279520

Quyết định 148/QĐ-UBND năm 2015 về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020

279520
LawNet .vn

Quyết định 148/QĐ-UBND năm 2015 về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020

Số hiệu: 148/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Lê Viết Chữ
Ngày ban hành: 25/05/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 148/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký: Lê Viết Chữ
Ngày ban hành: 25/05/2015
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 25 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2015 -2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Thực hiện Thông báo số 1120-TB/TU ngày 08/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi Kết luận về Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 -2020;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐND ngày 22/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 -2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1047/TTr-NNPTNT ngày 14/5/2015 về việc đề nghị phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 -2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020 với nội dung sau:

1. Tên đề án

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020.

2. Quan điểm, mục tiêu, định hướng tái cơ cấu

a) Quan điểm tái cơ cấu

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển các ngành liên quan.

Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, người dân và doanh nghiệp là chủ thể của quá trình tái cơ cấu.

Quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về công nghiệp chế biến và vùng nguyên liệu phải gắn bó chặt chẽ và tương thích với nhau.

Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả để đạt được các mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.

Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

b) Mục tiêu tái cơ cấu

Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 khoảng 4,0%/năm; trong đó, nông nghiệp tăng 3,3%, lâm nghiệp tăng 8,7% và thủy sản tăng 4,6%.

Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 59,8%, lâm nghiệp chiếm 6,8%, thủy sản chiếm 33,4% trong tổng cơ cấu kinh tế ngành. Tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2020 chiếm 45% trong tổng cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp..

Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 65 triệu đồng.

Phát triển lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2015 và 52% giai đoạn 2016- 2020; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và các tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 150.000 tấn/năm - 160.000 tấn /năm; Cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng dần số tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ.

Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%.

3. Định hướng tái cơ cấu

a) Tái cơ cấu trồng trọt

+ Nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu: cây mì, cây mía để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

+ Nhóm cây đặc sản: Tập trung phát triển thương hiệu cây tỏi Lý Sơn, cây quế Trà Bồng thành hàng hóa đặc sản chủ lực, sản phẩm đa dạng, phong phú hấp dẫn thị trường trong nước và thế giới, tạo ra giá trị gia tăng cao.

b) Tái cơ cấu chăn nuôi:

Chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt ở đồng bằng, chăn nuôi trâu theo hướng thịt ở miền núi. Chú trọng phát triển đàn lợn theo hướng nạc và chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học để cung cấp sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và trong nước. Ưu tiên phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại, gia trại; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ, gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường.

c) Tái cơ cấu lâm nghiệp:

Chú trọng trồng cây gỗ lớn (cây bản địa) trên cơ sở bố trí cơ cấu lại tỷ lệ các loại cây trồng một cách hợp lý để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái của rừng; đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng.

d) Tái cơ cấu thủy sản

Giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; xác định sản phẩm chính của khai thác biển là cá biển và sản phẩm chính nuôi trồng là con tôm. Tăng sản lượng khai thác phải đồng bộ với tăng các dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến tiêu thụ.

e) Phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm

Định hướng phát triển chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP, GMP…) kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.

4. Nội dung tái cơ cấu

a) Tái cơ cấu trồng trọt

- Nhóm cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến:

+ Cây mì: Phát triển cây mì trở thành cây trồng có khối lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Mục tiêu đến 2020, diện tích mì khoảng 18.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 240 - 250 tạ/ha. Vùng sản xuất được bố trí tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng.

+ Cây mía: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích cây mía ổn định ở khoảng 5.200 ha, năng suất bình quân đạt 650 tạ/ha, chữ đường đạt 10 CCS. Vùng trồng mía chủ yếu phân bố ở các huyện gần nhà máy chế biến như: Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành,

Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Hà.

- Nhóm cây đặc sản:

+ Cây tỏi Lý Sơn: Mục tiêu đến 2020 ổn định ở mức 300 ha, năng suất tỏi tươi 109 tạ/ha; phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn trên thị trường, lấy năng suất và chất lượng là yếu tố trọng tâm để thâm canh. Tập trung nghiên cứu sản xuất tỏi theo hướng bền vững về môi trường (tiết kiệm nước, không thay đất và cát).

+ Cây quế: Mục tiêu đến 2020 diện tích là 5.255 ha. Vùng sản xuất chủ yếu trên đất rừng sản xuất và đất vườn, đất trồng cây lâu năm, thuộc huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Tây Trà.

- Nhóm cây trồng theo lợi thế cạnh tranh:

+ Nhóm cây trồng có lợi thế cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao:

Cây lúa: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa 71.800 ha (diện tích đất chuyên trồng lúa 35.500 ha), năng suất bình quân đạt 59-60 tạ/ha, sản lượng đạt từ 420.000 - 430.000 tấn. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 5.000 ha tập trung ở 7 huyện, thành phố ở đồng bằng, gồm: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi.

Cây ngô: Mục tiêu đến năm 2020 diện tích gieo trồng tăng lên 12.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 58 - 60 tạ/ha; sản lượng ngô đạt trên 70.000 tấn. Vùng trồng ngô tập trung ở bãi đất nà, đất thổ ven sông suối thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi và các vùng có điều kiện.

+ Nhóm cây trồng có lợi thế cạnh tranh trung bình:

Cây thực phẩm (cây rau, đậu các loại): Định hướng đến năm 2020, diện tích sản xuất khoảng 18.000 ha (rau 14.000 ha, đậu 4.000 ha), sản lượng đạt khoảng 260 ngàn tấn, trong đó có trên 100 ha rau được chứng nhận an toàn. Vùng sản xuất rau tập trung ở vùng bãi bồi ven các sông lớn của tỉnh tại thành phố Quảng Ngãi và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ.

Cây cỏ làm thức ăn cho trâu, bò: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng cỏ đạt 2.500 - 3.000 ha, năng suất bình quân 180 - 200 tấn/ha/năm. Vùng sản xuất bố trí trên đất gò đồi, đất màu kém hiệu quả, các vùng đất thấp ở ven triền núi đang trồng keo chuyển sang trồng cỏ; đồng thời tận dụng đất vườn, bờ vùng, bờ thửa, đất ven sông suối.

Cây lạc (đậu phụng): Định hướng đến năm 2020, diện tích gieo trồng đạt 6.800 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng khoảng trên 15.000 tấn. Vùng sản xuất tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Hà, Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi.

Cây cao su: Định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích lên khoảng 3.000 ha. Trồng tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tây Trà và Sơn Hà.

Cây ăn quả: Định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích 3.500 ha. Phát triển trên đất gò đồi ở miền núi, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở các huyện: Nghĩa Hành, Bình Sơn, Đức Phổ, Ba Tơ.

Ngoài các loại cây trồng trên, cần trồng thử nghiệm, tuyển chọn một số cây trồng có giá trị gia tăng cao để đưa vào sản xuất.

b) Tái cơ cấu chăn nuôi

- Nhóm gia súc, gia cầm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao:

+ Chăn nuôi bò thịt: Xác định bò thịt là sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Định hướng đến năm 2020 tổng đàn bò ổn định khoảng 320.000 con, có khoảng 65% bò lai. Chăn nuôi bò được phân bổ tập trung ở các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ và một số huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long.

+ Chăn nuôi trâu: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn trâu có khoảng 65.000 con. Tập trung phát triển đàn trâu ở các huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long và một số huyện đồng bằng: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và Sơn Tịnh.

- Nhóm gia súc, gia cầm có lợi thế cạnh tranh trung bình:

+ Chăn nuôi heo: Định hướng đến năm 2020 ổn định ở mức 450.000-500.000 con; phát triển đàn heo theo hướng nạc; giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ, ưu tiên phát triển chăn nuôi heo trang trại, gia trại. Chăn nuôi heo tập trung ở các huyện: Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tịnh và một số vùng có điều kiện.

+ Chăn nuôi gia cầm: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn có 4,5 - 5,0 triệu con. Vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Sơn Hà, Ba Tơ, thành phố Quảng Ngãi và một số vùng có điều kiện.

c) Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

Mục tiêu: Đến năm 2020 diện tích có rừng là 287.459 ha, trong đó 161.284 ha rừng sản xuất và 126.175 ha rừng phòng.

+ Đối với rừng phòng hộ: định hướng đến năm 2020 có 126.175 ha. Bảo vệ

tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; phấn đấu mỗi năm trồng mới từ 1.000 - 3.000 ha. Quy hoạch 02 khu bảo tồn thiên nhiên gồm: Khu bảo tồn khu Tây huyện Ba Tơ, diện tích 39.000 ha và Khu bảo tồn Cà Đam huyện Trà Bồng, diện tích 1.000 ha; nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

+ Đối với rừng sản xuất: định hướng đến năm 2020 có 161.284 ha rừng sản xuất. Sản phẩm chính là cây gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho dân dụng và xuất khẩu. Mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 9.500 ha với trữ lượng gỗ lớn 150m3/ha, chu kỳ bình quân 12 năm và gỗ nhỏ 70 m3/ha, chu kỳ bình quân 7 năm. Đến năm 2020, tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận vào trồng rừng đạt 60-70%, năng suất rừng trồng tăng lên 20%. Quy hoạch vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 với diện tích khoảng 2.000 ha với các loại cây trồng chính là cây Keo và các loại cây bản địa (sao, dầu, lim…)

d) Tái cơ cấu thủy sản

- Khai thác thủy sản:

Đến năm 2020, giữ ổn định sản lượng khai thác ở mức 150.000 - 160.000 tấn/năm, trong đó khai thác nội địa đạt 650 tấn. Số lượng tàu thuyền khai thác đến năm 2020 giảm còn dưới 4.500 chiếc; tổng công suất tàu cá đạt 1.200.000 CV; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên. Giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi từ 26,18% lên 30%; tăng nghề câu lên 18%; tăng nghề lưới vây lên 13%.

- Nuôi trồng thủy sản:

Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản đạt 2.500 ha, trong đó nuôi nước lợ, mặn khoảng 800 ha, đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng; nuôi nước ngọt khoảng 1.700 ha, đối tượng nuôi chủ lực là cá rô phi đơn tính. Ngoài ra, phát triển nuôi biển có tổng số bè khoảng 30 lồng bè, với diện tích 4.500 - 5.000m2, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm.

e) Sản xuất muối

Đến năm 2020, ổn định diện tích sản xuất muối 119 ha; cải tiến quy trình sản xuất chế biến để nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ muối sạch, chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho diêm dân.

f) Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn

- Phát triển công nghiệp chế biến:

+ Chế biến nông sản: Khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2020 cung cấp cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh khoảng 338.000 tấn mía cây và trên 432.000 tấn củ mì nguyên liệu.

+ Chế biến gia súc, gia cầm: Chuyển dần hình thức giết mổ gia súc, gia cầm phân tán sang hình thức giết mổ tại các cơ sở tập trung nhằm kiểm soát tốt vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến năm 2020 có trên 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; sản lượng thịt hơi giết mổ khoảng 81.000 tấn.

+ Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có khả năng cạnh tranh cao; tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản ngoài gỗ, sử dụng nguồn nguyên liệu được trồng trong tỉnh, phát triển hài hòa giữa gỗ xây dựng, gỗ mộc dân dụng và gỗ dăm, hạn chế tối đa xuất khẩu các sản phẩm thô, đặc biệt là dăm thô.

+ Chế biến thủy sản: Phát triển mối liên kết chuỗi sản xuất, khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến đa dạng hóa các sản phẩm và giảm chế biến thô, sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh sản phẩm của tỉnh. Mở rộng việc áp dụng quy trình, hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP... tại các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản.

g) Phát triển ngành nghề nông thôn

Ổn định sản xuất các làng nghề trong tỉnh hiện có; phát triển các nghề trồng hoa cây cảnh, nghề mây tre đan. Hỗ trợ các cơ sở, làng nghề; xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm của làng nghề.

Đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở các làng nghề; áp dụng kỹ thuật tiên tiến công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề.

Phát triển các loại hình sản xuất như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn,... để phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường, khai thác vốn, thay thế công nghệ mới vào sản xuất, tìm kiếm đối tác.

5. Giải pháp tổ chức thực hiện:

a) Công tác tuyên truyền

Các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc và Hội, đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh, các cơ quan truyền thông, Website của tỉnh đưa tin đầy đủ sâu rộng nội dung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh đến toàn thể nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc tổ chức thực hiện.

b) Nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch

Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch.

c) Gắn tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, thực hiện tốt việc lồng ghép các Chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

d) Phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất

Thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực:

- Cơ sở hạ tầng thủy lợi: cấp đủ nguồn nước tưới cho 70.000 ha đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến tới đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ, cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau màu với tần suất đảm bảo tưới lên 85%; cấp đủ nguồn nước cho sinh hoạt và công nghiệp với mức đảm bảo trên 90%; tạo nguồn và cấp nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối tập trung; đầu tư hệ thống đê điều, kè chống sạt lở để ngăn mặn và tiêu thoát lũ cho khoảng 4.800 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư thuộc vùng sông Thoa (Mộ Đức), Suối Kinh, Sông Phú Vinh (Khu Công nghiệp VSIP, khu dân cư Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh); hỗ trợ áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Nâng cấp Hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham và các công trình thủy lợi, đê điều bị xuống cấp để đảm bảo an toàn công trình trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển thủy lợi ở những vùng khó khăn về nguồn nước tưới, thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản.

- Cơ sở hạ tầng thủy sản: tiếp tục đầu tư xây dựng các khu neo trú tàu thuyền, các cơ sở hạ tầng thủy sản, chú trọng việc thông luồng các cảng cá, khu neo đậu tàu cá nhằm đảm bảo an toàn tàu thuyền trong mùa mưa bão. Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu cá với quy mô vừa và công nghệ hiện đại, tiến tới đóng, sửa tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, sản xuất ngư lưới cụ, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ tại các vùng nghề cá trọng điểm. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản.

- Đầu tư xây dựng giao thông nội đồng, giao thông phục vụ sản xuất, quản lý khai thác rừng và cải tạo đồng ruộng.

e) Sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức kinh tế

- Thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ; thu hồi phần đất sử dụng kém hiệu quả của các chủ rừng để giao cho hộ gia đình hoặc cho các thành phần kinh tế thuê để sử dụng có hiệu quả hơn.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy mạnh thực hiện Đề án củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Phát triển các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với những hình thức phù hợp với nhu cầu của nông dân và Luật Hợp tác xã năm 2013.

- Chú trọng phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại, nông hộ theo hướng sản xuất hàng hóa theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn. Tạo sự liên kết giữa các trang trại với trang trại, giữa trang trại với Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.

f) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến diêm

- Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến vào các lĩnh vực:

+ Đối với trồng trọt: Áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tiên tiến để tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

+ Đối với chăn nuôi: Từng bước thực hiện quy trình chăn nuôi tốt nhằm đảm bảo năng suất chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện Chương trình Zêbu hóa đàn bò; cải tiến đàn heo theo hướng nạc hóa; hỗ trợ mua trâu bò đực giống nhảy trực tiếp (6 huyện miền núi). Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

+ Đối với lâm nghiệp: Ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp như: GIS, viễn thám, điện tử. Tập trung hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC). Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, hom để nhân nhanh các giống cây lâm nghiệp mới có tốc độ sinh trưởng cao, chất lượng gỗ tốt. Chú trọng công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển các giống cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.

+ Đối với thủy sản: Mở rộng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loại thủy sản đặc sản, đặc hữu phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng các khu sản xuất, ươm nuôi giống tập trung. Nhanh chóng ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất giống đã nghiên cứu thành công trong nước để nhập công nghệ sản xuất giống, giống mới, thủy sản đặc sản cho giá trị kinh tế cao.

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật nông, lâm nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân các vùng ven biển, các xã bãi ngang; triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực. Thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến diêm đến cấp xã, thôn nhằm phục vụ tốt nhất về hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho người nông dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ tái cơ cấu.

g) Cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác nông nghiệp, bảo đảm có nguồn nhân lực chất lượng để quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện đề án có hiệu quả; giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới và phát triển mạnh hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm (giống, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, kiểm tra chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ…).

- Củng cố và phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho phát triển sản xuất đi kèm với cơ chế kiểm tra nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, các dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến nông lâm thủy sản.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời tổ chức phòng, chống, dập dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

h) Giải pháp thị trường cho tiêu thụ sản phẩm

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa cụ thể; tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

i) Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong quá trình tái cơ cấu để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia; quản lý sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả.

k) Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách

Triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã ban hành; đồng thời xây dựng mới những chính sách, chương trình, đề án cần thiết trong giai đoạn tới như: chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 -2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ diêm dân cải tạo đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất muối; chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khung hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

m) Giải pháp về huy động nguồn lực

Tập trung huy động và thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, phát huy nội lực của người nông dân và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư; vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA)… Xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Khái toán nhu cầu vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư: 8.406.548 triệu đồng, trong đó:

- Các dự án quy hoạch: 4.400 triệu đồng

- Các dự án đầu tư: 8.398.550 triệu đồng, gồm:

+ Lĩnh vực nông nghiệp: 699.860 triệu đồng

+ Lĩnh vực lâm nghiệp: 861.090 triệu đồng

+ Lĩnh vực thủy sản: 2.026.400 triệu đồng

+ Lĩnh vực thủy lợi: 4.814.800 triệu đồng

Khái toán nguồn vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư: 8.406.548 triệu đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 2.812.900 triệu đồng

- Vốn ngân sách địa phương: 1.470.410 triệu đồng, trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển: 1.353.226 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 117.384 triệu đồng

- Vốn ODA: 2.633.644 triệu đồng

- Vốn các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác: 1.486.595 triệu đồng.

Đối với vốn ngân sách: trên cơ sở xác định các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xác định danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên để phân kỳ vốn đầu tư trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

(Chi tiết có Đề án kèm theo)

Điều 2. Căn cứ Quyết định này, UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công và định kỳ báo cáo kết quả theo quy định về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 13/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Viết Chữ

 

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

II. CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

III. TÀI LIỆU SỬ DỤNG

IV. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NGÃI 2004-2014

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về phát triển sản xuất

2. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

3. Về phát triển phát triển ngành nghề nông thôn

4. Các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp

5. Về phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP

1. Những mặt đạt được

2. Tồn tại khó khăn

3. Nguyên nhân

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP RÚT RA TỪ THỰC TRẠNG

Phần thứ hai

QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2015 -2020

I. Quan điểm tái cơ cấu

II. Định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp

1. Định hướng tái cơ cấu đối với các lĩnh vực sản xuất

III. Mục tiêu tái cơ cấu

1. Mục tiêu chung

Phần thứ ba

NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU

1. Nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến

2. Nhóm cây đặc sản

3. Các loại cây trồng theo lợi thế cạnh tranh

4. Giải pháp chung cho tái cơ cấu ngành trồng trọt

II. Tái cơ cấu chăn nuôi

1. Định hướng chung

2. Nội dung tái cơ cấu chăn nuôi

3. Các giải pháp chung cho tái cơ cấu ngành chăn nuôi

III. Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

1. Định hướng phát triển

2. Nội dung tái cơ cấu lâm nghiệp

3. Các giải pháp chung cho tái cơ cấu lâm nghiệp

IV. Tái cơ cấu thủy sản

1. Định hướng phát triển

2. Nội dung tái cơ cấu thủy sản

2.2. Khai thác thủy sản

2.3. Nuôi trồng thủy sản

3. Một số giải pháp chung cho tái cơ cấu ngành thủy sản

V. Sản xuất muối

1. Mục tiêu:

2. Nhiệm vụ:

3. Cơ chế chính sách:

4. Dự án diêm nghiệp:

VI. Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn

1. Phát triển công nghiệp chế biến

1.4. Chế biến thủy sản:

2. Phát triển ngành nghề nông thôn:

VII. Xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất

1. Mục tiêu

2. Nhiệm vụ và giải pháp

3. Các dự án đầu tư

VIII. Giải pháp thực hiện đề án

1. Công tác tuyên truyền:

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch:

3. Gắn tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới

4. Phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất:

5. Sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức kinh tế:

6. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ:

7. Cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước:

8. Giải pháp thị trường cho tiêu thụ sản phẩm:

10. Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách:

11. Giải pháp về huy động nguồn lực:

a) Khái toán nhu cầu vốn đầu tư

b) Khái toán nguồn vốn đầu tư

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Phân công thực hiện

1. Thành lập Ban Chỉ đạo

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

4. Sở Tài chính

5. Sở Khoa học và Công nghệ

6. Sở Công Thương

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

8. Sở Thông tin-Truyền thông, Đài Phát thanh- Truyền hình và Báo Quảng Ngãi

9. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng

10. UBND các huyện, thành phố

11. Các hội, hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội

12. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

II. Tổ chức sơ kết kiểm tra, giám sát thực hiện

 

ĐỀ ÁN

TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2015 -2020
(Kèm theo Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có một nền nông nghiệp khá toàn diện bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Tính đến cuối năm 2014, tỷ trọng ngành Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng lại có trên 70% dân số toàn tỉnh sống bằng nghề nông nghiệp. Do vậy, việc khai thác sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của tỉnh.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã có những bước phát triển khá toàn diện, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó nổi bật là cây mì, cây mía, cây nguyên liệu giấy, chăn nuôi bò thịt và sản lượng thủy sản khai thác… Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất cho hiệu quả cao, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được hoàn thiện… nhờ đó, giá trị sản xuất của ngành đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất cây trồng, vật nuôi, khai thác thủy sản tăng lên cả về số lượng và chất lượng; góp phần tăng thu nhập, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được nêu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà ngành nông nghiệp có thể khai thác. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức, đó là: tỷ trọng nông sản hàng hóa thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao, sức cạnh tranh thấp, sản xuất liên kết với thị trường còn yếu, chưa khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, lợi thế của địa phương và thiếu tính bền vững.

Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương khi có thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc. Sản xuất nông nghiệp chỉ chú trọng tạo ra nhiều khối lượng sản phẩm nhưng chưa chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển sản xuất chỉ chú trọng đến lợi ích trước mắt mà chưa chú trọng đến tính bền vững.

Từ thực trạng trên, việc xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 -2020 theo nội dung Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 01/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Đề án này sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình, quy hoạch, dự án, các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh một cách toàn diện, hiện đại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong giai đoạn 2015 -2020 và những năm tiếp theo.

II. CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 01/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

- Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015 -2020;

- Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng thủy sản ở các vùng biển xa;

- Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn;

- Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020;

- Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

- Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp;

- Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

- Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/10/2011 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

III. TÀI LIỆU SỬ DỤNG

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi;

- Các quy hoạch chuyên ngành của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt;

- Các báo cáo tổng kết theo chuyên đề và hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương có liên quan;

- Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Số liệu thu thập từ các Sở, ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi các năm 2008 đến 2014.

IV. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

- Đối tượng nghiên cứu là tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng có tiềm năng, lợi thế có giá trị gia tăng cùng các nhân tố tự nhiên, xã hội, kết cấu hạ tầng, tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và các đối tượng liên quan khác… có tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Nội dung nghiên cứu: Đề án đề cập đến thực trạng sản xuất, đánh giá những ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân… Trên cơ sở đó, đề ra quan điểm, định hướng, mục tiêu, nội dung tái cơ cấu; đề xuất các giải pháp, huy động các nguồn lực, tổ chức lại sản xuất, thị trường, tạo động lực mạnh mẽ để sản xuất phát triển, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Phạm vi nghiên cứu: Đề án này tập trung vào việc phân tích và đề xuất các định hướng, nội dung, giải pháp chính phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các chương trình, quy hoạch, dự án cụ thể trong kế hoạch hàng năm của ngành.

V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

- Phương pháp thống kê, kế thừa các tài liệu: Dựa trên các dự án quy hoạch, báo cáo chuyên đề, đề tài nghiên cứu..., hiện có và số liệu thống kê qua các năm ở địa phương để tổng hợp, phân tích làm rõ các vấn đề cần nghiên cứu.

- Phương pháp điều tra: Trên cơ sở các tài liệu đã có nhưng chưa rõ, cần điều tra thu thập bổ sung để làm sáng tỏ các vấn đề cần nghiên cứu.

- Phương pháp phân tích: So sánh khả năng cạnh tranh sản phẩm từ các nguồn lực sẵn có, từ các chính sách đầu tư của Trung ương, địa phương và doanh nghiệp thông qua chiến lược, cơ cấu, mức độ cạnh tranh nội bộ ngành và tương quan so sánh với các tỉnh, thành khác trong khu vực.

- Phương pháp dự báo: Dự báo khả năng có thể xảy ra trong thời gian đến như thị trường, giá cả, khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật...; những chủ trương phát triển của cả nước, của tỉnh để định hướng phát triển thời gian đến.

- Phương pháp chuyên gia: Thông qua các hình thức gặp gỡ trao đổi, hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NGÃI 2004-2014

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về phát triển sản xuất

1.1. Về tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành:

Mặc dù sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh trong những năm qua luôn phải đối mặt với thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh gia súc, gia cầm, tôm nuôi xảy ra ở một số nơi, giá cả vật tư tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nhưng trong 10 năm qua (2004-2014), giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 1994) vẫn tăng trưởng khá với tốc độ tăng bình quân 4,49%/ năm, trong đó, nông nghiệp tăng 2,8%, lâm nghiệp tăng 7,7% và thủy sản tăng 7,5%.

Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành nông, lâm và thủy sản chuyển dịch theo hướng tích cực và khá rõ nét. Tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống, tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản tăng lên, cụ thể: tỷ trọng nông nghiệp năm 2004 chiếm 69%, đến năm 2014 giảm xuống còn 63,5%; tỷ trọng lâm nghiệp từ 3.96% tăng lên 4,16% và tỷ trọng thủy sản từ 27% tăng lên 32,3%,

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch theo hướng trồng trọt giảm, chăn nuôi và dịch vụ tăng. Tỷ trọng trồng trọt năm 2004 là 67,1% đến năm 2014 giảm xuống còn 58,9%, chăn nuôi từ 28,7% tăng lên 34,9% và dịch vụ từ 4,14% tăng lên 4,16%. Nhìn chung, cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp tuy có chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm và chưa cân đối, đặc biệt là trồng trọt còn chiếm tỷ trọng khá cao, tỷ trọng dịch vụ phục vụ nông nghiệp tăng chậm và còn ở mức thấp.

1.2. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt

- Sản xuất lương thực: Sản lượng lương thực năm 2014 đã đạt trên 479.600 tấn, tăng bình quân năm 1,7%/năm, trong đó, sản lượng lúa chiếm gần 88% trong tổng sản lượng lương thực. Mặc dù dân số của tỉnh không ngừng tăng lên nhưng sản lượng lương thực bình quân đầu người đến năm 2014 vẫn đạt trên 386 kg/người, tăng 67kg/người so với năm 2004.

Điểm nổi bật trong sản xuất lương thực của tỉnh trong những năm qua là duy trì được thành quả của Đề án chuyển đổi sản xuất từ 3 vụ lúa, sang 2 vụ lúa/năm, đồng thời đưa giống lúa chất lượng chiếm trên 90% diện tích, cơ cấu giống lúa cũng đã có sự thay đổi rõ rệt đảm bảo thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Diện tích gieo trồng lúa có xu hướng giảm dần trong khi đó năng suất và sản lượng lúa tăng lên ổn định qua các năm. Năm 2014, diện tích gieo trồng lúa là 73.650 ha, năng suất lúa bình quân đạt trên 57,3 tạ/ha, sản lượng lúa 421.800 tấn. So với năm 2004, diện tích lúa giảm 1.550 ha, năng suất lúa tăng 9,1 tạ/ha, sản lượng lúa tăng 58.280 tấn. Việc xây dựng thành công 10 cánh đồng mẫu lớn, với diện tích gần 300 ha trong sản xuất lúa trên địa bàn các huyện: Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ và Bình Sơn cho lợi nhuận tăng từ 3-4 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả trong công tác dồn điền đổi thửa, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, làm tiền đề cho sản xuất tập trung.

Việc đưa giống ngô lai vào sản xuất đại trà đã làm cho diện tích, năng suất và sản lượng ngô tăng cao so với trước đây. Năm 2014, diện tích gieo trồng ngô là 10.540 ha, năng suất đạt bình quân 54,8 tạ/ha, sản lượng 57.750 tấn. So với năm 2004, diện tích tăng 1.045 ha, năng suất tăng 10,3 tạ/ha, sản lượng tăng 15.480 tấn.

- Cây rau các loại: Năm 2014, diện tích gieo trồng là 13.287 ha, năng suất đạt 157,8 tạ/ha, sản lượng 210.000 tấn. So với năm 2004, diện tích tăng 3.310 ha, năng suất tăng 8,9 tạ/ha, sản lượng tăng trên 61.150 tấn. Trong những năm gần đây, một số vùng sản xuất rau chuyên canh đã chú trọng đến sản xuất rau an toàn nhưng mới hình thành với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

- Cây cỏ phục vụ chăn nuôi: Cùng với phát triển tổng đàn trâu bò, diện tích trồng cỏ trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành và phát triển, đến nay có khoảng 310 ha.

- Cây lạc: Diện tích gieo trồng lạc năm 2004 là 5.630 ha, năm 2014 tăng lên 6.390 ha. Nhờ áp dụng giống mới và kỹ thuật thâm canh tốt nên năng suất lạc năm 2004 đạt 17,3 tạ/ha, đến năm 2014 đạt 20,9 tạ/ha. Hiện nay cây lạc là cây trồng có thế mạnh trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ở các diện tích lúa thiếu nước tưới trong vụ Hè Thu.

- Cây mía: Diện tích, sản lượng mía trong những năm gần đây biến động theo chiều hướng giảm dần. Năm 2014 diện tích mía là 5.070 ha, năng suất 543.7 tạ/ha, sản lượng mía cây là 275.600 tấn. So với năm 2004, diện tích giảm 3.187 ha, năng suất chỉ tăng 15,4 tạ/ha và sản lượng giảm trên 16.000 tấn. Hiện nay giá mía cây xuống thấp nên nhiều diện tích mía bị chuyển đổi sang cây trồng khác. Nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng cho vùng mía chưa được đầu tư đồng bộ (thủy lợi, giao thông nội vùng), người dân vẫn giữ tập quán trồng mía theo truyền thống: trồng dày, chưa chú trọng đầu tư thâm canh nên chi phí cao, năng suất, chất lượng thấp, khó cạnh tranh với cây trồng khác.

- Cây mì: Là cây hàng hóa có quy mô lớn của tỉnh. Do có đầu ra và giá cả ổn định nên diện tích, năng suất, sản lượng mì không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2014, diện tích mì là 16.297 ha, năng suất 150.8 tấn, sản lượng 245.758 tấn. So với năm 2014, diện tích mì tăng 2.900 ha, năng suất tăng 33,6 tạ/ha, sản lượng tăng 108.300 tấn. Việc tăng diện tích mì hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, cần có giải pháp quy hoạch và biện pháp canh tác hợp lý để tránh tình trạng rửa trôi, xói mòn đất, nhất là trồng mì trên đất có độ dốc cao và trồng mì theo lối quảng cạnh ở khu vực miền núi.

b) Chăn nuôi

Đến năm 2014, tổng đàn trâu 63.600 con, tổng đàn bò 274.300 con, tỷ lệ bò lai đạt trên 58,6% tổng đàn, tổng đàn heo: 458.120 con, đàn gia cầm đạt 4,3 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng nhanh, năm 2014 đạt 69.450 tấn, so với năm 2004 tăng 75,6%.

Trong những năm qua, giá thịt bò luôn ở mức cao và ổn định, đàn bò lai của tỉnh phát triển khá nhanh, chăn nuôi bò thịt là một trong những thế mạnh trong sản xuất hàng hóa của tỉnh.

Mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản ở miền núi bằng giống Móng Cái, có chuồng nhốt, làm thay đổi được tập quán chăn nuôi quản canh, chuyển sang chăn nuôi thâm canh.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thực trạng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được quan tâm giải quyết, đó là: công tác quản lý giống heo chưa được quan tâm đúng mức, giá thức ăn tăng cao trong khi giá thịt hơi giảm thấp nên người chăn nuôi heo không có lãi. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn đe dọa đến sự phát triển đàn; chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ còn phổ biến, khó kiểm soát dịch bệnh, khối lượng hàng hóa thấp, phân tán. Chăn nuôi ở quy mô tập trung, trang trại, gia trại tuy có hình thành ở một số địa phương nhưng chưa phát triển mạnh.

1.3. Về lâm nghiệp

Lâm nghiệp Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, từ sản xuất theo truyền thống lấy quốc doanh làm nòng cốt, khai thác rừng tự nhiên là chủ yếu sang sản xuất lâm nghiệp nhân dân mang tính xã hội hóa nghề rừng ngày càng cao, đa thành phần, đa nguồn lực đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng. Việc trồng rừng sản xuất được đẩy nhanh nhờ chính sách giao đất, giao rừng, các Chương trình đầu tư trồng rừng như Dự án 661, WB3, KFW6, JBIC, PACSA2, JICA2... Nhờ vậy đến năm 2014, diện tích có rừng toàn tỉnh đạt 277.860 ha, đạt độ che phủ 49,0% tăng 17,7% so với năm 2004 (31,3%), góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, giảm nghèo cho hàng vạn hộ nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc miền núi.

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học được áp dụng thành công như nhân giống cây bằng giâm hom; nuôi cấy mô... Sản xuất cây giống lâm nghiệp các loại hàng năm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu diện tích trồng rừng của tỉnh với khoảng 8.000-8.500 ha/năm.

Sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm khai thác đạt 400-600 nghìn m3/năm đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ dăm xuất khẩu.

Tuy nhiên, do trồng rừng nguyên liệu giấy cho thu nhập khá nên diện tích trồng rừng nguyên liệu tăng nhanh ngoài vùng quy hoạch nhưng chưa được kiểm soát; việc khai thác cây nguyên liệu không đúng quy trình có nguy cơ làm xói mòn đất, cạn kiệt nguồn sinh thủy, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái ở khu vực miền núi.

1.4. Về thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản trong những năm gần đây có sự tăng trưởng mạnh, năm 2014 đạt trên 150.000 tấn, trong đó: sản lượng khai thác đạt trên 149.900 tấn, nuôi trồng đạt trên 6.050 tấn. So với năm 2004, sản lượng thủy sản khai thác tăng 79,4% (149.900/83.545), sản lượng nuôi trồng tăng 188,0% (6.050/2.100). Diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2014 đạt 1.245 ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 520 ha. Sản lượng NTTS nước lợ trong 10 năm qua có sự gia tăng cao do có sự chuyển đổi đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng và thay đổi hình thức nuôi từ quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh. Nuôi cá nước ngọt chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến trong ao hồ nhỏ, hồ đập thủy lợi, sử dụng thức ăn chủ yếu từ phụ phẩm nông nghiệp của hộ gia đình với mức đầu tư thấp và ít xảy ra dịch bệnh. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống như trắm, mè, trôi, chép, lóc, rô phi đơn tính,...

Về chế biến thủy sản: Năm 2014, toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế khoảng 12.900 tấn sản phẩm/năm. Trong năm 2014 khối lượng sản phẩm chế biến đạt 9.200 tấn, giá trị xuất khẩu đạt hơn 12,8 triệu USD. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu các loại cá thịt trắng fillet, cá nục cấp đông nguyên con, cá cơm khô,... Tuy nhiên, sản lượng và giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản phẩm tiêu thụ nội địa chủ yếu là các sản phẩm có giá trị thấp như cá cơm, cá nục, cá ngừ loại nhỏ và các loài cá nước ngọt như rô phi, chép, trắm cỏ,...

Công tác sản xuất giống thủy sản trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2014 chỉ có 3 trại hoạt động, số lượng con giống sản xuất ra chưa đáp ứng cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Khai thác thủy sản phát triển mạnh, chuyển dịch đúng hướng, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 5.462 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 1.006.000 CV, công suất bình quân 184 CV/chiếc, trong đó tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ là 2.072 chiếc. So với năm 2004, số lượng tàu thuyền tăng lên 57,6%, công suất tàu thuyền tăng lên 389%.

Hầu hết tàu đánh bắt xa bờ được trang bị các phương tiện thông tin liên lạc, máy định vị, máy dò cá. Số tàu đánh bắt bằng những nghề như câu mực khơi, vây đêm, lưới cản… có thu nhập cao đều có xu hướng tăng lên.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản có nhiều tiến bộ: tình trạng khai thác bằng chất nổ, xung điện… từng bước được kiểm soát và hạn chế, công tác đăng ký đăng kiểm, cấp giấy phép hoạt động tàu cá được triển khai khá đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Việc tái tạo nguồn lợi, như thả cá xuống hồ nước lớn, cua giống ra biển luôn được quan tâm thực hiện hàng năm.

1.5. Về sản xuất muối

Diện tích sản xuất muối hàng năm từ 120-130 ha, sản lượng muối hàng năm sản xuất được từ 8.000-9.500 tấn/năm. Mô hình kết tinh muối trên nền bê tông đã khẳng định tính vượt trội về năng suất, chất lượng muối, thuận lợi cho diêm dân trong việc tiêu thụ muối với giá cao và tương đối ổn định cho người sản xuất so với sản xuất muối truyền thống. Tuy nhiên do giá muối không ổn định, tăng giảm thất thường, sản lượng muối tồn kho có năm chiếm trên 50%; diêm dân thiếu vốn để đầu tư bê tông hóa ruộng muối nên đời sống còn nhiều khó khăn.

(Chi tiết qua các năm có phụ lục 1 kèm theo)

2. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

2.1. Cơ sở hạ tầng thủy lợi

Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có hơn 662 công trình thủy lợi để cấp nước tưới và cấp nước cho các ngành kinh tế khác, gồm: 119 hồ chứa nước, 430 đập dâng và 113 trạm bơm. Các công trình thủy lợi đã đảm bảo tưới cho hơn 38.600 ha lúa Đông Xuân; 33.590 ha lúa vụ Hè Thu, đạt gần 100% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh; tưới trên 15.000 ha canh tác cây rau màu và cây công nghiệp.

Phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng từ năm 1989 về trước, nay đã xuống cấp nhưng thiếu kinh phí duy tu sửa chữa hàng năm. Đối với hệ thống kênh mương toàn tỉnh có khoảng 3.000 km kênh các loại, nhưng chỉ mới kiên cố hóa khoảng 30% chiều dài kênh. Vì vậy, hiệu quả sử dụng công trình chỉ đạt khoảng 65% do tổn thất nước.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành TW và UBND tỉnh nên nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng mới, đầu tư sửa chữa nâng cấp và kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, góp phần không nhỏ trong việc từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, phục vụ nhu cầu sản xuất, cấp nước sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2010 đến nay đã có 235 công trình và 331 tuyến kênh được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp và kiên cố hóa, trong đó:

+ Công trình, tuyến kênh được xây dựng mới: 102 công trình (gồm: 07 hồ chứa, 63 đập dâng, 09 trạm bơm, 22 đê kè, 01 công trình ngăn mặn) và 61 tuyến kênh mương các loại;

+ Công trình sửa chữa nâng cấp và tuyến kênh được kiên cố hóa: 133 công trình (gồm: 25 hồ chứa, 77 đập dâng, 10 trạm bơm, 18 đê kè, 3 công trình ngăn mặn) và 270 tuyến kênh mương các loại. Nhiều công trình/dự án lớn như: Tiểu dự án Trà Câu (vốn vay ADB), các dự án sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước nhỏ nguồn vốn TPCP, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản, Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh Miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi, Hồ chứa nước Nước Trong, Tiêu thoát lũ Sông Thoa.

- Tổng số diện tích tưới được tăng thêm (bao gồm cả diện tích đảm bảo tưới sau khi sửa chữa, nâng cấp) khoảng: 4.300 ha.

2.2. Cơ sở hạ tầng thủy sản

- Về hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi, sản xuất giống:

Về cơ sở sản xuất giống do ngân sách địa phương đã đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình phục vụ sản xuất giống thủy sản (Đức Phong, Đức Phổ, và phòng thí nghiệm). Do cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống xử lý nước thải vùng nuôi tôm tập trung, hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt cho NTTS và hạ tầng cho các khu sản xuất giống tập trung nên đa số vùng nuôi và ao nuôi không đảm bảo kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi liên tiếp xảy ra nhưng chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Diện tích nuôi tôm bị bỏ trống ngày càng nhiều đã làm cho người nuôi tôm thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

- Về cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão:

Trong thời gian qua, ngân sách trung ương và địa phương đã đầu tư xây dựng 03 khu neo đậu trú bão tàu cá: Tịnh Hòa (kết hợp cảng cá), Mỹ Á (giai đoạn 1), Lý Sơn - kết hợp cảng cá (giai đoạn 1); xây dựng 03 cảng cá: Sa Huỳnh, Sa Kỳ, sông Trà Bồng; với năng lực thiết kế thấp nhất 350 tàu công suất đến 250 CV. Các công trình này bước đầu phát huy hiệu quả, là nơi neo trú và bốc dỡ sản phẩm cho các tàu cá ở các vùng cửa biển và hải đảo.

Tuy nhiên, phần lớn công trình đầu tư chưa đồng bộ, mới chỉ giai đoạn 1, luồng lạch ra vào cảng liên tục bị bồi lấp nên tàu thuyền ra vào khó khăn, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa nhiều, các cảng cá vũng neo đậu chưa phát huy hết tác dụng. Các công trình đã và đang đầu tư mới chỉ đáp ứng phục vụ khoảng 25% số lượng tàu thuyền trong tỉnh.

- Về cơ sở đóng sửa tàu thuyền vỏ gỗ trong tỉnh tương đối phát triển, mặc dù quy mô không lớn, phân bố rải rác, chủ yếu là quy mô xưởng hộ gia đình, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu hiện tại đóng mới, sửa chữa tàu cá tại địa phương.

2.3. Công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được đầu tư phát triển trên khắp các địa bàn trong tỉnh, đã nâng số lượng người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng thêm 25 nghìn người/năm, từng bước cải thiện đời sống, sức khỏe cho nhân dân. Tỷ lệ dân cư nông thôn trong tỉnh đảm bảo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong năm 2014 đạt khoảng 82,2%.

3. Về phát triển phát triển ngành nghề nông thôn

Trên địa bàn tỉnh hiện có: 17 làng nghề (bao gồm những làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận và chưa công nhận). Đa số các làng nghề sản xuất với quy mô nhỏ, các cơ sở trong làng nghề thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất. Có nhiều làng nghề bị mai một, trong làng chỉ có một số hộ gia đình sản xuất kinh doanh theo đơn đặt hàng. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định cấp giấy công nhận cho: 01 làng nghề, 04 làng nghề truyền thống và 07 nghề truyền thống.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại 05 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận vẫn duy trì tương đối ổn định, gồm có: 03 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 964 hộ và cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh (chủ yếu là hộ gia đình làm nghề, rất ít hộ có giấy phép đăng ký kinh doanh), giải quyết việc làm cho 1.382 lao động nông thôn.

Bên cạnh 05 làng nghề đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn toàn tỉnh còn có tổng cộng: 6.346 cơ sở ngành nghề nông thôn, bao gồm: 82 doanh nghiệp, 7 Hợp tác xã và 6.257 cơ sở sản xuất ở quy mô hộ gia đình (trong đó có 869 hộ có giấy phép kinh doanh) nằm phân tán, rải rác trong các Khu dân cư, xóm, thôn, xã trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho 15.623 lao động ở nông thôn, doanh thu ước tính trên 650 tỷ đồng, thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng.

4. Các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp

4.1. Hộ nông dân

Các hộ nông dân được giao đất theo Nghị định số 64/NĐ-CP để tự tổ chức sản xuất; thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để cung ứng các dịch vụ nông nghiệp.

Ưu điểm của hình thức này là các hộ nông dân đã chủ động chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều hộ nông dân phải tự tìm kiếm giống, vật tư phân bón để sản xuất và tự bán sản phẩm. Mối liên kết giữa nông dân với nhau, với Tổ hợp tác hoặc hợp tác xã còn lỏng lẻo thiếu tính ràng buộc.

Hiện nay, đã hình thành, phát triển liên kết trong sản xuất giữa nông hộ/chủ trang trại liên kết với các Công ty bằng hình thức hỗ trợ giống, vật tư đầu vào và được bao tiêu sản phẩm như Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, một số doanh nghiệp trồng và chế biến gỗ dăm xuất khẩu, trong chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần CP Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức liên kết này vẫn bộc lộ một số hạn chế đó là: Các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo; quy mô liên kết còn nhỏ, phạm vi liên kết còn hẹp...; một số doanh nghiệp quá chú trọng vào lợi ích của mình mà chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ lợi ích với nông dân; phân chia lợi ích chưa rõ ràng, thua thiệt vẫn còn thuộc về nông dân,....

4.2. Hợp tác xã nông nghiệp (HTX và Tổ hợp tác)

Tính đến tháng 7 năm 2014 toàn tỉnh có 187 Hợp tác xã nông lâm ngư nghiệp, trong đó 167 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 06 HTX chuyên canh, 10 HTX thủy sản, 02 HTX diêm nghiệp, 02 HTX điện nước.

Số lượng xã viên (nay là thành viên) của các HTXNN có trên 207.576 người, bình quân mỗi HTX có 1.116 người. Số lượng cán bộ quản lý hiện có 1.200 người, bình quân mỗi HTX có từ 6-7 người; Trình độ cán bộ quản lý HTXNN qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp; trình độ sơ cấp, trung cấp chiếm 40%, cao đẳng và đại học chiếm 2%, còn lại chưa qua đào tạo.

Kết quả hoạt động của hợp tác xã được phân loại: HTX xếp loại khá có 49 HTX (chiếm 26,2 %), HTX xếp loại trung bình có 89 HTX (chiếm 47,6%), HTX xếp loại yếu 49 HTX (chiếm 26,2%).

Tổ hợp tác trong nông nghiệp (được thành lập và hoạt động theo luật dân sự và Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007): Tính đến tháng 7/2014 toàn tỉnh có 03 Tổ hợp tác (01 THT nuôi nhông xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn; 02 THT sản xuất chổi đót xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành).

Nhìn chung, hoạt động của các HTX, THT đã phần nào hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các hộ thành viên, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động. Nhưng quy mô của các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác còn nhỏ; trình độ, năng lực quản lý của nhiều cán bộ HTX còn yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX, tổ hợp tác thấp. Hợp tác xã chưa thể hiện rõ vai trò trong hỗ trợ nông dân sản xuất.

4.3. Kinh tế trang trại

Về kinh tế trang trại: Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 49 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 18 trang trại tổng hợp và 31 trang trại chăn nuôi, ngoài ra, có 964 gia trại chăn nuôi. Đến nay có 474 hộ sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Bước đầu khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước, sử dụng lao động có hiệu quả. Các mô hình sản xuất ở các trang trại tương đối đa dạng, phong phú, thích ứng với đặc điểm tự nhiên - kinh tế - xã hội của từng vùng.... Tạo công ăn việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn, tăng thu nhập, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.

4.4. Các Công ty nông, lâm nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi các Công ty nông, lâm nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty TNHHMTV, gồm: Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Ba Tô, Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Trà Tân, Công ty TNHHMTV Nông, Lâm nghiệp 24/3. Hiện nay, hoạt động các doanh nghiệp chủ yếu là quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng sản xuất, các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn sản xuất, tranh chấp đất đai giữa Công ty và người dân địa phương làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

5. Về phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới

5.1. Xây dựng nông thôn mới

- Công tác lập quy hoạch: Đến cuối năm 2014, Đề án xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi đã tiến hành lập Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cấp xã được 158/164 xã. Hiện còn còn 6 xã thuộc khu Kinh tế Dung Quất. Quy hoạch chi tiết đã được triển khai ở 33 xã phấn đấu đạt tiêu chí vào năm 2015 song cho đến nay vẫn còn nhiều xã chưa hoàn thành và phê duyệt, gồm các xã Tịnh Châu, Phổ Ninh, Phổ Hòa, Long Sơn, Trà Bình, Sơn Thành, An Hải. Có 155/164 xã hoàn thành và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới, còn 9/164 xã chưa được thẩm định, phê duyệt (Bình Sơn).

- Công tác cắm mốc giới và việc xây dựng, ban hành quy chế quản lý quy hoạch còn nhiều địa phương chưa thực hiện.

Tổng hợp kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đến nay đã đạt được như sau:

Số xã đạt số tiêu chí theo nhóm:

- Nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí): 1 xã (Bình Dương 19 TC).

- Nhóm 2 (đạt từ 15 -18 tiêu chí): 7 xã

- Nhóm 3 từ 10-14 tiêu chí: 44 xã.

- Nhóm 4 từ 5 -9 tiêu chí: 57 xã.

- Nhóm 5 từ 0-4 tiêu chí: 55 xã, chủ yếu là các xã ở các huyện miền núi.

Số tiêu chí bình quân/xã: 7,0 tiêu chí/xã (tăng 0,94 so với cuối 2013: 6,06)

Phần lớn các huyện, thành phố số tiêu chí bình quân/xã tăng lên so với cuối năm 2013, tăng nhiều nhất là huyện Mộ Đức: bình quân 3,16 tiêu chí/xã, Nghĩa Hành: 1,82 tiêu chí/xã, Tư Nghĩa: 1,48 tiêu chí/xã. Có 3 huyện số tiêu chí bình quân/xã không thay đổi so với năm 2013: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây và 1 huyện nội dung tiêu chí cũng như số tiêu chí không thay đổi so với lúc bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình: Tây Trà.

Nhìn chung, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn chậm, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt thấp so với mục tiêu đề ra.

5.2. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Hiện nay toàn tỉnh có 143 máy kéo công suất từ 35 CV trở lên, 794 máy kéo công suất từ 12-35 CV, 161 máy kéo công suất dưới 12 CV, 9.857 động cơ xăng, dầu diezen; có 63 máy gặt đập liên hợp, 1.224 máy cắt xếp hàng, 15.710 máy tuốt lúa có động cơ. Với số lượng máy như trên đã nâng cao tỉ lệ cơ giới hóa trong các khâu như: khâu làm đất (lúa, ngô, mía, đậu) đạt 75,8%; khâu gieo trồng đạt gần 10%; khâu chăm sóc đạt 4,6%; khâu thu hoạch đối với cây lúa đạt 93,8%; khâu vận chuyển đạt 82,9%. Tỷ lệ cơ giới hóa tăng lên qua các năm đã góp phần giải phóng sức lao động ở các khâu nặng nhọc, giảm chi phí sản xuất, giảm tính căng cơ của thời vụ trong sản xuất nông nghiệp.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP

1. Những mặt đạt được

- Tốc độ tăng trưởng của ngành khá ổn định qua các năm. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Trong cơ cấu nội bộ nông nghiệp, tỷ trọng trồng trọt giảm (chủ yếu là cây lúa), tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ.

- Công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng trong những năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực. Giá trị sản phẩm thu được/ha đất canh tác cây hàng năm tăng dần qua các năm. Năm 2011 bình quân 52 triệu đồng/ha, đến năm 2014 ước đạt trên 56 triệu đồng/ha.

- Sản lượng lương thực qua các năm đều tăng ổn định, lương thực bình quân đầu người luôn ở mức cao. Đây cũng là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông dân thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

- Bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn. Một số nông, thủy sản hàng hóa phát triển khá nhanh như bò thịt, cây nguyên liệu giấy, sản lượng thủy sản khai thác và trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh.

- Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

- Diện tích rừng qua mỗi năm đều tăng, độ che phủ của rừng đạt ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực.

- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng khá, nhất là khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển các cây trồng chính.

- Cơ sở hạ tầng thủy lợi, thủy sản được quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh và ổn định.

- Bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu như: mì, mía, cây keo gắn với thu mua, chế biến hình thành các chuỗi giá trị gia tăng.

2. Tồn tại khó khăn

Bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn có những khó khăn, tồn tại sau:

- Tốc độ tăng trưởng của ngành chậm, chưa cân đối và thiếu bền vững. Ngành trồng trọt còn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó, dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu sản xuất của toàn ngành.

- Vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến phát triển chưa ổn định, thiếu bền vững. Sản phẩm hàng hóa chưa nhiều; chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; cây mía giảm sút về diện tích; cây mì phát triển nhanh nhưng có nguy cơ xâm hại đến đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất rừng phòng hộ. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lúa, mì còn cao.

- Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản còn phát sinh ở nhiều nơi, nhất là dịch bệnh trên tôm nuôi chưa được kiểm soát.

- Tình trạng cháy rừng trồng, phá rừng làm nương rẫy, trồng cây nguyên liệu và vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Phát triển rừng trồng chỉ mới chú trọng cây nguyên liệu giấy, chưa chú trọng đến cây bản địa nên giá trị thấp, thiếu bền vững.

- Nguồn lợi thủy sản ven bờ đã bị khai thác quá mức; tàu cá chủ yếu tàu vỏ gỗ, khả năng an toàn hạn chế, đặc biệt trang thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu lạc hậu, chất lượng sản phẩm sau khai thác suy giảm, giá trị sản phẩm thấp.

- Tình trạng luồng lạch tàu cá ra vào thường xuyên bị bồi lấp làm hạn chế thu hút tàu thuyền về địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động làm nghề cá ở các cửa biển và làm thiếu hụt nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa được chú trọng đầu tư, tình trạng ô nhiễm môi trường trong vùng nuôi tôm ngày càng trầm trọng, dịch bệnh lan rộng, kéo dài, dẫn đến hiệu quả nuôi tôm ngày càng giảm. Nuôi trồng thủy sản trong tỉnh quy mô nhỏ, khối lượng hàng hóa ít, hiệu quả chưa cao.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển cho nông nghiệp được bố trí hàng năm quá thấp chỉ khoảng 10% tổng đầu tư ngân sách nhà nước; nhiều công trình thủy lợi bị xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên hiệu quả khai thác công trình thấp, chỉ đạt khoảng 60-65% so với năng lực thiết kế.

- Các Công ty nông, lâm nghiệp sắp xếp, đổi mới còn chậm, hoạt động gặp nhiều khó khăn. HTX nông nghiệp vẫn tổ chức và hoạt động theo kiểu cũ, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của nông hộ. Phần lớn các trang trại hoạt động hiệu quả chưa cao. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế.

- Phát triển liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít.

- Công nghiệp chế biến chậm phát triển, sản phẩm bán ra thị trường chủ yếu dạng tươi sống hoặc sơ chế, giá trị gia tăng không cao. Mặt hàng nông sản qua chế biến còn nghèo nàn, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm dạng thô hoặc sơ chế. Doanh nghiệp chế biến chưa liên kết với các vùng sản xuất để chủ động nguồn nguyên liệu.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Tình trạng sản xuất còn manh mún, phân tán phần lớn nông hộ có diện tích nhỏ, sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích, cản trở quá trình cơ giới hóa, hiện đại hóa, tăng chi phí sản xuất, sản phẩm hàng hóa phân tán.

- Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động bất lợi do thiên nhiên gây ra. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, tần suất bão, lũ ngày càng tăng, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

- Mặc dù Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; song chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

- Một số cơ chế chính sách phát triển ngành đã được ban hành nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nhất là chính sách cho vay tín dụng để phát triển sản xuất

- Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp của nhiều cán bộ, đảng viên còn hạn chế, nhất là về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; chưa nhận thức được thị trường là động lực cho phát triển sản xuất. Tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách đã ban hành và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ; chưa tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, tháo gỡ những nút thắt, nhất là về cho thuê đất, định giá đất để phát triển sản xuất quy mô trang trại.

- Một số cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chậm điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chính sách đất đai còn hạn chế làm cản trở quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, ảnh hưởng lớn đến thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân theo chuỗi giá trị chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp.

- Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tiềm năng. Nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thấp, nhất là nguồn vốn hỗ trợ đầu tư trực tiếp phát triển sản xuất, trong khi đó nguồn lực trong dân còn hạn chế; vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các chương trình, dự án mang tính chất hỗ trợ sản xuất và sinh lợi còn thấp.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu kém nên giá thành sản xuất sản phẩm nông nghiệp còn so với các nước trong khu vực.

- Nguồn nhân lực chất lượng cao cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn, nhất là mạng lưới cán bộ nông nghiệp cơ sở còn thiếu và yếu; lao động trong độ tuổi giảm nhanh, tình hình “già hóa” và “nữ hóa” ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt thấp (38,1% năm 2012). Các chương trình đào tạo nghề chưa sát với thực tiễn, nội dung đào tạo về kiến thức quản lý kinh tế còn thiếu, nông dân chưa phát huy hiệu quả nghề sau khi được đào tạo.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP RÚT RA TỪ THỰC TRẠNG

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải có tầm nhìn bao quát, tổng thể, vừa là bước đi trước mắt, vừa là tầm nhìn dài hạn nên phải xem xét một cách khách quan, tuân thủ quy luật phát triển và nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và từng địa phương.

- Cơ chế, chính sách có vai trò dẫn dắt, kích hoạt sự phát triển, hiện thực hóa chủ trương tái cơ cấu, vì vậy cần rà soát, điều chỉnh một số nội dung chính sách đã ban hành và bổ sung chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách hành chính, tháo gỡ mọi rào cản, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khắc phục những tồn tại khó khăn của mô hình kinh tế hộ, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay. Tạo điều kiện cho xu thế phát triển một nền nông nghiệp quy mô công nghiệp, công nghệ cao từng bước phát triển.

- Thực hiện phương châm ba hóa trong chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp: Doanh nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của người nông dân; liên kết hóa trong phát triển sản xuất - kinh doanh và các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Tái cơ cấu gắn với đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đến từng xã, thôn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, người dân.

- Tái cơ cấu là quá trình lâu dài và rất khó khăn, đồng thời cũng là yêu cầu bức xúc trước mắt. Để tránh máy móc, cưỡng ép, chủ quan các địa phương cần lựa chọn một hay một số sản phẩm và ưu tiên chỉ đạo, phát triển để rút kinh nghiệm từng bước, trước hết là sản phẩm có lợi thế hay sản phẩm có doanh nghiệp, tư thương lo được khâu “đầu ra”, bảo đảm cho sản xuất thực sự có hiệu quả và phát triển bền vững.

- Tái cơ cấu nông nghiệp phải tạo được động lực lợi ích từ người dân và chỉ thực sự thành công khi có sự đồng thuận của toàn xã hội.

Phần thứ hai

QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2015 -2020

I. Quan điểm tái cơ cấu

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển các ngành liên quan.

Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, người dân và doanh nghiệp là chủ thể của quá trình tái cơ cấu.

Quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về công nghiệp chế biến và vùng nguyên liệu phải gắn bó chặt chẽ và tương thích với nhau.

Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả để đạt được các mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.

Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

II. Định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp

1. Định hướng tái cơ cấu đối với các lĩnh vực sản xuất

a) Tái cơ cấu trồng trọt:

- Nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu: cây mì, cây mía để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Nhóm cây đặc sản: tập trung phát triển thương hiệu cây tỏi Lý Sơn, cây quế Trà Bồng thành hàng hóa đặc sản chủ lực, sản phẩm đa dạng, phong phú hấp dẫn thị trường trong nước và thế giới, tạo ra giá trị gia tăng cao.

b) Tái cơ cấu chăn nuôi: Chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt ở đồng bằng, chăn nuôi trâu theo hướng thịt ở miền núi, Chú trọng phát triển đàn lợn theo hướng nạc và chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và trong nước. Ư tiên phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại, gia trại; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẽ ở nông hộ. Gắn phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường.

c) Tái cơ cấu lâm nghiệp: Chú trọng trồng rừng cây gỗ lớn (cây bản địa) trên cơ sở bố trí cơ cấu lại tỷ lệ các loại cây trồng một cách hợp lý để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sinh thái rừng; đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân làm nghề rừng.

d) Tái cơ cấu thủy sản: Giảm khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; xác định sản phẩm chính của khai thác biển là cá biển và sản phẩm chính nuôi trồng thủy sản là con tôm. Tăng sản lượng khai thác phải đồng bộ với tăng các dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến tiêu thụ.

e) Phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm: Định hướng phát triển chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISSO, HACCP, GMP...) kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.

III. Mục tiêu tái cơ cấu

1. Mục tiêu chung

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Đảm bảo tăng trưởng ổn định, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

- Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài, góp phần xói đói, giảm nghèo.

- Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020 khoảng 4,0%/năm; trong đó, nông nghiệp tăng 3,3%, lâm nghiệp tăng 8,7% và thủy sản tăng 4,6%.

Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 59,8%, lâm nghiệp chiếm 6,8%, thủy sản chiếm 33,4% trong tổng cơ cấu kinh tế ngành. Tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2020 chiếm 45% trong tổng cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp..

Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 65 triệu đồng.

Phát triển lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2015 và 52% giai đoạn 2016- 2020; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và các tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 150.000 tấn/năm - 160.000 tấn /năm; Cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng dần số tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ.

Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%.

Phần thứ ba

NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU

I. Tái cơ cấu trồng trọt:

Tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của tỉnh, bằng các giải pháp tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tiên tiến để tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường để nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng một số sản phẩm chính của ngành trồng trọt, cụ thể như sau:

1. Nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến

1.1. Cây mì:

a) Dự báo thị trường:

Sản xuất và tiêu thụ sắn trên thế giới Sản lượng sắn thế giới đạt trên 230 triệu tấn củ tươi. Nước có sản lượng sắn nhiều nhất thế giới là Nigeria, kế đến là Thái Lan và Indonesia. Việt Nam đứng thứ mười trên thế giới về sản lượng sắn. Nước có năng suất sắn cao nhất hiện nay là Ấn Độ (31,43 tấn/ha), kế đến là Thái Lan (21,09 tấn/ha), năng suất sắn bình quân của thế giới là 12,16 tấn/ha (FAO, 2008).

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu sắn nhiều nhất thế giới để làm cồn sinh học (bio ethanol), tinh bột biến tính, thức ăn gia súc và dùng trong công nghiệp thực phẩm dược liệu. Thị trường xuất khẩu sắn chủ yếu của Thái Lan là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và cộng đồng châu Âu với tỷ trọng xuất khẩu sắn khoảng 40% bột và tinh bột sắn, 25% là sắn lát và sắn viên.

Thị trường xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn Việt Nam dự báo thuận lợi và có lợi thế cạnh tranh cao do có nhu cầu cao về chế biến bioethanol, bột ngọt, thức ăn gia súc và những sản phẩm tinh bột biến tính.

Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích trồng mì rất lớn, nhất là ở các huyện miền núi, tiềm năng năng suất còn có khả năng tăng cao, vùng chuyên canh mì năng suất có thể đạt trên 280 tạ/ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong và Sơn Hải. Bên cạnh còn có nhà máy Bio-ethanol Dung Quất có đủ khả năng tiêu thụ sản phẩm mì tươi sản xuất ra trên địa bàn tỉnh.

b) Mục tiêu:

Phát triển cây mì trở thành cây trồng có khối lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Định hướng đến 2020, diện tích mỳ khoảng 18.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 240-250 tạ/ha. Vùng sản xuất được bố trí ở các huyện, thành phố của tỉnh (trừ Lý Sơn), tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hà 5.100 ha, Bình Sơn 2.000 ha, Sơn Tịnh 1.600 ha, Tư Nghĩa 1.100 ha, Đức Phổ 1.300 ha, Ba Tơ 1.200 ha, Minh Long 1.300 ha, Trà Bồng 1.200 ha.

c) Nhiệm vụ:

Khuyến cáo nông dân trồng mỳ tập trung, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; đầu tư, thâm canh, xen canh với cây họ đậu nâng cao năng suất, tránh tình trạng quảng canh làm rửa trôi, xói mòn đất.

d) Giải pháp:

- Giống: Sử dụng giống mì có năng suất và hàm lượng tinh bột cao và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương như các giống NA1, SM2075 -18…

- Kỹ thuật công nghệ: Trồng mỳ phải thực hiện đúng quy trình đầu tư, thâm canh, xen canh với cây họ đậu. Ở miền núi nơi có độ dốc nên xây dựng bậc thang để chống rửa trôi, xói mòn đất; từng bước ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, sơ chế sản phẩm.

- Bố trí sản xuất: được bố trí ở các huyện, thành phố trong tỉnh (trừ Lý Sơn), tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hà 5.100 ha, Bình Sơn 2.000 ha, Sơn Tịnh 1.600 ha, Tư Nghĩa 1.100 ha, Đức Phổ 1.300 ha, Ba Tơ 1.200 ha, Minh Long 1.300 ha, Trà Bồng 1.200 ha. Chú trọng công tác dồn điền, đổi thửa để sản xuất tập trung, có khối lượng hàng hóa lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mì. Chuyển đổi một số diện tích trồng mỳ trên đất nương rẫy, đất có độ dốc lớn sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, hoặc trồng rừng nguyên liệu giấy.

- Tổ chức sản xuất: Liên kết với nhà máy Bio-ethanol Dung Quất và Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, đầu tư giống mới, phân bón, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong, Sơn Hải và nhà máy Bio-ethanol Dung Quất.

1.2. Cây mía

a) Dự báo thị trường:

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam -VSSA, ước tiêu thụ đường trong nước năm 2014 khoảng 1,4 triệu tấn, tăng gần 100 ngàn tấn so với năm 2013. Nếu hàng năm không có khoảng 400-500 ngàn tấn đường nhập lậu thì giá đường trong nước sẽ tăng cao hơn nhiều so với giá thực tế diễn ra trên thị trường. Ước sản lượng tiêu dùng đường trong nước trong những năm tới có thể trên 1,7 triệu tấn đường. Do đó, sản xuất mía đường trong nước còn thiếu so với nhu cầu khoảng 50-100 ngàn tấn đường các loại.

Ở Quảng Ngãi, đất đai rất thích hợp cho phát triển cây mía. Lúc cao điểm diện tích trồng mía đạt trên 12.000 ha. Nếu được đầu tư thâm canh đúng mức, năng suất có thể đạt trên 80 tấn/ha. Có lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực là có nhà máy đường Phổ Phong có công suất chế biến 2.000 tấn mía cây/ngày, đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng mía cây sản xuất ra trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch và Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi sẵn sàng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mía cho nông dân.

b) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020, diện tích cây mía ổn định ở khoảng 5.200 ha, năng suất bình quân đạt 650 tạ/ha, chữ đường đạt 10 CCS. Vùng trồng mía chủ yếu phân bố ở các huyện gần nhà máy chế biến như: Đức Phổ 1.044 ha, Mộ Đức 400 ha, Nghĩa Hành 450 ha, Tư Nghĩa 490 ha, Ba Tơ 1.100 ha, Sơn Hà 845 ha.

c) Nhiệm vụ:

Xây dựng vùng chuyên canh mía để tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định. Áp dụng các kỹ thuật thâm canh mía để nâng cao năng suất, chữ đường.

d) Giải pháp:

- Giống: Chú trọng sử dụng giống mía mới, trước mắt trong những năm đến sử dụng các giống K83-24, ROC27, LK92-11… có năng suất và chất lượng đường cao.

- Kỹ thuật công nghệ: Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất và chất lượng mía; từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía, nhất là khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển mía; trồng mía xen với các loại cây họ đậu như lạc, đậu xanh để cải tạo đất, chống xói mòn, tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

- Bố trí sản xuất: Duy trì vùng sản xuất mía tập trung hiện có, đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất mía nằm trên đất gò đồi, kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, các xã phía đông huyện Sơn Hà… Vùng trồng mía chủ yếu phân bố ở các huyện gần nhà máy chế biến như: Đức Phổ 1.044 ha, Mộ Đức 400 ha, Nghĩa Hành 450 ha, Tư Nghĩa 490 ha, Ba Tơ 1.100 ha, Sơn Hà 845 ha. Chú trọng công tác dồn điền, đổi thửa để sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía.

- Tổ chức sản xuất: Liên kết với Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi để đầu tư xây dựng vùng mía nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông nội vùng, kênh mương tưới, giống mới, phân bón, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mối liên kết giữa nhà máy đường với người trồng mía, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân và nhà máy.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Nhà máy Đường Phổ Phong.

2. Nhóm cây đặc sản

2.1. Cây tỏi Lý Sơn

a) Lợi thế cạnh tranh:

- Tỏi Lý Sơn là sản phẩm nổi tiếng trong cả nước, đã được công bố chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa hành, tỏi Lý Sơn thuộc Cục Sở hữu trí tuệ do Bộ Khoa học Công nghệ cấp.

- Người dân Lý Sơn có kinh nghiệm trồng tỏi lâu đời.

- Sản lượng hàng hóa tập trung nên dễ tiêu thụ sản phẩm.

- Hệ thống đại lý tiêu thụ tỏi Lý Sơn đã được hình thành nhiều nơi trong cả nước.

b) Mục tiêu:

Định hướng đến 2020 diện tích là 300 ha, năng suất tỏi tươi 109 tạ/ha, sản lượng đạt 3.300 tấn; phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn trên thị trường, lấy năng suất và chất lượng là yếu tố trọng tâm, tập trung thâm canh.

c) Nhiệm vụ:

Nghiên cứu mô hình sản xuất không thay cát trắng, đất thịt (đất bazan) để hạn chế nguồn cát ngày càng cạn kiệt, gây sạt lở, xâm hại bờ biển, giảm chi phí sản xuất đầu vào; phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn, lấy năng suất và chất lượng là yếu tố trọng tâm, tập trung thâm canh.

d) Giải pháp:

- Giống: Sử dụng giống hành, tỏi đã phục tráng để trồng, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng giống phục tráng trên 90%.

- Kỹ thuật công nghệ: Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tỏi ở Lý Sơn theo hướng bền vững, kết hợp với hệ thống tưới phun mưa bán tự động; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nội đồng vào vùng sản xuất; tập trung phát triển sản xuất theo hướng “một cánh đồng, một giống, một thời vụ, một quy trình sản xuất”.

- Bố trí sản xuất: Vùng sản xuất tỏi ở Lý Sơn.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Trên địa bàn tỉnh và cả nước; phát huy vai trò của Hội sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, khuyến khích các hộ kinh doanh tích cực tham gia các kỳ hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, liên kết với các đại lý, siêu thị trong cả nước để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm; ngăn chặn tình trạng đưa tỏi nơi khác vào Lý Sơn làm giảm thương hiệu sản phẩm.

2.2. Cây quế Trà Bồng a) Lợi thế cạnh tranh:

Quế Trà Bồng có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu độc quyền. Ðây là nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, gồm: quế, sản phẩm sơ chế dùng làm đồ gia vị;

Các sản phẩm từ quế đã được chế tác đa dạng và phong phú hơn đồ mỹ nghệ như làm bình, ly uống nước, hộp đựng tăm... Thị trường tiêu thụ cũng vì thế mà không còn giới hạn ở trong tỉnh, trong nước, mà các sản phẩm của cây quế đã vươn ra châu Á, Âu..., được các khách hàng quốc tế ưa chuộng.

Nhà máy chế biến tinh dầu quế công suất 80 tấn thành phẩm/năm và Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng sẵn sàng thu mua sản phẩm cho nông dân.

b) Mục tiêu:

Định hướng đến 2020 diện tích là 5.255 ha. Vùng sản xuất chủ yếu trên đất rừng sản xuất và đất vườn, đất trồng cây lâu năm thuộc huyện Trà Bồng 2.800 ha, Sơn Tây 1.200 ha, Tây Trà 1.225 ha.

c) Nhiệm vụ:

Phát triển thương hiệu Quế Trà Bồng trên thị trường, đa dạng sản phẩm, hấp dẫn người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

d) Giải pháp:

- Giống: Bình tuyển cây quế giống (quế Trà Bồng), xây dựng vườn ươm và sản xuất cây giống cho nhu cầu sản xuất; không du nhập giống quế từ nơi khác đến.

- Bố trí sản xuất: Vùng sản xuất chủ yếu trên đất rừng sản xuất và đất vườn, đất trồng cây lâu năm ở các huyện Trà Bồng 2.800 ha, Sơn Tây 1.200 ha, Tây Trà 1.225 ha.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Cung cấp cho các công ty, cơ sở sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; cơ sở sản xuất nhang quế; các cơ sở kinh doanh xuất khẩu quế, đặc biệt là cung cấp cho nhà máy chế biến tinh dầu quế công suất 80 tấn thành phẩm/năm, (nguyên liệu sử dụng gồm các thành phần của cây quế như cành, lá và ngọn).

3. Các loại cây trồng theo lợi thế cạnh tranh

3.1. Nhóm cây trồng có lợi thế cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao

3.1.1. Cây lúa

a) Lợi thế cạnh tranh

- Có vùng sản xuất lúa tập trung, khá thuận lợi cho việc tưới tiêu, đầu tư tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

- Các công trình thủy lợi từng bước được kiên cố, đặc biệt là hệ thống thủy lợi Thạch Nham đảm bảo tưới tiêu chủ động chiếm trên 70% diện tích lúa toàn tỉnh.

- Có các cơ quan Trung ương làm nhiệm vụ bảo vệ thực vật, tuyển chọn giống cây trồng đóng trên địa bàn tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở và các công ty tư nhân cung cấp nguồn giống tốt cũng như các giải pháp bảo vệ mùa màng.

- Tỉnh đã xác định được bộ giống lúa tốt, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

b) Mục tiêu:

Đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa 71.800 ha (diện tích đất chuyên trồng lúa 35.500 ha), năng suất bình quân đạt 59-60 tạ/ha, sản lượng đạt từ 420.000 - 430.000 tấn. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 5.000 ha tập trung ở 7 huyện, thành phố ở đồng bằng, gồm: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi.

c) Nhiệm vụ:

Thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Xây dựng phát triển các vùng sản xuất lúa theo hướng xây dựng cánh đồng lớn; chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Tùy theo đặc thù của từng địa phương, có thể chuyển sang trồng ngô thâm canh, sản xuất rau, củ, quả thực phẩm, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản.

d) Giải pháp:

- Giống: Sử dụng bộ giống chủ lực trung, ngắn ngày có chất lượng, năng suất cao, thích ứng với điệu kiện khí hậu thời tiết trên địa bàn tỉnh; phấn đấu sử dụng 100% giống xác nhận, giống nguyên chủng vào năm 2020, chấm dứt tình trạng nông dân sử dụng lúa ăn làm giống.

- Kỹ thuật công nghệ: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình thâm canh sản xuất lúa theo VietGAP, chương trình 3 giảm 3 tăng, phòng trừ tổng hợp IPM, ICM…, ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất lúa để tiết kiệm chi phí sản xuất.

- Bố trí sản xuất: Vùng trồng lúa được bố trí sản xuất ở 13 huyện, thành phố (trừ huyện Lý Sơn); Vùng lúa chất lượng cao tập trung chủ yếu ở 7 huyện/Tp của của tỉnh được bố trí như sau: Bình Sơn 800 ha, Sơn Tịnh 800 ha, Tư Nghĩa 800 ha, Nghĩa Hành 600 ha, Mộ Đức 1.000 ha, Đức Phổ 800 ha, TP Quảng Ngãi 200 ha. Bố trí sản xuất theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 08/8/2012 phê duyệt Quy hoạch đất lúa tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2020.

- Tổ chức sản xuất: Gắn kết với doanh nghiệp để sản xuất theo hình thức xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hoặc cánh đồng liên vùng để thuận lợi cho cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật.

- Xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm: Sản phẩm lúa hàng hóa cung cấp cho các khu công nghiệp, đô thị, các cơ sở chế biến gạo, các làng nghề chế biến bún, bánh tráng… Để tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, HTX cần tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, giới thiệu sản phẩm và tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm. Đối với lúa gạo chất lượng cao: Hình thành hệ thống các cửa hàng, đại lý, siêu thị… phân phối cung ứng, rộng khắp toàn tỉnh, nhất là tập trung ở các khu đô thị: thị trấn, thị xã, thành phố trong tỉnh và sau đó phát triển ra các khu đô thị lớn trong nước.

3.1.2. Cây ngô

a) Lợi thế cạnh tranh:

- Tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng về đất đai để có thể mở rộng diện tích trên các cây trồng hàng năm kém hiệu quả, diện tích luân canh trên đất lúa (chân ruộng thiếu nước tưới), tiềm năng năng suất cao nếu được đầu tư thâm canh đúng mức.

- Trình độ, năng lực thâm canh của hộ nông dân khá tốt, hầu hết diện tích sản xuất ngô đều sử dụng giống ngô lai cao sản, kỹ thuật thâm canh ngô tiên tiến đã được áp dụng vào các vùng sản xuất ngô.

- Tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn so với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

b) Mục tiêu:

Đến năm 2020 diện tích gieo trồng tăng lên 12.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 58 - 60 tạ/ha; sản lượng ngô đạt trên 70.000 tấn. Vùng trồng ngô tập trung ở bãi đất nà, đất thổ ven sông suối thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi và các vùng có điều kiện.

c) Nhiệm vụ:

Mở rộng diện tích gieo trồng ngô trên đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả ở các huyện miền núi, đẩy mạnh phát triển ngô vụ Đông Xuân ở các vùng có lợi thế như đất ven sông và tăng diện tích trồng xen, xây dựng vùng chuyên canh cây ngô chủ yếu bố trí trên các bãi đất nà, đất thổ ven sông suối thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Lý Sơn để tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung.

d) Giải pháp:

- Giống: Sử dụng bộ giống ngô lai đạt tỷ lệ từ 95%-98%, từng bước sử dụng giống ngô biến đổi gen đã được cho phép sản xuất tại Việt Nam nếu xác định giống đó phù hợp với điều kiện địa phương sản xuất có hiệu quả và các giống ngô có chất lượng, năng suất cao phục vụ cho thị hiếu người tiêu dùng và làm thức ăn chăn nuôi.

- Kỹ thuật công nghệ: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình thâm canh sản xuất ngô, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, ICM…, từng bước ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất ngô.

- Bố trí sản xuất: Vùng trồng ngô tập trung trồng ở bãi đất nà, đất thổ ven sông suối thuộc các huyện Bình Sơn 1.445 ha, Sơn Tịnh 500 ha, Tư Nghĩa 1.000 ha, Nghĩa Hành 800 ha, Mộ Đức 700 ha, TP Quảng Ngãi 800 ha và các huyện khác trong tỉnh; sản xuất theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2217/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 Quy hoạch Bố trí hệ thống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025.

- Tổ chức sản xuất: Phát triển sản xuất liên vùng, hình thành cánh đồng mẫu lớn liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để áp dụng sản xuất đồng bộ cùng giống, cùng thời vụ, một quy trình sản xuất để thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, giảm công lao động.

- Tiêu thụ sản phẩm: Phát triển mạng lưới thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ mà đặc biệt là xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ, chế biến sản phẩm, nhất là các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

3.2. Nhóm cây có lợi thế cạnh tranh trung bình

3.2.1. Cây thực phẩm (cây rau, đậu các loại)

a) Lợi thế cạnh tranh:

- Điều kiện khí hậu thuận lợi để tỉnh Quảng Ngãi phát triển các loại rau lá, đậu, quả.

Đã hình thành một số vùng trồng rau chuyên canh tập trung có diện tích và sản lượng hàng hóa lớn ở các xã như: Nghĩa Dũng, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hà, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh An…

- Tỉnh Quảng Ngãi có các khu công nghiệp lớn như Dung Quất, VISP, Khu công nghiệp phía tây thành phố,... thành phố Quảng Ngãi là nơi có nhu cầu tiêu thụ cây rau, đậu các loại sẽ rất lớn

b) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020, diện tích sản xuất khoảng 18.000 ha (rau 14.000 ha, đậu 4.000 ha), sản lượng đạt khoảng 260 ngàn tấn, trong đó có trên 100 ha rau được chứng nhận an toàn. Vùng sản xuất rau tập trung ở vùng bãi bồi ven các sông lớn của tỉnh tại thành phố Quảng Ngãi và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ.

c) Nhiệm vụ:

Chú trọng nâng cao trình độ, hiểu biết của người sản xuất, giúp họ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của quy trình sản xuất rau an toàn, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, để người dân tiếp cận, nắm bắt tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức sản xuất theo VietGAP; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và xây dựng các mô hình điểm về sản xuất rau an toàn, khuyến cáo sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, kháng sinh thay thế thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học; phân bón hữu cơ sinh học chuyên dùng trên cây rau để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

d) Giải pháp:

- Giống: sử dụng các chủng loại loại giống chủ yếu: Rau ăn lá (mồng tơi, dền, cải các loại, rau muống…), rau ăn quả (cà chua, cà tím, khổ qua, dưa leo…), các loại rau gia vị (hành củ, ngò, rau răm, ớt..) và các loại đậu.

- Kỹ thuật công nghệ: áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất rau theo VietGAP, sản xuất rau an toàn, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, ICM…

- Bố trí sản xuất: Tập trung phát triển vùng sản xuất rau tại các vùng bãi bồi ven sông Trà Khúc, Sông Vệ, Sông Trà Bồng, Sông Trà Câu, phân bố hầu hết các huyện/TP trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất các huyện/TP đồng bằng như TP Quảng Ngãi 1.065 ha, Bình Sơn 1.000 ha, Sơn Tịnh 750 ha, Nghĩa Hành 310 ha, Tư Nghĩa 890 ha, Mộ Đức 1.440 ha, Đức Phổ 400 ha,... Vùng sản xuất rau an toàn được bố trí tại 5 huyện/TP: TP Quảng Ngãi, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ. Thực hiện theo Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020.

- Tổ chức sản xuất: hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng rau có liên kết với doanh nghiệp vào các khâu sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Liên kết sản xuất - tiêu thụ với hệ thống các siêu thị, các chợ, các khu công nghiệp; chú trọng phát triển mạng lưới đại lý thu mua, bảo quản, tiêu thụ; xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

3.2.2. Cây cỏ làm thức ăn cho trâu, bò a) Lợi thế cạnh tranh:

- Diện tích trồng cỏ còn có khả năng mở rộng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò.

- Tỉnh có số lượng đàn bò, nhất là tỷ lệ bò lai cao nhất trong khu vực miền Trung và Tây nguyên. Người dân Quảng Ngãi có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bò lai, đặc biệt là nuôi bò thịt vỗ béo nên nhu cầu trồng cỏ làm thức ăn cho bò rất lớn.

b) Mục tiêu:

Đến năm 2020, diện tích trồng cỏ đạt 2.500 - 3.000 ha, năng suất bình quân 180 - 200 tấn/ha/năm. Vùng sản xuất bố trí trên đất gò đồi, đất màu kém hiệu quả, các vùng đất thấp ở ven triền núi đang trồng keo chuyển sang trồng cỏ; đồng thời tận dụng đất vườn, bờ vùng, bờ thửa, đất ven sông suối.

c) Nhiệm vụ:

Chuyển đổi một số diện tích đất gò đồi, đất màu kém hiệu quả, các vùng đất thấp ở ven triền núi đang trồng keo sang trồng cỏ, đồng thời tận dụng đất vườn, bờ vùng, bờ thửa, ven sông suối… để trồng cỏ vừa làm thức ăn chăn nuôi vừa hạn chế rửa trôi, xói mòn đất.

d) Giải pháp:

- Giống: giống cỏ trồng chủ yếu là cỏ Voi, cỏ VA06, cỏ Sả; sử dụng các loại giống cỏ cao sản, cỏ lai để nâng cao năng suất.

- Kỹ thuật công nghệ: áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất thâm canh các giống cỏ. Áp dụng công nghệ chế biến khô, ủ chua, lên men để dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa mưa, rét.

- Bố trí sản xuất: vùng trồng cỏ phân bố ở các vùng chăn nuôi trâu, bò nhằm chủ động cung cấp nhu cầu thức ăn thô tại chỗ cho trâu bò.

- Tổ chức sản xuất: hình thành vùng trồng cỏ ở những vùng chăn nuôi, tạo sản phẩm kết nối trang trại, gia trại, chăn nuôi trâu, bò tập trung ở nông hộ.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: theo hướng tự cung, tự cấp nguồn thức ăn xanh cho trang trại, gia trại và quy mô nông hộ.

3.3.1. Cây lạc

a) Lợi thế cạnh tranh

Cây lạc dễ trồng, có tác dụng cải tạo đất, thích hợp với thâm canh, luân canh, xen canh, tăng vụ, do đó cây lạc có vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Điều kiện đất đai, khí hậu Quảng Ngãi phần lớn thích hợp cho sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày trong đó có cây lạc; sản xuất lạc đạt hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người trồng lạc.

b) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020, diện tích gieo trồng đạt 6.800 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng khoảng trên 15.000 tấn. Vùng sản xuất tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Hà, Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi.

c) Nhiệm vụ:

Mở rộng diện tích gieo trồng lạc trên đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả, đẩy mạnh phát triển lạc vụ đông xuân ở các vùng có lợi thế như đất ven sông và trồng xen canh, xây dựng vùng chuyên canh cây lạc để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

d) Giải pháp:

- Giống: Sử dụng giống lạc có năng suất và chất lượng cao và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương như các giống L23, L24, LDH04, LDH 06; khảo nghiệm các giống mới, có năng suất chất lượng cao để bổ sung, thay thế các giống đang sản xuất.

- Kỹ thuật công nghệ: Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác phù hợp, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo chủ động tưới tiêu làm cơ sở mở rộng 2 vụ sản xuất lạc/năm ở những vùng chuyên canh.

- Xây dựng và ban hành các quy trình thâm canh lạc, các công thức luân canh - xen canh đa dạng, đảm bảo vừa tăng giá trị sản xuất, vừa tác dụng cải tạo và nâng cao độ phì của đất, nhằm phát triển sản xuất bền vững, phù hợp với điều kiện đất đai ở các địa bàn tại từng địa phương.

- Bố trí sản xuất: Vùng sản xuất lạc được bố trí sản xuất ở 13 huyện/TP trong tỉnh (trừ Lý Sơn), nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Sơn 1.200 ha, Mộ Đức 745 ha, Sơn Tịnh 620 ha, Tư Nghĩa 500 ha, Ba Tơ 450 ha, Nghĩa Hành 400 ha, TP Quảng Ngãi 400 ha, Đức Phổ 330 ha, Sơn Hà 200 ha, Trà Bồng 130 ha.

- Tổ chức sản xuất: Hình thành các vùng sản xuất theo hướng cánh đồng một giống, một công nghệ, tạo sản phẩm đồng nhất kết nối thị trường.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Cung cấp cho các đại lý thu mua, chế biến, tiến tới thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu lạc và các sản phẩm từ lạc, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nông dân.

3.3.2. Cây cao su

a) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích lên khoảng 3.000 ha. Trồng tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tây Trà và Sơn Hà.

b) Nhiệm vụ:

Giữ ổn định diện tích hiện có tại huyện Bình Sơn, tập trung phát triển trồng mới trên các vùng đất có độ dốc thấp tại các huyện Sơn Tịnh, Tây Trà, Sơn Hà.

c) Giải pháp:

- Kỹ thuật công nghệ: Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật, từ khâu chọn địa hình, chọn giống, chú trọng hơn trong việc trồng rừng làm vành đai bảo vệ, chắn gió.

- Bố trí sản xuất: Tập trung phát triển cây cao su ở vùng gò đồi, vùng thung lũng ở các huyện miền núi. Vùng sản xuất được bố trí ở các huyện Bình Sơn 1.000 ha, Sơn Tịnh 230 ha, Tây Trà 1.570 ha, Sơn Hà 200 ha.

- Địa chỉ tiêu thụ sản phẩm: Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi thu mua và sơ chế.

3.3.3. Cây ăn quả

a) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích 3.500 ha. Phát triển trên đất gò đồi ở miền núi, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở các huyện: Nghĩa Hành, Bình Sơn, Đức Phổ, Ba Tơ.

b) Nhiệm vụ:

Phát triển đa dạng các loại cây ăn quả, cải tạo một số vườn tạp của hộ gia đình theo phương pháp trồng xen các lại cây ăn quả: mít, chôm chôm, sầu riêng, chuối, dứa, bưởi, thanh long ruột đỏ.

c) Giải pháp:

- Giống cây trồng: Phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao, có lợi thế như chuối, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, thanh long ruột đỏ, mít thái hạt lép,..

- Kỹ thuật công nghệ: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP.

- Bố trí sản xuất: Phát triển cây ăn quả trên đất gò đồi ở miền núi, trong vườn tạp ở hầu hết các huyện trong tỉnh, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở các huyện trọng điểm như Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Ba Tơ.

- Tổ chức sản xuất: Tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, đồng thời định hướng đầu ra ổn định cho sản phẩm.

3.4. Tuyển chọn một số cây trồng có triển vọng để đưa vào sản xuất

Ngoài các loại cây trồng trên, cần trồng thử nghiệm, tuyển chọn một số cây trồng có giá trị gia tăng cao để đưa vào sản xuất như:

- Cây siêu cao lương: đưa vào trồng thử nghiệm trên những vùng đất thích hợp. Nếu đánh giá có hiệu quả kinh tế và có doanh nghiệp đầu tư thì sẽ quy hoạch phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.

- Cây đậu tương: trồng thử nghiệm một số giống mới trên những vùng chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp. Nếu thích hợp có thể phát triển trên diện rộng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sữa đậu nành Vinasoy của tỉnh.

- Cây hoa: Khuyến khích, hỗ trợ hình thành các vùng trồng hoa chuyên canh đa dạng loại hoa ở TP. Quảng Ngãi và vùng ven thị trấn các huyện với quy mô phù hợp để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.

4. Giải pháp chung cho tái cơ cấu ngành trồng trọt

4.1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

- Thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính Phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo Quyết định 34/2013/QĐ-UBND ngày 07/8/2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi:

- Thực hiện Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi. theo QĐ số: 35/2012/QĐ-UBND ngày 24/10/2012; gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các vùng chuyên canh bao gồm giao thông, thủy lợi nội đồng.

- Xây dựng mới chính sách Hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020.

4.2. Nhóm giải pháp về đầu tư phát triển

a) Các dự án tiếp tục triển khai thực hiện:

- Dự án Phát triển giống lúa thuần mới Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2016.

b) Các dự án xây dựng mới:

- Quy hoạch vùng nguyên liệu mì giai đoạn 2015 -2025, định hướng 2030.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2015 -2025, định hướng 2030.

- Dự án Hỗ trợ sản xuất vùng lúa chất lượng cao, lúa hàng hóa.

- Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các loại đất sản xuất kém hiệu quả, giai đoạn 2015 -2020.

- Dự án đầu tư vùng sản xuất rau sạch (rau an toàn) giai đoạn 2016 -2020.

- Dự án trồng tre phòng hộ chống sạt lở bờ sông, bờ suối và hồ đập.

- Triển khai thực hiện các mô hình trình diễn chuyển đổi cây trồng trên các loại đất sản xuất kém hiệu quả; thực hiện các mô hình trình diễn về giống, kỹ thuật canh tác một số cây trồng chủ lực.

II. Tái cơ cấu chăn nuôi

1. Định hướng chung

- Tái cơ cấu chăn nuôi gắn với tái cơ cấu trồng trọt nhằm sử dụng sản phẩm và phụ phẩm cây trồng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

- Chuyển hình thức chăn nuôi ở hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen trong khu dân cư, từng bước sang chăn nuôi trang trại, gia trại với quy mô hợp lý, hình thành các vùng chăn nuôi cách xa khu dân cư gắn với bảo vệ môi trường.

- Phát triển chăn nuôi trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất, để chăn nuôi đem lại giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao nhất.

- Xác định sản phẩm hàng hóa chủ lực của ngành chăn nuôi Quảng ngãi là phát triển chăn nuôi bò thịt và phát triển chăn nuôi trâu ở miền núi.

2. Nội dung tái cơ cấu chăn nuôi

2.1. Nhóm gia súc có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao

2.1.1. Chăn nuôi bò thịt a) Dự báo thị trường:

Tổng sản lượng thịt bò sản xuất của thế giới năm 2013 đạt 58,6 triệu tấn, các cường quốc về sản lượng thịt bò: Hoa Kỳ 11,7 triệu tấn/năm, Braxin 9,6 triệu tấn, Trung Quốc 5,6 triệu tấn, Ấn Độ 3,8 triệu tấn, Argentina 2,8 triệu tấn/năm, Australia 2,3 triệu tấn/năm. Các nước xuất khẩu thịt bò lớn trên thế giới năm 2013: Braxin 1,85 triệu tấn, Ấn Độ 1,77 triệu tấn, Úc 1,59 triệu tấn. Nga là nước nhập khẩu nhiều thịt bò nhất thế giới (năm 2013 trên 1 triệu tấn thịt bò), tiếp đến là một số quốc gia khác Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc.

Ở Việt Nam, Miền Trung là khu vực có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò. Tổng đàn bò trong khu vực này (năm 2013), chiếm khoảng 40,5% đàn bò toàn quốc.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có số lượng đàn bò cao nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tổng đàn gần 276 nghìn con với tỷ bò lai chiếm 58 % tổng đàn, sản lượng thịt bò xuất chuồng trên 16.600 tấn (năm 2014).

Quảng Ngãi có lợi thế vượt trội trong phát triển đàn bò thịt. Đặc biệt tỷ trọng đàn bò lai đạt ở mức khá cao trong khu vực các tỉnh Duyên hải Miền Trung. Phong trào chăn nuôi bò lai, bò thịt vỗ béo phát triển rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, tập trung nhiều nhất ở các các huyện đồng bằng và TP Quảng Ngãi.

Nông dân Quảng Ngãi có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi bò vỗ béo. Các mô hình chăn nuôi bò thịt quy mô gia trại, thâm canh bước đầu được hình thành.

Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, dẫn tinh viên có tay nghề thành thạo, nhiều kinh nghiệm trong công tác lai tạo giống bò.

Thị trường bò thịt rộng lớn và xu hướng ngày càng tăng, giá trị sản phẩm ổn định trong nhiều năm. Hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thịt bò từ các nước với tỷ trọng khoảng 20% tổng nhu cầu sản lượng thịt bò của cả nước.

b) Mục tiêu:

Xác định bò thịt là sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Định hướng đến năm 2020 tổng đàn bò ổn định khoảng 320.000 con, có khoảng 65% bò lai. Chăn nuôi bò được phân bổ tập trung ở các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ và một số huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long.

c) Nhiệm vụ:

Tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo giống bò thịt theo hướng Zêbu hóa nhằm nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò; tăng cường công tác quản lý nguồn tinh và thụ tinh nhân tạo; đồng thời chọn một số vùng hỗ trợ nuôi giữ giống bò vàng để bảo tồn nguồn gen; nâng cao nhận thức về chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

d) Vùng chăn nuôi bò:

Vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, chuyển dần chăn nuôi từ vùng đồng bằng đến vùng trung du và miền núi; hình thành các vùng chăn nuôi cách xa khu dân cư. Chăn nuôi bò được bố trí tại các huyện/TP trong tỉnh, nhưng tập trung phát triển ở các huyện đồng bằng như: Bình Sơn 69.400 con, Sơn Tịnh 43.200 con, Mộ Đức 39.000 con, Nghĩa Hành 38.700 con, Tư Nghĩa 32.000 con, Đức Phổ 30.000 con…, miền núi tập trung ở huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long.

e) Thị trường tiêu thụ: chủ yếu là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

2.1.2. Chăn nuôi trâu

a) Dự báo thị trường:

Có rất ít thông tin về thị trường thịt trâu trên thế giới. Ở Việt Nam, đàn trâu tập trung chủ yếu ở miền Bắc chiếm 88%, miền Nam chỉ có 12,1% tập trung ở khu vực: Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Các tỉnh có số lượng đàn trâu nhiều nhất trên cả nước tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ. Theo số liệu thống kê đàn trâu nước ta có trên 3 triệu con, sản lượng thịt trâu xuất chuồng hàng năm có từ 100-110 nghìn tấn.

Ở Quảng Ngãi, đàn trâu năm 2014 có trên 63.600 con và sản lượng thịt trâu xuất chuồng có trên 2.550 tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong và ngoài tỉnh.

b) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020 tổng đàn trâu có khoảng 65.000 con. Tập trung phát triển đàn trâu ở các huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long và một số huyện đồng bằng: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và Sơn Tịnh.

c) Nhiệm vụ:

Tập trung nâng cao chất lượng giống trâu thông qua chọn lọc, nhân thuần và đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi trâu đực giống tốt đã được bình tuyển giữa các vùng trong sản xuất;

d) Vùng chăn nuôi trâu:

Vùng chăn nuôi trâu theo hướng tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, chuyển dần chăn nuôi từ vùng đồng bằng đến vùng trung du và miền núi; hình thành các vùng chăn nuôi cách xa khu dân cư. Chăn nuôi trâu được bố trí tại các huyện/TP trong tỉnh, nhưng tập trung phát triển ở các huyện miền núi Ba Tơ 22.500 con, Sơn Hà 15.200 con, Minh Long 5.500 con, các huyện đồng bằng Tư Nghĩa 5.300 con, Nghĩa Hành 3.800 con, Bình Sơn 3.700 con, Mộ Đức 2.500 con, Đức Phổ 1.500 con, Sơn Tịnh 6.200 con.

2.2. Nhóm gia súc, gia cầm có lợi thế cạnh tranh trung bình

2.2.1. Chăn nuôi heo

a) Dự báo thị trường:

Năm 2013, các cường quốc về chăn nuôi heo của thế giới: Trung Quốc là nơi có số lượng đàn heo tập trung đông nhất 475,9 triệu con, thứ hai Hoa Kỳ với 66,3 triệu con, thứ ba là Braxin với 38,5 triệu con. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thế giới năm 2013 là 109 triệu tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001-2013 đạt 2,25%/năm. Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách 10 quốc gia sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới năm 2013, với sản lượng đạt 2,2 triệu tấn thịt xẻ, tăng 2,06% so với năm 2012.

Nhật Bản là nước nhập khẩu thịt heo nhiều nhất thế giới, năm 2013 nhập 1,2 triệu tấn thịt heo. Hoa Kỳ là nước xuất khẩu thịt heo cao nhất, năm 2013: 2,2 triệu tấn, chiếm 32,2% tổng thịt heo xuất khẩu của thế giới.

Năm 2013 tổng đàn heo cả nước là 26,2 triệu con, giảm 0,88% so với năm 2012. Hiện nay thịt heo sản xuất trong nước chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa (chiếm 98-99%), trong đó thịt tiêu thụ dạng tươi sống chiếm khoảng 70-80%, thịt được chế biến thành các sản phẩm ăn liền chỉ chiếm khoảng 20-30%.

Quảng Ngãi, có số lượng đàn heo khá cao trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Năm 2014, đàn heo của tỉnh là 460.000 con. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 42.500 tấn, chiếm 60,7% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng của tỉnh. Thị trường tiêu thụ: chủ yếu là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

b) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020 ổn định ở mức 450.000-500.000 con; phát triển đàn heo theo hướng nạc; giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ, ưu tiên phát triển chăn nuôi heo trang trại, gia trại. Chăn nuôi heo tập trung ở các huyện: Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tịnh và một số vùng có điều kiện.

c) Nhiệm vụ:

Phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi heo quy mô phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; lai tạo và đưa các giống heo lai cho năng suất, chất lượng cao, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với xử lý tốt chất thải để bảo vệ môi trường.

d) Vùng chăn nuôi:

Vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, hình thành các vùng chăn nuôi cách xa khu dân cư. Chăn nuôi heo được bố trí các huyện/TP trong tỉnh, nhưng tập trung ở các huyện Mộ Đức 120.000 con, Tư Nghĩa 115.000 con, Bình Sơn 130.000 con, Nghĩa Hành 85.000 con, Sơn Hà 51.000, Sơn Tịnh 51.000 con,...

e) Thị trường tiêu thụ: chủ yếu là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

2.2.2. Chăn nuôi gia cầm a) Dự báo thị trường:

Trên thế giới, trong tổng số gia cầm, đàn gà chiếm khoảng 95%, đàn vịt 2%, còn lại là gia cầm khác. Trên 50% đàn gà được nuôi ở châu Mỹ, gà nuôi trang trại và chăn thả thì tập trung nhiều nhất ở Trung Quốc và một số nước ở châu Á. Năm 2013, một số nước có mức tiêu thụ thịt gà cao như Hoa Kỳ 13,6 triệu tấn, Trung Quốc 13,1 triệu tấn, Braxin 8,8 triệu tấn.

Nhật Bản là nước nhập khẩu nhiều thịt gà nhất 854 nghìn tấn, tiếp đến là Ả rập Saudi 820 nghìn tấn, Iraq 673 nghìn tấn. Châu Mỹ là khu vực xuất khẩu nhiều thịt gà nhất, cụ thể Braxin 3,4 triệu tấn, Hoa Kỳ 3,3 triệu tấn.

Năm 2013, tổng đàn gà của cả nước là 231,7 triệu con, đứng thứ 13 trên thế giới, trong đó có 179,8 triệu con gà thịt và 51,9 triệu con gà đẻ trứng, đàn gà chiếm 73,6% tổng đàn gia cầm, sản lượng thịt gà đạt 536 nghìn tấn chiếm 71,8% tổng sản lượng thịt gia cầm của cả nước và sản lượng trứng đạt 3740,6 triệu quả.

Ở Quảng Ngãi, tính đến năm 2013, đàn gia cầm cả tỉnh có khoảng 4,2 triệu con với sản lượng thịt đạt trên 8.000 tấn. Thị trường tiêu thụ: chủ yếu là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

b) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020 tổng đàn có 4,5 - 5,0 triệu con. Vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Sơn Hà, Ba Tơ, thành phố Quảng Ngãi và một số vùng có điều kiện.

c) Nhiệm vụ:

Tập trung khuyến khích phát triển chăn nuôi gà lông màu thả vườn, thả đồi, vịt nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và chăn thả có kiểm soát. Chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp và áp dụng công nghệ cao theo hướng tăng số lượng và sản lượng.

d) Vùng chăn nuôi:

Vùng chăn nuôi tập trung theo phương thức thả vườn, đồi, chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, tập trung ở vùng đồi núi và vùng cát ven biển, cách xa khu dân cư; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện Bình Sơn 1.656.000 con, Nghĩa Hành 570.000 con, Mộ Đức 550.000 con, TP Quảng Ngãi 565.000 con, Sơn Tịnh 530.000 con, Đức Phổ 510.000 con, Sơn Hà 254.000 con, Ba Tơ 140.000 con.

3. Các giải pháp chung cho tái cơ cấu ngành chăn nuôi

3.1. Nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật

a) Giải pháp về giống

- Mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo cho gia súc, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tư nhân nhập con giống tốt, có chất lượng cao để nhân giống; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giống vật nuôi trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước về con giống.

- Đối với bò: Sử dụng cái nền 50% máu ngoại để lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao (3/4 máu ngoại: Bò Charolaise, Bò 3B…).

- Đối với trâu: Sử dụng các giống trâu lai, trâu bản địa cho năng suất cao phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

- Đối với heo: Sử dụng tinh và các giống heo lai, heo ngoại nhập tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ heo lai 2-3 máu chiếm 50% và heo ngoại chiếm 30-40% trong tổng đàn. Khu vực miền núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu nên nuôi heo Móng Cái tuy có tỷ lệ nạc thấp, giá trị thương phẩm không cao nhưng có tính thích nghi rộng, phù hợp với trình độ thâm canh của người dân.

- Đối với gia cầm: Chọn lọc, nâng cao chất lượng giống gia cầm địa phương có giá trị (như: gà ta, gà H’re, vịt cỏ,…); tuyển chọn bộ giống gia cầm lông màu thích nghi tốt với địa phương như Gà Lương phượng, gà ta; các giống gà lai như: gà ta lai với gà nòi…

b) Về kỹ thuật công nghệ

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với trâu, bò chuyển chăn nuôi kiêm dụng, sang chăn nuôi thâm canh theo hướng thịt; hạn chế chăn nuôi thả rông ở miền núi, chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát; mở rộng diện tích trồng cỏ tại các vùng có lợi thế; tận thu tối đa sản phẩm trồng trọt; áp dụng các biện pháp ủ chua, phơi khô để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Từng bước thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở; tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi thú y và công tác quản lý cho các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi, nhất là ở miền núi thông qua các hoạt động khuyến nông, các chương trình xã hội...để họ thấy được tầm quan trọng của việc tiêm phòng, chăm sóc gia súc, gia cầm cũng như lợi ích của việc chăn nuôi đem lại cho gia đình họ.

3.2. Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất

- Đối với chăn nuôi theo quy mô nông hộ cần xây dựng hệ thống chuồng trại theo đúng quy định của ngành Nông nghiệp, bảo đảm môi trường, thuận tiện cho việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; nâng cao nhận thức về chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các hộ chăn nuôi.

- Tiếp tục phát triển các trang trại quy mô vừa và lớn liên kết với Công ty cổ phần CP Việt Nam theo chuỗi giá trị; tổ chức phát triển theo hướng hình thành các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi, cộng đồng làng xã chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm lớn thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.

- Tiêu thụ sản phẩm: Phát triển các cơ sở giết mổ tập trung áp dụng các dây chuyền giết mổ tự động, bán tự động; phát triển mạng lưới đại lý thu mua bán ra ngoài tỉnh, hoặc đưa vào cơ sở giết mổ tập trung; xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ để tiêu thụ sản phẩm.

- Tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, làm đầu mối tổ chức, hướng dẫn cho nông dân trong việc cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tới tận người tiêu dùng một cách thuận lợi nhất.

3.3. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

- Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 -2020.

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, tiền công tiêm phòng người chăn nuôi chi trả.

3.4. Nhóm giải pháp về đầu tư phát triển

a) Dự án tiếp tục thực hiện:

- Tiếp tục thực hiện dự án Cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014-2018.

b) Xây dựng mới:

+ Dự án Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 -2025, định hướng đến năm 2030.

+ Dự án cải tạo giống gốc gia súc và gia cầm.

- Xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giết mổ tập trung.

(xem phụ lục 4a và 4c kèm theo)

III. Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

1. Định hướng phát triển

Tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướng tăng cường phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, đáp ứng mục tiêu sản xuất kinh doanh lâm nghiệp hiệu quả và bền vững.

Tải cơ cấu lâm nghiệp phải đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, trong đó quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân sống gần rừng và đồng bào dân tộc thiểu số vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đến năm 2020 diện tích có rừng là 287.459 ha, trong đó 161.284 ha rừng sản xuất và 126.175 ha rừng phòng hộ.

Sản phẩm chính của lâm nghiệp là phát triển cây keo nguyên liệu, giảm dần công nghiệp chế biến dăm gỗ, tăng dần chế biến giấy và bột giấy và phát triển gỗ lớn để cung cấp cho dân dụng và xuất khẩu.

2. Nội dung tái cơ cấu lâm nghiệp

2.1. Định hướng phát triển:

- Phát triển sản xuất trồng rừng gỗ lớn trên cơ sở đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy chế biến đồ gỗ tinh chế trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tạo sự dịch chuyển căn bản về phương thức sản xuất, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Đến năm 2020 diện tích có rừng là 287.459 ha, trong đó 161.284 ha rừng sản xuất và 126.175 ha rừng phòng hộ.

2.2. Đối với rừng phòng hộ

a) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020 có 126.175 ha. Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; phấn đấu mỗi năm trồng mới từ 1.000 - 3.000 ha. Quy hoạch 02 khu bảo tồn thiên nhiên gồm: Khu bảo tồn khu Tây huyện Ba Tơ, diện tích 39.000 ha và Khu bảo tồn Cà Đam huyện Trà Bồng, diện tích 1.000 ha; nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

b) Nhiệm vụ

- Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; phấn đấu mỗi năm trồng mới từ 1.000 - 3.000 ha rừng phòng hộ.

- Quy hoạch 02 khu Bảo tồn thiên nhiên tại địa phương: Khu bảo tồn Khu Tây huyện Ba Tơ, diện tích 39.000 ha, Khu bảo tồn Cà Đam huyện Trà Bồng diện tích 1.000 ha.

- Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn gốc gỗ ở các cơ sở kinh doanh chế biến gỗ và mộc dân dụng trên địa bàn; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng.

2.3. Đối với rừng sản xuất

a) Định hướng thị trường

- Cung cấp nguồn gỗ tại chỗ, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ tinh chế trên địa bàn tỉnh.

- Giữ vững thị trường truyền thống, tập trung, củng cố, mở rộng thị trường hiện có: EU, Đông Á và ASEAN, Bắc Mỹ, Úc...khai thác thị trường mới như Châu Phi, Tây Á, Nam Mỹ.

b) Mục tiêu

Định hướng đến năm 2020 có 161.284 ha rừng sản xuất. Sản phẩm chính là cây gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho dân dụng và xuất khẩu. Mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 9.500 ha với trữ lượng gỗ lớn 150m3/ha, chu kỳ bình quân 12 năm và gỗ nhỏ 70 m3/ha, chu kỳ bình quân 7 năm. Đến năm 2020, tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận vào trồng rừng đạt 60-70%, năng suất rừng trồng tăng lên 20%. Quy hoạch vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 với diện tích khoảng 2.000 ha với các loại cây trồng chính là cây Keo và các loại cây bản địa (sao, dầu, lim…)

c) Nhiệm vụ

- Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng để đạt năng suất bình quân 15m3/ha/năm;

- Đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận vào trồng rừng đạt 60-70% vào năm 2020, đảm bảo cung ứng đủ giống có chất lượng, góp phần tăng năng suất rừng trồng vào năm 2015 là 10%; năm 2020 là 20%.

- Hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng giống của các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh.

- Đến năm 2020 có ít nhất 5 -10% diện tích đất có rừng trồng sản xuất (tương ứng khoảng 8.000 ha) của các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình tham gia các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí FSC.

- Lựa chọn loài cây, phương thức trồng phù hợp với điều kiện lập địa của từng địa phương để đưa vào trồng và kinh doanh cây gỗ lớn.

3. Các giải pháp chung cho tái cơ cấu lâm nghiệp

a) Giải pháp về giống

- Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, hom để nhân nhanh các giống cây lâm nghiệp mới có tốc độ sinh trưởng cao, chất lượng gỗ tốt, như: bạch đàn mô,…các loài cây bản địa phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn như: Chò chỉ, Giổi xanh, mỡ, lim xanh, lát,...

- Phát triển các giống cây lâm sản ngoài gỗ (cây đặc sản rừng) như: song mây, mây nước, tre măng, các loại cung cấp dược liệu như: sa nhân tím, ba kích…..để mang lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển kinh tế rừng.

- Quản lý nghiêm ngặt nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp; Thực hiện tốt Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra, cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

b) Giải pháp phát triển rừng phòng hộ

- Tập trung đầu tư trồng mới các khu rừng phòng hộ đầu nguồn các con sông lớn: Trà Bồng, Trà Khúc; Sông Vệ, Trà Câu, để bảo vệ nguồn nước cho các công trình thủy lợi và phát triển rừng phòng hộ ven biển chống cát bay, chắn sóng và xói lở bờ biển ở các huyện Bình Sơn, Thành phố Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ, Lý Sơn; trồng bổ sung, trồng mới làm giàu diện tích rừng phòng hộ chủ yếu các loài cây bản địa như Dầu rái, Sao đen, Lim xanh,….

- Hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng đến các thành phần kinh tế (bao gồm cả diện tích rừng hiện do các Công ty lâm nghiệp quản lý).

- Bố trí đủ kinh phí bảo vệ rừng và thực hiện công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo của các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

- Rà soát sắp xếp, thành lập mới các Ban Quản lý rừng trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch rừng trên địa bàn tỉnh; xác định vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng của chính quyền địa phương là giải pháp cơ bản, lâu dài; nghiêm cấm săn, bắt, buôn bán và kinh doanh động vật hoang dã..., tăng cường công tác quản lý rừng, bảo vệ quỹ gen, bảo đảm đa dạng sinh học và các mô hình bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường;

- Ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp như: GIS, viễn thám, điện tử.

c) Giải pháp phát triển rừng sản xuất

- Rà soát, đánh giá diện tích đất chưa sử dụng và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn; diện tích rừng sẽ đến tuổi khai thác, có thể trồng lại rừng kinh doanh gỗ lớn; diện tích đất chưa sử dụng có khả năng trồng rừng gỗ lớn.

- Quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, gồm chuyển hóa rừng trồng hiện có và trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tập trung ở các địa phương trong tỉnh, để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ tinh chế.

- Tập trung hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho các hộ gia đình, tổ chức có nhu cầu đất phát triển lâm nghiệp; phát triển tạo thành vùng nguyên liệu rừng trồng.

- Triển khai và nhân rộng mô hình trồng xen canh cây Keo và cây bản địa như Lim Xanh, Sao Đen tại Ba Vì huyện Ba Tơ và mô hình quản lý rừng cộng đồng tại thôn Trường Lệ và Khánh Giang xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành ra các địa phương khác dựa trên điều kiện lập địa phù hợp của địa phương đó.

d) Giải pháp tổ chức sản xuất

- Để có vùng nguyên liệu ổn định và chủ động đầu tư cho trồng rừng, cần phải liên kết sản xuất giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp chế biến gỗ, trên cơ sở có sự đầu tư cho vùng nguyên liệu và có sự ràng buộc đối với người trồng rừng ngay từ đầu, thông qua việc ký kết hợp đồng; khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng hoặc liên kết với chủ rừng để trồng rừng gắn với đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh, chế biến sâu sản phẩm.

- Khuyến khích các hộ gia đình và cá nhân trong vùng quy hoạch trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp với nhà máy chế biến gỗ tinh chế.

- Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty lâm nghiệp với các thành phần kinh tế khác, với tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo mối liên kết gắn bó, ổn định giữa vùng nguyên liệu, người sản xuất cung cấp nguyên liệu với cơ sở chế biến lâm sản.

- Khuyến khích liên kết các doanh nghiệp và các tác nhân trong các khâu: trồng rừng, khai thác, chế biến, dịch vụ,… để hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp có giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

- Tổ chức các hộ nông dân liên kết hợp tác trồng rừng theo kế hoạch quản lý rừng chung của tổ hợp tác/hợp tác xã dịch vụ trên cơ sở hài hòa giữa kế hoạch sản xuất của hộ gia đình và kế hoạch chung của tổ hợp tác/hợp tác xã, nhằm có diện tích đủ lớn và ổn định để có thể cung cấp khối lượng gỗ đủ lớn hàng năm cho thị trường.

e) Giải pháp thị trường

- Tăng cường xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm lâm đặc sản. đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp thị lâm sản để tìm hiểu thị trường về cung cầu, giá cả trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ triển lãm quốc tế về đồ gỗ tổ chức tại Việt Nam; thông qua phòng công nghiệp thương mại Việt Nam, các hiệp hội chế biến gỗ trong nước để quảng bá hình ảnh và tìm kiếm thị trường tiềm năng.

f) Các chính sách hỗ trợ

- Xây dựng chính sách khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản có chất lượng cao nhằm mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và người trồng rừng.

- Ngành Lâm nghiệp là một trong những ngành sản xuất gặp rủi ro tương đối cao như: thời gian thu hoạch dài, thiên tai, dịch bệnh, thị trường thiếu ổn định…Vì vậy, cần xây dựng chính sách nới lỏng tín dụng đối với ngành Lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các hộ gia đình, các tổ chức khác dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.

- Xây dựng, ban hành chính sách về khung hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để người dân thấy được rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

g) Các dự án phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

- Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo từng điều kiện lập địa của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Dự án quy hoạch trồng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quy hoạch cụ thể, xây dựng 02 Khu bảo tồn thiên nhiên tại 02 huyện Ba Tơ, Trà Bồng.

- Tiếp tục thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2020 đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 04/12/2012; Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2);

- Hoàn thiện việc xây dựng dự án Rà soát quy hoạch 03 loại rùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Xây dựng Dự án trồng mới rừng ngập mặn và trồng rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường.

- Xây dựng Dự án điều tra, xây dựng, bảo tồn và phát triển nguồn giống cây bản địa: lim xanh, dầu rái, chò chỉ, quế,...

- Xây dựng Dự án nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen giống quế bản địa Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi và đánh giá kết quả bảo tồn.

- Xây dựng Dự án Phát triển bền vững và nâng cao giá trị rừng sản xuất (dự án WB3 giai đoạn 2) và Dự án Phục hồi phát triển bền vững rừng ngập mặn và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (dự án KfW9).

- Xây dựng mô hình thí điểm chuyển hóa rừng từ kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn có chứng nhận FSC tại xã Tịnh Hiệp huyện Sơn Tịnh và xã Đức Lân huyện Mộ Đức diện tích mô hình khoảng 100 ha vào năm 2015 -2017 và năm 2020 là 400 ha tại Mộ Đức, Sơn Tịnh và Ba Tơ.

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô.

(xem phụ lục 4e kèm theo)

IV. Tái cơ cấu thủy sản

1. Định hướng phát triển

Xác định sản phẩm chính trong khai thác biển là cá biển và sản phẩm chính nuôi trồng là con tôm. Đây là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản Quảng Ngãi trong tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.

2. Nội dung tái cơ cấu thủy sản

2.1. Đánh giá lợi thế cạnh tranh

- Quảng Ngãi có bờ biển dài khoảng 130km với 5 cửa biển lớn là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á và Sa Huỳnh, có số lượng thuyền trên 5.462 chiếc tàu thuyền với tổng công suất trên 1 triệu CV, trong đó số tàu có khả năng khai thác xa bờ là 2.072 chiếc. Tổng sản lượng thủy sản khai thác năm 2014 đạt trên 150.000 tấn.

- Ngư dân tỉnh ta trải qua nhiều đời sinh sống bằng nghề biển, kinh nghiệm đi biển được truyền từ đời này sang đời khác. Hiện nay có khoảng trên 50.000 lao động sống ổn định bằng nghề biển.

- Trong những năm qua các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Quyết định 48/QĐ-TTg và gần đây là Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về ngư trường khai thác và nghề khai thác đã thúc đẩy khai thác thủy sản phát triển.

2.2. Khai thác thủy sản

a) Mục tiêu:

Khai thác thủy sản: Đến năm 2020, giữ ổn định sản lượng khai thác ở mức 150.000 - 160.000 tấn/năm, trong đó khai thác nội địa đạt 650 tấn. Số lượng tàu thuyền khai thác đến năm 2020 giảm còn dưới 4.500 chiếc; tổng công suất tàu cá đạt 1.200.000 CV; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên. Giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi từ 26,18% lên 30%; tăng nghề câu lên 18%; tăng nghề lưới vây lên 13%.

b) Nhiệm vụ:

- Đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ có tổ chức với cơ cấu thuyền nghề hợp lý; củng cố, phát triển các hợp tác xã, tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển và các mô hình liên kết khai thác - dịch vụ hậu cần thu mua - chế biến, gắn với tăng cường tuyên truyền pháp luật nghề cá.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động đánh bắt thông qua hệ thống giám sát tàu cá, cấp phép khai thác, kiểm soát ngư cụ, công cụ khai thác.

- Chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành lập Khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn theo quy hoạch của Chính phủ

Tiếp tục vận động ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn đặc biệt là tàu vỏ thép, vỏ composite và vật liệu mới để vươn khơi đánh bắt dài ngày trên biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

c) Giải pháp:

- Quy trình kỹ thuật: Áp dụng các tiến bộ công nghệ trong khai thác, chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường theo hướng khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao; phát triển các nghề mới trong khai thác hải sản trên biển: lồng bẩy, chụp mực, chụp cá, rê khơi, câu khơi,...; đầu tư thiết bị công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu cá để đảm bảo chất lượng, giảm tổn thất sau khai thác thủy sản.

- Tổ chức sản xuất: Xây dựng và củng cố, phát triển các hợp tác xã, tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển và các mô hình liên kết khai thác - dịch vụ hậu cần thu mua - chế biến; thực hiện mô hình quản lý dựa vào cộng đồng đối với nguồn lợi ven bờ kết hợp tạo sinh kế cho ngư dân tại các vùng có điều kiện nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.

- Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá: Tập trung đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng cá; thu hút các tổ chức cá nhân vào đầu tư sản xuất kinh doanh thủy sản tại các cảng cá; hình thành chợ cá đầu mối ở các cảng Sa Huỳnh, Mỹ Á, Tịnh Hòa, Sa Kỳ.

- Tiêu thụ sản phẩm: Thông qua các hợp đồng tiêu thụ thủy sản, hợp tác liên doanh liên kết, cơ sở thu mua, bảo quản chế biến tại các cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, chợ đầu mối thủy sản.

2.3. Nuôi trồng thủy sản

a) Mục tiêu:

Nuôi trồng thủy sản: Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản đạt 2.500 ha, trong đó nuôi nước lợ, mặn khoảng 800 ha, đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng; nuôi nước ngọt khoảng 1.700 ha, đối tượng nuôi chủ lực là cá rô phi đơn tính. Ngoài ra, phát triển nuôi biển có tổng số bè khoảng 30 lồng bè, với diện tích 4.500 - 5.000m2, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 10.000 tấn, trong đó nuôi tôm lợ 7.000 tấn, nuôi biển 100 tấn, cá nước ngọt 2.000 tấn, thủy sản khác 900 tấn.

b) Nhiệm vụ

- Tiến hành quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tại các huyện, thành phố một cách cụ thể kết hợp quy hoạch các công trình phụ trợ như: hệ thống thủy lợi cho NTTS nước ngọt, NTTS nước lợ.

- Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi nước lợ có lợi thế như tôm chân trắng, cua, tôm sú,... nhằm gia tăng sản lượng và chất lượng thủy sản nuôi tại các huyện ven biển và thành phố Quảng Ngãi, đồng thời chú trọng phát triển nuôi lồng bè các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng,... tại vùng biển Lý Sơn.

- Tiếp tục chuyển đổi diện tích nuôi tôm sú bỏ hoang sang nuôi các đối tượng khác có giá trị kinh tế cao như: cua, cá dìa, cá mú, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, cá chẽm; thực hiện mô hình nuôi ghép tôm với một số loại cá nhằm giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi.

- Đẩy mạnh hình thức nuôi lồng, bè các đối tượng truyền thống tại các hồ chứa, sông lớn trong tỉnh,

- Tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn, hóa chất trong NTTS; kiểm soát mức độ tồn dư hóa chất, kháng sinh hạn chế và cấm sử dụng trong NTTS, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.

c) Giải pháp thực hiện:

- Giống: Khuyến cáo người nuôi mua giống từ các trại giống có thương hiệu, uy tín và được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống. Phấn đấu các trại giống trong tỉnh chủ động sản xuất giống tôm sú, cua, cá rô phi đơn tính, các loại cá truyền thống,... có chất lượng, đáp ứng 30% nhu cầu con giống, nhất là các đối tượng nuôi chủ lực tại địa phương.

- Quy trình kỹ thuật: Từng bước áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nuôi tôm theo quy trình thực hành nuôi tốt (GAP); không sử dụng các loại chế phẩm sinh học không đảm bảo chất lượng; xử lý ao nuôi theo quy trình hướng dẫn chuyên ngành.

- Vùng nuôi:

+ Vùng nuôi nước mặn, lợ: Tập trung chủ yếu ở các huyện/TP có bờ biển như Đức phổ 180 ha, Mộ Đức 130 ha, TP Quảng Ngãi, Bình Sơn 150 ha, Tư Nghĩa 120 ha.

+ Nuôi lồng bè 30 lồng ở huyện Lý Sơn.

+ Nuôi nước ngọt: Nuôi chủ yếu tập trung theo các con sông lớn, hồ, đập thủy lợi.

- Cơ sở hạ tầng: Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát (đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải vùng nuôi), ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ), Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Đức Phong (Mộ Đức), …

- Tổ chức sản xuất: Phát triển các trang trại nuôi tôm công nghiệp theo quy hoạch, hình thành các tổ cộng đồng nuôi an toàn dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung. Khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ gia đình có điều kiện tiếp cận, khai thác mặt nước hồ, đập thủy lợi, thủy điện.

- Tiêu thụ sản phẩm: Phát triển theo hướng hàng hóa tập trung gắn với cơ sở doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh để có thị trường tiêu thụ sản phẩm.

3. Một số giải pháp chung cho tái cơ cấu ngành thủy sản

3.1. Nhóm giải pháp cơ chế chính sách để phát triển thủy sản

- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng thủy sản ở các vùng biển xa;

- Tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản.

3.2. Các dự án đầu tư

- Tiếp tục thực hiện các dự án: Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2)

- Các dự án xây dựng mới:

+ Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Sa Huỳnh

+ Dự án Khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Cửa Đại (Cổ Lũy)

+ Dự án Khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Cần.

+ Dự án Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn.

+ Dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung trên biển Lý Sơn.

+ Dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ.

+ Dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa.

+ Dự án Hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trên cát xã Đức Phong.

+ Dự án Nâng cấp trại sản xuất giống thủy sản nước lợ tập trung tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ.

(xem phụ lục 4a và 4b kèm theo)

V. Sản xuất muối

1. Mục tiêu:

Đến năm 2020, ổn định diện tích sản xuất muối 119 ha; cải tiến quy trình sản xuất chế biến để nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ muối sạch, chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho diêm dân.

2. Nhiệm vụ:

Cải tiến quy trình sản xuất chế biến muối để nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ muối sạch, chất lượng cao.

3. Cơ chế chính sách:

Xây dựng chính sách Hỗ trợ diêm dân cải tạo đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất muối.

4. Dự án diêm nghiệp:

- Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2025, định hướng 2030.

- Xây dựng mới Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối Sa Huỳnh 2016-2020.

(xem phụ lục 4a và 4c kèm theo)

VI. Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn

1. Phát triển công nghiệp chế biến

1.1. Chế biến nông sản:

Khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh xây dựng các vùng nguyên liệu: mía, mì, cao su, gỗ nguyên liệu, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo mỗi vùng nguyên liệu phải có ít nhất một doanh nghiệp tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2020 cung cấp cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh khoảng 338.000 tấn mía cây và trên 432.000 tấn củ mì nguyên liệu.

1.2. Chế biến gia súc, gia cầm:

Chuyển dần hình thức giết mổ gia súc, gia cầm phân tán sang hình thức giết mổ tại các cơ sở tập trung nhằm kiểm soát tốt vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến năm 2020 có trên 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; sản lượng thịt hơi giết mổ khoảng 81.000 tấn. Chú trọng xây dựng các công trình xử lý chất thải trong quá trình giết mổ, chế biến để tránh ô nhiễm môi trường.

