338653

Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016 Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

338653
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016 Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu: 183/QĐ-VKSTC-T1 Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao Người ký: Nguyễn Hòa Bình
Ngày ban hành: 04/04/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 183/QĐ-VKSTC-T1
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký: Nguyễn Hòa Bình
Ngày ban hành: 04/04/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 183/QĐ-VKSTC-T1

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ  Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;  

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đảng ủy VKSND tối cao;
- Các đ/c Phó Viện trưởng VKSND tối cao;
- Văn phòng BCSĐ VKSND tối cao;
- Lưu: VT, T1.

VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Hòa Bình

 

QUY ĐỊNH

VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 183/QĐ-VKSTC-T1, ngày 04 tháng 4 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về xử lý kỷ luật áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp có hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của ngành Kiểm sát nhân dân (gọi tắt là Ngành) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Trường hợp vi phạm chưa được quy định tại Quy định này thì căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ luật lao động và hướng dẫn thi hành để xử lý cho phù hợp.

3. Quy định này không áp dụng trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự.

Điều 2. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, nguyên tắc xử lý kỷ luật, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, miễn trách nhiệm kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật

Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, nguyên tắc xử lý kỷ luật, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, miễn trách nhiệm kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật áp dụng tương ứng theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Bộ luật lao động năm 2012, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 3. Hình thức, hậu quả của xử lý kỷ luật

1. Các hình thức kỷ luật

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Hạ bậc lương (áp dụng đối với công chức).

d) Giáng chức (áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).

đ) Cách chức (áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức giữ chức danh Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên).

e) Buộc thôi việc.

2. Hậu quả việc xử lý kỷ luật

a) Người bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

b) Người bị xử lý kỷ luật không được xét thi đua trong năm có quyết định thi hành kỷ luật, bị kéo dài thời hạn nâng lương tùy thuộc hình thức kỷ luật đã áp dụng theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Bộ luật lao động đồng thời trong năm đó xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

c) Người đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.

d) Người bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

đ) Xem xét việc không bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ quản lý, chức danh tư pháp theo quy chế, quy định của Ngành về công tác tổ chức cán bộ.

Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ và áp dụng tình tiết giảm nhẹ mức kỷ luật

1. Tình tiết giảm nhẹ mức kỷ luật

a) Chủ động báo cáo vi phạm của mình với cơ quan, đơn vị công tác hoặc cấp trên, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện.

b) Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm.

c) Tự chấm dứt hành vi vi phạm trước khi bị phát hiện, tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

d) Vi phạm do tác động của nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc.

đ) Ngoài những tình tiết trên, hội đồng kỷ luật có thể xem xét các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải được ghi trong quyết định kỷ luật.

2. Áp dụng tình tiết giảm nhẹ mức kỷ luật

Khi có những tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều này nhiều hơn so với các tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 5 của Quy định này từ 02 tình tiết trở lên thì được xử lý kỷ luật nhẹ hơn một mức. Lý do của việc giảm nhẹ phải ghi trong quyết định xử lý kỷ luật. Nếu hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách thì có thể không xử lý kỷ luật nhưng phải tổ chức kiểm điểm để phê bình và rút kinh nghiệm.

Điều 5. Tình tiết tăng nặng và áp dụng tình tiết tăng nặng mức kỷ luật

1. Tình tiết tăng nặng mức kỷ luật

a) Không tự giác nhận khuyết điểm, che giấu vi phạm.

b) Bao che cho người vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp tài liệu, chứng cứ vi phạm.

c) Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; tiêu hủy tài liệu, chứng cứ; làm giả hồ sơ, chứng cứ; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm.

d) Đối phó, cản trở, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, thanh tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.

đ) Gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường, bồi hoàn, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng không thực hiện.

e) Vi phạm nhiều lần.

g) Là người tổ chức, chủ mưu, khởi xướng hoặc ép buộc, xúi giục người khác cùng vi phạm.

h) Ép buộc, tạo điều kiện cho người khác làm giả hoặc cất giấu, tiêu hủy tài liệu, hồ sơ, chứng cứ.

2. Áp dụng tình tiết tăng nặng mức kỷ luật

a) Những tình tiết là căn cứ xử lý kỷ luật thì không được áp dụng là tình tiết tăng nặng.

b) Khi có những tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều này bằng hoặc nhiều hơn so với các tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 4 của Quy định này thì không được giảm nhẹ hình thức kỷ luật.

Điều 6. Xác định lỗi, tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm

Việc xác định lỗi, tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng kỷ luật hoặc do người có thẩm quyền kỷ luật (trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật) xem xét, quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế, quy định của Ngành, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Ngành, tình hình chính trị tại địa phương, thiệt hại xảy ra trên thực tế và mức độ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ngành và của bản thân người vi phạm. 

Chương II

XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG NGÀNH

Điều 7. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cố ý không kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế, quy định, chỉ thị, quyết định, kết luận, hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, để mặc cấp dưới thực hiện hoặc quyết định sai;

b) Cấp dưới đã báo cáo, xin chỉ đạo những vấn đề thuộc thẩm quyền bằng văn bản nhưng cố ý không giải quyết theo quy định;

c) Vi phạm các quy chế, quy định khác của Ngành về công tác lãnh đạo, quản lý.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Bao che cho cấp dưới hoặc người được mình ủy quyền làm trái quy định;

b) Cố ý chỉ đạo trái thẩm quyền, không đúng căn cứ pháp luật đối với cấp dưới;

c) Cố ý không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật với cấp có thẩm quyền về hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật;

d) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Trong 02 năm liên tục để đơn vị không hoàn thành từ 50% số chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong Ngành trở lên;

b) Bố trí bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (chồng), vợ (chồng), con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và làm những công việc trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định, đã được người có thẩm quyền yêu cầu thực hiện đúng nhưng vẫn tiếp tục vi phạm;

c) Xúi giục, giúp sức cho hành vi vi phạm của cấp dưới;

d) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 8. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cố ý gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;

b) Cố ý để vợ (chồng), bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột của mình tham gia bào chữa hoặc tư vấn đối với những vụ, việc được phân công chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết;

c) Không thực hiện yêu cầu phối hợp công tác của đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến công việc được giao khi đã được lãnh đạo cơ quan, đơn vị đồng ý mà không có lý do chính đáng;

d) Không thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc bỏ vị trí công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà không có lý do chính đáng;

đ) Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ, việc mình có trách nhiệm giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết tại địa điểm, thời gian không đúng quy định;

e) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, đơn vị để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;

b) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác tham mưu, đề xuất với người có thẩm quyền ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cấp dưới trái quy định;

c) Lợi dụng danh nghĩa, phương tiện của cơ quan, trụ sở làm việc nơi mình công tác hoặc phụ trách để bao che, giúp sức cho người vi phạm pháp luật;

d) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác để tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc hoặc để chỉ đạo, giải quyết vụ, việc trái quy định;

b) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 9. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cố ý thực hiện không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ công chức, viên chức, người lao động; cố ý nhận xét, đánh giá công chức, viên chức, người lao động không có căn cứ;

b) Cố ý thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, nâng ngạch, cử đi học, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người không đúng, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí công tác, người đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật, đang là đối tượng điều tra, thanh tra, kiểm tra về hành vi vi phạm nhưng chưa được kết luận;

c) Cố ý thực hiện hoặc tham mưu việc xử lý kỷ luật người khác mà mình biết rõ là không đúng quy định;

d) Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để bản thân hoặc người khác được tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đi học, nâng ngạch, đi nước ngoài trái quy định;

đ) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác tổ chức cán bộ.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, kỷ luật, miễn nhiệm, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, giải quyết chế độ, chính sách không đúng quy định;

b) Không chấp hành quyết định điều động, phân công nhiệm vụ, quyết định kỷ luật mà không có lý do chính đáng;

c) Bao che cho vi phạm của công chức, viên chức, người lao động đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra, bị xem xét kỷ luật;

d) Khai gian dối về lý lịch cá nhân để được bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác, nâng lương hoặc được hưởng chế độ, chính sách trái quy định;

đ) Nhờ, thuê người khác thi hộ, học hộ;

e) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Cố ý làm trái các quy định về luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, người lao động nhằm trù dập công chức, viên chức, người lao động;

b) Môi giới, đưa, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trong tuyển dụng, cử tuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, bố trí công tác, nâng ngạch, khen thưởng, đề nghị xét phong tặng danh hiệu thi đua trái quy định;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 10. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cố ý không thực hiện quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về những việc phải công khai, việc lấy ý kiến công chức, viên chức, người lao động, và việc giám sát, kiểm tra, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ;

b) Lợi dụng quy định về thực hiện dân chủ để đưa ra yêu sách không đúng quy định;

c) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Tham gia hoặc kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép người khác tham gia các hoạt động vi phạm quy định về thực hiện dân chủ;

b) Đe dọa, trả thù, trù dập dưới mọi hình thức đối với người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ngăn cản đa số thành viên thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể;

b) Lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để tổ chức bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị nơi mình công tác;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 11. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cố ý làm trái quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra;

b) Cố ý thanh tra, kiểm tra vượt quá phạm vi, đối tượng, nội dung ghi trong quyết định mà không được người có thẩm quyền cho phép;

c) Lợi dụng hoạt động thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, kiểm tra;

d) Cố ý trì hoãn cung cấp văn bản, tài liệu, chứng cứ, số liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoặc đối phó với đoàn thanh tra, kiểm tra dưới mọi hình thức;

đ) Phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra cần xử lý nhưng cố ý không chỉ đạo, quyết định hoặc không kiến nghị xử lý;

e) Cố ý không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với kết luận hoặc kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc của người có thẩm quyền;

g) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác thanh tra, kiểm tra.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Lợi dụng vị trí công tác để can thiệp, áp đặt trái quy định vào hoạt động thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra;

b) Che giấu, chiếm giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, sửa chữa, thay đổi, làm sai lệch hồ sơ liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

c) Cố ý tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu về kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra hoặc về nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra khi chưa được người có thẩm quyền cho phép;

d) Cố ý báo cáo sai sự thật, kết luận, quyết định hoặc cố ý tham mưu kết luận, quyết định xử lý trái pháp luật để bao che cho người có hành vi vi phạm;

đ) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra;

b) Sử dụng dự thảo kết luận thanh tra, kiểm tra để vụ lợi;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 12. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ ngành kiểm sát nhân dân

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Có trách nhiệm giữ bí mật nhưng tiết lộ trái quy định họ tên, địa chỉ, bút tích, những thông tin khác về người tố cáo; hoặc tiết lộ các thông tin, tài liệu, chứng cứ của vụ, việc cho cơ quan hoặc cá nhân không có trách nhiệm biết;

b) Gây phiền hà, sách nhiễu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc cản trở người khác thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo;

c) Cố ý không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của người có thẩm quyền đối với vấn đề thuộc chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

d) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo;

đ) Viết đơn, thư nặc danh, mạo danh, lợi dụng danh nghĩa tập thể để tố cáo không đúng sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

e) Tham gia khiếu kiện đông người không đúng quy định;

g) Cố ý không chấp hành kết luận, quyết định cuối cùng về giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền;

h) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình thẩm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo; cố ý báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh không đúng sự thật;

b) Can thiệp trái quy định vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;

c) Tổ chức, giúp sức, mua chuộc, cưỡng ép người khác thực hiện khiếu nại, tố cáo sai sự thật hoặc tập trung đông người khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh, trật tự công cộng;

d) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để cung cấp thông tin hoặc để khiếu nại, tố cáo sai sự thật;

b) Đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm, vu khống người làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, người phát hiện, báo cáo, tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi tham nhũng, tiêu cực;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 13. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản nhà nước, việc thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước, của tập thể;

b) Cho thuê, cho mượn, kinh doanh bằng tài sản Nhà nước trái quy định;

c) Không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo dự toán được giao mà không có lý do chính đáng;

d) Không thực hiện bàn giao tài sản, hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng thời hạn khi có quyết định điều chuyển, thu hồi tài sản cho cơ quan tiếp nhận mà không có lý do chính đáng;

đ) Không khắc phục thiệt hại, bồi thường, giao nộp tiền, tài sản do vi phạm mà có nhưng không có lý do chính đáng;

e) Vi phạm các quy định về bán đấu giá, thanh lý, đấu thầu, mua sắm tài sản;

g) Vi phạm các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán kinh phí nhà nước;

h) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản nhà nước, việc thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Sử dụng tiền, tài sản của cơ quan, đơn vị để làm quà biếu, tặng, cho sai chế độ quy định;

b) Chiếm giữ, cho thuê, cho mượn, sử dụng tài sản công để thực hiện vào việc vi phạm pháp luật;

c) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân lập khống giấy tờ, chứng từ để quyết toán, gây thất thoát kinh phí ngân sách, tài sản công;

d) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Điều 14. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Kê khai gian dối, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp;

b) Cấp, phát, xác nhận văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận và bản sao trái quy định của pháp luật;

c) Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ, con dấu dẫn đến người khác sử dụng làm văn bằng, chứng chỉ giả;

d) Thiếu trách nhiệm dẫn đến làm mất, hỏng tài liệu, hồ sơ để cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận mà mình có trách nhiệm quản lý;

đ) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để được đi học, đi thi, chuyển ngạch, nâng bậc, hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định;

c) Làm giả, làm sai lệch hồ sơ của bản thân để được cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận hoặc làm sai lệch nội dung văn bằng, chứng chỉ để sử dụng vì động cơ cá nhân;

d) Cố ý để người sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp được đào tạo, tuyển dụng sai quy định;

đ) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp;

b) Ký, cấp hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận trái quy định;

c) Trực tiếp thực hiện hoặc giúp sức cho việc sản xuất, tiêu thụ hoặc môi giới tiêu thụ phôi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận hoặc văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp;

d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp và đã được tuyển dụng, bổ nhiệm trong các cơ quan, đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân;

đ) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 15. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật ngành Kiểm sát nhân dân và bí mật nghiệp vụ

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Vi phạm quy định về bảo vệ bí mật trong việc tiếp nhận, theo dõi, quản lý, chuyển giao, gửi hiện vật, tài liệu được đóng dấu mật, tuyệt mật, tối mật hoặc những việc chưa được phép công bố hoặc công khai;

b) Cố ý làm lộ thông tin chỉ đạo, xử lý nghiệp vụ cho người không có trách nhiệm;

c) Mang hồ sơ, tài liệu của vụ, việc ra khỏi cơ quan không phải vì thực hiện nhiệm vụ được giao mà không được sự đồng ý của người có thẩm quyền;

d) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật ngành Kiểm sát nhân dân và bí mật nghiệp vụ.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Vì vụ lợi cung cấp, tiết lộ trái quy định những thông tin, tài liệu, hiện vật thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước, của ngành Kiểm sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước;

b) Vì vụ lợi phổ biến, tuyên truyền, viết, đăng tải thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước, của ngành Kiểm sát không đúng đối tượng, phạm vi, thời điểm được phổ biến hoặc công bố;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Vì động cơ chính trị phát tán thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung thuộc bí mật của Nhà nước, bí mật của ngành Kiểm sát trên mạng viễn thông, Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác;

b) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 16. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong công tác thi đua, khen thưởng

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Kê khai gian dối thành tích của bản thân hoặc của tập thể mình phụ trách để được khen thưởng;

b) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác thi đua, khen thưởng.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận tiền, lợi ích khác để tác động trái pháp luật đến việc xét thi đua, khen thưởng hoặc việc ra quyết định khen thưởng, việc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng;

b) Vì động cơ cá nhân không thực hiện đúng quy định hoặc cản trở việc xét khen thưởng, việc chuyển hồ sơ khen thưởng đến cấp có thẩm quyền để quyết định khen thưởng cho cá nhân, tổ chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra quyết định khen thưởng trái pháp luật;

d) Làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ về xét khen thưởng của người khác; cố ý xác nhận sai sự thật về thành tích của cá nhân, tập thể để được khen thưởng;

đ) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Điều 17. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trật tự nội vụ cơ quan và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Uống rượu, bia, đồ uống có cồn khác ngay trước và trong giờ làm việc, kể cả vào buổi trưa trong ngày làm việc, trong khi trực nghiệp vụ, bảo vệ, tự vệ cơ quan đã được người có thẩm quyền ra văn bản nhắc nhở nhưng tiếp tục vi phạm; 

b) Sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, giấy chứng minh, chứng nhận chức danh tư pháp vào việc riêng hoặc việc trái pháp luật khác;

c) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về trật tự nội vụ cơ quan và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Sửa chữa, làm thay đổi quy cách, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, giấy chứng minh, giấy chứng nhận chức danh tư pháp trái quy định;

b) Bán, cầm cố, tặng, cho mượn trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, giấy chứng minh, giấy chứng nhận chức danh tư pháp dẫn đến người khác sử dụng vào việc trái pháp luật;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Tổ chức, tham gia đánh bạc, gá bạc hoặc các tệ nạn xã hội khác;

b) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Chương III

XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Điều 18. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử vụ án hình sự

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Vi phạm quy chế, quy định của Ngành về việc xây dựng hồ sơ giải quyết và hồ sơ kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử;

b) Vi phạm quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự, bị can; việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ các quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, bị can; quyết định hủy bỏ các quyết định, lệnh không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; giải quyết kiến nghị khởi tố vụ án hình sự hoặc xem xét, quyết định việc điều tra đối với quyết định khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử;

c) Vi phạm các quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; kiểm sát việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

d) Vi phạm quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thủ tục bắt buộc chữa bệnh, việc yêu cầu cử người bào chữa trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc;

đ) Cố ý không thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng hình sự;

e) Cố ý vi phạm quy định về quyền của luật sư hoặc những người tham gia tố tụng khác trong quá trình tố tụng;

g) Để xảy ra trường hợp Tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung có lỗi của mình vượt quá chỉ tiêu theo quy chế, quy định của Ngành;

h) Thiếu trách nhiệm dẫn đến không phát hiện, đề xuất hoặc không kháng nghị bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn đến vụ án có vi phạm nhưng không khắc phục được;

i) Thiếu trách nhiệm dẫn đến việc Tòa án tuyên hủy án sơ thẩm hoặc phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;

k) Thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, vật chứng, chứng cứ của vụ án;

l) Thiếu trách nhiệm dẫn đến việc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can không đúng quy định;

m) Vi phạm các quy định khác của pháp luật và quy chế, quy định của Ngành về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Thiếu trách nhiệm để xảy ra việc đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ vụ án do không phạm tội hoặc Tòa án ra bản án tuyên bị cáo không phạm tội đã có hiệu lực pháp luật;

b) Thiếu trách nhiệm để xảy ra việc tạm giữ, tạm giam quá thời hạn;

c) Cố ý báo cáo sai sự thật dẫn đến người có thẩm quyền ra quyết định hoặc cho đường lối giải quyết vụ, việc không đúng quy định của pháp luật;

d) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Thiếu trách nhiệm dẫn đến trong 01 năm công tác để xảy ra việc đình chỉ do bị can không phạm tội đối với từ 02 bị can trở lên, hoặc Tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật tuyên không phạm tội đối với từ 02 bị cáo trở lên;

b) Thiếu trách nhiệm dẫn đến trong 01 năm công tác để xảy ra việc tạm giữ, tạm giam quá thời hạn từ 02 người trở lên;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 19. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Vi phạm quy định về việc xây dựng hồ sơ vụ án, hồ sơ lưu (hồ sơ AK);

b) Để quá thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, quá thời hạn điều tra vụ án hình sự mà không có lý do chính đáng;

c) Thiếu trách nhiệm dẫn đến việc quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra bị can không đúng quy định của pháp luật;

d) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Thiếu trách nhiệm để hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm;

b) Thiếu trách nhiệm để xảy ra việc đình chỉ điều tra bị can do không phạm tội hoặc Tòa án ra bản án tuyên bị cáo không phạm tội đã có hiệu lực pháp luật;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Thiếu trách nhiệm dẫn đến trong 01 năm công tác để xảy ra việc đình chỉ do bị can không phạm tội đối với từ 02 bị can trở lên, hoặc Tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật tuyên không phạm tội đối với từ 02 bị cáo trở lên;

b) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 20. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Vi phạm các quy định về xây dựng hồ sơ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự;

b) Thiếu trách nhiệm dẫn đến không báo cáo, đề xuất kháng nghị; hoặc không kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu xử lý vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; không khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Cố ý chỉ đạo trái quy định dẫn đến việc tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ, đình chỉ, miễn, giảm, hoãn chấp hành án, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, xét đặc xá không đúng quy định của pháp luật;

b) Để xảy ra trường hợp tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù quá thời hạn có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm tại khoản 2 Điều này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Điều 21. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; vi phạm trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Vi phạm các quy định về xây dựng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự;

b) Thiếu trách nhiệm dẫn đến không đề xuất hoặc không kháng nghị theo thẩm quyền đối với bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn đến vụ án có vi phạm nhưng không khắc phục được;

c) Để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên hủy án sơ thẩm hoặc phúc thẩm có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát;

d) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cố ý để quá thời hạn xử lý, giải quyết đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà không có lý do chính đáng dẫn đến bản án, quyết định có sai phạm nghiêm trọng mà không khắc phục được;

b) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cố ý không báo cáo, không yêu cầu khắc phục hoặc kiến nghị xử lý vi phạm trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, trong việc kiểm sát thi hành án dân sự;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm tại khoản 2 Điều này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Điều 22. Xử lý kỷ luật đối với vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Vi phạm các quy định về việc xây dựng hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo và hồ sơ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp;

b) Thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất hồ sơ, tài liệu hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ, tài liệu không thể khắc phục được;

c) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Cố ý không tổ chức việc tiếp công dân theo quy định;

b) Cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;

c) Chỉ đạo, ép buộc để người có trách nhiệm giải quyết thực hiện sai quy định, dẫn đến làm sai lệch kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Cố ý báo cáo sai sự thật dẫn đến người có thẩm quyền ra quyết định hoặc cho đường lối giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng quy định;

đ) Cố ý làm trái các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo để không giải quyết hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng;

e) Cất giấu, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu nhằm mục đích bao che cho người vi phạm;

g) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

3. Người có một trong những vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ký, không áp dụng đối với hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Quy định này có hiệu lực.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và triển khai thực hiện Quy định này đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý.

2. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định./.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản