Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Nguyễn Thị Diễm My

Kiểu dáng công nghiệp là gì? Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp như thế nào? – Tú Sương (Thái Bình)

Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Theo khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi 2009, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

2. Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 21 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN như sau:

(1) Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định tại Điều 100, 103 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Phụ lục I của Nghị định 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 21 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.

(2) Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải bảo đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Trường hợp đơn yêu cầu bảo hộ một kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp kèm theo một hoặc nhiều phương án biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó thì các phương án biến thể của một kiểu dáng công nghiệp phải không khác biệt đáng kể với phương án cơ bản và không khác biệt đáng kể với nhau.

Trong đó, sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng; bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp là bộ phận có khả năng lưu thông độc lập, có thể tháo rời khỏi sản phẩm phức hợp; sản phẩm phức hợp là sản phẩm được tạo thành bởi nhiều bộ phận có thể thay thế được, có thể tháo ra và lắp lại được. Sản phẩm và bộ phận để lắp ráp, hợp thành sản phẩm phức hợp dưới đây được gọi chung là sản phẩm trừ những quy định riêng.

(3) Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn hoặc thông tin nêu trong đơn không rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị người nộp đơn nộp các tài liệu nhằm xác minh hoặc làm rõ các thông tin đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo. Tài liệu nêu trên có thể là tài liệu xác nhận quyền đăng ký hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (tài liệu chứng minh quyền thừa kế, tài liệu chứng minh về việc chuyển giao quyền nộp đơn; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động v.v.).

(4) Đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp được hiểu như sau:

- Đặc điểm tạo dáng của một kiểu dáng công nghiệp là yếu tố thể hiện dưới dạng đường nét, hình khối, màu sắc, tương quan vị trí hoặc tương quan kích thước để khi kết hợp với các đặc điểm (dấu hiệu) khác tạo thành kiểu dáng công nghiệp đó;

- Đặc điểm tạo dáng cơ bản là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết/ghi nhớ, cần và đủ để xác định bản chất của kiểu dáng công nghiệp và phân biệt kiểu dáng công nghiệp với kiểu dáng công nghiệp khác dùng cho sản phẩm cùng loại.

Sản phẩm cùng loại là các sản phẩm có mục đích sử dụng hoặc chức năng sử dụng trùng hoặc tương tự với nhau. Sản phẩm phức hợp và bộ phận dùng để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp là các sản phẩm khác loại.

- Các yếu tố sau đây không được coi là đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp:

(i) Hình khối, đường nét được quyết định bởi chính chức năng kỹ thuật của sản phẩm (ví dụ hình dạng dẹt, phẳng của đĩa ghi dữ liệu được quyết định bởi chuyển động tương đối giữa đĩa và đầu đọc v.v.);

(ii) Yếu tố mà sự có mặt của nó trong tập hợp các dấu hiệu không đủ gây ấn tượng thẩm mỹ (ấn tượng về hình dáng của sản phẩm không thay đổi khi có mặt và khi không có mặt yếu tố đó; ví dụ sự thay đổi một hình khối, đường nét quen thuộc nhưng sự thay đổi đó không đủ để nhận biết, do đó hình khối, đường nét đã thay đổi vẫn chỉ được nhận biết là hình khối, đường nét cũ);

(iii) Vật liệu dùng để chế tạo sản phẩm;

(iv) Các dấu hiệu được gắn, dán v.v. lên sản phẩm chỉ để thực hiện chức năng thông tin, hướng dẫn về nguồn gốc, đặc điểm, cấu tạo, công dụng, cách sử dụng v.v. sản phẩm đó; ví dụ các thông tin trên nhãn hàng hóa (như nhà sản xuất, chỉ dẫn thương mại, xuất xứ, mã vạch, v.v.), nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, v.v.;

(v) Kích cỡ của sản phẩm, trừ trường hợp thay đổi kích cỡ trang trí của mẫu vải và vật liệu tương tự;

(vi) Đặc điểm tạo dáng không nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm (đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm) hoặc sản phẩm phức hợp (đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận lắp ráp thành sản phẩm phức hợp);

(vii) Các yếu tố khác không đáp ứng điều kiện nêu tại điểm b khoản 4 Điều 21 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

191 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;