Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay được quy định như thế nào? - Văn Thành (Hậu Giang)

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm theo Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:

- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

+ Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 750 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.300 tỷ đồng Việt Nam.

- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 450 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 500 tỷ đồng Việt Nam.

- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam.

- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp tái bảo hiểm:

+ Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 500 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 900 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.400 tỷ đồng Việt Nam.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày 01/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu quy định tại Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP thì trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.

2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài theo Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các quyền sau đây:

+ Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

+ Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

+ Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;

+ Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

+ Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra;

+ Quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

+ Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

+ Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

+ Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;

+ Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

+ Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

+ Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

+ Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

+ Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

+ Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

479 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;