1.3. Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ:

Công nghiệp chế biến gỗ và thương mại sản phẩm gỗ được coi là động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, xây dựng công nghiệp chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có khả năng cạnh tranh cao; tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa; có sự tham gia của các thành phần kinh tế nhằm góp phần ngày càng tăng quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng trồng cây gỗ lớn nguyên liệu, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có khả năng cạnh tranh cao; tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản ngoài gỗ, sử dụng nguồn nguyên liệu được trồng trong tỉnh, phát triển hài hòa giữa gỗ xây dựng, gỗ mộc dân dụng và gỗ dăm, hạn chế tối đa xuất khẩu các sản phẩm thô, đặc biệt là dăm thô.

1.4. Chế biến thủy sản:

Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư chế biến thủy sản theo hướng giảm chế biến thô, sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường. Nghiên cứu, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến thủy sản để nâng cao năng suất lao động, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng.

Phát triển mối liên kết chuỗi sản xuất, khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến đa dạng hóa các sản phẩm và giảm chế biến thô, sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh sản phẩm của tỉnh.

Mở rộng việc áp dụng quy trình, hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP... tại các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản.

2. Phát triển ngành nghề nông thôn:

Ổn định sản xuất các làng nghề trong tỉnh hiện có; phát triển các nghề trồng hoa cây cảnh, nghề mây tre đan. Hỗ trợ các cơ sở, làng nghề; xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm của làng nghề.

Đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở các làng nghề; áp dụng kỹ thuật tiên tiến công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề.

Phát triển các loại hình sản xuất như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn,... để phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường, khai thác vốn, thay thế công nghệ mới vào sản xuất, tìm kiếm đối tác.

VII. Xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất

1. Mục tiêu

Cấp đủ nguồn nước tưới cho 70.000 ha đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến tới đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ, cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau màu với tần suất đảm bảo tưới lên 85%; Cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp với mức đảm bảo trên 90%; tạo nguồn và cấp nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối tập trung; đầu tư hệ thống đê điều, kè chống sạt lở để ngăn mặn và tiêu thoát lũ cho khoảng 4.800 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư thuộc vùng sông Thoa (Mộ Đức), Suối Kinh, Sông Phú Vinh (Khu Công nghiệp VSIP, khu dân cư Tịnh Phong-Sơn Tịnh); hỗ trợ áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

- Rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi; quy hoạch chỉnh trị và phòng chống lũ 4 con sông lớn: Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu, Sông Vệ; quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi từ tỉnh đến đến cơ sở; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác công trình; từng bước tiến tới xã hội hóa trong lĩnh vực cung cấp nước.

- Ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, các dự án an toàn hồ chứa, kiên cố hóa kênh mương để phát huy hết năng lực thiết kế, nâng cao hiệu quả khai thác công trình (nâng tần suất đảm bảo tưới lên 85%); đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt;

- Thiết kế lại hệ thống kênh mương ưu tiên tưới cho cây trồng cạn và cấp nước cho thủy sản để có giá trị gia tăng cao.

3. Các dự án đầu tư

- Tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi.

- Tiếp tục thực hiện xây dựng các Dự án Đập Đức Lợi, Đê, kè Hòa Hà, Tiêu úng thoát lũ vùng hạ lưu Sông Thoa.

- Hoàn thành các quy hoạch Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống đê biển tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

- Thực hiện xây dựng sửa chữa, nâng cấp 07 hồ chứa Đập làng xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), Hóc Bứa xã Bình Tân (Bình Sơn), Liệt Sơn xã Phổ Hòa (Đức Phổ), Cây Bứa xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), An Phong xã Bình Mỹ (Bình Sơn), Hố Sâu xã Bình Nguyên (Bình Sơn), Phước Hòa xã Bình Khương (Binh Sơn).

- Nâng cấp Hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi.

- Thực hiện xây dựng sửa chữa, nâng cấp 33 hồ chứa (vốn WB8)

(xem phụ lục 4d kèm theo)

VIII. Giải pháp thực hiện đề án

1. Công tác tuyên truyền:

Các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc và Hội, đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh, các cơ quan truyền thông, Website của tỉnh đưa tin đầy đủ sâu rộng nội dung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh đến toàn thể nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc tổ chức thực hiện.

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch:

Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch.

3. Gắn tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới:

Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, thực hiện tốt việc lồng ghép các Chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

4. Phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất:

Thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực:

- Cơ sở hạ tầng thủy lợi: cấp đủ nguồn nước tưới cho 70.000 ha đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến tới đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ, cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau màu với tần suất đảm bảo tưới lên 85%; cấp đủ nguồn nước cho sinh hoạt và công nghiệp với mức đảm bảo trên 90%; tạo nguồn và cấp nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối tập trung; đầu tư hệ thống đê điều, kè chống sạt lở để ngăn mặn và tiêu thoát lũ cho khoảng 4.800 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư thuộc vùng sông Thoa (Mộ Đức), Suối Kinh, Sông Phú Vinh (Khu Công nghiệp VSIP, khu dân cư Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh); hỗ trợ áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Nâng cấp Hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham và các công trình thủy lợi, đê điều bị xuống cấp để đảm bảo an toàn công trình trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển thủy lợi ở những vùng khó khăn về nguồn nước tưới, thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản.

- Cơ sở hạ tầng thủy sản: tiếp tục đầu tư xây dựng các khu neo trú tàu thuyền, các cơ sở hạ tầng thủy sản, chú trọng việc thông luồng các cảng cá, khu neo đậu tàu cá nhằm đảm bảo an toàn tàu thuyền trong mùa mưa bão. Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu cá với quy mô vừa và công nghệ hiện đại, tiến tới đóng, sửa tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, sản xuất ngư lưới cụ, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ tại các vùng nghề cá trọng điểm. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản.

- Đầu tư xây dựng giao thông nội đồng, giao thông phục vụ sản xuất, quản lý khai thác rừng và cải tạo đồng ruộng.

5. Sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức kinh tế:

- Thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ; thu hồi phần đất sử dụng kém hiệu quả của các chủ rừng để giao cho hộ gia đình hoặc cho các thành phần kinh tế thuê để sử dụng có hiệu quả hơn.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy mạnh thực hiện Đề án củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Phát triển các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với những hình thức phù hợp với nhu cầu của nông dân và Luật Hợp tác xã năm 2013.

- Chú trọng phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại, nông hộ theo hướng sản xuất hàng hóa theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn. Tạo sự liên kết giữa các trang trại với trang trại, giữa trang trại với Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.

6. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến diêm:

a) Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến vào các lĩnh vực:

- Đối với trồng trọt: Áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tiên tiến để tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

- Đối với chăn nuôi: Từng bước thực hiện quy trình chăn nuôi tốt nhằm đảm bảo năng suất chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện Chương trình Zêbu hóa đàn bò; cải tiến đàn heo theo hướng nạc hóa; hỗ trợ mua trâu bò đực giống nhảy trực tiếp (6 huyện miền núi). Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Đối với lâm nghiệp: Ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp như: GIS, viễn thám, điện tử. Tập trung hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC). Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, hom để nhân nhanh các giống cây lâm nghiệp mới có tốc độ sinh trưởng cao, chất lượng gỗ tốt. Chú trọng công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển các giống cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.

- Đối với thủy sản: Mở rộng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loại thủy sản đặc sản, đặc hữu phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng các khu sản xuất, ươm nuôi giống tập trung. Nhanh chóng ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất giống đã nghiên cứu thành công trong nước để nhập công nghệ sản xuất giống, giống mới, thủy sản đặc sản cho giá trị kinh tế cao.

b) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật nông, lâm nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân các vùng ven biển, các xã bãi ngang; triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực. Thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến diêm đến cấp xã, thôn nhằm phục vụ tốt nhất về hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho người nông dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ tái cơ cấu.

7. Cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước:

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác nông nghiệp, bảo đảm có nguồn nhân lực chất lượng để quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện đề án có hiệu quả; giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới và phát triển mạnh hệ thống dịch vụ công theo chuỗi giá trị sản phẩm (giống, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, kiểm tra chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ…).

- Củng cố và phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho phát triển sản xuất đi kèm với cơ chế kiểm tra nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, các dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến nông lâm thủy sản.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời tổ chức phòng, chống, dập dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

8. Giải pháp thị trường cho tiêu thụ sản phẩm:

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa cụ thể; tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

9. Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong quá trình tái cơ cấu để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia; quản lý sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả.

10. Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách:

Triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã ban hành; đồng thời xây dựng mới những chính sách, chương trình, đề án cần thiết trong giai đoạn tới như: chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 -2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ diêm dân cải tạo đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất muối; chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khung hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

11. Giải pháp về huy động nguồn lực:

- Tập trung huy động và thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, phát huy nội lực của người nông dân và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư; vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA)…

- Xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

a) Khái toán nhu cầu vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư: 8.406.548 triệu đồng, trong đó:

- Các dự án quy hoạch: 4.400 triệu đồng

- Các dự án đầu tư: 8.398.550 triệu đồng, gồm:

+ Lĩnh vực nông nghiệp: 699.860 triệu đồng

+ Lĩnh vực lâm nghiệp: 861.090 triệu đồng

+ Lĩnh vực thủy sản: 2.026.400 triệu đồng

+ Lĩnh vực thủy lợi: 4.814.800 triệu đồng

b) Khái toán nguồn vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư: 8.406.548 triệu đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 2.812.900 triệu đồng

- Vốn ngân sách địa phương: 1.470.410 triệu đồng, trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển: 1.353.226 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 117.384 triệu đồng

- Vốn ODA: 2.633.644 triệu đồng

- Vốn các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác: 1.486.595 triệu đồng.

(Chi tiết các dự án có phụ lục 4a, 4b, 4c, 4d, 4e kèm theo)

Đối với vốn ngân sách: trên cơ sở xác định các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xác định danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên để phân kỳ vốn đầu tư trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Phân công thực hiện

1. Thành lập Ban Chỉ đạo

Thành phần: Phó Chủ tịch UBND tỉnh trưởng ban, Giám đốc các sở ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố làm thành viên.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án này; điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung đề án khi cần thiết.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở xây dựng đề án tái cơ cấu theo từng lĩnh vực và tổ chức triển khai thực hiện; trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với từng địa phương, chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành.

- Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch; tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để thực hiện hiệu quả đề án.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu thu hút và bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất.

- Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn.

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh rà soát, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu, bố trí nguồn ngân sách triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ tái cơ cấu theo kế hoạch; đặc biệt bố trí đủ nguồn lực và kịp thời để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và các chính sách của Trung ương như kinh phí hỗ trợ dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương,...

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Ưu tiên bố trí các đề tài, dự án khoa học, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, TP để thực hiện đề tài, dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện tốt việc đăng ký nhãn mác hàng hóa và quản lý thương hiệu sản phẩm

6. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông nghiệp, tìm hiểu các thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

- Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

- Hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì hướng dẫn các địa phương quy hoạch sử dụng đất; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ).

Rà soát hiện trạng sử dụng quỹ đất rừng của các công ty nông, lâm nghiệp, thu hồi diện tích sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, vượt khả năng quản lý của các công ty nông, lâm nghiệp giao lại cho chính quyền địa phương.

8. Sở Thông tin-Truyền thông, Đài Phát thanh- Truyền hình và Báo Quảng Ngãi

Xây dựng nội dung tuyên truyền Đề án; thông tin, phản ánh kịp thời các mô hình, điển hình về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

9. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt các nội dung tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân vay vốn phát triển sản xuất.

10. UBND các huyện, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án ở cấp huyện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 -2020 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

- Tăng cường phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; phân công trách nhiệm của từng cấp, ngành ở huyện trong việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao.

- Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các Chương trình, dự án trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra giám sát việc quản lý thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.

- Chỉ đạo các HTX nông nghiệp thực hiện đổi mới hoạt động theo luật hợp tác xã hiện hành, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, gắn tổ chức sản xuất với hoạt động dịch vụ sản xuất; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản phẩm, đồng thời thực hiện vai trò đại diện cho nông dân ký các hợp đồng với doanh nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

11. Các hội, hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội

Tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ hội viên, nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất-tiêu thụ.

12. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Mở rộng liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, từ cung ứng các dịch vụ đầu vào đến thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới quy trình công nghệ, quy trình sản xuất và thiết bị để nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

II. Tổ chức sơ kết kiểm tra, giám sát thực hiện

1. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và giải pháp của Đề án, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, Ban ngành tỉnh liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chủ trì, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cho ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện.

2. Định kỳ vào ngày 15 tháng 6 và 30 tháng 11 hàng năm, UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành, các hiệp hội có liên quan tổng hợp kết quả thực hiện Đề án của địa phương, đơn vị mình được phân công, báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này; giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Đề án, Thủ trưởng các đơn vị chủ động phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh giải quyết kịp thời./.


PHỤ LỤC 1

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU KINH TẾ TỔNG HỢP NGÀNH NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP

Thực hiện các năm 2004-2014

Chỉ tiêu

ĐVT

Thực hiện

Tốc độ tăng BQ năm
(%)

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

I. Giá trị sản xuất (giá 1994)

Tr đ

2,130,550

2,299,164

2,401,375

2,509,733

2,522,065

2,633,638

2,749,463

2,865,983

3,036,065

3,157,623

3,304,794

4.49

1. Nông nghiệp

Tr đ

1,462,210

1,528,009

1,571,530

1,637,868

1,606,271

1,653,569

1,749,298

1,796,360

1,876,300

1,880,053

1,919,570

2.76

- Trồng trọt

Tr đ

964,380

995,164

1,048,573

1,101,061

1,060,764

1,051,069

1,094,752

1,116,661

1,167,134

1,169,468

1,210,577

2.30

- Chăn nuôi

Tr đ

394,293

423,484

404,729.0

410,170

411,647

459,110

507,526

528,682

556,173

565,627

571,426

3.78

- Dịch vụ

Tr đ

103,414

109,361

118,228.0

126,637

133,860

143,390

147,020

151,017

152,993

 

 

 

2. Lâm nghiệp

Tr đ

110,167

118,595

115,559

123,874

132,919

143,212

135,567

157,503

150,778

195,936

231,283

7.70

3. Thủy sản

Tr đ

558,173

652,560

714,286

747,991

782,875

836,857

864,598

912,120

1,008,987

1,081,634

1,153,941

7.53

III. Giá trị sản xuất (giá TTế)

 

3,169,211

3,769,162

4,262,938

4,995,828

6,842,318

7,760,292

9,385,913

12,564,897

13,875,062

14,794,818

 

 

1. Nông nghiệp

Tr đ

2187956

2,545,091

2,832,514

3,302,550

4,570,268

5,144,482.0

6,366,121.0

8,177,937

9,137,613

9,396,861

 

 

- Trồng trọt

Tr đ

1468567

1,649,891

1,967,557

2,356,446

3,113,922

3,265,810

4,004,401

5,127,307

5,286,016

5,537,979

 

 

- Chăn nuôi

Tr đ

628857

767,370

728,063

794,647

1,298,035

1,649,659

2,121,676

2,802,040

3,279,973

3,278,548

 

 

- Dịch vụ

Tr đ

90532

127,830

136,894

151,457

158,311

229,013

240,044

148,590

571,624

580,334

 

 

2. Lâm nghiệp

Tr đ

125639

152,824

165,152

191,957

210,816

263,472

287,772

394,659

412,080

615,236

 

 

3. Thủy sản

Tr đ

855616

1,071,247

1,265,272

1,501,321

2,061,234

2,352,338

2,732,020

3,992,301

4,325,369

4,782,721

 

 

IV. Cơ cấu kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Nông nghiệp

%

69.04

67.52

66.45

66.11

66.79

66.29

67.83

65.09

65.86

63.51

 

 

- Trồng trọt

%

67.12

64.83

69.46

71.35

68.13

63.48

62.90

62.70

57.85

58.93

 

 

- Chăn nuôi

%

28.74

30.15

25.70

24.06

28.40

32.07

33.33

34.26

35.90

34.89

 

 

- Dịch vụ

%

4.14

5.02

4.83

4.59

3.46

4.45

3.77

1.82

6.26

6.18

 

 

2. Lâm nghiệp

%

3.96

4.05

3.87

3.84

3.08

3.40

3.07

3.14

2.97

4.16

 

 

3. Thủy sản

%

27.00

28.42

29.68

30.05

30.12

30.31

29.11

31.77

31.17

32.33

 

 

II. Sản lượng lương thực

 

404,794

411,829

427,094

434,087

408,294

420,242

442,919

433,035

461,706

468,555

479,613

1.7

Thóc

tấn

362,520

367,106

376,903

381,200

354,621

370,032

391,167

380,411

406,422

412,322

421,808

1.5

Ngô

tấn

42,274

44,723

50,191

52,887

53,673

50,210

51,752

52,624

55,284

56,233

57,805

3.2

III. Dân số trung bình năm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dân số trung bình

người

1,271,370

1,285,728

1,295,608

1,306,307

1,315,552

1,219,229

1,218,621

1,221,640

1,227,850

1,236,250

1,241,200

-0.2

lao động nông, lâm, ngư nghiệp

người

 

 

 

424,960

420,710

429,866

430,210

433,748

 

20.69

446,500

 

 

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

 

29.86

28.57

 

 

 

23.92

17.64

14.93

 

 

IV. Bình quân lương thực đầu người

kg

318.4

320.3

329.6

332.3

310.4

344.7

363.5

354.5

376.0

379.0

386.4

2.0

V. Sản phẩm chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1, Mía cây

tấn

436,209

353,338

356,093

390,854

347,898

292,455

272,179

289,111

307,510

307,760

275,673

-4.5

2, Sắn

tấn

245,687

268,088

310,782

322,164

349,954

286,706

332,657

367,278

391,090

375,696

353,703

3.7

3, Thịt hơi các loại

tấn

39,550

43,831

45,582

45,235

47,071

51,185

57,996

62,128

63,620

65,152

69,449

5.8

4, gỗ tròn khai thác

m3

150,640

151,350

150,200

180,600

180,700

202,500

185,760

248,970

245,200

350,500

524,000

13.3

5, Sản lượng thủy sản

tấn

85,645

91,223

93,279

94,550

96,750

100,355

111,129

119,938

134,846

146,350

157,170

6.3

6, Sản lượng thủy sản chế biến

tấn

2,840

3,611

4,100

5,015

6,080

6,604

6,835

7,684

8,822

9,200

9,200

12.5

7, Sản lượng tinh bột mì chế biến

tấn

42,837

62,133

69,846

75,270

108,839

123,706

106,446

175,088

208,283

80,656

65,000

4.3

VI. Diện tích Rừng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1, Rừng tự nhiên

ha

103,533

103,533

105,509

107,664

107,664

105,564

127,164

111,817

110,446

109,878

109,878

0.6

2, Rừng trồng

ha

58,191

66,098

91,543

91,700

97,692

126,130

135,651

143,828

151,172

167,981

167,981

11.2

3, Độ che phủ rừng

%

31.3

33.6

33.8

38.9

41.6

41.7

43.9

45.3

46.3

48.2

49.0

4.6

VII. Giá trị hàng hóa xuất khẩu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giá trị thủy sản xuất khẩu

1000USD

2,503

3,490

3,934

5,552

2,978

1,890

1,349

3,539

4,019

10,315

12,800

17.7

Giá trị lâm sản xuất khẩu

1000USD

4,555

6,728

7,591

7,011

10,273

12,203

17,230

31,100

46,866

58,775

89,000

34.6

Giá trị Tinh bột mì xuất khẩu

1000USD

7,348

11,202

19,016

24,587

22,217

17,454

17,458

41,892

69,210

54,814

44,000

19.6

 


PHỤ LỤC 2

ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Các Chương trình/dự án, chính sách chủ yếu đã ban hành triển khai thực hiện và theo dõi điều chỉnh bổ sung thường xuyên trong những năm đến

Nội dung

Cơ quan chủ trì thực hiện

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

A. Các UBND huyện, Thành phố

 

 

 

B. Sở Nông nghiệp và PTNT

 

 

 

B1. Quy hoạch

 

 

 

Quy hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020. (Quyết định số: 326/QĐ-UBND ngày 17/10/2008)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

Thường xuyên

Quy hoạch đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số: 1201/QĐ-UBND ngày 08/8/2012); Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009-2015 định hướng đến 2020 (Quyết định số: 635/QĐ-UBND ngày 29/4/2010); Quy hoạch sản xuất nông lâm, ngư nghiệp đối với 6 huyện miền núi. (huyện Trà Bồng QĐ số 156/QĐ-UBND ngày 22/8/2011, huyện Sơn Tây QĐ số 195/QĐ-UBND ngày 30/9/2011, huyện Tây Trà QĐ số 187/QĐ-UBND ngày 26/9/2011, huyện Sơn Hà QĐ số 172/QĐ-UBND ngày 20/9/2011, huyện Ba Tơ QĐ số 147/QĐ-UBND ngày 14/7/2011, huyện Minh Long QĐ số 293/QĐ-UBND ngày 27/12/2011)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

thường xuyên

Quy hoạch phòng, chống lũ và chỉnh trị sông Trà Khúc đoạn từ hạ lưu đập Thạch Nham đến Cửa Đại, giai đoạn 2015 -2024.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

thường xuyên

Quy hoạch phát triển toàn diện ngành thủy sản giai đoạn 2011-2020. (QĐ số:997/QĐ-UBND ngày 14/7/2010)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

thường xuyên

Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 04/12/2012)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

thường xuyên

Quy hoạch bố trí hệ thống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

thường xuyên

B.2. Chương trình/dự án quan trọng

 

 

 

Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi. (QĐ số: 35/2012/QĐ-UBND ngày 24/10/2012)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2013 - 2015

Hệ thống đê kè vùng cửa sông ven biển (QĐ 667/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/2009)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP có bờ biển

2010 - 2020

Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai và dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020 - Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. ( QĐ số 61/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 và QĐ số 66/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 )

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2014 - 2020

Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 16/11/2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Danh mục các dự án giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011 - 2020.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để bố trí vốn

2012 - 2020

Chương trình đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. (QĐ số: 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ)

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để bố trí vốn

2013 - 2020

B.3. Văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách

 

 

 

Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn (theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2014 - 2020

Chính sách về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản (Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ)

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2014 - 2020

Chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp. (QĐ số: 34/2013/QĐ-UBND ngày 07/8/2013).

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2013 - 2020

Chính sách hỗ trợ đối với Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 (QĐ số: 15/QĐ-UBND ngày 14/01/2014).

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2014 - 2020

 

PHỤ LỤC 3

ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Các Chương trình/dự án, chính sách chủ yếu cần xây dựng mới triển khai thực hiện trong những năm đến

Nội dung

Cơ quan chủ trì thực hiện

Cơ quan phối hợp

Thời gian

A. Các UBND huyện, Thành phố

 

 

 

Các UBND huyện, Thành phố xây dựng Đề án thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cho địa phương mình.

UBND các huyện, T/Phố

Sở Nông nghiệp và PTNT

2015

B. Sở Nông nghiệp và PTNT

 

 

 

B1. Quy hoạch

 

 

 

B1.1. Quy hoạch đang xây dựng, sẽ hoàn thành trong năm 2015 và triển khai thực hiện trong những năm đến

 

 

 

Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015

Quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015

Quy hoạch hệ thống đê biển tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015

B1.2. Quy hoạch xây dựng mới triển khai thực hiện trong những năm đến

 

 

 

Quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2025, định hướng 2030.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015

Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 -2025, định hướng 2030.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, Tp để phối hợp thực hiện

2015

Quy hoạch vùng nguyên liệu mỳ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2025, định hướng 2030.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015

Quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 -2025, định hướng 2030.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015

Rà soát, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản 2011-2020.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015 - 2016

Quy hoạch phòng, chống lũ và chỉnh trị các sông Vệ, sông Trà Bồng và sông Trà Câu.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính để bố trí vốn, UBND các huyện, TP để phối hợp thực hiện

2015 - 2016

B.2. Chương trình/dự án quan trọng

 

 

 

Chi tiết danh mục các dự án xem phụ lục 4a, 4b, 4c, 4d, 4e

B.3. Văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách

 

 

 

Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 -2020.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2015 - 2020

Chính sách hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2015 - 2020

Chính sách hỗ trợ diêm dân cải tạo đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất muối

UBND huyện Đức Phổ

Sở Nông nghiệp và PTNT

2015 - 2020

Khung hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, TP

2015 - 2020

 


PHỤ LỤC SỐ 4A

DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

Mục tiêu, sự cần thiết phải đầu

Quy mô dự kiến

Địa điểm thực hiện

Dự kiến thời gian thực hiện

Khái toán vốn thực hiện

Dự kiến nguồn vốn thực hiện

Ghi chú

Vốn ODA

NST W

NS tỉnh

ĐTPT

SN

Khác

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

 

861,090

696,844

38,000

93,926

32,3

20

-

 

1

Đề án xác định giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

 

Toàn tỉnh

 

2014-2015

1,200

 

 

 

1,200

 

QĐ số 967/QĐ-UBND ngày 10/4/2012

2

Dự án điều tra, xây dựng, bảo tồn và phát triển nguồn giống cây bản địa: Lim xanh, Dầu rái, Chò chỉ, Quế…

 

10 ha

Các huyện miền núi

2015

2,000

 

 

 

2,000

 

 

3

Phát triển bền vững và nâng cao giá trị rừng sản xuất (dự án WB3 giai đoạn 2)

 

 

 

2015 - 2020

275,000

250,000

 

25,000

 

 

vốn WB3

4

Dự án Phục hồi phát triển bền vững rừng ngập mặn và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ( dự án KfW9).

 

130 ha

Bình Sơn

2015 - 2020

250,000

200,000

30,000

20,000

 

vốn KFW9

5

Dự án xây dựng cơ sở giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô

 

3 ha

 

xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa

2015

8,000

 

8,000

 

 

 

6

Dự án Bảo vệ và PTR giai đoạn 2011-2020 của 08 BQL RPH

 

 

 

2011 - 2020

 

 

 

 

 

 

-

7

Phương án kiểm kê rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014-2016

 

 

 

 

27,120

 

 

 

27,120

 

QĐ số 1420/QÐ-UBND ngày 29/9/2014

8

Dự án nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen giống cây Quế bản địa Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi và đánh giá kết quả bảo tồn.

 

10 ha và 250 cây từ 10 -15 năm tuổi

 

2014 - 2020

2,000

 

 

 

2,000

 

QÐ số 1267/QÐ-UBND ngày 5/9/2014.

9

Dự án trồng mới rừng ngập mặn và trồng rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường

 

2.500 ha

Tư Nghĩa, Mộ Ðức, Ðức Phổ

2016 - 2020

6,170

 

 

6,170

 

 

QÐ số 628/QÐ- UBND ngày 04/5/2013 và QÐ số 1160/QÐ-UBND ngày 22/8/2013

 

.Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2)

 

2.800 ha

Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ

2012 - 2021

289,600

246,844

 

42,756

 

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ 4B:

DANH MỤC DỰ ÁN THỰC HIỆN THEO NGHỊ ĐỊNH 67/2014/NĐ-CP

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

Mục tiêu, sự cần thiết phải đầu tư

Quy mô dự kiến

Địa điểm thực hiện

Dự kiến thời gian thực hiện

Khái toán vốn thực hiện

Dự kiến nguồn vốn thực hiện

Ghi chú

Vốn ODA

NSTW

NS tỉnh

ĐTPT

SN

Khác

 

DA thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP

 

 

 

 

2,026,400

-

1,574,500

278,900

-

173,000

-

1

Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Sa Huỳnh

 

800 tàu có công suất 1.000CV

Phổ Thạnh, H. Đức Phổ

2015 - 2020

640,000

 

536,000

89,000

 

15,000

 

2

Dự án Khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Cửa Đại (Cổ Lũy)

 

1.000 tàu cá có công suất 800CV

Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi

2015 - 2020

518,000

 

421,000

82,000

 

15,000

 

3

Dự án Khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Cần

 

1.000 tàu cá có công suất 800CV

Bỉnh Thạnh, H. Bình Sơn

2015 - 2020

490,000

 

400,000

75,000

 

15,000

 

4

Dự án Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn

 

san nền mặt bằng 6 ha

Xã An Hải, đảo Lý Sơn

2015 - 2017

80,000

 

60,000

 

 

20,000

 

5

Dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung trên biển Lý Sơn

 

20 ha; 30 bè (8-16 lồng/bè)

Vùng biển đảo Lý Sơn

2015 - 2017

82,000

 

46,000

 

 

36,000

 

6

Dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ

 

37 ha

Phổ Khánh, H. Đức Phổ

2015 - 2016

86,000

 

44,000

5,000

 

37,000

 

7

Dự án Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa

 

89 ha

Nghĩa Hòa, H.Tư Nghĩa

2015 - 2017

99,000

 

44,000

20,000

 

35,000

 

8

Dự án Hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trên cát xã Đức Phong

 

2 ha

Đức Phong, H. Mộ Đức

2015 - 2016

7,500

 

6,800

700

 

 

 

9

Dự án Nâng cấp Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phổ

 

4 ha

Phổ Hòa, H. Đức Phổ

2015

11400

 

5400

6,000

 

 

 

10

Dự án Nâng cấp trại sản xuất giống thủy sản nước lợ tập trung tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ

Đảm bảo điều kiện sản xuất, cung ứng nhu cầu về con giống thủy sản nước lợ trên địa bàn tỉnh

XD nhà làm việc, hội trường, nhà ương nuôi con giống, phòng xét nghiệm

Phổ Quang, H. Đức Phổ

2015 - 2017

12500

 

11300

1,200

 

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ 4C

DANH MỤC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT, CHĂN NUÔI VÀ NGHỀ MUỐI

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

Mục tiêu, sự cần thiết phải đầu tư

Quy mô dự kiến

Địa điểm thực hiện

Dự kiến thời gian thực hiện

Khái toán vốn thực hiện

Dự kiến nguồn vốn thực hiện

Ghi chú

Vốn ODA

NSTW

NS tỉnh

ĐTPT

SN

khác

I

Các dự án đầu tư theo Quyết định 1622/QĐ-UBND ngày 16/11/2010 của UBND tỉnh

589,858

-

-

10,000

31,264

548,595

-

1

DA Hỗ trợ phát triển giống lúa thuần mới chất lượng cao giai đoạn 2013-2016

 

SX 1.227 ha giống các loại

Trại giống Đức Hiệp

2013 - 2016

8,749.5

 

 

 

7,173.74

1,575.73

UBND tỉnh đã phê duyệt

2

DA Cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014-2018

 

62.500 lượt bò có chửa bê lai 59.375 con

06 huyện đồng bằng và TP Quảng Ngãi

2014 - 2018

529,590

 

 

 

8,590.22

521,000

UBND tỉnh đã phê duyệt

3

Dự án Cải tạo và phát triển đàn trâu theo hướng thịt tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2019

 

5.000 con và 140 chuồng

04 huyện miền núi

2015 - 2018

36,519

 

 

 

10,500

26,019

Đã lập dự án nhưng chưa phê duyệt

4

Dự án Xây dựng và cải tạo giống gốc gia súc, gia cầm

- Đầu tư xây dựng đồng bộ trại giống gốc gia súc, gia cầm. bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại -cung cấp con giống chất lượng cho chăn nuôi trên địa bàn tỉnh,

- 5.000 con gia cầm giống cấp ông bà, bố mẹ. - 30 con lợn đực, 50 lợn cái giống cấp ông bà,

Trại giống gia cầm tại xã Hành Thuận, H. Nghĩa Hành; Trại giống lợn tại Thị trấn La Hà

2015 - 2019

15,000

 

 

10,000

5,000

 

 

II

Các dự án đầu tư quan trọng ngoài danh mục QĐ 1622/QĐ-UBND

50,000

-

-

-

50,000

-

-

1

Dự án Hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất lúa chất lượng cao

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp

5.000 ha

các huyện đồng bằng theo quy hoạch

2015 - 2017

30,000

 

 

 

30,000

 

 

2

Dự án đầu tư vùng sản xuất rau sạch (rau an toàn)

Nâng cao chất lượng rau, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

293 ha

các huyện đồng bằng theo quy hoạch

2015 - 2020

10,000

 

 

 

10,000

 

 

3

Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa góp phần tăng thu nhập cho người dân, xói đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay

8.000 ha

Toàn tỉnh

2015 - 2017

5,000

 

 

 

5,000

 

 

4

Dự án tròng tre phòng hộ chống sạt lở bờ sông bờ suối và hồ đập

 

 

 

2016- 2017

5,000

 

 

 

5,000

 

 

III

Dự án đầu tư cho nghề muối

 

 

60,000

0

40,000

20,000

0

0

 

1

Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối Sa Huỳnh

Đưa sản xuất muối theo hướng công nghiệp, Nâng cao đời sống diêm dân,

119 ha

Đồng muối Sa Huỳnh, Đức Phổ

2015

60,000

 

40,000

20,000

 

 

 

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

 

699,858

-

40,000

30,000

81,264

548,595

 

 

PHỤ LỤC SỐ 4D

DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG THỦY LỢI

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

Mục tiêu, sự cần thiết phải đầu tư

Quy mô dự kiến

Địa điểm thực hiện

Dự kiến thời gian thực hiện

Khái toán vốn thực hiện

Dự kiến nguồn vốn thực hiện

Ghi chú

Vốn ODA

NSTW

NS tỉnh

ĐTPT

SN

khác

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

 

4,814,800

1,939,000

1,160,400

950,400

0

765,000

 

1

Nâng cấp Hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham

Nâng cấp hệ thống, đảm bảo tưới 37.700 ha, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho Khu kinh tế Dung Quất và các huyện đồng bằng, cấp nước nuôi tròng thủy sản 2.980 ha

Gia cố CT đầu mối. Kiên cố hóa 309 km kênh tưới có F tưới > 150 ha

 

2015 - 2020

1,533,800

1,226,400

153,400

154,000

 

 

 

2

SC, nâng cấp 40 HCN tỉnh Quảng Ngãi

An toàn hồ chứa nước và nâng cao hiệu quả khai thác

Đảm bảo tưới 5.194 ha

 

2015 - 2020

871,000

660,600

110,000

100,400

 

 

 

3

Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi

Tiết kiệm nước, góp phần thực hiện Kế hoạch xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi

Kiên cố hóa 333,6 km kênh loại III

 

2015 - 2020

348,000

 

100,000

183,000

 

65,000

 

4

Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa

Tiêu úng cho 2.800 ha đất canh tác

Nạo vét sông Thoa 26km, đắp đê 20 km và 84 CT

 

2015 - 2016

125,000

 

90,000

35,000

 

 

 

5

Đập Đức Lợi

Ngăn mặn 170 ha, giữ ngọt 350 ha

Đập ngăn mặn dài 73,5m

 

2015 -2016

67,000

52,000

 

15,000

 

 

 

6

Đê, kè Hòa Hà

Bảo vệ 5.225 người và 1.000 ha đất canh tác

4.982 m

 

2015 -2016

98,000

 

49,000

49,000

 

 

 

7

Chỉnh trị sông Trà Khúc (giai đoạn I)

Chống bồi lấp, xói lở cửa Đại; chống xói lở bờ sông

2 đê ngăn cát cửa Đại, 03 đoạn kè trên sông Trà

 

2015 -2020

1,000,000

 

 

300,000

 

700,000

 

8

Đê Phổ Minh

Bảo vệ 2.550 người và 790 ha đất canh tác

4.500m

 

2015 - 2020

256,000

 

230,000

26,000

 

 

 

9

Kênh tiêu Đức Thắng - Đức Phong - Đức Minh

Tiêu úng khu dân cư và 1.653ha đất canh tác

Tổng L kênh tiêu: 22km, 6 CTTK

 

2015 - 2017

40,000

 

 

40,000

 

 

 

10

Đê, kè Tịnh Kỳ

Bảo vệ 2.900 người và 445 ha đất canh tác

4.400m

 

2015 - 2020

226,000

 

203,000

23,000

 

 

 

11

Đập ngăn mặn sông Trà Bồng

Ngăn mặn 650 ha

Đập Bình Dương và Đập Bình Phước có L = 281,6m

 

2015 - 2020

250,000

 

225,000

25,000

 

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ 4e

DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

Mục tiêu, sự cần thiết phải đầu tư

Quy mô dự kiến

Địa điểm thực hiện

Dự kiến thời gian thực hiện

Khái toán vốn thực hiện

Dự kiến nguồn vốn thực hiện

Ghi chú

Vốn ODA

NSTW

NS tỉnh

ĐTPT

SN

Khác

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

 

861,090

696,844

38,000

93,926

32,320

-

 

1

Đề án xác định giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

 

Toàn tỉnh

 

2014 - 2015

1,200

 

 

 

1,200

 

QĐ số 967/QĐ-UBND ngày 10/4/2012

2

Dự án điều tra, xây dựng, bảo tồn và phát triển nguồn giống cây bản địa: Lim xanh, Dầu rái, Chò chỉ, Quế…

 

10 ha

Các huyện miền núi

2015

2,000

 

 

 

2,000

 

 

3

Phát triển bền vững và nâng cao giá trị rừng sản xuất (dự án WB3 giai đoạn 2)

 

 

 

2015 - 2020

275,000

250,000

 

25,000

 

 

vốn WB3

4

Dự án Phục hồi phát triển bền vững rừng ngập mặn và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ( dự án KfW9).

 

130 ha

Bình Sơn

2015 - 2020

250,000

200,000

30,000

20,000

 

 

vốn KFW9

5

Dự án xây dựng cơ sở giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô

 

3 ha

xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa

2015

8,000

 

8,000

 

 

 

 

6

Dự án Bảo vệ và PTR giai đoạn 2011-2020 của 08 BQL RPH

 

 

 

2011- 2020

 

 

 

 

 

 

-

7

Phương án kiểm kê rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014-2016

 

 

 

 

27,120

 

 

 

27,120

 

QĐ số 1420/QĐ-UBND ngày 29/9/2014

8

Dự án nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen giống cây Quế bản địa Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi và đánh giá kết quả bảo tồn.

 

10 ha và 250 cây từ 10 -15 năm tuổi

 

2014 - 2020

2,000

 

 

 

2,000

 

QĐ số 1267/QĐ-UBND ngày 5/9/2014.

9

Dự án trồng mới rừng ngập mặn và trồng rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường

 

2.500 ha

Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ

2016- 2020

6,170

 

 

6,170

 

 

QĐ số 628/QĐ-UBND ngày 04/5/2013 và QĐ số 1160/QĐ-UBND ngày 22/8/2013

 

.Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2)

 

2.800 ha

Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ

2012- 2021

289,600

246,844

 

42,756

 

 

 

 


PHỤ LỤC 5A

BỐ TRÍ DIỆN TÍCH SẢN XUẤT TẬP TRUNG CÁC LOẠI CÂY TRỒNG CHỦ YẾU

Giai đoạn 2016-2020

ĐVT: ha

TT

HUYỆN, THỊ XÃ

Cây mỳ

Cây mía

Cây tỏi

Cây quế

Cây lúa hàng hóa

Cây ngô

Cây lạc

cây cao su

 

TOÀN TỈNH

18,000

5,200

300

5,225

5,000

6,500

4,875

3,000

I

ĐỒNG BẰNG

7,800

3,209

0

0

5,000

5,545

4,095

1,230

1

1- TP Quảng Ngãi

200.0

25

 

 

200

800

400.0

 

2

2- H. Bình Sơn

2,000

500

 

 

800

1,445

1,200

1,000

3

3 - H. Sơn Tịnh

1,600

300

 

 

800

500

520

230

4

4 - H. Tư Nghĩa

1,100

490

 

 

800

1,000

500

 

5

5 - H. Nghĩa Hành

800

450

 

 

600

800

400

 

6

6- H. Mộ Đức

800

400

 

 

1,000

700

745

 

7

7- H Đức Phổ

1,300

1,044

 

 

800

300

330.0

 

II

MIỀN NÚI

10,200

1,991

0

5,225

0

955

780

1,770

8

8- H. Trà Bồng

1,200

56

 

2,800.0

 

250

130.0

 

9

9- H. Tây Trà

800.0

 

 

1,225.0

 

225

 

1,570

10

10- H. Sơn Hà

5,100

815

 

 

 

160

200.0

200

11

11- H. Sơn Tây

600.0

 

 

1,200.0

 

100

 

 

12

12- H. Minh Long

1,300

20

 

 

 

20

 

 

13

13 - H. Ba Tơ

1,200

1,100

 

 

 

200

450.0

 

III

HẢI ĐẢO

 

 

300

 

 

 

 

 

14

14 - Huyện Lý Sơn

 

 

300

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 5B

BỐ TRÍ MỘT SỐ VẬT NUÔI CHỦ YẾU SẢN XUẤT TẬP TRUNG VÀ CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐẠT CHUẨN VSATTP

Giai đoạn 2016-2020

HUYỆN, THỊ XÃ

Đàn bò
(con)

Đàn trâu
(con)

Đàn heo
(con)

Đàn gia cầm
(con)

Cơ sở giết mổ đạt chuẩn an toàn VSTP
(cơ sở)

TOÀN TỈNH

320,000

65,000

480,000

4,800,000

10

I- ĐỒNG BẰNG

265,000

19,500

430,000

4,330,000

8

1- TP Quảng Ngãi

29,000

 

 

700,000

2

2- H. Bình Sơn

54,000

3,500

130,000

1,000,000

1

3 - H. Sơn Tịnh

43,000

6,000

 

530,000

1

4 - H. Tư Nghĩa

32,000

4,000

100,000

530,000

1

5 - H. Nghĩa Hành

38,000

3,500

70,000

530,000

1

6- H. Mộ Đức

39,000

2,500

130,000

540,000

1

7- H Đức Phổ

30,000

 

 

500,000

1

II- MIỀN NÚI

55,000

45,500

50,000

470,000

2

8- H. Trà Bồng

10,000

 

 

80,000

 

9- H. Tây Trà

 

 

 

 

 

10- H. Sơn Hà

35,000

15,000

50,000

250,000

1

11- H. Sơn Tây

 

2,000

 

 

 

12- H. Minh Long

 

5,500

 

 

 

13 - H. Ba Tơ

10,000

23,000

 

140,000

1

III- HẢI ĐẢO

 

 

0

 

 

14 - Huyện Lý Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác