Yêu cầu đối với Chủ đầu tư dự án thủy điện

Cho tôi hỏi pháp luật quy định chủ đầu tư dự án thủy điện cần đáp ứng những yêu cầu gì? - Bình An (Thái Nguyên)

Yêu cầu đối với Chủ đầu tư dự án thủy điện

Yêu cầu đối với Chủ đầu tư dự án thủy điện (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc quản lý đầu tư xây dựng dự án thủy điện

Theo Điều 12 Thông tư 43/2012/TT-BCT,  các nguyên tắc quản lý đầu tư xây dựng dự án thủy điện được quy định như sau:

- Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện phải đảm bảo: 

+ Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan khác; 

+ Tuân thủ quy hoạch thủy điện và phù hợp quy hoạch phát triển điện lực được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Trường hợp dự án thuộc quy hoạch thủy điện nhưng chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc chưa phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực thì cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển điện lực trước khi xem xét cho phép đầu tư.

- Mọi thay đổi về tư cách pháp nhân của chủ đầu tư, quy mô, nhiệm vụ, tiến độ của dự án thủy điện trong quá trình đầu tư xây dựng phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan cho phép bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện.

2. Yêu cầu đối với Chủ đầu tư dự án thủy điện

Các yêu cầu đối với Chủ đầu tư dự án thủy điện bao gồm:

- Là doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và có ngành nghề kinh doanh đầu tư xây dựng dự án thủy điện.

- Có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án: Nhà đầu tư phải đảm bảo vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 30% Tổng mức đầu tư dự án và được các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng cam kết bằng văn bản cho vay phần vốn đầu tư còn lại. 

Nhà đầu tư phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức lựa chọn Chủ đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 43/2012/TT-BCT về kế hoạch bố trí các nguồn vốn đầu tư dự án, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.

- Nhà đầu tư hiện không là Chủ đầu tư một dự án khác đang chậm triển khai hoặc chậm tiến độ quá 12 tháng so với quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư. 

Nhà đầu tư phải cung cấp bản sao các hồ sơ liên quan đến việc thực hiện các dự án mà mình làm Chủ đầu tư cho cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xem xét và phải chịu trách nhiệm về sự chính xác các thông tin này.

(Điều 13 Thông tư 43/2012/TT-BCT)

3. Lựa chọn Chủ đầu tư dự án thủy điện

Căn cứ tại Điều 15 Thông tư 43/2012/TT-BCT, việc lựa chọn Chủ đầu tư dự án thủy điện được quy định như sau:

(1) Việc lựa chọn Chủ đầu tư dự án thủy điện phải đảm bảo:

- Tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và các quy định có liên quan khác.

- Lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm cao nhất để thực hiện đầu tư dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường - xã hội.

(2) Việc lựa chọn Chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện như sau:

- Đối với các dự án thuộc danh mục nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhưng chưa xác định Chủ đầu tư: 

Thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong đó, cơ quan có thẩm quyền lựa chọn Chủ đầu tư phải lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để xem xét trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chủ đầu tư dự án.

- Đối với các dự án khác: UBND tỉnh có dự án tổ chức lựa chọn Chủ đầu tư; lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của dự án với quy hoạch và việc đáp ứng yêu cầu của Chủ đầu tư; lấy ý kiến của các cơ quan liên quan khác để xem xét phê duyệt.

(3) Trường hợp dự án nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, UBND tỉnh nơi đặt nhà máy thủy điện chủ trì, lấy ý kiến của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh có liên quan và các cơ quan khác theo đúng quy định để lựa chọn Chủ đầu tư.

(4) Các cơ quan được lấy ý kiến nêu tại (2) có trách nhiệm trả lời cơ quan lấy ý kiến trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị góp ý kiến. 

Quá thời hạn nêu trên, nếu các cơ quan liên quan không có ý kiến thì được coi như đã đồng ý với cơ quan lấy ý kiến về việc lựa chọn Chủ đầu tư dự án.

(5) Khuyến khích lựa chọn một Chủ đầu tư để thực hiện cụm các dự án thủy điện có quan hệ điều tiết dòng chảy hoặc sử dụng chung công trình lưới điện truyền tải công suất của các nhà máy thủy điện.

(6) Doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí và tham gia tổ chức lập quy hoạch thủy điện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 43/2012/TT-BCT được ưu tiên xem xét giao làm Chủ đầu tư một số dự án thủy điện trong nghiên cứu quy hoạch đó nếu đăng ký đầu tư và đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Nguyễn Thị Hoài Thương

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1262 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;