Báo cáo số 562/2006/BC-BYT về việc tổng kết kết quả thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006 do Bộ Y tế ban hành
Báo cáo số 562/2006/BC-BYT về việc tổng kết kết quả thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006 do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu: | 562/2006/BC-BYT | Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế | Người ký: | Trần Thị Trung Chiến |
Ngày ban hành: | 04/07/2006 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 562/2006/BC-BYT |
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Người ký: | Trần Thị Trung Chiến |
Ngày ban hành: | 04/07/2006 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
BỘ Y TẾ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 562/BC-BYT |
Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2006 |
TỔNG KẾT KẾT QUẢ THỰC HIỆN “ THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM” NĂM 2006
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm" (gọi tắt là Chỉ thị 08); Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006 với chủ đề “phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm” trên phạm vi cả nước từ ngày 15/4/2006 đến 15/5/2006 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động).
Mục tiêu của “Tháng hành động” năm 2006 là:
1. Tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (viết tắt là VSATTP) và chủ động giám sát các nguy cơ gây ô nhiễm trong quá trình từ nuôi trồng đến sản xuất, chế biến, lưu thông và tiêu dùng thực phẩm góp phần khống chế ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm (viết tắt là NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm, nhằm đảm bảo thực phẩm có chất lượng vệ sinh an toàn phù hợp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
2. Huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, các cơ quan, đoàn thể và cá nhân tham gia vào việc phổ biến, quán triệt Pháp lệnh VSATTP, Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh VSATTP và các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP (gọi tắt là Nghị định 163), để tạo ra một bước chuyển biến mới trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Đến nay “Tháng hành động” đã kết thúc, Bộ Y tế xin báo cáo kết quả triển khai “Tháng hành động” năm 2006 như sau:
I- CÔNG TÁC CHỈ ĐẠOVÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Tại Trung ương:
- Để chủ động triển khai các hoạt động đảm bảo VSATTP trong “Tháng hành động” năm 2006, Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo TW thực hiện Chỉ thị số 08 đã phê duyệt Kế hoạch triển khai “Tháng hành động” năm 2006 (tại văn bản số 126/KH-BYT ngày 22/02/2006); ban hành Công văn số 1074/BYT-ATTP gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công văn số 1071/BYT-ATTP gửi các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo trung ương thực hiện Chỉ thị 08, các tổ chức chính trị xã hội về việc tổ chức “Tháng hành động” năm 2006 để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao.
- Tổ chức phổ biến Kế hoạch triển khai “Tháng hành động” năm 2006 cho 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan tại Hội nghị tổng kết Dự án bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2005 và triển khai kế hoạch năm 2006 ngày 09/3/2006 tại Hà Nội (cho 32 tỉnh phía Bắc) và 14/3/2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh (cho 32 tỉnh phía Nam).
- Các Bộ, ngành như Bộ Công nghiệp, Bộ Thuỷ sản, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Thương mại, Bộ Công an (Cục Y tế), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Chữ thập đỏ… tích cực phối hợp với ngành Y tế triển khai “Tháng hành động” tại các địa phương.Đồng thời, căn cứ Kế hoạch số 126/KH-BYT, các Bộ, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006 trong Bộ, ngành mình và chỉ đạo các Tổng công ty, công ty, nhà máy, xí nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể, các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, các Sở của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động” và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của ngành có liên quan đến việc thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Nghị định số 163/2004/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác về bảo đảm VSATTP.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Các chỉ đạo khác:
+ Chỉ đạo và triển khai các hoạt động bảo đảm VSATTP phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.
+ Chỉ đạo khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu đảm bảo VSATTP giai đoạn 2006- 2010 tại các địa phương.
+ Chỉ đạo tăng cường công tác VSATTP mùa hè (Công văn số 266/ATTP-CĐT ngày 28/4/2006).
+ Chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (Công văn số 116/ATTP-CĐT ngày 06/3/2006).
+ Chỉ đạo công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm.
+ Chỉ đạo công tác phòng chống bệnh lở mồm long móng trên gia súc.
+ Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm kim loại nặng và các hoá chất độc hại trên rau ở huyện Thanh Trì - Hà Nội.
+ Chỉ đạo tăng cường bảo đảm VSATTP thức ăn đường phố và xây dựng thành phố Vũng Tàu là thành phố trọng điểm về bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố (Công văn số 183/ATTP-CĐT ngày 22/3/2006).
+ Chỉ đạo tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể; kiểm tra, xác minh việc ô nhiễm Dexamethasone trong thức ăn tại Trường mẫu giáo tư thục Thanh Nguyên 2, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
2. Tại địa phương:
- Các tỉnh, thành phố đã thành lập hoặc củng cố Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban.
- Sở Y tế đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Chỉ thị hoặc công văn chỉ đạo chính quyền các cấp trực thuộc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai “Tháng hành động” tại địa bàn. Đồng thời, ngành y tế với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 08 tại địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động, truyền thông và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về VSATTP trên địa bàn.
- Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức hội nghị triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006. Theo báo cáo của 64/64 tỉnh, thành phố trực thuộc TW có 62 tỉnh, thành phố có kế hoạch tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động” với hình thức mít tinh, diễu hành (riêng An Giang và Điện Biên không có tổ chức Lễ phát động).
a) Về tài liệu truyền thông:
- Tại Trung ương: Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) đã chủ động in ấn và cấp phát các tài liệu truyền thông cho 64 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước và Y tế một số Bộ, ngành liên quan với số lượng 303.300 tờ gấp các loại, 100.000 poster các loại, 40.000 cuốn “Bản tin vệ sinh an toàn thực phẩm” (Số 1 và 2 năm 2006), 80 băng cassette và 80 băng video “Thông điệp tháng hành động năm 2006” (Xem chi tiết tại phụ lục 1).
- Tại địa phương: Ngoài số tài liệu do Trung ương cấp, hầu hết các địa phương đều chủ động in, sao và cấp phát thêm tài liệu về VSATTP, cụ thể:
+ Băng rôn, khẩu hiệu: 37.273
+ Tranh, áp phích: 150.294 tờ
+ Tờ gấp: 883.684 tờ.
+ Băng video: 2.213 băng.
+ Băng cassette: 8.044 băng.
- Các Bộ ngành liên quan chủ động sao gửi các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP do Bộ Y tế ban hành cho các đơn vị trong ngành tổ chức thực hiện.
b) Về hoạt động tổ chức Lễ phát động:
- Tại Trung ương: Bộ Y tế đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” của Trung ương vào ngày 08/4/2006 tại Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt Xô- Thành phố Hà Nội. Tham dự Lễ phát động gồm có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các ban, ngành đoàn thể của Trung ương và thành phố Hà Nội đã có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng đối với công tác bảo đảm VSATTP.
- Tại địa phương: Theo báo cáo của 64/64 tỉnh, thành phố trực thuộc TW có 62 tỉnh, thành tổ chức mít tinh, diễu hành trong Lễ phát động “Tháng hành động” tại địa phương, trong đó 56 tỉnh thành tổ chức Lễ phát động có quy mô cấp tỉnh và hầu hết tại tuyến huyện, thị và xã, phường cũng đều có tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng “Tháng hành động” năm 2006 tại địa phương mình (Riêng tỉnh An Giang và Điện Biên không tổ chức Lễ phát động). Các hoạt động trên đã tạo được sự quan tâm chú ý của người dân và của các ban, ngành đoàn thể tại địa phương đối với công tác bảo đảm chất lượng VSATTP.
c) Về hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng :
- Ngày 20/3/2006, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức họp báo phổ biến kế hoạch triển khai tháng hành động năm 2006 cho các cộng tác viêncủa 50 báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh của Trung ương và các báo ngành, đồng thời định hướng công tác tuyên truyền các tin, bài theo chủ đề “Tháng hành động”.
- Ngày 28/3/2006, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế đã chủ động phổ biến kế hoạch truyền thông và định hướng nội dung truyền thông trong “Tháng hành động” năm 2006 tại buổi giao ban giữa Ban Tư tưởng Văn hoá TW với 120 tổng biên tập/ lãnh đạo các báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình của TW và Hà Nội.
- Để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền trong “Tháng hành động” năm 2006, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có chỉ đạo cho các cơ quan thông tấn báo chí, các Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện đợt tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm VSATTP với chủ đề “Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm”.
- Triển khai chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng:
+ Đài Truyền hình Trung ương:
Từ ngày 1/4/2006 đến 15/5/2006 trên kênh VTV1, VTV3 phát sóng liên tục 100 lượt thông điệp “Tháng hành động” vào trước và sau chương trình thời sự và các giờ cao điểm có nhiều người theo dõi; chương trình VTV1 đưa 25 tin, bài, phóng sự (phát sóng lặp lại 2 lần); chương trình VTV2 phát 12 tin bài, phóng sự, toạ đàm về công tác bảo đảm chất lượng, VSATTP. Trong đó nổi bật là ngày 26/4/2006, trên chương trình VTV1 đã phát sóng toạ đàm trực tiếp giữa đại diện các cơ quan chức năng tham gia quản lý nhà nước trong lĩnh vực VSATTP về chủ đề “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006, vấn đề ô nhiễm thực phẩm do gia súc bị bệnh và giải pháp phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn (phát lại ngày 27/4/2006); ngày 04/4/2006 và 07/4/2006 trên chương trình VTV1 đã phát phóng sự “Báo động về tình trạng ô nhiễm thực phẩm và sự chuẩn bị công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong Đại hội Đảng X”; các ngày 31/3/2006, 01/4/2006 và 02/4/2006 trên VTV2 phát sóng toạ đàm “Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua biên giới”; ngày 10/4/2006 trên VTV1 đưa tin về vệ sinh giết mổ gà sạch... đã thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội.
+ Đài Tiếng nói Việt Nam:
* Từ ngày 01/4/2006 đến 15/5/2006 phát sóng 300 lần thông điệp “Tháng hành động” trên 8 chương trình của Ban Văn hoá xã hội với tổng thời lượng 300 phút.
* Phát 180 tin, bài, phóng sự, phỏng vấn có nội dung về chất lượng, VSATTP (trong đó có 50 phỏng vấn, 40 phóng sự, 90 tin). Các tin, bài tập trung phản ánh các vấn đề nổi cộm hiện nay về VSATTP, những khó khăn trong công tác quản lý chất lượng VSATTP ở nước ta, các hoạt động trong “Tháng hành động” của một số địa phương...
+ Báo, tạp chí:
Trong “Tháng hành động” hầu hết các báo và tạp chí đã xây dựng chuyên đề riêng về VSATTP, tăng số lượng các tin bài, hình ảnh cả mặt tích cực và mặt còn hạn chế liên quan đến chất lượng, VSATTP. Các báo, tạp chí đã tập trung đăng tải những thông tin phản ánh hoạt động của các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm VSATTP; phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về VSATTP và kiến thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất, cũng như người tiêu dùng, góp phần chuyển đổi nhận thức và thực hành về VSATTP của các nhóm đối tượng; phê phán các cơ sở, cá nhân vi phạm về VSATTP, đồng thời biểu dương các đơn vị có thành tích tốt trong các hoạt động bảo đảm chất lượng VSATTP.
Các báo: Sức khoẻ và Đời sống, Báo Nhân dân, Báo Pháp luật, Tạp chí Công tác khoa giáo, Tạp chí Tư tưởng văn hoá đã xuất bản số chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng Hành động” năm 2006; Một số báo như Nhân dân, Sức khoẻ và đời sống, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật và đời sống, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Nông nghiệp Việt Nam, Công nghiệp, Khoa học và Đời sống, Lao động xã hội, Gia đình xã hội, Thanh niên, Người lao động, Thời báo Kinh tế, Tạp chí Người tiêu dùng, Tạp chí Tài chính, Tạp chí Khoa giáo... mở các chuyên mục về VSATTP, tăng cường đưa các tin bài có nội dung về VSATTP.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ ngày 01/4/2006 đến 30/5/2006 trên 24 tờ báo và tạp chí Trung ương, Bộ, ngành đã đăng tải 385 tin, bài, phóng sự có nội dung về chất lượng, VSATTP.
Hiện nay, vấn đề VSATTP đang được dư luận đặc biệt quan tâm, điều đó cho thấy công tác tuyên truyền về VSATTP bước đầu đã thu được kết quả tích cực.
- Tại địa phương: Trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh của xã, phường tăng cường đăng tải các thông tin, các chuyên đề về VSATTP. Thống kê cho thấy: số tin bài về chủ đề VSATTP được phát sóng trên đài Phát thanh, truyền hình tỉnh là 1.624 tin bài, 62.064 lượt tin bài về VSATTP hàng ngày được phát trên hệ thống loa phát thanh xã/phường; có 459 tin bài về VSATTP được đăng trên báo địa phương.
d) Về công tác tập huấn, nói chuyện, truyền thông trực tiếp:
- Tại Trung ương: Bộ Y tế tăng cường truyền thông trực tiếp kiến thức VSATTP cho các nhóm đối tượng: tổ chức nói chuyện, truyền thông các kiến thức về VSATTP cho 403 cán bộ, giảng viên và nhân viên Trường Đại học Y Thái Bình; 153 cán bộ, nhân viên của cơ quan Công đoàn Y tế Việt Nam, lãnh đạo Công đoàn Y tế các tỉnh, thành phố và bệnh viện; 100 cán bộ, nhân viên Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Báo Nhân đạo và Truyền hình Nhân đạo; 120 cán bộ, hội viên Hội Nông dân Vĩnh Phúc; tổ chức nói chuyện chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cho 302 cán bộ chủ chốt của Quận Cầu Giấy – Hà Nội; tham gia nói chuyện về bảo đảm VSATTP trong phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” cho 100 cán bộ của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Các Bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo và các ngành liên quan: Trong “Tháng hành động” đều đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp với nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, thi tìm hiểu kiến thức về chất lượng, VSATTP cho cán bộ và các đối tượng của ngành; người trực tiếp sản xuất và chế biến thực phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể cơ quan, xí nghiệp, trường học, cơ sở chế biến suất ăn sẵn… thuộc Bộ ngành mình quản lý.
- Tại địa phương: Báo cáo của 64/64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy có sự tham gia tích cực của các Ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ và VSATTP; xã hội hoá các hoạt động vì chất lượng, VSATTP ở cộng đồng.
Trong “Tháng hành động” các hoạt động tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về VSATTP và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực VSATTP đã được các địa phương tăng cường, đẩy mạnh. Cụ thể, các địa phương đã tổ chức 2.107 lớp tập huấn với 84.078 lượt người tham dự, 8.511 buổi nói chuyện về VSATTP với 9.310.066 lượt người tham dự, 331 cuộc hội thảo về chủ đề VSATTP với 11.811 người tham dự.
2. Hoạt động thanh tra, kiểm tra:
a) Tại Trung ương:
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc TW với những nội dung cụ thể:
- Thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006.
- Đánh giá thực trạng về tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tại các địa phương.
- Thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của Nhà nước về bảo đảm chất lượng VSATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm; Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về VSATTP.
- Kiến nghị và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng, VSATTP.
Cho đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra về bảo đảm chất lượng, VSATTP trong “Tháng hành động” được tổ chức và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, kết quả đạt được bước đầu có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm 2005. Theo kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy hầu hết các địa phương đã và đang củng cố, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch cụ thể triển khai “Tháng hành động” tại địa phương mình; y tế địa phương đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các cấp ra Quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về VSATTP (Có Báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế kèm theo).
b) Tại địa phương:
Kết quả thanh tra, kiểm tra ở địa phương: Theo báo cáo của 64/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong “Tháng hành động” các tỉnh, thành phố đã tổ chức 2.889 các đoàn thanh tra, kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp xã phường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng số 146.352 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong 180.238 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thống kê. Trong đó 121.111 cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng VSATTP (chiếm 73,3 %), cao nhất tại Bến Tre với 95,2% cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP, thấp nhất tại Gia Lai với 42,6% cơ sở đạt yêu cầu. Chỉ tính riêng trong “Tháng hành động”, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 19.636 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP, trong đó có 2.010 cơ sở bị phạt tiền với tổng cộng là 1.122.261.000đ, có 1.233 cơ sở bị thu giữ hoặc tiêu huỷ sản phẩm thực phẩm và 117 cơ sở bị đóng cửa.
c) Tại các Bộ, ngành:
Hoạt động thanh, kiểm tra trong “Tháng hành động” năm 2006 đã được tổ chức và thực hiện theo đúng kế hoạch số 126/KH-BYT. Trong đó, các Bộ, ngành tham gia quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP chủ động thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tuỳ theo đặc thù của công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành mình. Ngoài nội dung kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08 tại địa phương và việc thực hiện các quy định về VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đoàn kiểm tra của các Bộ còn tiến hành kiểm tra các hoạt động theo chuyên ngành sâu của mình và đã đạt được kết quả như sau:
- Bộ Thuỷ sản: Ban hành Quyết định số 305/QĐ-BTS thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Thuỷ sản chủ trì tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác triển khai “Tháng hành động” năm 2006 của các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định. Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đầy đủ nội dung yêu cầu của Ban Chỉ đạo đề ra.
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra “Tháng hành động”, ngành thuỷ sản đã tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thuỷ sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành quản lý, ngăn chặn và xử lý việc lạm dụng hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản và kiểm soát dư lượng chất độc hại trong thuỷ sản.
- Bộ Công nghiệp: Ban hành Quyết định số 855/QĐ-BCN thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Công nghiệp chủ trì, tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác triển khai thực hiện “Tháng hành động” năm 2006 và đánh giá thực trạng công tác bảo đảm VSATTP tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.
- Bộ Công An: Cục Y tế Bộ Công an cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg tại các tỉnh Hà nội, Hưng Yên, Hà Nam do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì. Đồng thời, hưởng ứng “Tháng hành động” năm 2006 toàn ngành công an đã thành lập 79 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về chất lượng VSATTP tại các bếp ăn tập thể, căng tin của các đơn vị công an, các trường giáo dục, giáo dưỡng, trại giam. Kết quả kiểm tra 489 bếp ăn tập thể và căng tin có 476 cơ sở đạt yêu cầu về VSATTP (chiếm 97%).
- Bộ Quốc phòng: Cục Quân nhu Bộ Quốc phòng đã tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 4 bếp ăn tập thể có tổng số người ăn là 2.000 người của trung đoàn 98 sư đoàn 312 quân khu 5. Kết quả cho thấy các bếp ăn tập thể đều thực hiện tốt các quy định pháp luật về VSATTP và 10 quy định của Tổng Cục hậu cần – Bộ Quốc phòng về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quân đội.
- Bộ Giáo dục Đào tạo: Đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản pháp luật về VSATTP, đã phát hiện và xử lý kịp thời một số vụ việc có liên quan đến VSATTP trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Bộ Thương mại: Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại) đã chủ trì đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác triển khai “Tháng hành động” tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá (Theo Quyết định số 711/BTM-QLTT ngày 21/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại).
Ngoài ra, ngành Quản lý thị trường đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở dịch vụ, kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông, phân phối các loại thực phẩm được đẩy mạnh thành đợt cao điểm; lực lượng thanh tra quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm trong kinh doanh, phân phối thực phẩm.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đã thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành do Cục Thú Y và Cục Bảo vệ thực vật chủ trì tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và quá trình triển khai hoạt động trong “Tháng hành động” tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hoà Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đoàn thanh tra đã ghi nhận thực trạng và kiến nghị với các địa phương tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành các cấp; quy hoạch xây dựng và mở rộng quy mô các cơ sở giết mổ tập trung, vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn; đẩy mạnh và duy trì thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa bàn.
3. Chỉ đạo giải quyết một số sự kiện “nổi cộm” phát sinh trong “Tháng hành động” năm 2006:
- Trước thông tin trên Báo Lao động số ra ngày 06/3/2006 và báo Khoa học và Đời sống số ra ngày 06/3/2006 phản ánh việc ô nhiễm kim loại nặng và hoá chất độc hại trên rau ở Thanh Trì - Hà Nội, Bộ Y tế đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng lấy mẫu và kiểm tra. Ngày 9/5/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, các Sở, ban, ngành của Hà Nội, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì tìm biện pháp giải quyết. Trong buổi làm việc trên, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá thực trạng có hay không vấn đề ô nhiễm rau ở Thanh Trì - Hà Nội. Từ kết quả nghiên cứu của Hội đồng giúp cơ quan quản lý có những chỉ đạo tiếp để vừa bảo vệ được quyền lợi sức khoẻ người tiêu dùng, vừa bảo đảmquyền lợi cho người trồng rau.
- Theo phản ánh của dư luận về việc trường mẫu giáo tư thục Thanh Nguyên 2 (tại 22C Cao Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) sử dụng Dexamethasone trộn vào thức ăn nhằm tạo sự tăng cân giả tạo cho trẻ em và kết quả xét nghiệm số 003572/VVS-VSTP ngày 25/5/2006 của Viện Vệ sinh Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 04 mẫu thức ăn trong tổng số 5 mẫu có Dexamethasone, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có Công văn số 342/ATTP-CĐT ngày 05/6/2006 đề nghị Sở Y tế báo cáo với UBND tỉnh và tổ chức ngay đoàn thanh tra, kiểm tra xác minh thông tin báo chí đã nêu và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngày 08/6/2006 Bộ Y tế đã có Công văn số 4307/BYT-ATTP gửi UBND tỉnh Bình Thuận và 4308/BYT-ATTP gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thanh tra, kiểm tra công tác VSATTP tại các bếp ăn tập thể ở các trường học, đặc biệt là các trường mầm non và có biện pháp xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự.
4. Tình hình ngộ độc thực phẩm trong “Tháng hành động” năm 2006:
Theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, trong “Tháng hành động” năm 2006, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm, với 534 người mắc, trong đó có 14 người tử vong (10 người chết do ngộ độc nấm, 2 người chết do ngộ độc mật cá trắm, 2 người chết do ngộ độc rượu), so với năm 2005 là 17 vụ, 174 người mắc, 2 người tử vong.
Số vụ ngộ độc thực phẩm quy mô ³ 50 người mắc: 4 vụ với tổng số 265 người mắc.
Về nguyên nhân NĐTP cho thấy 31,8% số vụ do thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật; 22,7% do hoá chất; 18,2% do thực phẩm chứa chất độc tự nhiên; 27,3% là các vụ không xác định được nguyên nhân (Năm 2005 tỷ lệ nguyên nhân NĐTP tương ứng là 60% do vi sinh vật; 0% do hoá chất; 20% do thực phẩm độc, 20 % không rõ nguyên nhân).
So với năm 2005, tình hình ngộ độc thực phẩm xảy ra trong “Tháng hành động” năm 2006 tăng cao hơn hẳn, nổi cộm vẫn là tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể (quy mô ³ 50 người mắc) với 4 vụ và 256 người mắc; đặc biệt tình trạng ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm có độc tố tự nhiên tăng cao với 3 vụ ngộ độc nấm độc làm 10 người chết, 1 vụ ngộ độc mật cá trắm làm 2 người chết, 1 vụ ngộ độc rượu làm chết 2 người, điều này cho thấy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác truyền thông tới cộng đồng, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm của nhân dân trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Ngoài ra, số liệu ngộ độc thực phẩm tăng cao trong năm 2006 cũng phần nào phản ánh hiệu quả tích cực của công tác báo cáo, giám sát ngộ độc thực phẩm đã được các địa phương triển khai thực hiện chủ động, tích cực và đạt hiệu quả hơn và người dân cũng đã tích cực chủ động hơn trong khai báo ngộ độc thực phẩm.
1. Kết quả thực hiện:
“Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006 được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương triển khai thành công “Tháng hành động” năm 2006 trên phạm vi cả nước và thu được một số kết quả như sau:
- Công tác chuẩn bị cho “Tháng hành động” được tiến hành đúng tiến độ đề ra; hầu hết các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng VSATTP tại địa bàn theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo TW.
- Xã hội hoá công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, huy động sự tham gia tích cực về tinh thần và vật chất của các ngành, tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã thành lập hoặc củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08 (hoặc Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP) từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường do đồng chí Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban; các Ban, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương đã xác định được trách nhiệm của mình và cùng phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện công tác quản lý VSATTP, tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức và thanh tra, kiểm tra chất lượng, VSATTP. “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” là hoạt động thường niên được chú trọng không chỉ riêng trong ngành y tế mà còn được sự quan tâm của nhiều Bộ, ngành liên quan và của các địa phương.
- Mặc dù công tác truyền thông, giáo dục về VSATTP chưa đạt kết quả như mong muốn do kinh phí hạn hẹp, trình độ nhận thức của nhân dân, đặc biệt đồng bào tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi về VSATTP còn nhiều hạn chế, nhưng hoạt động truyền thông được ghi nhận có nội dung và hình thức phong phú, đa dạng và có hiệu quả cao. Với sự tham gia của các ngành, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đưa các tin, bài, phóng sự đã phản ánh được những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhạy cảm trong công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, được truyền tải dưới nhiều hình thức và đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội.
- Công tác thanh tra, kiểm tra của liên ngành ở Trung ương và địa phương đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận với sự tham gia của các ngành Y tế, Quản lý thị trường, Công an, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Công nghiệp, Khoa học - Công nghệ, Uỷ ban nhân dân các cấp. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được các Ban, ngành, địa phương duy trìthường xuyên và triển khai tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước; góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Nhìn chung, sau chiến dịch “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006 nhận thức của người tiêu dùng về VSATTP và các kiến thức khoa học về VSATTP đã được nâng cao, góp phần tích cực cho các hoạt động bảo đảm chất lượng, VSATTP.
2. Tồn tại:
a) Mặc dù công tác truyền thông giáo dục về VSATTP của ngành y tế cũng như của các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt đồng bào tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi về vấn đề VSATTP còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về VSATTP còn tồn tại ở một số nơi, một số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh và cả trong tiêu dùng thực phẩm. Cụ thể như:
- Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố đang là vấn đề bức xúc hiện nay, tình trạng thực phẩm đã chế biến sẵn bán tại các chợ rất phổ biến, nhất là điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ chế biến và vệ sinh cá nhân người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm.
- Tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm có độc tố tự nhiên (đặc biệt là nấm độc, mật cá trắm, rượu) vẫn còn tái diễn với số người tử vong vẫn còn ở mức cao. Một số nơi, nhất là ở các tỉnh ven biển miền Trung tình trạng kinh doanh, chế biến, sử dụng cá nóc vẫn còn tiếp diễn.
- Tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép vẫn còn phổ biến.
b) Ở nhiều địa phương, công tác bảo đảm VSATTP chưa được sự quan tâm đúng mức của lãnh chính quyền các cấp, một số địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP, hoặc đã thành lập nhưng hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành không thường xuyên và kém hiệu quả nhất là ở các cấp xã, phường. Ở nhiều địa phương công tác bảo đảm VSATTP còn khoán trắng cho ngành y tế, do đó hiệu quả công tác bảo đảm VSATTP chưa cao, chưa huy động triệt để tính xã hội hoá trong các hoạt động bảo đảm VSATTP.
c) Công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm:
- Công tác kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh giết mổ gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, mô hình giết mổ tập trung còn quá ít, chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ, ở ngay trong khu dân cư.
- Tình hình thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất độc hại vẫn đang là vấn đề tồn tại lớn. Tình trạng sử dụng thuốc tăng trọng trong chăn nuôi còn khá phổ biến. Công tác quản lý việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt là thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép sử dụng còn gặp nhiều khó khăn, vẫn chưa có bước chuyển biến tích cực.
- Công tác kiểm soát VSATTP thuỷ sản lưu thông nội địa vẫn chưa được cải thiện rõ rệt so với các năm trước.
d) Công tác quản lý thực phẩm nhập khẩu qua biên giới, nhất là theo đường tiểu ngạch hiện vẫn chưa kiểm soát được.
đ) Đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, nhất là ở tuyến xã, phường và huyện, thị xã đa số là cán bộ kiêm nhiệm. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra về VSATTP ở nhiều địa phương không được triển khai thường xuyên mà chỉ tập trung vào những dịp “cao điểm” như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”.
3. Bài học kinh nghiệm:
a) Sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền, phối hợp liên ngành và đoàn thể ở địa phương đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, đặc biệt là vai trò và sự tham gia tích cực của tuyến xã, phường.
Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu Chính quyền địa phương quan tâm đến công tác bảo đảm chất lượng, VSATTP thì ở đó kết quả triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng, VSATTP thường thu được kết quả tốt hơn.
b) Tăng cường công tác truyền thông về Pháp lệnh VSATTP, Nghị định 163 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; nêu cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về VSATTP. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ của cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình kịp thời phản ánh những bất cập, những hạn chế trong công tác quản lý thực phẩm, tạo mối quan tâm thực sự của đông đảo quần chúng đối với vấn đề VSATTP, đồng thời phát hiện và biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm VSATTP.
c) Duy trì và tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về VSATTP, xử lý kịp thời những vi phạm về VSATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống.
1. Kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp, trong đó Uỷ ban nhân dân các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm VSATTP, lãnh đạo và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm VSATTP tại địa phương.
2. Tiếp tục đầu tư hơn nữa cho các hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức về VSATTP; hỗ trợ thêm kinh phí, tài liệu truyền thông và kiến thức chuyên môn cho các tuyên truyền viên vệ sinh an toàn thực phẩm cấp xã, phường, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường xã hội hoá trong hoạt động truyền thông giáo dục phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và kiến thức về VSATTP cho các đối tượng dưới nhiều hình thức để đạt hiệu quả cao hơn.
3. Xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành VSATTP đủ mạnh về số lượng và thẩm quyền giúp đưa công tác bảo đảm chất lượng VSATTP từng bước đi vào nề nếp.
4. Tăng cường đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm VSATTP chuyên sâu, hiện đại đủ năng lực kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế cho các Trung tâm kiểm nghiệm VSATTP quốc gia và trang bị test kit kiểm tra nhanh VSATTP cho tuyến quận, huyện để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên tại địa bàn.
5. Cần tăng cường phối hợp liên ngành hơn nữa giữa ngành Y tế, Văn hoá thông tin và các Ban, ngành liên quan trong quản lý hoạt động quảng cáo về thực phẩm.
6. Tăng cường giám sát chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngay từ nguyên liệu thực phẩm và quá trình sản xuất:
- Xây dựng các vùng nguyên liệu an toàn (vùng rau an toàn, thịt, cá an toàn).
- Đẩy mạnh áp dụng hệ thống HACCP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Củng cố hệ thống báo cáo ngộ độc thực phẩm tại các đơn vị và tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm thực phẩm tại các địa phương. Huy động cộng đồng, các tổ chức và cá nhân tham gia vào công tác giám sát và báo cáo ngộ độc thực phẩm.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2006. Bộ Y tế với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg trân trọng báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
|
BỘ
TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ
08/1999/CT-TTg |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây