Xin cho tôi hỏi yêu cầu về giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp được quy định như thế nào? - Bảo Thy (Hải Phòng)
Yêu cầu về giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong GDNN từ ngày 05/4/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 19/02/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định về Quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình.
Theo đó, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tuân thủ mục tiêu, yêu cầu, nội dung của chương trình đào tạo và các môn học, mô đun trong chương trình.
- Bảo đảm tính chính xác, hệ thống, tính sư phạm; bảo đảm sự cân đối, phù hợp giữa các nội dung chuyên môn và các hình vẽ, bản vẽ, sơ đồ minh họa.
- Nội dung kiến thức, kỹ năng, yêu cầu về năng lực của người học phải đảm bảo mục tiêu của từng chương, bài trong mỗi môn học, mô đun.
- Kết thúc mỗi chương, bài phải có hệ thống câu hỏi, bài tập và phương pháp kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học; giáo trình phải có danh mục tài liệu tham khảo; tài liệu tham khảo phải có nguồn gốc rõ ràng.
- Trình bày ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; sử dụng thuật ngữ chuyên môn nghề nghiệp phổ biến, nhất quán; các hình vẽ, bản vẽ, sơ đồ minh họa phải làm sáng tỏ các kiến thức, kỹ năng.
- Đảm bảo phù hợp với trang thiết bị, nguồn học liệu và các phương pháp, phương tiện dạy học khác.
(Điều 10 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH)
Theo Điều 11 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định về biên soạn và lựa chọn giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập tổ/nhóm biên soạn giáo trình đảm bảo yêu cầu: Có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 03 năm trong lĩnh vực ngành, nghề cần biên soạn; am hiểu và có kinh nghiệm về xây dựng, biên soạn giáo trình.
- Tổ chức biên soạn giáo trình
+ Nghiên cứu chương trình đào tạo; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực, vị trí việc làm của ngành, nghề; chương trình chi tiết môn học, mô đun trong chương trình đào tạo và các kết quả khảo sát doanh nghiệp, kết quả phân tích nghề, phân tích công việc.
+ Nghiên cứu, tham khảo các tài liệu chuyên môn khác có liên quan.
+ Biên soạn nội dung chi tiết giáo trình (Theo mẫu tại Phụ lục 04).
+ Xin ý kiến chuyên gia về nội dung của giáo trình.
+ Tổng hợp ý kiến góp ý, sửa chữa, biên tập, hoàn thiện giáo trình.
- Lựa chọn giáo trình
+ Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn giáo trình do cơ sở đào tạo khác ở trong nước hoặc nước ngoài biên soạn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và phù hợp với chương trình đào tạo để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức của trường.
+ Tùy theo yêu cầu cụ thể của giáo trình đào tạo được lựa chọn, người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định việc tổ chức thẩm định giáo trình trước khi phê duyệt áp dụng thực hiện. Việc thẩm định (nếu có) được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |