Các nghĩa vụ về cấp dưỡng là cơ sở pháp lý nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình. Trên tất cả, việc quy định về cấp dưỡng giúp các thành viên thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Vậy nếu như sau ly hôn, chồng hoặc vợ cố tình trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì phải giải quyết như thế nào?
Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn: Giải quyết thế nào? (Hình minh họa)
1.Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con sau ly hôn
Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Mặt khác, theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cha hoặc mẹ, bên không trực tiếp nuôi dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi có sự kiện ly hôn.
Có thể thấy, pháp luât quy định rất rõ về nghĩa vụ của bên không trực tiếp nuôi dưỡng trong việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được thực hiện khi con chung của vợ, chồng đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:
- Con chưa thành niên: Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con về tài sản cho đến khi con trưởng thành.
- Khả năng lao động của con đã thành niên: Đối với con đã thành niên, cha, mẹ vẫn có trách nhiệm phải chi trả cấp dưỡng nếu thuộc các trường hợp sau: Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Không có khả năng lao động có thể là do già yếu, mất sức lao động, bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự... Tuy nhiên, không có khả năng lao động phải đi kèm với điều kiện không có tài sản để tự nuôi mình. Thực tế, có rất nhiều trường hợp con không có khả năng lao động nhưng vẫn có tài sản để tự nuôi mình.
Việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn có thể được thỏa thuận giữa vợ chồng, nếu các bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng. Tòa án khi nhận được yêu cầu giải quyết việc cấp dưỡng sẽ xem xét tính tự nguyện, kèm theo điều kiện cần thiết về khả năng kinh tế, hoàn cảnh cuộc sống của người nhận nuôi con để phán quyết nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của người không được giao nuôi con trong bản án giải quyết cho ly hôn.
Mặc dù được pháp luật quy định rõ, tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp sau khi có bản án, quyết định cho ly hôn của Tòa án có hiệu lực, vợ hoặc chồng bên không trực tiếp nuôi dưỡng con lại có hành vi lẩn tránh, không thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Điều này gây phương hại đến quyền lợi của con chung, ảnh hưởng đến cuộc sống, sự phát triển của trẻ em sau khi ly hôn.
2.Giải quyết việc trốn tránh cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn.
* Trường hợp việc cấp dưỡng nuôi con được vợ chồng tự thỏa thuận trước khi ly hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, trong trường hợp bên không trực tiếp nuôi dưỡng con cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đã được các bên thỏa thuận trước đó, thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án buộc người đó thực hiện nghĩa vụ này.
Việc yêu cầu Tòa án giải quyết sẽ được thực hiện thông qua một vụ kiện tranh chấp về cấp dưỡng tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng cư trú hoặc làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng. (Tham khảo theo mẫu TẠI ĐÂY)
- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân của cha/mẹ.
- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của cha/mẹ.
- Quyết định/ Bản án ly hôn.
- Chứng cứ chứng minh thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Bản sao có chứng thực giấy sinh của con.
Án phí: Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, người yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về cấp dưỡng không phải nộp tiền tạm ứng án phí nhưng người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì phải chịu án phí.
* Trường hợp việc cấp dưỡng nuôi con được Tòa án tuyên trong bản án ly hôn.
Theo quy định của pháp luật, Bản án, quyết định về cấp dưỡng của Tòa án có giá trị thi hành ngay sau khi ban hành, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con được Nhà nước khuyến khích tự nguyện thi hành. Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng đủ điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định, bản án có hiệu lực, người đòi cấp dưỡng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định trả tiền cấp dưỡng.
Lưu ý: - Nếu bản án, quyết định Tòa án ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cụ thể thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm tính từ ngày nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn. - Nếu bản án, quyết định ghi nhận việc cấp dưỡng thực hiện định kỳ (theo tháng, quý, năm,…) thì thời hiệu 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày đến hạn thực hiện cấp dưỡng. |
Để yêu cầu thi hành án, người trực tiếp nuôi con hoặc người giám hộ cho con phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng cho con và nộp tại Chi cục thi hành án huyện hoặc Cục thi hành án tỉnh có trụ sở cùng địa bàn với Tòa án ra bản án, quyết định về cấp dưỡng.
Hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng bao gồm:
- Bản án hoặc quyết định của Tòa án có ghi nhận về cấp dưỡng
- Đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Hoặc có thể trình bày bằng lời nói trực tiếp để cơ quan thi hành án lập biên bản.
- Tài liệu chứng minh người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang có tài sản để thi hành như: bảng lương; tài sản hiện hữu như nhà cửa hoặc xe hoặc tiền trong ngân hàng.
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thời gian 10 ngày tính từ ngày nhận được quyết định thi hành án, để tự nguyện thi hành cấp dưỡng (Điều 46 Luật Thi hành án Dân sự hiện hành). Nếu hết thời gian trên mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Chấp hành viên thực hiện cưỡng chế thi hành án cấp dưỡng bằng cách trừ vào thu nhập của người phải thi hành án (như tiền lương, tiền công,..v.v).
Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với các thu nhập khác thì căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người con theo quy định của pháp luật.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |