Quyết định 163/QĐ-BTNMT năm 2025 công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Sê San do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Quyết định 163/QĐ-BTNMT năm 2025 công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Sê San do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Số hiệu: | 163/QĐ-BTNMT | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Người ký: | Lê Minh Ngân |
Ngày ban hành: | 14/01/2025 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 163/QĐ-BTNMT |
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Người ký: | Lê Minh Ngân |
Ngày ban hành: | 14/01/2025 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
BỘ TÀI
NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG |
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 163/QĐ-BTNMT |
Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2025 |
VỀ VIỆC CÔNG BỐ KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG SÊ SAN
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Trên cơ sở các thông tin, số liệu của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Sê San và Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Sê San, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu công bố: phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.
Làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
2. Nội dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
3. Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).
(Chi tiết Kịch bản nguồn nước kèm theo Quyết định này)
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức, thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai và Kon Tum trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
2. Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai và Kon Tum và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Sê San.
4. Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Sê San trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai và Kon Tum chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG |
KỊCH BẢN NGUỒN NƯỚC (LẦN ĐẦU) TRÊN LƯU VỰC SÔNG SÊ SAN
(Kèm theo Quyết định số: 163/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Sê San được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 35 của Luật Tài nguyên nước; Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [1] và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [2]; hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và thông tin, số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, quan trọng trên lưu vực sông Sê San cung cấp.
Phạm vi xây dựng kịch bản trên toàn bộ lưu vực sông Sê San, được phân chia thành 06 (sáu) tiểu vùng theo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kịch bản nguồn nước). Kỳ công bố Kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).
Nội dung Kịch bản nguồn nước (lần đầu) thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, gồm những nội dung chính sau:
I. HIỆN TRẠNG NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG SÊ SAN
1. Hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt
Tổng lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024 trên lưu vực sông Sê San phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN[3]) từ 10% đến 30%.
Tổng lượng dòng chảy mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024) trên lưu vực sông Sê San thấp hơn trung bình thời kỳ (TBTK[4]), trong đó, tổng lượng dòng chảy trên sông Đăk Bla thấp hơn TBTK từ 60% đến 91%; trên sông Đăk Tơ Kan phổ biến thấp hơn từ 5% đến 30%, riêng tháng 12 cao hơn 17%; trên sông Pô Kô cao hơn từ 12% đến 19%, riêng tháng 8 thấp hơn 33%.
2. Hiện trạng nguồn nước dưới đất
Nước dưới đất trên lưu vực sông Sê San gồm các tầng chứa nước lỗ hổng (qh, qp) trong trầm tích Đệ tứ phân bố rải rác dọc các sông ở các tiểu vùng Hạ Đắk Bla, Trung Sê San với diện tích khoảng 1.236 km²; các tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng trong đá phun trào bazan (tầng β(qp), β(n2-qp)) phân bố chủ yếu ở các tiểu vùng Trung Sê San, Hạ Sê San, Thượng Đắk Bla và Hạ Đắk Bla với diện tích khoảng 2.192 km²; các tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích phân bố chủ yếu ở các tiểu vùng Trung Sê San, Hạ Sê San và Hạ Đắk Bla với diện tích khoảng 3.513 km².
Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất trên toàn lưu vực sông Sê San khoảng 2,5 triệu m³/ngày đêm, hiện đang khai thác khoảng 0,51 triệu m³/ngày đêm (khoảng 20,4%). Trong đó 13 công trình cấp nước tập trung với tổng lưu lượng 3.880 m³/ngày đêm (tỉnh Kon Tum) và 210 công trình cấp nước tập trung với tổng lưu lượng 12.500 m³/ngày đêm (tỉnh Gia Lai), khai thác trong các tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng trong đá phun trào bazan để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ngoài ra còn rất nhiều giếng khai thác ở quy mô đơn lẻ và giếng khai thác nông thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, chiếm tỷ lệ lớn.
