Cho tôi hỏi trách nhiệm và nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như thế nào? - Thu Uyên (Hậu Giang)
Trách nhiệm và nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Trách nhiệm và nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:
+ Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;
+ Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
- Người lao động có nghĩa vụ:
+ Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục;
+ Ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:
+ Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;
+ Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.
Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
- Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
+ Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
+ Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
+ Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
- Các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc:
+ Nhanh chóng, kịp thời;
+ Bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP bao gồm:
- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |