47125

Thông tư 08/2000/TT-TCHQ hướng dẫn thi hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

47125
LawNet .vn

Thông tư 08/2000/TT-TCHQ hướng dẫn thi hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu: 08/2000/TT-TCHQ Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
Ngày ban hành: 20/11/2000 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 22/02/2001 Số công báo: 7-7
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 08/2000/TT-TCHQ
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
Ngày ban hành: 20/11/2000
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 22/02/2001
Số công báo: 7-7
Tình trạng: Đã biết

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2000/TT-TCHQ

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 08/2000/TT-TCQH NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN

Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định 16/CP ngày 20 tháng 3 năm 1996, Điều 7 Nghị định 54/1998/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 1998 và Điều 2 Nghị định số 58/2000/NĐ-CP ngày 24/10/2000 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các Nghị định số 16/CP ngày 20/3/1996, Nghị định 54/1998/NĐ-CP ngày 21/7/1998 và Nghị định số 58/2000/NĐ-CP ngày 24/10/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 16/CP và 54/CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan (dưới đây gọi chung là Nghị định XPVPHC về HQ).

2. Nguyên tắc áp dụng Nghị định XPVPHC về HQ:

a. Nghị định XPVPHC về HQ được áp dụng với hành vi xảy ra tại thời điểm các Nghị định có hiệu lực.

b. Trong trường hợp Nghị định XPVPHVC về HQ và văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

c. Trong trường hợp Nghị định XPVPHC về HQ và văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về cùng một vấn đề, do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau cùng.

d. Trong trường hợp Nghị định XPVPHC về HQ và văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan khác không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực, thì áp dụng văn bản mới.

3. Những từ ngữ tại Nghị định XPVPHC về hải quan dưới đây được hiểu như sau:

a. "Hàng hoá, vật phẩm": là hàng hoá, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện, ngoại hối, vàng, tiền Việt Nam và những vật phẩm khác.

b. "Mã hàng": là mã số thuế của hàng hoá theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

c. "Hàng hoá khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu": là hàng hoá không thuộc loại hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; không quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép, kế hoạch định hướng.

d. "Mức trung bình của khung phạt tiền": là mức trung bình cộng của mức phạt tiền cao nhất và mức phạt tiền thấp nhất của khung phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính.

e. "Không đúng với khai báo hải quan": là sự khác nhau giữa hàng hoá, vật phẩm khai báo hải quan với hàng hoá, vật phẩm thực xuất khẩu, thực nhập khẩu.

g. "Tái phạm": là trường hợp đã bị xử phạt nhưng chưa hết thời hiệu được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, lại thực hiện tiếp vi phạm hành chính trong cùng lĩnh vực đó.

h. "Vi phạm nhiều lần": là trường hợp thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực mà trước đó đã vi phạm nhưng chưa bị xử phạt.

i. "Đưa hàng hoá trái phép vào Việt Nam": là hành vi đưa hàng hoá vào Việt Nam trái với các quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định XPVPHC về HQ (sau đây gọi tắt là Nghị định) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

5. Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định được hiểu như sau:

a. Tổ chức gồm: cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

b. Cá nhân gồm: người Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

c. Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan, đều phải chịu trách nhiệm hành chính về hải quan theo quy định tại Nghị định này và các Nghị định khác của Chính phủ có quy định thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế.

6. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan bao gồm: người vận chuyển, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người kinh doanh kho ngoại quan, khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hải quan; người mua, người bán, chứa chấp, vận chuyển hàng hoá, vật phẩm có nguồn gốc nhập khẩu trái phép; người mua, người bán không đúng quy định hàng hoá thuộc đối tượng ưu đãi về thuế, người có hành vi cản trở, xúc phạm nhân viên hải quan thi hành công vụ.

7. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Khi quyết định xử phạt bằng tiền đối với một người trong cùng thời điểm thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì được cộng lại thành mức phạt chung, nhưng phải ghi rõ mức phạt đối với từng hành vi. Nếu một trong các hành vi vi phạm nêu trên không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

8. Đối với các vi phạm phức tạp, khó xác định là vi phạm hành chính hay hình sự thì người có thẩm quyền xử phạt thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan tỉnh) trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và chỉ ra quyết định xử phạt hành chính khi đã có ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân.

9. Hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu là tang vật vi phạm hành chính thuộc đối tượng chịu thuế thì ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải nộp đủ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các loại thuế khác và lệ phí theo quy định của pháp luật.

10. Khi xem xét để áp dụng nguyên tắc có lợi cho đương sự quy định tại khoản 1, Điều 5b Nghị định phải căn cứ vào Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 7 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để thực hiện.