Theo số liệu quan trắc mực nước từ năm 2016 đến nay cho thấy chiều sâu mực nước trong các tầng chứa nước khoảng 2,2-19,1m (đảm bảo quy định không vượt quá 50m đối với các tầng chứa nước trong đá bazan, khe nứt; không vượt quá 30m đối với các tầng chứa nước lỗ hổng), mực nước của các tầng chứa nước hầu hết có xu thế ổn định, một số khu vực có xu hướng dâng nhẹ, nguyên nhân chủ yếu có thể do sự thay đổi về lượng bổ cập (từ mưa) qua các năm tạo nên xu thế dâng nhẹ cho các tầng chứa nước.
3. Hiện trạng tích nước của các hồ chứa
3.1. Đối với các hồ chứa thủy điện
Trên lưu vực sông Sê San có khoảng 51 công trình thủy điện với tổng dung tích thiết kế khoảng 3.594 triệu m³, trong đó 04 hồ chứa thủy điện lớn, điều tiết năm trên lưu vực gồm: Ialy, PleiKrông, Sê San 4 và Thượng Kon Tum. Hồ Thượng Kon Tum là công trình chuyển nước từ lưu vực sông Sê San sang lưu vực sông Trà Khúc. 03 hồ chứa Ialy, PleiKrông, Sê San 4 ngoài vai trò cấp nước cho hạ du còn có nhiệm vụ phối hợp vận hành để đảm bảo duy trì dòng chảy hạ du sông Sê San không nhỏ hơn 195 m³/s.
Tính đến đầu mùa cạn năm 2025, tổng lượng nước tích trữ được trong 03 hồ chứa Ialy, PleiKrông, Sê San 4 khoảng 2,88 tỷ m³, đạt 96,6% dung tích toàn bộ (2,98 tỷ m³) cao hơn trung bình thời kỳ 2015 - 2024 khoảng 6,4% và cao hơn 11,6% so với năm 2024 (2,58 tỷ m³).
Bảng 1. Lượng nước tích trữ tại 3 hồ chứa thủy điện lớn (ngày 01/01/2025)
STT |
Tên hồ chứa |
MNDBT (m) |
Mực nước hồ (m) |
Dung tích hồ (triệu m³) |
||
Dung tích toàn bộ |
Dung tích ngày 01/01/2025 |
TB thời kỳ (2015-2024) |
||||
1 |
Ialy |
515 |
513,67 |
1.037,10 |
985,39 |
936,30 |
2 |
PleiKrông |
570 |
569,77 |
1.048,70 |
1.037,10 |
983,61 |
3 |
Sê San 4 |
215 |
214,31 |
893,30 |
856,88 |
785,70 |
|
Tổng |
|
|
2.979,10 |
2.879,37 |
2.705,61 |
3.2. Đối với các hồ chứa thủy lợi
Trên lưu vực sông Sê San có khoảng 135 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích toàn bộ khoảng 125 triệu m³. Trong đó, có 06 hồ có dung tích từ 3 triệu m³ (tổng dung tích khoảng 63,192 triệu m³); 26 hồ có dung tích từ 1 triệu m³ (tổng dung tích khoảng 99 triệu m³).
Các hồ chứa thủy lợi tập trung nhiều tại tiểu vùng Trung Sê San (45 hồ, tổng dung tích thiết kế khoảng 55 triệu m³, trong đó có 02 hồ chứa lớn: hồ Đăk Uy và Đăk Rơn Ga), tiểu vùng Hạ Sê San (54 hồ, tổng dung tích thiết kế khoảng 36 triệu m³, trong đó có 02 hồ chứa lớn: hồ Biển Hồ và Tân Sơn), tiểu vùng hạ Đắk Bla (22 hồ, tổng dung tích thiết kế khoảng 27,7 triệu m³, trong đó có 02 hồ chứa lớn: hồ Đăk Loh và Đăk Yên). Tiểu vùng Thượng Sê San, Thượng Đắk Bla, Sa Thầy có số lượng hồ chứa ít nhất, chỉ có khoảng 04 đến 07 hồ chứa, chủ yếu là các hồ có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m³.
Tính đến thời điểm đầu tháng 01/2025, dung tích trữ của 06 hồ chứa lớn (hồ Tân Sơn, Biển Hồ B thuộc tỉnh Gia Lai; hồ Đăk Loh, Đăk Uy, Đăk Yên, Đăk Rơn Ga thuộc tỉnh Kon Tum) ở mức trên 91% dung tích thiết kế; các hồ chứa dung tích từ 1 - 3 triệu m³ đạt 75% dung tích thiết kế trở lên, riêng các hồ chứa Đăk Rơ Wa, Đăk Chà Mòn I (tiểu vùng Hạ Đắk Bla), hồ chứa C1 (tiểu vùng Trung Sê San) dung tích hiện còn 50 - 70% dung tích thiết kế.
1. Hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương. Dự báo trong 06 tháng đầu năm 2025, ENSO tiếp tục có khả năng ở trạng thái trung tính. Từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2025, nắng nóng gia tăng hơn về cường độ và tần suất. Nhiệt độ cao nhất trong các đợt nắng nóng có thể tăng lên ngưỡng từ 380C đến 40⁰C.
2. Tổng lượng mưa trên lưu vực sông Sê San phổ biến xấp xỉ và cao hơn TBNN, trong đó: từ tháng 01-3/2025 phổ biến cao hơn TBNN 5-15mm; các tháng 4, 5, 6/2025 xấp xỉ so với TBNN, có nơi thấp hơn từ 5% đến 15% TBNN.
Tổng lượng dòng chảy trên sông Đăk Bla đến hồ chứa Thượng Kon Tum có xu thế cao hơn TBTK từ 7% đến 13%. Tổng lượng dòng chảy trên sông Pô Kô đến hồ chứa PleiKrông có xu thế thấp hơn TBTK từ 10% đến 35%. Tổng lượng dòng chảy trên sông Sê San đến hồ chứa Ialy và Sê san 4 có xu thế cao hơn TBTK từ 10% đến 30% trong các tháng từ tháng 02 đến tháng 5, riêng tháng 1 và tháng 6 có xu thế thấp TBTK từ 10% đến 20%.
Tổng lượng dòng chảy trên các sông nhánh phổ biến ở mức thấp hơn TBTK từ 30-80%, riêng sông Đăk Tơ Kan cao hơn từ 50% đến 100%.
3. Mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất
Kết quả quan trắc mực nước tại 42 công trình quan trắc thuộc mạng quan trắc quốc gia trên lưu vực sông Sê San trong giai đoạn 2016 - 2024 cho thấy:
- Các tầng chứa nước lỗ hổng (qh, qp) trong trầm tích Đệ tứ có xu hướng ổn định và dâng nhẹ so với TBNN (tăng khoảng 0,10 m/năm), dao động trong khoảng 0,77 - 8,95m.
- Các tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng trong đá phun trào bazan cho thấy mực nước có xu hướng dâng nhẹ (khoảng 0,11 m/năm đối với TCNβ(qp) và tăng khoảng 0,09m/năm đối với TCNβ(n2-qp), mực nước dao động trong khoảng trong khoảng 0,51 - 19,09m.
- Các tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích cho thấy mực nước tương đối ổn định, dao động trong khoảng từ 0,88 - 16,93m.
Hình 1. Diễn biến và xu thế mực nước trong các tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng trong đá phun trào bazan lưu vực sông Sê San
III. NHU CẦU KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC CỦA CÁC NGÀNH TRONG KỲ CÔNG BỐ KỊCH BẢN
Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Sê San khoảng 445,8 triệu m³, trong đó tiểu vùng Thượng Đăk Bla khoảng 73,4 triệu m³, tiểu vùng Hạ Đăk Bla khoảng 136,5 triệu m³, tiểu vùng Thượng Sê San khoảng 14,5 triệu m³, tiểu vùng Trung Sê San khoảng 71,6 triệu m³, tiểu vùng Hạ Sê San khoảng 134,1 triệu m³ và tiểu vùng Sa Thầy khoảng 15,7 triệu m³. Tiểu vùng lưu vực sông Hạ Đăk Bla, Hạ Sê San là khu vực có nhu cầu khai thác, sử dụng nước lớn nhất. Nhu cầu về nguồn nước của một số ngành sử dụng nước chính trên lưu vực như sau:
1. Nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp
Tổng nhu cầu nước khai thác cấp cho sinh hoạt, công nghiệp trên lưu vực khoảng 21,6 triệu m³. Tổng số công trình cấp nước tập trung (quy mô khai thác từ 500 m³/ngày đêm đối với khai thác nước mặt và từ 50 m³/ngày đêm đối với khai thác nước dưới đất) trên toàn lưu vực là 269 công trình[5] với tổng lượng nước khai thác khoảng 8,3 triệu m³, trong đó:
- 46 công trình cấp nước tập trung (quy mô từ 500 m³/ngày đêm trở lên) khai thác nước mặt với tổng lưu lượng là 29.510 m³/ngày đêm, khai thác chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn (hồ Biển Hồ A, hồ Sê San 4, hồ Chà Mòn, hồ Đăk Rơn Ga, hồ Đăk Long, hồ Lạc Long Quân). Tuy nhiên, lượng nước khai thác thực tế tại một số nhà máy nước chỉ đạt khoảng 50% lưu lượng thiết kế. Một số nhà máy có tỷ lệ thất thoát nước lớn trong hệ thống (đặc biệt nhà máy Biển Hồ, Nhà máy nước Sài Gòn Pleiku có tỷ lệ thất thoát lên đến 40%). Ngoài ra, phần lớn các công trình cấp nước trên lưu vực là công trình cấp nước tự chảy sử dụng nguồn nước mặt, phụ thuộc vào nguồn nước mưa, dòng chảy tự nhiên trên sông, suối.
- 223 công trình cấp nước tập trung (quy mô từ 50 m³/ngày đêm trở lên) khai thác nguồn nước dưới đất với tổng lưu lượng là 16.380 m³/ngày đêm, khai thác nhiều nhất trong tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng trong đá phun trào bazan. Ngoài ra, còn rất nhiều giếng khai thác ở quy mô đơn lẻ và giếng khai thác nông thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, chiếm tỷ lệ lớn.
2. Nhu cầu nước cho nông nghiệp
Tổng nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp [6] trên lưu vực sông Sê San khoảng 408,68 triệu m³, trong đó tiểu vùng Hạ Đắk Bla và Hạ Sê San có nhu cầu sử dụng nước nhiều nhất, chiếm 45,8%. Nguồn nước sử dụng cho nông nghiệp chủ yếu là nguồn nước mặt.
Phần lớn các công trình thủy lợi trên lưu vực chủ yếu là công trình có quy mô vừa và nhỏ (khoảng 120/135 hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m³), khả năng điều tiết giữa các thời kỳ trong năm là hạn chế. Hiện tại, hệ thống các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực chỉ đáp ứng khoảng hơn 20% tổng diện tích cần tưới, phần lớn diện tích còn lại chưa chủ động được nguồn nước mà phải dựa vào nguồn nước mưa, nước ngầm và sông suối tự nhiên. Do đặc điểm canh tác, phần lớn các diện tích cây công nghiệp (cà phê, tiêu, điều) được trồng trên các sườn đồi, do đó, khó tiếp cận nguồn nước từ các công trình hồ chứa, đập dâng thủy lợi.
3. Nhu cầu nước cho sản xuất thủy điện
Trên lưu vực sông Sê San có khoảng 51 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 2.540 MW, trong đó 08 công trình thủy điện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San (hồ Ialy, PleiKrông, Sê San 4, Thượng Kon Tum, Sê San 4A, Đăk Bla 1, Sê San 3, Sê San 3A có tổng công suất là 1.850 MW) chiếm 72,8% tổng công suất các nhà máy thủy điện trên lưu vực. Nhu cầu khai thác nước cho sản xuất thủy điện của 08 công trình nêu trên chiếm tỷ lệ lớn so với tổng nhu cầu khai thác nước cho sản xuất thủy điện trên lưu vực.
Trong đó, 03 hồ chứa Ialy, PleiKrông, Sê San 4 khai thác nguồn nước dòng chính sông Sê San, đóng góp đáng kể vào sản lượng điện trên lưu vực sông Sê San lên hệ thống điện quốc gia, đồng thời, thông qua việc vận hành xả nước phát điện từ 03 hồ chứa này góp phần đảm bảo nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đảm bảo duy trì dòng chảy phía hạ du sông Sê San.
Theo kế hoạch, tổng nhu cầu nước phục vụ sản xuất thủy điện của 03 nhà máy thủy điện Ialy, PleiKrông, Sê San 4 trung bình thời kỳ từ tháng 01/2025 - 6/2025 khoảng 7,1 tỷ m³ (tương đương sản lượng điện 2.020 triệu kWh), cao hơn khoảng 3,1% so với trung bình thời kỳ 2022-2024 (1.960 triệu kWh)[7], cao hơn 24,3% so với mùa cạn năm 2024 (1.625 triệu kWh).
IV. TRẠNG THÁI CỦA NGUỒN NƯỚC TRÊN LƯU VỰC SÔNG SÊ SAN
Trên cơ sở thông tin, số liệu về hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của các hồ chứa quan trọng, nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong tầng chứa nước dưới đất, dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông, có thể nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Sê San trong mùa cạn năm 2025 ở “Trạng thái bình thường”. Để đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp, các nhu cầu sử dụng nước khác và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng nhằm giảm thiểu rủi ro khả năng thiếu nước do việc khai thác, sử dụng nước không hiệu quả, lãng phí, việc đánh giá theo các vùng, các nguồn nước cụ thể như sau:
- Mức độ đáp ứng của nguồn nước của 03 hồ Ialy, Pleikrông, Sê San 4 cho nhu cầu phát điện, nhu cầu sử dụng nước khác ở hạ du, có xét đến yêu cầu duy trì dòng chảy hạ du sông Sê San.
- Mức độ đáp ứng của nguồn nước trên các tiểu vùng cho các nhu cầu sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp (nằm ngoài phạm vi điều tiết của 03 hồ Ialy, Pleikrông, Sê San 4).
1. Đối với 03 hồ chứa thủy điện lớn trên lưu vực
- Trường hợp 1: nhu cầu phát điện dự kiến, nhu cầu sử dụng nước khác ở hạ du và có xét đến yêu cầu duy trì dòng chảy ở hạ du sông Sê San phía Campuchia với lưu lượng liên tục không nhỏ hơn 195 m³/s.
- Trường hợp 2: nhu cầu phát điện dự kiến, nhu cầu sử dụng nước khác ở hạ du và có xét đến yêu cầu duy trì dòng chảy ở hạ du sông Sê San phía Campuchia với lưu lượng liên tục không nhỏ hơn 160 m³/s.
- Trường hợp 3: nhu cầu phát điện dự kiến, nhu cầu sử dụng nước khác ở hạ du và có xét đến yêu cầu duy trì dòng chảy ở hạ du sông Sê San phía Campuchia với lưu lượng liên tục không nhỏ hơn 120 m³/s.
Hình 2. Nhận định xu thế diễn biến tổng dung tích 03 hồ chứa
Như vậy, mặc dù về tổng thể thì nguồn nước của 03 hồ chứa cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du, nhưng nếu 03 hồ vận hành đảm bảo duy trì lưu lượng xả về hạ du sông Sê San liên tục không nhỏ hơn 195 m³/s trong suốt thời gian mùa cạn, thì nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước, ảnh hưởng đến vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và an toàn của hệ thống công trình thủy điện trên lưu vực sông Sê San, đặc biệt vào các tháng cuối mùa cạn, xảy ra nắng nóng diện rộng, ít mưa.
2. Đối với các tiểu vùng trên lưu vực sông Sê San
Trên cơ sở hiện trạng nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, hiện trạng cấp nước của hệ thống công trình thủy lợi, nhu cầu khai thác, sử dụng, dự báo diễn biến thời tiết, khí hậu trên lưu vực, nguồn nước trên 06 tiểu vùng thuộc lưu vực sông Sê San trong mùa cạn năm 2025 cơ bản ở trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình, hệ thống sông, suối nhỏ hẹp, độ dốc lớn nên khả năng giữ nước rất hạn chế và mùa khô kéo dài, lượng mưa ít, độ ẩm giảm mạnh, lượng bốc hơi lớn là các yếu tố bất lợi dẫn đến nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước mang tính cục bộ có thể xảy ra ở một số khu vực, đặc biệt là các khu vực có hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ, hồ chứa có dung tích nhỏ và các khu vực ngoài phạm vi cấp nước của hồ chứa phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước mưa, cụ thể như sau:
2.1. Tiểu vùng Thượng Sê San
Tiểu vùng Thượng Sê San có một phần diện tích thuộc 03 huyện: Ngọc Hồi, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, là tiểu vùng có nhu cầu sử dụng nước tương đối ít. Nguồn nước mặt dồi dào, các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sê San (phía thượng nguồn), sông Đắk Rơ Long, sông Đắk Pru và sông Đắk Na.
Toàn vùng hiện có 4 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 02 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m³/s trở lên. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của vùng, ít có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước trong các tháng mùa cạn năm 2025.
2.2. Tiểu vùng Trung Sê San
Tiểu vùng Trung Sê San có một phần diện tích thuộc 06 huyện/thành phố: Sa Thầy, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đắk Hà, Đắk Tô, TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sê San (phía trung lưu), sông Đắk Uy, sông Đăk Ta Kan, sông Đăk Psi.
Toàn vùng hiện có 45 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 9 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m³/s trở lên. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa lớn đã tích được trên 85% so với dung tích thiết kế (hồ Đăk Uy đạt 97% dung tích thiết kế, hồ Đăk Rơn Ga đạt 100% dung tích thiết kế, hồ C19 đạt 86% dung tích thiết kế), có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, một số khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có hệ thống cấp nước chủ động từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực vẫn có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực thuộc các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, TP. Kon Tum.
2.3. Tiểu vùng Thượng Đắk Bla
Tiểu vùng Thượng Đắk Bla có một phần diện tích thuộc 05 huyện: Tu Mơ Rông, Đắk Hà, Kon Rẫy, Kon Plong thuộc tỉnh Kon Tum và Kbang thuộc tỉnh Gia Lai. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Đăk Bla, suối Măng Ke, sông Kon Keng, sông Đăk Pơ Ne.
Toàn vùng hiện có 5 hồ chứa thủy lợi, trong đó các hồ đều có dung tích dưới 1 triệu m³/s, riêng huyện Kbang chưa có công trình hồ chứa tích trữ nước. Theo quy hoạch dự kiến bổ sung các hồ Dak Tô Long, hồ Suối Lơ.
Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, một số khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có công trình hồ chứa tích trữ nước vẫn có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực thuộc huyện Đăk Hà, thuộc tỉnh Kon Tum và huyện Kbang thuộc tỉnh Gia Lai.
2.4. Tiểu vùng Hạ Đắk Bla
Tiểu vùng Hạ Đắk Bla có một phần diện tích thuộc 07 huyện/thành phố: Ia Grai, Đắk Đoa, Chư Păh, TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai; Đắk Hà, Kon Rẫy, TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Đây là vùng có mật độ tập trung dân cư và kinh tế xã hội, nhu cầu khai thác, sử dụng nước nhiều. Nguồn nước mặt và nước dưới đất tương đối dồi dào. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Đắk Bla, Đắk Cấm, Đắk Ne.
Toàn vùng hiện có 24 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 9 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m³/s trở lên. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa lớn đã tích được trên 90% so với dung tích thiết kế (hồ Đăk Yên đạt 91% dung tích thiết kế, hồ Đăk Loh đạt 100% dung tích thiết kế), có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, các khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có hệ thống cấp nước chủ động từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên tiểu vùng vẫn có nguy cơ cao thiếu hụt nguồn nước.
2.5. Tiểu vùng Hạ Sê San
Tiểu vùng Hạ Sê San có một phần diện tích thuộc 07 huyện/thành phố: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Păh, TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai; Ia H'Drai, Sa Thầy, TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Đây là vùng có mật độ tập trung dân cư và kinh tế xã hội, nhu cầu khai thác, sử dụng nước nhiều. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sê San (phía hạ lưu), sông Ia Krel, sông Ia Nhinh.
Toàn vùng hiện có 54 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 6 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m³/s trở lên và theo quy hoạch dự kiến bổ sung các hồ Ia Kiâm 3, Làng Canh, Ia Rơ Dung. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa lớn đã tích được trên 90% so với dung tích thiết kế (hồ Biển Hồ đạt 99% dung tích thiết kế, hồ Đăk Yên đạt 91% dung tích thiết kế), có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, một số khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có công trình hồ chứa tích trữ nước vẫn có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực thuộc các huyện Ia Grai, Chư Păh, TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai và TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum.
2.6. Tiểu vùng Sa Thầy
Tiểu vùng Sa Thầy có một phần diện tích thuộc 03 huyện/thành phố: Ia H'Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum, là tiểu vùng có nhu cầu sử dụng nước tương đối ít. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sa Thầy, sông Ia Tri.
Toàn vùng hiện có 7 hồ chứa thủy lợi, trong đó các hồ đều có dung tích dưới 1 triệu m³/s. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của vùng, trong các tháng mùa cạn năm 2025 ít có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước.
Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Sê San, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và các yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các tiểu vùng, tiểu lưu vực sông cơ bản ở Trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác bảo đảm đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố kịch bản vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, trong đó:
- Nguồn nước của 03 hồ chứa Ialy, Pleikrông, Sê San 4 cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước phục vụ phát điện theo kế hoạch trong mùa cạn năm 2025. Tuy nhiên, nếu duy trì dòng chảy liên tục ở hạ du sông Sê San (sau Sê San 4A), thì nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước, ảnh hưởng đến vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và an toàn của hệ thống công trình thủy điện trên lưu vực sông Sê San, đặc biệt vào các tháng cuối mùa cạn, xảy ra nắng nóng diện rộng, ít mưa.
Hiện nay, phía hạ du sông Sê San (bên phía Campuchia) có công trình thủy điện Hạ Sê San 2 đã đi vào vận hành cuối năm 2017, công suất 400MW, dung tích hồ chứa khoảng 2,715 tỷ m³, tuyến đập nằm cách biên giới Việt Nam khoảng 250km, đuôi hồ chứa cách biên giới Việt Nam khoảng 150km. Với dung tích lớn, hồ chứa thủy điện Hạ Sê San 2 điều tiết lại được nguồn nước sẽ giảm áp lực về đảm bảo duy trì dòng chảy trên sông Sê San của hệ thống hồ chứa phía Việt Nam.
- Một số khu vực thuộc các huyện Kbang, Ia Grai, Đắk Đoa, Chư Păh, TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai; Đắk Hà, Kon Rẫy, TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ nguyên nhân chính là do thiếu các công trình khai thác nước, công trình, hệ thống công trình thủy lợi, nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa trong các tháng 5, 6/2025.
Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương [8]. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, và bảo đảm lưu thông dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
- Chỉ đạo rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng tiểu vùng trên lưu vực. Đặc biệt là các khu vực có nguồn nước dưới đất hạn chế, khu vực khó khăn để khai thác nguồn nước mặt (khu vực có địa hình có độ dốc lớn, bị chia cắt), khu vực thiếu các công trình tích trữ nước, hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp.
3. Bộ Công Thương
Chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa trên cơ sở tuân thủ quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.
Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng dòng chảy trên lưu vực sông Sê San, hiện trạng khai thác, sử dụng nước ở hạ du làm cơ sở tính toán, đề xuất giá trị dòng chảy cần duy trì dòng chảy về phía hạ du Campuchia cho phù hợp với năng lực, an toàn hệ thống công trình thủy điện trên lưu vực, an ninh năng lượng và hiện trạng công trình khai thác, sử dụng và công trình điều tiết trên sông Sê San phía hạ lưu Campuchia.
4. Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
5. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum
- Rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
- Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước (tiểu vùng Trung Sê San, Thượng Đắk Bla, Hạ Đắk Bla và Hạ Sê San).
- Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ và các công trình trữ nước quy mô hộ gia đình, công trình thu trữ nước trên đất dốc; ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để mở rộng diện tích tưới; khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
- Xây dựng, nâng cấp hệ thống dẫn nước từ các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí; đối với các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ chỉ điều tiết nước cho hoạt động tưới khi thực sự có nhu cầu.
- Giám sát chặt chẽ yêu cầu xả dòng chảy về hạ du các hồ chứa thủy điện trên lưu vực, đặc biệt là hồ Thượng Kon Tum.
- Tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước thuộc các huyện: Đắk Tô, Đắk Hà, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kbang (tỉnh Kon Tum); Đăk Đoa, Ia Grai, Đức Cơ, Kbang, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cần đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa, đập dâng; cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi; xây dựng, nâng cao năng lực cấp nước của các nhà máy cấp nước tập trung để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân.
- Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai: nâng cấp, cải tạo mạng lưới cấp nước của các nhà máy nước khai thác nguồn nước Biển Hồ A (Nhà máy nước Biển Hồ, Nhà máy nước Sài Gòn Pleiku), giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hệ thống, đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định cho người dân.
- Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ và các công trình trữ nước quy mô hộ gia đình, công trình thu trữ nước trên đất dốc; ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để mở rộng diện tích tưới, đồng thời rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm nhu cầu sử dụng nước tưới tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.
- Khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; tăng cường giám sát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất, trong đó lưu ý việc khai thác nước dưới đất để tưới cho các cây công nghiệp; có giải pháp khai thác luân phiên nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất, tránh việc khai thác nước dưới đất quá mức gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
- Sớm hoàn thiện việc kiểm kê tài nguyên nước trong đó có nội dung kiểm kê các công trình khai thác nước dưới đất trên toàn bộ lưu vực sông (theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025); khẩn trương rà soát, phê duyệt kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trong đó xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các khu vực, các tầng chứa nước.
- Tăng cường điều tra, tìm kiếm, đánh giá các khu vực, nguồn nước dưới đất có tiềm năng bổ cập và khai thác để bố trí, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tích trữ nước mưa, nước mặt, bổ sung nhân tạo nước dưới đất để phục vụ cấp nước trong mùa khô.
PHẠM VI XÂY DỰNG KỊCH BẢN
(Kèm theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Sê San theo Quyết
định số 163/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường)
Sơ đồ phạm
vi xây dựng kịch bản lưu vực sông Sê San
(phần diện tích thuộc lãnh thổ Việt Nam)
TT |
Tiểu vùng |
Diện tích (km²) |
Phạm vi |
I |
Thượng Đắk Bla |
1.514 |
03 xã huyện Kbang thuộc tỉnh Gia Lai; 01 xã huyện Tu Mơ Rông, 01 xã huyện Đắk Hà, 03 xã huyện Kon Rẫy, 06 xã huyện Kon Plong thuộc tỉnh Kon Tum |
II |
Hạ Đắk Bla |
1.886 |
1 xã huyện Ia Grai, 14 xã huyện Đắk Đoa, 5 xã huyện Chư Păh, 19 xã/phường TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai; 5 xã huyện Đắk Hà, 4 xã huyện Kon Rẫy, 21 xã/phường TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum |
III |
Thượng Sê San |
1.051 |
1 xã huyện Ngọc Hồi, 8 xã huyện Đắk Glei, 4 xã huyện Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum |
IV |
Trung Sê San |
2.361 |
1 xã huyện Sa Thầy; 5 xã huyện Ngọc Hồi, 6 xã huyện Tu Mơ Rông, 5 xã huyện Đắk Hà, 9 xã huyện Đắk Tô, 1 xã TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum |
V |
Hạ Sê San |
3.132 |
12 xã huyện Ia Grai, 7 xã huyện Đức Cơ, 10 xã huyện Chư Păh, 3 xã TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai; 2 xã huyện Ia H'Drai, 10 xã huyện Sa Thầy, 2 xã TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum |
VI |
Sa Thầy |
1.504 |
3 xã huyện Ia H'Drai, 2 xã huyện Sa Thầy, 2 xã huyện Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum |
|
Tổng cộng |
11.450 |
|
[1] Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ
[2] Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ
[3] Thời đoạn từ 1991 - nay
[4] Thời kỳ 2015-2024, hầu hết các công trình hồ chứa trên lưu vực sông đã đi vào vận hành, chế độ dòng chảy trên lưu vực cơ bản đã thay đổi theo chế độ vận hành điều tiết nước của các công trình hồ chứa.
[5] Theo thông tin địa phương cung cấp
[6] Theo niên giám thống kê năm 2023 và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San
[7] Lựa chọn thời kỳ 2022-2024, sau khi thủy điện Thượng Kon Tum vận hành (từ tháng 4/2021)
[8] Khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây