditions:  

a) They have designed inventions or discovered new plant varieties over which intellectual property rights are protected by patents and which have been practically applied or transferred to create practically valuable products, or have wide experience or deep knowledge in branches/specializations relating to science and technology missions performed in Vietnam and are working at research departments of reputable research institutes, universities or enterprises abroad;

b) They have excellent scientific and technological research works given science and technology awards or widely and effectively applied and suitable for science and technology missions performed in Vietnam;

c) They possess doctoral degree and have been lecturing or participating in scientific research/technological development for at least 03 years at reputable research institutions abroad in specializations suitable for science and technology missions performed in Vietnam;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Based on the reality and at the request of the authorities that need to use Vietnamese people living abroad and foreign experts to perform science and technology missions in Vietnam, ministries, ministerial agencies, Governmental agencies and provincial People's Committees shall agree with the Ministry of Science and Technology on requesting the Prime Minister to make decision to apply attraction policies to persons who do not meet the conditions in Clause 1 of this Article but demonstrate that they are capable of effectively participating in performance of science and technology missions in Vietnam.”

2. Clause 1 Article 5 is amended as follows:

“Article 5. Recruitment, employment and training policies

1. While working in Vietnam, Vietnamese people living abroad may be employed to play leading positions in public science and technology institutions; assigned to play the leading role in performing science and technology missions funded by state budget at all levels; considered for accreditation or appointment of scientific/technological titles in accordance with the Law on Science and Technology.”

3. Article 6 is amended as follows:

“Article 6. Salary policies

Vietnamese people living abroad and foreign experts shall receive agreed salaries when performing science and technology missions in Vietnam. Agreed salaries are determined according to:

1. The nature, scale and importance of performed science and technology missions.

2. The capacity and contribution of the salaried person.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Clause 3 is added to Article 8 as follows:

“Article 8. Information access policies

3. Domestic authorities and organizations shall publicly announce adequate information as prescribed by laws and promote dissemination of information on science and technology missions/programs/projects that require cooperation and participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts (including information on cooperation missions; requirements to be satisfied by cooperating Vietnamese people living abroad and foreign experts, their rights and obligations; commitments on cooperation and other necessary information).”

5. Point e Clause 2 Article 10 is amended and Point i is added to Clause 2 Article 10 as follows:

“Article 10. Other policies

e) When performing science and technology missions in Vietnam, each of Vietnamese people living abroad and foreign experts shall be provided funding for participating in not more than international scientific conference or seminar whose contents are associated with cooperated science and technology missions in Vietnam in a year; funding for organizing science and technology seminars in their specializations in Vietnam; funding for publishing research findings in internationally reputable scientific journals, applying for registration of intellectual property rights over inventions/plant varieties which are created during their cooperation with regulatory authorities and science and technology institutions in Vietnam. Funding provided as prescribed in this Point is derived from NAFOSTED or other lawful funding sources (if any);

i) They are allowed to participate in programs/schemes for attracting the participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts in science and technology activities in Vietnam.”

6. Addition of Point c to Clause 1, addition of Point c to Clause 3 and amendments to Clause 2 and Clause 7 Article 14:

“Article 14. Responsibilities of Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, and provincial People's Committees  

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Formulate and implement bilateral/multilateral cooperation programs on science and technology for attracting the participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts in science and technology activities in Vietnam, and promoting cooperation on science and technology activities with domestic authorities and science and technology institutions.

2. The Ministry of Science and Technology shall provide guidance on subjects, standards, conditions and procedures for employing Vietnamese people living abroad and foreign experts who are participating in science and technology activities in Vietnam to hold leading positions in science and technology institutions.

3. The Ministry of Foreign Affairs shall:

c) Play the leading role and cooperate with relevant ministries, regulatory authorities and local governments in introducing and providing information on mechanisms/policies; demands for cooperation of Vietnamese people living abroad and foreign experts with domestic authorities and science and technology institutions; promote and connect cooperation and attraction activities.

7. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, and provincial People's Committees shall:

a) Direct their inferior units to review and publicly announce science and technology plans/missions as prescribed by law in order to facilitate the participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts; provide information about science and technology institutions that have demand and potential for cooperation for Vietnamese people living abroad and foreign experts, and publish information as prescribed in Clause 3 Article 8 hereof;

b) Formulate and implement international cooperation programs/projects on science and technology for facilitating and attracting the participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts in science and technology activities in Vietnam;

c) Cooperate with relevant ministries and regulatory authorities in applying attraction policies introduced in this Decree to eligible persons as prescribed;

d) Submit reports on utilization and attraction of participation of Vietnamese people living abroad and foreign experts to the Ministry of Science and Technology and the Ministry of Foreign Affairs by November 20 of every year so that the Ministry of Science and Technology can prepare and submit a consolidated report thereon to the Prime Minister.”

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. This Decree comes into force from April 15, 2020.

2. With regard to special recruitment of public employees in the field of science and technology (currently receipt of qualified persons as public employees), or exceptional appointment of qualified persons to higher scientific/technological titles without title/rank promotion examinations and seniority consideration, or application of policies on utilization of talented young scientists which have been announced or for which applications have been received by competent authorities before this Decree takes its legal effect, the Government’s Decree No. 40/2014/ND-CP dated May 12, 2014 shall apply.

3. With regard to Vietnamese people living abroad and foreign experts for whom the application of attraction policies has been notified by or whose applications have been received by competent authorities before this Decree takes its legal effect, the Government’s Decree No. 87/2014/ND-CP dated September 22, 2014 shall apply.

Article 4. Responsibility for implementation

1. The Ministry of Science and Technology shall take charge of instructing, inspecting and expediting the implementation of this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of provincial People’s Committees, and relevant organizations and individuals shall be responsible for implementation of this Decree./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh
Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam
Số hiệu: 27/2020/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Lĩnh vực, ngành: Lao động - Tiền lương
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 01/03/2020
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Căn cứ Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương II QUY ĐỊNH VỀ THÀNH TÍCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HỘI ĐỒNG KIỂM TRA, SÁT HẠCH VÀ XÁC ĐỊNH NGƯỜI ĐƯỢC TIẾP NHẬN VÀO VIÊN CHỨC, BỔ NHIỆM VÀO CHỨC DANH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CHỨC DANH CÔNG NGHỆ

Điều 4. Thành tích khoa học và công nghệ để xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học

1. Xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh trợ lý nghiên cứu (hạng IV) hoặc chức danh nghiên cứu viên (hạng III) nếu cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn chức danh tương ứng quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV (trừ tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng chức danh và tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển, cá nhân đạt ít nhất 0,5 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ.

2. Xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) nếu cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV (trừ tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng chức danh và tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển, cá nhân đạt thành tích như sau:

Đạt ít nhất 09 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ, trong đó có ít nhất 03 điểm được quy đổi từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên hoặc xuất bản sách chuyên khảo hoặc công bố bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín; có ít nhất 01 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển.

3. Xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) nếu cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV (trừ tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng chức danh và tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển, cá nhân đạt thành tích như sau:

Đạt ít nhất 15 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ, trong đó có ít nhất 09 điểm được quy đổi từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên hoặc xuất bản sách chuyên khảo hoặc công bố bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín; có ít nhất 02 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển.

Điều 5. Thành tích khoa học và công nghệ để xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh công nghệ

1. Xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh kỹ thuật viên (hạng IV) hoặc chức danh kỹ sư (hạng III) nếu cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn chức danh tương ứng quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV (trừ tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng chức danh và tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển, cá nhân đạt ít nhất 0,5 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ.

2. Xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh kỹ sư chính (hạng II) nếu cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn chức danh kỹ sư chính (hạng II) quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV (trừ tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng chức danh và tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển, cá nhân đạt thành tích như sau:

Đạt ít nhất 06 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ, trong đó có ít nhất 03 điểm được quy đổi từ chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên hoặc dự án hoặc công trình hoặc đồ án từ cấp III trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật hoặc là tác giả của sáng chế được cấp bằng độc quyền, giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn, bài báo khoa học được công bố; có ít nhất 01 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển.

3. Xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I) nếu cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I) quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV (trừ tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng chức danh và tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển, cá nhân đạt thành tích như sau:

Đạt ít nhất 12 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ, trong đó có ít nhất 06 điểm quy đổi từ chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ trở lên hoặc chủ trì dự án hoặc công trình hoặc đồ án từ cấp II trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật hoặc là tác giả của sáng chế được cấp bằng độc quyền, giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn, bài báo khoa học được công bố; có ít nhất 01 điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển.

Điều 6. Hội đồng kiểm tra, sát hạch

1. Hội đồng kiểm tra, sát hạch gồm 05 hoặc 07 thành viên. Thành phần hội đồng kiểm tra, sát hạch thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 8 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra, sát hạch:

a) Kiểm tra tiêu chuẩn, thành tích khoa học và công nghệ và tính điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này của cá nhân đề nghị xét tiếp nhận vào viên chức tương ứng với vị trí việc làm cần tuyển dụng;

b) Phỏng vấn về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân đề nghị xét tiếp nhận vào viên chức gắn với vị trí việc làm cần tuyển dụng;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức xét tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.

3. Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc khi có mặt từ 2/3 tổng số thành viên trở lên theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

4. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 7. Cách tính điểm khi xét tiếp nhận vào viên chức

1. Điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ của cá nhân đề nghị xét tiếp nhận vào viên chức được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Hội đồng phỏng vấn, đánh giá “Đạt” hoặc “Không đạt” về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân đề nghị xét tiếp nhận vào viên chức.

Điều 8. Xác định người trúng tuyển

1. Người trúng tuyển phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đáp ứng tiêu chuẩn, thành tích khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này;

b) Có kết quả phỏng vấn “Đạt” về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Có điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì thực hiện ưu tiên trong tuyển dụng viên chức theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

3. Trường hợp vẫn không xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 2 Điều này thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xét tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.

4. Không thực hiện bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
2. Bổ sung Điều 5a như sau:

“Điều 5a. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ đối với cá nhân có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ
...
7. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về thành tích khoa học và công nghệ, Hội đồng kiểm tra, sát hạch, cách tính điểm để xác định người được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ quy định tại Điều này.”
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Nội dung này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Căn cứ Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương III QUY ĐỊNH VỀ THÀNH TÍCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HỘI ĐỒNG XÉT BỔ NHIỆM ĐẶC CÁCH VÀO CHỨC DANH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CHỨC DANH CÔNG NGHỆ CAO HƠN KHÔNG QUA THI THĂNG HẠNG, KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO NĂM CÔNG TÁC

Điều 9. Thành tích khoa học và công nghệ để xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác

1. Cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn của chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc chức danh kỹ sư (hạng III) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV được xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc chức danh kỹ sư (hạng III) không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ như sau:

a) Là tác giả hoặc tham gia nhóm tác giả của công trình nghiên cứu khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, giải thưởng của Bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước khác về khoa học và công nghệ theo Danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;

b) Là thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định tại Điều 25 và Điều 30 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.

Đánh giá tính ứng dụng, hiệu quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã hoàn thành làm căn cứ áp dụng chính sách quy định tại Thông tư này được thực hiện thông qua xem xét những thông tin về địa chỉ ứng dụng, tài liệu chứng minh hiệu quả từ việc ứng dụng.

2. Cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn của chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc chức danh kỹ sư chính (hạng II) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV được xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc chức danh kỹ sư chính (hạng II) không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ như sau:

a) Có thành tích khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Được cấp bằng tiến sĩ, tiến sĩ khoa học.

3. Cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn của chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV được xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I) không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ như sau:

a) Được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (không yêu cầu về hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ đang giữ);

b) Có công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, Giải thưởng Kovalevskaia hoặc giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ theo Danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;

c) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định tại Điều 25 và Điều 30 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên;

d) Đối với xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I): Đã chủ nhiệm ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (hoặc chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và tham gia ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc là tác giả chính hoặc chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo trình bày kết quả nghiên cứu chuyên sâu, giải quyết vấn đề khoa học liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực (hoặc 02 sách chuyên khảo trình bày kết quả nghiên cứu chuyên sâu, giải quyết vấn đề khoa học trong phạm vi ngành, lĩnh vực) và là tác giả chính của ít nhất 04 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín, trong đó có 02 bài được đăng trên tạp chí ISI có uy tín.

Đối với xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I), cá nhân đã được cấp bằng tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học và đạt thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ như sau: Đã tham gia thực hiện ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (hoặc tham gia thực hiện ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ cấp bộ hoặc cấp tỉnh) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và chủ nhiệm ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp bằng độc quyền và 02 giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn; hoặc là giám đốc quản lý, chủ trì, chủ nhiệm ít nhất 02 dự án hoặc công trình hoặc đồ án cấp I thuộc chuyên ngành kỹ thuật và làm giám đốc quản lý, chủ trì, chủ nhiệm ít nhất 04 dự án hoặc công trình hoặc đồ án cấp II thuộc chuyên ngành kỹ thuật được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; hoặc làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế của ít nhất 02 dự án hoặc công trình cấp I và làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế của ít nhất 02 dự án hoặc công trình cấp II được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác

1. Thẩm quyền thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định hoặc phân cấp, ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền quản lý quyết định thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách từ chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng IV lên hạng III;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách từ chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng III lên hạng II và Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách từ chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng II lên hạng I.

2. Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách gồm 05 hoặc 07 thành viên, trong đó:

a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đặc cách;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đặc cách;

c) Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng là công chức, viên chức giúp việc về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đặc cách;

d) Các ủy viên khác là những người có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyên ngành của người được đề nghị xét bổ nhiệm đặc cách vào hạng chức danh cao hơn;

đ) Không bố trí những người sau đây làm thành viên Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách: cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc của bên vợ (chồng) của người được đề nghị xét bổ nhiệm đặc cách vào hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người được đề nghị xét bổ nhiệm đặc cách vào hạng chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách:

a) Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 9 Thông tư này;

b) Bỏ phiếu kín cho từng trường hợp, báo cáo kết quả xét và đề nghị với thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đặc cách quyết định bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.

4. Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách làm việc khi có mặt từ 2/3 tổng số thành viên trở lên theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

5. Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
4. Bổ sung Điều 6a như sau:

“Điều 6a. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác
...
6. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết về thành tích khoa học và công nghệ, Hội đồng xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác quy định tại Điều này.”
Nội dung này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Căn cứ Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 14. Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành

Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành để đánh giá, đề xuất lựa chọn nhà khoa học đầu ngành theo hồ sơ cung cấp và theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

1. Thành viên của Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành

Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm 11 thành viên, do 01 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện Lãnh đạo cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ nơi ứng viên công tác (nếu có); có ít nhất 50% thành viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành xét chọn nhà khoa học đầu ngành và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo của tổ chức khoa học và công nghệ nơi ứng viên công tác, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Hội đồng cử một trong các thành viên làm Thư ký Hội đồng.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành:

a) Kiểm tra kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp cơ sở;

b) Đánh giá tính khoa học, tính khả thi và dự báo hiệu quả, kết quả của Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học;

c) Báo cáo kết quả thẩm định với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để công nhận kết quả xét chọn và quyết định áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức xét chọn nhà khoa học đầu ngành.

3. Không bố trí những người sau đây làm thành viên Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành: cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc của bên vợ (chồng) của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

4. Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành làm việc khi có mặt từ 2/3 tổng số thành viên trở lên theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

5. Biểu mẫu phục vụ họp Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
...
3. Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nơi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang công tác và các thành phần khác để đánh giá, đề xuất lựa chọn nhà khoa học đầu ngành (không phân biệt cá nhân thuộc hay không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) theo hồ sơ cung cấp và theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Hội đồng thẩm định cơ sở đánh giá hồ sơ tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Căn cứ Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 13. Hội đồng thẩm định cơ sở đánh giá hồ sơ tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành

1. Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đang công tác thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ đối với cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

2. Thành viên của Hội đồng thẩm định cơ sở

a) Hội đồng thẩm định cơ sở gồm 07 hoặc 09 thành viên;

b) Hội đồng thẩm định cơ sở tại các tổ chức khoa học và công nghệ do Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ là Chủ tịch Hội đồng, có các thành viên gồm: đại diện lãnh đạo của tổ chức khoa học và công nghệ, đại diện bộ phận quản lý về khoa học, chuyên môn của tổ chức khoa học và công nghệ và ít nhất có 50% thành viên Hội đồng là chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành;

Trường hợp cá nhân tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành là Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ thì Hội đồng thẩm định cơ sở do Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học công tác quyết định thành lập. Chủ tịch Hội đồng thẩm định cơ sở trong trường hợp này là người đứng đầu đơn vị/bộ phận quản lý về khoa học và công nghệ của cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ, có 01 thành viên kiêm thư ký là đại diện cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ;

c) Hội đồng thẩm định cơ sở tại Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam do 01 Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng; các thành viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Hội khoa học chuyên ngành và các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành; có 01 thành viên kiêm thư ký là người đứng đầu bộ phận tổ chức cán bộ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định cơ sở:

a) Kiểm tra hồ sơ, thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn của ứng viên tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành;

b) Đánh giá tính khoa học, tính khả thi và dự báo hiệu quả, kết quả của Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học;

c) Báo cáo kết quả thẩm định với Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi ứng viên đang công tác để đề nghị cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, lựa chọn đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn. Trường hợp cá nhân tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành là Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ, Hội đồng thẩm định cơ sở báo cáo cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, lựa chọn.

Hội đồng thẩm định cơ sở do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thành lập báo cáo kết quả thẩm định với Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, lựa chọn đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn.

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thẩm định cơ sở.

4. Không bố trí những người sau đây làm thành viên Hội đồng thẩm định cơ sở: cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc của bên vợ (chồng) của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

5. Hội đồng thẩm định cơ sở làm việc khi có mặt từ 2/3 tổng số thành viên trở lên theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng thẩm định cơ sở tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

6. Biểu mẫu phục vụ họp Hội đồng thẩm định cơ sở được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“Điều 16. Trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành
...
5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về thành phần, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của các Hội đồng quy định tại Điều này.”
Hội đồng thẩm định cơ sở đánh giá hồ sơ tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Dừng áp dụng chính sách trọng dụng được hướng dẫn bởi Điều 15 Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Căn cứ Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 15. Dừng áp dụng chính sách trọng dụng và hoàn trả kinh phí đối với nhà khoa học không được tiếp tục công nhận nhà khoa học đầu ngành

1. Trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) về việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Hội đồng tư vấn để xem xét, quyết định.

2. Hội đồng tư vấn:

a) Thành viên và nguyên tắc làm việc của Hội đồng tư vấn theo quy định tại khoản 1, 3 và khoản 4 Điều 14 Thông tư này;

b) Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn:

- Xem xét việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP;

- Báo cáo kết quả với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành đối với cá nhân được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng có ý kiến dừng áp dụng chính sách trọng dụng;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình xem xét việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành.

3. Trên cơ sở ý kiến kết luận của Hội đồng tư vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành; thông báo kết quả đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

4. Đối với nhà khoa học không được tiếp tục công nhận là nhà khoa học đầu ngành, việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng và hoàn trả kinh phí được thực hiện như sau:

a) Kể từ ngày quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành có hiệu lực, nhà khoa học không được hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Điều 18 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP;

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành có hiệu lực, nhà khoa học phải hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí ưu đãi nhà khoa học đã được cấp theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP nhưng chưa sử dụng.

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

“Điều 20. Tiếp tục hoặc dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành
...
4. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Điều này.”
Dừng áp dụng chính sách trọng dụng được hướng dẫn bởi Điều 15 Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Căn cứ Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương IV TRỌNG DỤNG NHÀ KHOA HỌC ĐẦU NGÀNH

Điều 11. Lĩnh vực khoa học và công nghệ được xem xét lựa chọn nhà khoa học đầu ngành

1. Lĩnh vực khoa học và công nghệ được xem xét để lựa chọn nhà khoa học đầu ngành được xác định theo Lớp 2 Bảng phân loại lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 04 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Việc xác định các ngành khoa học và công nghệ được xem xét, lựa chọn nhà khoa học đầu ngành bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong từng giai đoạn cụ thể.

Điều 12. Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học

1. Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học cần nêu rõ:

a) Tên Đề án;

b) Căn cứ đề xuất;

c) Tính cấp thiết; tầm quan trọng phải thực hiện ở tầm quốc gia; tác động và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước;

d) Tính mới:

- Đề xuất hướng nghiên cứu mới;

- Giải quyết được một vấn đề khoa học và công nghệ của đất nước;

- Đề xuất giải pháp tiên phong triển khai các ý tưởng nghiên cứu khoa học mới hoặc kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được chuyển giao và mang lại sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị cho xã hội.

đ) Mục tiêu của Đề án;

e) Yêu cầu các kết quả chính và các chỉ tiêu cần đạt (phù hợp với từng mục tiêu triển khai Đề án);

g) Nội dung chính thực hiện để đạt kết quả; dự kiến các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần triển khai để thực hiện Đề án;

h) Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án (bao gồm phương án huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án);

i) Dự kiến nhu cầu kinh phí gắn với Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án.

2. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với từng loại nhiệm vụ. Việc xác định, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí và phương thức, thời gian thực hiện đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học thực hiện theo quy định hiện hành đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao trực tiếp.

Điều 13. Hội đồng thẩm định cơ sở đánh giá hồ sơ tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành

1. Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đang công tác thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ đối với cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

2. Thành viên của Hội đồng thẩm định cơ sở

a) Hội đồng thẩm định cơ sở gồm 07 hoặc 09 thành viên;

b) Hội đồng thẩm định cơ sở tại các tổ chức khoa học và công nghệ do Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ là Chủ tịch Hội đồng, có các thành viên gồm: đại diện lãnh đạo của tổ chức khoa học và công nghệ, đại diện bộ phận quản lý về khoa học, chuyên môn của tổ chức khoa học và công nghệ và ít nhất có 50% thành viên Hội đồng là chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành;

Trường hợp cá nhân tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành là Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ thì Hội đồng thẩm định cơ sở do Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học công tác quyết định thành lập. Chủ tịch Hội đồng thẩm định cơ sở trong trường hợp này là người đứng đầu đơn vị/bộ phận quản lý về khoa học và công nghệ của cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ, có 01 thành viên kiêm thư ký là đại diện cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ;

c) Hội đồng thẩm định cơ sở tại Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam do 01 Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng; các thành viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Hội khoa học chuyên ngành và các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành; có 01 thành viên kiêm thư ký là người đứng đầu bộ phận tổ chức cán bộ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định cơ sở:

a) Kiểm tra hồ sơ, thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn của ứng viên tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành;

b) Đánh giá tính khoa học, tính khả thi và dự báo hiệu quả, kết quả của Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học;

c) Báo cáo kết quả thẩm định với Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi ứng viên đang công tác để đề nghị cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, lựa chọn đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn. Trường hợp cá nhân tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành là Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ, Hội đồng thẩm định cơ sở báo cáo cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, lựa chọn.

Hội đồng thẩm định cơ sở do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thành lập báo cáo kết quả thẩm định với Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, lựa chọn đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn.

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thẩm định cơ sở.

4. Không bố trí những người sau đây làm thành viên Hội đồng thẩm định cơ sở: cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc của bên vợ (chồng) của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

5. Hội đồng thẩm định cơ sở làm việc khi có mặt từ 2/3 tổng số thành viên trở lên theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng thẩm định cơ sở tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

6. Biểu mẫu phục vụ họp Hội đồng thẩm định cơ sở được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành

Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành để đánh giá, đề xuất lựa chọn nhà khoa học đầu ngành theo hồ sơ cung cấp và theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

1. Thành viên của Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành

Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm 11 thành viên, do 01 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện Lãnh đạo cơ quan chủ quản tổ chức khoa học và công nghệ nơi ứng viên công tác (nếu có); có ít nhất 50% thành viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành xét chọn nhà khoa học đầu ngành và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo của tổ chức khoa học và công nghệ nơi ứng viên công tác, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Hội đồng cử một trong các thành viên làm Thư ký Hội đồng.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành:

a) Kiểm tra kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp cơ sở;

b) Đánh giá tính khoa học, tính khả thi và dự báo hiệu quả, kết quả của Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học;

c) Báo cáo kết quả thẩm định với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để công nhận kết quả xét chọn và quyết định áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức xét chọn nhà khoa học đầu ngành.

3. Không bố trí những người sau đây làm thành viên Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành: cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc của bên vợ (chồng) của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của nhà khoa học tham gia xét chọn là nhà khoa học đầu ngành hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

4. Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành làm việc khi có mặt từ 2/3 tổng số thành viên trở lên theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

5. Biểu mẫu phục vụ họp Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Dừng áp dụng chính sách trọng dụng và hoàn trả kinh phí đối với nhà khoa học không được tiếp tục công nhận nhà khoa học đầu ngành

1. Trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) về việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Hội đồng tư vấn để xem xét, quyết định.

2. Hội đồng tư vấn:

a) Thành viên và nguyên tắc làm việc của Hội đồng tư vấn theo quy định tại khoản 1, 3 và khoản 4 Điều 14 Thông tư này;

b) Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn:

- Xem xét việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP;

- Báo cáo kết quả với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành đối với cá nhân được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng có ý kiến dừng áp dụng chính sách trọng dụng;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình xem xét việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành.

3. Trên cơ sở ý kiến kết luận của Hội đồng tư vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành; thông báo kết quả đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

4. Đối với nhà khoa học không được tiếp tục công nhận là nhà khoa học đầu ngành, việc dừng áp dụng chính sách trọng dụng và hoàn trả kinh phí được thực hiện như sau:

a) Kể từ ngày quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành có hiệu lực, nhà khoa học không được hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Điều 18 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP;

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định dừng áp dụng chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành có hiệu lực, nhà khoa học phải hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí ưu đãi nhà khoa học đã được cấp theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP nhưng chưa sử dụng.

Xem nội dung VB
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
10. Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 8 Điều 18 như sau:

“Điều 18. Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

1. Được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án.

8. Được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ đối với các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.”
Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 05/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 07/07/2023
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 07/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/07/2023
Căn cứ Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Nghị định số 87/2014/NĐ-CP);
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định việc thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN THUÊ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VÀ CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI THAM GIA HOẠT ...

Điều 4. Điều kiện đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuê người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo
...
Điều 5. Điều kiện, tiêu chuẩn người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Chương III THẨM QUYỀN, QUY TRÌNH THUÊ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VÀ CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI ĐẢM NHIỆM

Điều 6. Thẩm quyền phê duyệt chủ trương và xem xét quyết định thuê người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 7. Hồ sơ cá nhân để xem xét thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 8. Quy trình xem xét, quyết định việc thuê người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 9. Ký kết hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 10. Hội đồng đánh giá
...
Điều 11. Chấm dứt hợp đồng thuê người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 12. Quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực
...
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành
...
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC CÁC BIỂU MẪU

Mẫu số 01 BẢN CAM KẾT
...
Mẫu số 02 HỢP ĐỒNG THUÊ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH LÃNH ĐẠO
...
Mẫu số 03 PHIẾU ĐÁNH GIÁ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC THUÊ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP Năm …….


Xem nội dung VB
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam như sau:
...
6. Bổ sung điểm c khoản 1, sửa đổi khoản 2, bổ sung điểm c khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 14 như sau:

“Điều 14. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 07/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/07/2023