11. Về thẩm quyền xử lý vi phạm:

a. Đối với những vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì cơ quan nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên, cơ quan đó ra quyết định xử phạt.

b. Những hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, ngoại hối, vàng qua biên giới có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc những hành vi trốn thuế (bao gồm: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) với số tiền trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do cơ quan khác không có thẩm quyền xử phạt phát hiện được thì chuyển hồ sơ, tang vật để cơ quan Hải quan ra quyết định xử phạt và thu thuế theo quy định của pháp luật.

c. Đối với những vụ vi phạm pháp luật hải quan đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 161 (tội trốn thuế) Bộ Luật Hình sự thì cơ quan Hải quan chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Điều tra có thẩm quyền, đồng thời chuyển vật chứng để cơ quan đó bảo quản theo quy định tại khoản 2, Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo khác.

d. Đối với vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị Hải quan thì đơn vị nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên, đơn vị đó ra quyết định xử phạt; những đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ tài liệu cần thiết theo yêu cầu của đơn vị có thẩm quyền xử phạt; khi có ý kiến khác nhau trong việc xử phạt thì trong thời hạn quy định phải báo cáo xin ý kiến Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

e. Đối với vi phạm hành chính về hải quan bị bắt giữ trên biển nếu mức phạt tiển vượt quá thẩm quyền của đơn vị bắt giữ thì chuyển cơ quan Hải quan có thẩm quyền nơi gần nhất để xử phạt.

Trường hợp vụ án do Cục Điều tra chống buôn lậu hoặc cơ quan Điều tra ở Trung ương khởi tố hình sự, liên quan đến phạm vi hoạt động của nhiều Cục Hải quan, khi có quyết định đình chỉ điều tra để xử phạt hành chính thì chuyển Cục Hải quan nơi xảy ra vụ án để xử phạt. Trường hợp vụ án xảy ra tại nơi không thuộc địa bàn hoạt động của Hải quan thì chuyển Cục Hải quan gần nơi đã xẩy ra vụ án hoặc Cục Hải quan có trụ sở cùng trên địa bàn đặt trụ sở của cơ quan Điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu để xử phạt.

12. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về hải quan tại khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà áp dụng mức xử phạt tương ứng với các hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định này và các Nghị định khác có quy định hành vi vi phạm và thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan.

13. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan:

a. Hàng hoá, vật phẩm, phương tiện vận tải đưa vào Việt Nam do bị hoả hoạn, thiên tai, địch hoạ, sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết, phải khai báo với cơ quan Hải quan, cơ quan có thẩm quyền khác hoặc chính quyền địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp không khai báo sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2, Điều 6 Nghị định.

b. Đối với các trường hợp quy định tại điểm g, khoản 8 Điều 12a Nghị định, khi phát hiện ra hành vi sai phạm phải lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan. Trên cơ sở hồ sơ nhập khẩu, tài liệu có liên quan và biên bản vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định có xử phạt hay không; Sau đó hướng dẫn người khai hải quan điều chỉnh, bổ sung vào tờ khai hải quan.

c. Căn cứ để xác định trị giá đối với hành vi khai báo sai số lượng hàng hoá, vật phẩm quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 12a và Điều 13, 14 Nghị định:

- Đối với hàng hoá, vật phẩm phải căn cứ vào văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn xác định giá tính thuế đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế, mặt hàng Nhà nước không quản lý giá tính thuế.

- Đối với ngoại hối và vàng phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ở thời điểm lập biên bản vi phạm.

- Việc xác định trị giá còn lại để xử phạt quy định tại Điều 13, 14 Nghị định 16/CP sửa đổi, bổ sung là trị giá sau khi đã trừ đi số ngoại hối, vàng, đồng Việt Nam không phải khai báo Hải quan theo quy định của pháp luật.

d. Trường hợp khai báo tên hàng hoá, vật phẩm bằng tiếng Việt Nam chưa chính xác so với tên hàng hoá bằng tiếng nước ngoài trên chứng từ trong hồ sơ hải quan và tài liệu kỹ thuật liên quan (nếu có), chỉ do lỗi dịch thuật, thì Hải quan yêu cầu dịch lại cho chính xác, không xử phạt.

e. Đối tượng nộp thuế khai báo đúng hàng hoá, vật phẩm thực xuất khẩu, nhập khẩu nhưng áp sai mã số thuế do lần đầu nhập khẩu mặt hàng đó, Hải quan sẽ hướng dẫn chủ hàng áp lại mã số thuế cho chính xác, lập biên bản chứng nhận và không xử phạt. Nếu đã được cán bộ Hải quan hướng dẫn một lần mà tiếp tục áp sai mã số thuế đối với mặt hàng đó thì lập biên bản vi phạm và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

- Đối tượng nộp thuế có sự nhầm lẫn về tính toán số học trong khi tính thuế mà không có căn cứ pháp lý xác định là hành vi cố ý thì không coi đây là hành vi vi phạm. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra và điều chỉnh lại số thuế phải nộp theo đúng quy định của các Luật thuế liên quan.

- Đối với mặt hàng thuộc danh mục nhóm mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế, chủ hàng kê khai giá đúng theo giá ghi trên hợp đồng thương mại nhưng thấp hơn giá tối thiểu quy định thì không xử phạt (trừ trường hợp có đủ căn cứ xác định giá ghi trên hợp đồng là không trung thực), mà điều chỉnh lại cho đúng giá tối thiểu để tính thuế.

g. Trường hợp nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm đúng với khai báo hải quan (trừ ma tuý, vũ khí, tài liệu phản động) mà người nhận hàng từ chối nhận, trả lại người bán nếu có lý do xác đáng, phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng thương mại, phù hợp với Luật Thương mại Việt Nam và tập quán thương mại quốc tế thì được phép đưa hàng hoá, vật phẩm đó ra khỏi Việt Nam và không bị xử phạt.

14. Khi tiếp nhận hồ sơ hải quan để làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì phải hướng dẫn người khai khai bổ sung và nộp, xuất trình các chứng từ còn thiếu; khi bổ sung đủ hồ sơ theo đúng quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan thì hải quan tiếp nhận đăng ký và không lập biên bản vi phạm.

II. ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC XỬ PHẠT

1. Hình thức xử phạt: cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về hải quan phải chịu một trong các hình thức phạt chính là: cảnh cáo hoặc phạt tiền.

a. Cảnh cáo: áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ, được quy định tại khoản 1 thuộc các Điều 6, 8, 9a, 9b, 11 và Điều 10 Nghị định.

b. Ngoài hình thức phạt chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức, có thể còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung sau:

- Tịch thu tang vật, phương tiên vi phạm;

- Tước quyền sử dụng giấy phép.

Các hình thức phạt bổ sung trên không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức phạt chính.

2. Cá nhân, tổ chức bị áp dụng hình thức phạt chính, phạt bổ sung nêu trên còn có thể buộc phải thực hiện các biện pháp hành chính khác quy định tại Nghị định như:

- Buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm;

- Đình chỉ làm thủ tục hải quan;

- Buộc tiêu huỷ hành hoá, vật phẩm;

Biện pháp hành chính khác được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính, không áp dụng độc lập.

3. Chỉ áp dụng hình thức phạt bổ sung "tước quyền sử dụng giấy phép" đối với giấy phép trực tiếp liên quan đến hàng hoá, vật phẩm, phương tiện vận tải là tàng vật vi phạm.

Các cấp hải quan có thẩm quyền xử phạt chỉ được tước quyền sử dụng giấy phép đối với giấy phép do cơ quan Hải quan cấp. Trường hợp các giấy phép do cơ quan khác cấp, cơ quan Hải quan thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đề nghị tước quyền sử dụng giấy phép. Sau khi thực hiện đề nghị của Hải quan, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo kết quả cho cơ quan Hải quan.

Khi phát hiện giấy phép giả mạo, giấy phép cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật, phải lập biên bản thu giữ, sau đó thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước, tổ chức liên quan biết.

4. Khi xem xét xử lý, những trường hợp nhầm lẫn trong quá trình gửi hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định phải căn cứ vào Điều 17 Pháp lệnh Hải quan và Điều 7 Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan để xác định thời điểm "Hải quan kiểm tra hàng hoá". Thời điểm "trước khi Hải quan kiểm tra hàng hoá" quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định được hiểu là thời gian trước khi người làm thủ tục hải quan hoặc đại diện hợp pháp của họ xuất trình và mở container hoặc kiện hàng tại địa điểm kiểm tra để hải quan kiểm tra.

Việc thông báo nhầm lẫn phải được người vận tải, người gửi hàng hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do và gửi cho hải quan trước khi kiểm tra hàng. Trường hợp có đủ căn cứ pháp lý xác định lỗi vi phạm xảy ra do có sự thông đồng giữa bên mua và bán hoặc bên vận tải để buôn lậu, vận chuyển trái phép hoặc trốn thuế thì không chấp nhận việc thông báo nhầm lẫn, mà tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Thời hạn quy định làm thủ tục hải quan nói tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều 6 Nghị định là thời hạn quy định tại Điều 5 Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan.

6. Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định, chỉ xử phạt nếu trong giấy phép, tờ khai hải quan hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật, có quy định thời gian phải tái nhập hoặc tái xuất.

7. Đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 3, Điều 7 Nghị định mà tự ý tiêu thụ hàng hoá, vật phẩm, trong trường hợp số hàng hoá, vật phẩm đó là tang vật vi phạm hành chính khác bị áp dụng phạt bổ sung tịch thu sung công quỹ, thì ngoài việc xử phạt theo khoản 3, Điều 7, phải thu hồi lại số tiền tương đương với trị giá của hàng hoá, vật phẩm đó. Trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hiện quyết định xử phạt thì thu hồi số tiền bằng số tiền bị xử phạt.

8. Chủ thể vi phạm quy định về trao đổi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới bao gồm: cư dân khu vực biên giới và ngoài khu vực biên giới. Trị giá và mặt hàng cư dân biên giới được phép trao đổi phải theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm dưới hình thức khác tại Cửa khẩu biên giới đường bộ, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật liên quan.

Trường hợp cư dân biên giới mang ngoại hối (bao gồn cả tiền Việt Nam, vàng) qua biên giới vượt quá tiêu chuẩn mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, không khai báo hải quan thì xử phạt theo quy định tại Điều 13, 14 Nghị định, được hướng dẫn xử lý tại điểm 19, 20 Phần II Thông tư này.

9. Hành vi xuất khẩu, nhập khẩu quà biếu trái quy định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 9a Nghị định là hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hành hoá, vật phẩm thuộc diện quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép, kế hoạch định hướng; hàng hoá tạm ngưng xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hoá, vật phẩm cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện khác.

Trường hợp thực tế hàng hoá, vật phẩm khi kiểm tra đúng với khai báo hải quan nhưng người nhận từ chối nhận, hoặc trường hợp nhập khẩu quà biếu thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu (trừ ma tuý, tài liệu phản động, vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự) có khai báo hải quan thì yêu cầu người nhận quá biếu đó thông báo cho người gửi, người vận chuyển đưa vật phẩm, hàng hoá đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định; quá thời hạn không đưa ra thì hàng hoá, vật phẩm đó bị sung công quỹ hoặc bị tiêu huỷ.

- Quà biếu gửi theo đường bưu phẩm, bưu kiện hay chuyển phát nhanh có vi phạm mà cơ quan Bưu điện thay mặt chủ hàng làm thủ tục thì thực hiện theo điểm 2 Phần IV Thông tư liên tịch số 06/TTLT-TCBĐ-TCHQ ngày 11/12/1998 giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện về việc làm thủ tục Hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh.

10. Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hành lý không khai báo hoặc khai báo không đúng quy định về khai báo hải quan (quy định trong nội dung tờ khai hải quan), mà không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 9b Nghị định thì xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 9b nói trên.

Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không mang tính chất quà biếu, hành lý thì xử theo quy định tại Điều 12 Nghị định 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội.

Việc xác định hành lý xuất khẩu, nhập khẩu có giấy phép hay không, phải căn cứ vào văn bản về cơ chế điều hành xuất nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, lấy đó làm cơ sở để xác định hành vi vi phạm "xuất khẩu, nhập khẩu hành lý không có giấy phép theo quy định của pháp luật" quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 9b Nghị định.

Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hành lý thuộc loại hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (trừ ma tuý, tài liệu phản động, vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự) có khai báo hải quan thì không cho phép xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không xử phạt.

11. Phương tiện vận tải chở hành hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, chuyển khẩu quy định tại Nghị định bao gồm phương tiện vận tải trên không, trên biển, trên sông, trên bộ di chuyển trong khu vực kiểm soát hải quan.

a. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định bao gồm cả phương tiện vận tải chở hàng hoá xuất khẩu xuất phát từ một cảng của Việt Nam hoặc chở hàng chuyển khẩu, cập cảng không có trong hành trình của tàu, nhưng không khai báo hải quan theo quy định tại Điều 5 Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan.

b. Hàng hoá, vật phẩm không khai báo hải quan trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh trong khu vực kiểm soát hải quan:

- Trường hợp xác định hàng hoá, vật phẩm không thuộc hành lý của thuyền viên thì xử phạt theo quy định tại khoản 4, Điều 11 Nghị định.

- Trường hợp xác định hành hoá đó thuộc hành lý của người điều khiển, người phục vụ hoặc hành khách trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, phục vụ cho chuyến đi của họ hoặc hàng hoá thuộc tiêu chuẩn hành lý thuyền viên thì xử phạt theo quy định tại Điều 9b Nghị định.

c. Khi phát hiện được việc mua, bán, chứa chấp, vận chuyển hàng hoá, vật phẩm không theo đúng quy định của pháp luật hoặc có nguồn gốc nhập khẩu trái phép thì tuỳ tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà áp dụng mức phạt được quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 17; hoặc khoản 4 Điều 11 và khoản 2 Điều 17 của Nghị định hoặc Điều 21 Nghị định 01/CP ngày 31/1/1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại; nếu có hành vi trốn thuế thì xử phạt theo điểm 12a dưới đây.

12. Vi phạm quy định tại Điều 12a Nghị định:

a. Vi phạm quy định tại điểm a khoản 2; điểm b, c khoản 3 Điều 12a dẫn đến thất thu thuế thì việc xử phạt được thực hiện như sau:

- Cách tính chênh lệch thuế và áp dụng mức phạt:

Lấy số thuế phải nộp của mặt hàng thực nhập khẩu, trừ đi số thuế mà chủ hàng đã khai báo trên tờ khai hải quan sẽ có số thuế gian lận. Số thuế gian lận bao gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức chênh lệch về thuế do đơn vị nghiệp vụ về thuế xác định.

Sau khi tính được số thuế gian lận, phải đối chiếu với khoản 1 Điều 161 (tội trốn thuế) Bộ Luật Hình sự để xử phạt theo Luật thuế hay chuyển khởi tố hình sự. Nếu xử lý hành chính thì căn cứ vào Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và điểm 2, Phần II Thông tư số 128/1998/TT-BTC ngày 22/9/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 22/CP để xử phạt từ 1 đến 5 lần thuế gian lận, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

- Căn cứ pháp lý để ra quyết định xử phạt phải phù hợp với các quy định sau đây của các Luật thuế:

+ Khoản 3, Điều 20 thuộc khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung 1 số Điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

+ Khoản 3 Điều 19 của Luật thuế giá trị gia tăng;

+ Khoản 3 Điều 17 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;

+ Nghị định 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

Khi không có đủ chứng cứ pháp lý xác định được hành vi vi phạm là cố ý gian lận tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà xử phạt theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 12a Nghị định.

b. Trong trường hợp nhập khẩu hàng hoá để góp vốn vào liên doanh đầu tư mà khai báo trị giá hàng hoá cao hơn thực tế, nếu xác định việc giả mạo giấy tờ để tăng góp vốn đầu tư thì ngoài việc phạt về hành vi khai sai trị giá, còn xử phạt về hành vi giả mạo giấy tờ; nếu có dấu hiệu phạm tội thì chuyển cho cơ quan Điều tra.

13. Đối với hành vi vi phạm liên quan đến giấp phép và văn bản thay thế giấy phép (dưới đây gọi là giấp phép):

a. Giấy phép quá hạn:

- Hàng xuất khẩu: Chủ hàng phải xin gia hạn giấy phép mới cho làm thủ tục xuất khẩu, đồng thời xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

- Hàng nhập khẩu: nếu khi ký hợp đồng, hoặc khi xếp hàng lên phương tiện vận tải hiệu lực giấy phép vẫn còn, nhưng khi hàng về tới cảng giấy phép hết hạn thì xử phạt về hành vi sử dụng giấy phép quá hạn để nhập khẩu hàng hoá, theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, không coi đây là trường hợp nhập khẩu trái phép.

b. Hàng hoá nhập khẩu theo quy định phải có giấy phép trước khi ký hợp đồng:

- Trường hợp giấy phép được cấp sau khi ký hợp đồng thì xử phạt theo quy định tại điểm g khoản 5, khoản 7 Điều 12a Nghị định.

- Đối với giấy phép liên quan đến hàng gia công, hàng gửi kho ngoại quan thì xử phạt theo Điều 12b, 12c Nghị định.

c. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu không đúng nội dung giấy phép, nhưng tang vật vi phạm là vật tư máy móc góp vốn liên doanh đầu tư, thuộc công nghệ tiên tiến phù hợp với yêu cầu sử dụng, được xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, có khai báo hải quan thì không xử phạt, nhưng phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

d. Trường hợp nhập khẩu không đúng với khai báo hải quan mà người nhận hàng từ chối nhận, trả lại người bán với lý do xác đáng, phù hợp với hợp đồng thương mại, Luật Thương mại và quy định khác của pháp luật Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế, không có dấu hiệu hợp pháp hoá cho các lô hàng buôn lậu, thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 12a Nghị định, buộc đưa hàng hoá ra khỏi Việt Nam.

14. Nhập khẩu hàng hoá sai nội dung giấy phép, hoặc khai báo hải quan sai về mã hàng, số lượng, trọng lượng, chất lượng, chủng loại, trị giá, xuất xứ mã hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công xuất khẩu hoặc sản xuất để xuất khẩu thì xử phạt theo khoản 1, Điều 12c Nghị định.

15. Vi phạm quy định về quy chế quản lý đối với hàng gia công xuất khẩu, nhập khẩu và nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hành xuất khẩu thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 12c Nghị định. Trường hợp vi phạm về thời hạn thanh khoản hợp đồng gia công, thì ngoài việc thực hiện quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải thực hiện việc thanh khoản hợp đồng gia công theo đúng quy định hiện hành.

16. Quy định tại điểm e, điểm g, khoản 5 Điều 12a Nghị định không áp dụng đối với trường hợp hàng hoá, vật phẩm đưa vào Việt Nam trên cơ sở hợp đồng thương mại, phù hợp với giấy phép kinh doanh của người nhập khẩu mà trong thời hạn quy định tại khoản 1, Điều 5 Bản quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999, người nhập khẩu đã xuất trình được giấy phép (trừ trường hợp nêu tại điểm 13b Phần II Thông tư này).

17. Đối với quy đinh tại điểm d, khoản 8 Điều 12a Nghị định, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh phải báo cáo đầy đủ, kịp thời để Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc giải phóng hàng hoá hoặc uỷ quyền cho Cục trưởng Hải quan chịu trách nhiệm giải phóng hàng hoá.

18. Những viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự lợi dụng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao để thực hiện hoạt động thương mại ngoài phạm vi chức năng chính thức của họ, vi phạm hành chính về hải quan thì trước khi xử phạt, cần trao đổi với cơ quan ngoại giao.

Những trường hợp không được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, nhưng lợi dung quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao để trốn tránh sự kiểm tra hải quan nhằm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá trái phép, trốn lậu thuế hoặc giả mạo các giấy tờ để được nhập khẩu hàng hoá theo tiêu chuẩn ưu đãi miễn trừ hải quan, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đều bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 12a Nghị định.

19. Vi phạm quy định về ngoại hối, vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh.

a. Các trường hợp khai khống ngoại hối, vàng có số lượng lớn tương đương từ 10.000.000 đồng Việt Nam trở lên đều bị xử phạt.

b. Vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định mà số ngoại hối, vàng khai khống tương đương từ 100.000.000 đồng trở lên, nếu có tình tiết tăng nặng, thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

c. Vi phạm quy định tại khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 13 Nghị định, sau khi xử phạt, nếu ngoại hối, vàng có nguồn gốc hợp pháp thì được trả lại, trường hợp ngoại hối, vàng không có nguồn gốc hợp pháp thì tịch thu sung công quỹ. Xác định nguồn gốc ngoại hối, vàng hợp pháp thực hiện theo điểm 20c Mục II Thông tư này.

20. Vi phạm quy định về tiền Việt Nam khi xuất cảnh, nhập cảnh:

a. Vi phạm khoản 1 Điều 14 Nghị định có tình tiết giảm nhẹ, tang vật vi phạm dưới 10.000.000 đồng thì áp dụng hình thức phạt cảnh cáo. Nếu có tình tiết tăng nặng thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà phạt tiển từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

b. Vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Nghị định nếu tang vật vi phạm là tiền Việt Nam không có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật thì ngoài việc bị phạt tiền còn bị tịch thu sung công quỹ số tang vật đó.

c. Việc xác định nguồn gốc ngoại hối, đồng Việt Nam hợp pháp hay không hợp pháp căn cứ vào hồ sơ vụ việc, tuỳ từng trường hợp cụ thể và phải dựa vào một trong các giấy tờ sau để xác định:

- Xác nhận của Ngân hàng về số ngoại hối, vàng, đồng Việt Nam được rút ra từ Ngân hàng đó;

- Thu nhập từ lương và các khoản thu nhập khác;

- Thừa kế;

- Hoá đơn thanh toán mua bán hàng hoá.v.v...

III. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

1. Thủ trưởng trực tiếp của nhân viên Hải quan, bao gồm Đội trưởng Đội công tác nghiệp vụ thuộc cửa khẩu và Phòng nghiệp vụ, do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh bổ nhiệm; các Phòng nghiệp vụ không tổ chức Đội, được thực hiện thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định. Cấp trên trực tiếp của Đội trưởng các Đội công tác nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu những người thuộc quyền chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi ra quyết định xử phạt. Những trường hợp chủ thể vi phạm là người nước ngoài hoặc vụ việc có tình tiết phức tạp thì chuyển lên cấp trên trực tiếp để ra quyết định xử phạt.

2. Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh; Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định.

Quyết định xử phạt 2.000.000 đồng và quyết định tịch thu tang vật, phương tiên có giá trị 5.000.000 đồng trở lên, những người có thẩm quyền trên đây phải gửi lên Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (nếu là quyết định của Đội Kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu) để gửi sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thnàh phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở Hải quan tỉnh.

Đối với những hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 2.000.000 đồng hoặc tịch thu tang vật có giá trị trên 20.000.000 đồng, Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh phải làm báo cáo, chuyển hồ sơ, tang vật lên Cục trưởng Cục hải quan tỉnh ra quyết định xử phạt.

Những trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, thì vi phạm được phát hiện, lập biên bản tại địa bàn quản lý của Hải quan khu vực nào, sẽ chuyển giao Cục trưởng Cục Hải quan nơi đó ra quyết định xử phạt.

Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh hoặc thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, được xử phạt theo quy định của Luật thuế với mức phạt tối đa là 20.000.000 đồng.

3. Cục trưởng Hải quan tỉnh thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định:

a. Đối với những vụ vi phạm áp dụng hình thức phạt tiền có mức phạt trên 20.000.000 đồng thì làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) nơi bắt giữ để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt.

b. Hồ sơ vụ vi phạm hành chính về Hải quan khi chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phải kèm theo bản tóm tắt nội dung sự việc và ý kiến của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh về biện pháp xử lý. Thủ tục bàn giao hồ sơ những vụ vi phạm hành chính về hải quan có mức phạt trên 20.000.000 đồng sang Uỷ ban nhân dân tỉnh phải thực hiện theo đúng quy định chung. Thời gian xem xét giải quyết ở mỗi cấp được quy định như sau:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh phải gửi hồ sơ, kiến nghị biện pháp xử phạt vi phạm hành chính sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. Tang vật vi phạm vẫn giữ tại kho của Hải quan để bảo quản. Riêng tang vật là ngoại hối, kim khí quý, đá quý phải niêm phong và gửi Kho bạc Nhà nước.

c. Các vụ vi phạm hành chính do cơ quan Hải quan chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền, thì sau khi có quyết định xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Hải quan nơi thụ lý vụ vi phạm hành chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt. Hàng tháng, Cục trưởng Hải quan phải báo cáo kết quả việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân daan tỉnh với Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan.

d. Trường hợp Cục Hải quan tỉnh phụ trách đơn vị Hải quan đặt ở tỉnh khác thì các vụ vi phạm hành chính về hải quan vượt thẩm quyền xử phạt bắt giữ tại địa bàn tỉnh nào sẽ chuyển đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đó ra quyết định xử phạt.

e. Thẩm quyền xử phạt theo Luật thuế của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh thực hiện theo quy định của các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật thuế. Đối với số thuế gian lận ở dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh được phạt tiền đến 5 lần số thuế gian lận, nhưng tối đa khi phạt 1 lần thuế gian lận phải dưới 50 triệu đồng; khi phạt 5 lần thuế gian lận phải dưới 250 triệu đồng.

Đối với những trường hợp có mức phạt vượt quy định nêu trên thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh chỉ ra quyết định xử phạt theo quy định của Luật thuế khi có ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.

IV. THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ĐẢM BẢO VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Khi áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải tuâ thủ các nguyên tắc sau đây:

a. Chỉ những người có thẩm quyền quy định tại Điều 19 Nghị định mới được tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

b. Khi tạm giữ người phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một văn bản.

c. Chỉ tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng để làm căn cứ ra quyết định xử phạt hành chính hoặc để ngăn chặn, đình chỉ ngay những vi phạm hành chính.

2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

a. Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải tuân theo quy định tại Điều 20 của Nghị định: trong một lô hàng có hàng hoá, vật phẩm là tang vật vi phạm và hàng hoá, vật phẩm không phải là tang vật vi phạm thì chỉ được giữ hàng hoá, vật phẩm là tang vật vi phạm. Trường hợp chưa xác định được có vi phạm xảy ra hay không, thì chỉ lưu mẫu tang vật. Đối với tang vật là ngoại hối của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, chỉ tạm giữ số ngoại hối vượt tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với tang vật là nguyên liệu sản xuất hàng gia công, nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, hàng góp vốn đầu tư liên doanh, hàng nhập khẩu theo nguồn vốn ODA được miễn thuế, hành gửi kho ngoại quan, mà có trong giấy phép, hợp đồng thì chỉ lưu mẫu, cho giải phóng hàng và yêu cầu các đối tượng này có văn bản cam kết thực hiện quyết định xử phạt sau này.

Tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện đúng quy định về áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, gây thiệt hại vật chất cho chủ hàng thì Cục trưởng Hải quan tỉnh hoặc Thủ trưởng đơn vị là cấp trên của người ra quyết định tạm giữ hoặc người được uỷ quyền thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan phải chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại vật chất theo quy định tại Điều 7, 8, 9, 10, 11 Nghị định 47/CP ngày 3/5/1997 quy định về bồi thường thiệt hại cho công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Sau đó, xác định mức bồi thường thiệt hại do cá nhân, người có thẩm quyền tạm giữ gây ra, theo quy định tại Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 Nghị định 47/CP.

b. Những người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm theo thủ tục hành chính.

c. Đội trưởng Đội công tác nghiệp vụ chỉ được tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp phạm pháp quả tang, mà nếu không áp dụng biện pháp tạm giữ thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, đánh tráo để xoá dấu vết. Nhưng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tạm giữ, người ra quyết định phải báo cáo Thủ trưởng trực tiếp theo quy định tại Điều 19 Nghị định và phải được sự đồng ý bằng văn bản.

d. Để đảm bảo việc ngăn chặn hành chính kịp thời, có hiệu quả, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh trong từng trường hợp cụ thể được uỷ quyền cho Trưởng phòng Điều tra chống buôn lậu tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Người uỷ quyền và người được uỷ quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Khám người theo thủ tục hành chính.

a. Thẩm quyền và trình tự khám người theo thủ tục hành chính phải được tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định.

b. Nhân viên Hải quan đang thi hành công vụ được phép khám người theo thủ tục hành chính. Trước khi khám, bắt buộc phải cho người bị khám xem chứng minh thư Hải quan; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng đơn vị phụ trách trực tiếp.

4. Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.

a. Nhân viên Hải quan đang thi hành công vụ có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, trừ trường hợp phương tiện vận tải là tàu biển, máy bay, tàu hoả của Việt Nam và nước ngoài vận chuyển trên các tuyến đường quốc tế thì phải có quyết định của Trưởng Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương trở lên.

b. Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật của các đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự phải tuân thủ các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia mà phải có quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Khi có cơ sở khẳng định hành lý của người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự xuất cảnh, nhập cảnh chứa đựng những đồ vật không được hưởng ưu đãi, hoặc chứa chấp những đồ vật thuộc loại Nhà nước Việt Nam cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc không tuân thủ các chế độ kiểm dịch của Việt Nam, thì việc khám xét thực hiện theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trước mặt viên chức ngoại giao hoặc người được uỷ quyền đại diện cho họ.

5. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Khi xét thấy cần khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong khu vực kiểm soát hải quan thì cơ quan Hải quan phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc khám xét theo quy định tại Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Việc khám xét ngoài khu vực kiểm soát hải quan, cơ quan Hải quan phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

V. THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000 đồng thì không phải lập biên bản vi phạm mà ra quyết định xử phạt tại chỗ.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể ghi ngày có hiệu lực (như trường hợp xử phạt đối với người nước ngoài vắng mặt; những trường hợp vì điều kiện thời gian, không gian hoặc những lý do khác không thể thực hiện được đầy đủ nội dung quyết định trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt).

3. Những trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền hoặc phạt tiền kèm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm mà quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt, đương sự cố tình không thực hiện quyết định xử phạt thì phải tổ chức việc cưỡng chế.

Căn cứ vào điểm c, khoản 3 Điều 30 Pháp lệnh xử lý vi phạm chành chính, Cục trưởng Cục Hải quan cấp tỉnh được áp dụng hình thức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng biện pháp đình chỉ làm thủ tục hải quan đối với hành hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu và chỉ thực hiện biện pháp này sau khi đã phối hợp với các cơ quan quy định tại Điều 30 Nghị định mà không thực hiện được các biện pháp cưỡng chế khác.

VI. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Khi nhận được hồ sơ giải quyết khiếu nại, phải căn cứ vào các Điều 30, 31, 32, 36, 39, 43, 46 của Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 và các Điều 31, 32 Nghị định để xem xét việc khiếu nại về thời hạn, thời hiệu, thẩm quyền giải quyết khiếu nại và các nội dung có liên quan để quyết định thụ lý hay không thụ lý.

1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hoặc quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính về hải quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần thứ nhất.

Đối với quyết định xử phạt của Đội trưởng Đội công tác nghiệp vụ thì Trưởng phòng nghiệp vụ, Trưởng Hải quan của khẩu giải quyết khiếu nại lần 2. Đối với các quyết định xử phạt của Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, Trưởng phòng nghiệp vụ (nơi không thành lập Đội) thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh hoặc Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (nếu là quyết định của Đội Kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu).

Đối với các quyết định xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần thứ hai là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Những trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan mà còn khiếu nại thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Thanh tra Nhà nước.

Quyết định giải quyết khiếu nại về xử phạt theo Luật thuế mà Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã giải quyết, nhưng còn khiếu nại thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Thời hạn thông báo nhận được đơn và thời hạn giải quyết khiếu nại:

a. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết; trường hợp không thụ lý giải quyết phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 1 của các cấp Hải quan có thẩm quyền giải quyết (người giải quyết khiếu nại) không được quá 30 ngày từ ngày thụ lý để giải quyết (ngày vào sổ thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại). Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử phạt bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ thi hành quyết định đó.

Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết khiếu nại. Quyết định tạm đình chỉ phải gửi cho người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan. Khi xét thất lý do tạm đình chỉ không còn thì phải huỷ bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó.

c. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại của mình, người giải quyết khiếu nại lần 2 và các lần tiếp theo phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 và các lần tiếp theo của người giải quyết khiếu nại không được quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Đối với các vụ việc phức tạp, thời hạn nêu trên có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 60 ngày; ở những vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 và các lần tiếp theo không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không được quá 70 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết.

3. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại:

Khi giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người giải quyết khiếu nại phải căn cứ vào Điều 38 (giải quyết khiếu nại lần đầu), Điều 45 (giải quyết khiếu nại lần 2 và các lần tiếp theo) Luật Khiếu nại, tố cáo và mẫu ấn chỉ HC17 để ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khiếu nại đến cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của pháp luật.

Các vụ khiếu nại và giải quyết khiếu nại do Cục Hải quan tỉnh, Cục Điều tra chống buôn lậu thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, định kỳ phải báo cáo về Tổng cục Hải quan theo mẫu quy định.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức phối hợp với các Vụ, Cục liên quan thuộc Tổng cục Hải quan, thực hiện phúc tra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan và kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong quá trình thực hiện xử phạt và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan đúng quy định của pháp luật.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung, nguyên tắc, trình tự xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị thuộc quyền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Bản quy định về trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan - ban hành kèm theo Quyết định số 97/TCHQ-PC ngày 5/8/1996 và Công văn số 2505/TCHQ-PC ngày 6/8/1996 hướng dẫn thi hành quyết định trên.

Tại các đơn vị cửa khẩu, Đội Kiểm soát trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, Phòng nghiệp vụ, phải cử cán bộ chuyên theo dõi, hướng dẫn kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính của các Đội nghiệp vụ; giải quyết kịp thời các khiếu nại về biện pháp ngăn chặn hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của Nghị định và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Đối với những vụ vi phạm hành chính hoặc khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp, Hội đồng tư vấn xử lý các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét để kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh ra quyết định được kịp thời, đúng đắn.

4. Những cán bộ theo dõi, hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính phải được lựa chọn từ các cán bộ, nhân viên đã được rèn luyện tốt, trung thực, am hiểu pháp luật và nghiệp vụ.

5. Việc thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cục trưởng Cục Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể chế độ thu nộp theo quy định hiện hành.

6. Những cán bộ, nhân viên Hải quan có thẩm quyền xử phạt hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính hoặc được giao nhiệm vụ làm công tác xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, nếu có hành vi vi phạm nguyên tắc, trình tự xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm hay sách nhiễu, vụ lợi thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật; nếu gây thiệt hại về vật chất cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế Thông tư số 05/1999/TT-TCHQ ngày 26/7/1999 và các quy định của Tổng cục Hải quan ban hành trước đây trái với Thông tư này.

 

Nguyễn Ngọc Túc

(Đã ký)

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác