TPP - Chương 15 - Mua sắm Chính phủ

Chương 15 Hiệp định TPP quy định về nguyên tắc, phạm vi, các biện pháp khi thực hiện mua sắm Chính phủ trong khuôn khổ Hiệp định TPP.

CHƯƠNG 15

MUA SẮM CHÍNH PHỦ

 

Điều 15.1: Định nghĩa

Mục đích của Chương này:

Hợp đồng BOT và hợp đồng chuyển nhượng các công trình công cộng là một thỏa thuận hợp đồng mà mục đích chính của nó là thúc đẩy việc xây dựng hoặc phục hồi cơ sở hạ tầng, các nhà máy, tòa nhà, trang thiết bị hoặc các công trình do nhà nước sở hữu khác và theo hợp đồng này, xét về việc thực hiện thỏa thuận hợp đồng của nhà cung cấp, tổ chức mời thầu sẽ trao cho nhà cung cấp, trong một khoảng thời gian xác định, quyền sở hữu tạm thời hoặc quyền kiểm soát, sử dụng và yêu cầu thanh toán đối với việc sử dụng những công trình này trong suốt thời hạn thực hiện hợp đồng.

Hàng hóa hoặc dịch vụ thương mại là loại hàng hóa được bán hoặc chào bán trên thị trường thương mại đến, và thường được mua bởi, người mua không thuộc nhà nước cho những mục đích phi chính phủ.

Trên văn bản có nghĩa là bất cứ sự diễn đạt bằng chữ hoặc số có thể đọc, sao chép lại và có thể truyền tải sau này. Đó có thể bao gồm thông tin được truyền tải và lưu trữ bằng điện tử;

Đấu thầu hạn chế là phương pháp đấu thầu theo đó bên mời thầu có quyền lựa chọn một nhà cung cấp hoặc nhiều nhà cung cấp;

Danh sách đa dụng có nghĩa là danh sách các nhà cung cấp mà bên mời thầu đã xác định thỏa mãn các điều kiện tham gia vào danh sách đó và bên mời thầu có ý định sử dụng nhiều lần;

Thông báo ý định mua sắm là thông báo do bên mời thầu công bố đến các nhà cung cấp quan tâm để họ gởi hồ sơ đề nghị tham gia, hồ sơ thầu hoặc cả hai;

Đấu thầu mở rộng là phương pháp mua sắm theo đó tất cả các nhà cung cấp quan tâm có thể nộp hồ sơ dự thầu;

Bên mời thầu là một tổ chức được liệt kê trong Phụ Lục 15-A;

Công bố có nghĩa là việc phổ biến thông tin thông qua giấy viết hoặc phương tiện điện tử được phân phối rộng rãi đến công chúng.

Nhà cung cấp đủ năng lực là nhà cung cấp mà bên mời thầu công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia;

Đấu thầu chọn lọc là phương pháp mua sắm theo đó bên mời thầu chỉ mời các nhà cung cấp đủ năng lực nộp hồ sơ dự thầu.

Dịch vụ bao gồm các dịch vụ xây dựng trừ khi có những qui định khác;

Nhà cung cấp là một người hoặc một nhóm người cung cấp hoặc có thể cung cấp một hàng hóa hoặc dịch vụ cho bên mời thầu; và

Thông số kỹ thuật là một yêu cầu đấu thầu

(a) đưa ra các đặc điểm của:

(i) Hàng hóa được mua sắm, bao gồm chất lượng, hiệu suất, an toàn và kích cỡ, hoặc các qui trình và phương pháp sản xuất ra chúng; hoặc

(ii) dịch vụ được mua sắm, hay các qui trình hoặc phương pháp cung cấp dịch vụ, kể cả bất kỳ điều khoản hành chính nào được áp dụng;

(b) đề cập những yêu cầu về thuật ngữ, ký hiệu, đóng gói, đánh dấu hoặc dán nhãn khi chúng áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ.

 

Điều 15.2: Phạm vi

Phạm vi áp dụng của chương này

1. Chương này áp dụng cho bất kỳ biện pháp nào liên quan đến mua sắm được qui định.

2. Với mục đích của chương này, mua sắm được qui định có nghĩa là mua sắm chính phủ:

(a) Đối với một hàng hóa hoặc dịch vụ, hoặc kết hợp được ghi rõ trong Kế hoạch của mỗi Bên ở Phụ Lục 15-A;

(b) thông qua bất kỳ hình thức ký kết nào bao gồm mua, thuê, cho thuê, có hay không có quyền mua; các hợp đồng BOT và hợp đồng chuyển nhượng công trình công ích;

(c) theo đó giá trị, như được ước tính theo khoản 8 và khoản 9, bằng hoặc vượt quá ngưỡng được ghi trong Kế Hoạch của mỗi Bên ở Phụ Lục 15-A tại thời điểm công bố thông báo ý định mua sắm; (d) bởi bên mời thầu;

Các hoạt động không được qui định

3. Trừ khi được qui định trong Kế hoạch của mỗi Bên trong Phụ Lục 15-A, Chương này không áp dụng đối với:

(a) Sở hữu hoặc thuê đất, các tòa nhà hiện hữu hoặc các tài sản cố định khác hoặc các quyền trên đó;

(b) Thỏa thuận ngoài hợp đồng hoặc bất kỳ hình thức hỗ trợ mà một Bên, bao gồm các bên mời thầu của mình, sẽ cung cấp, bao gồm các thỏa thuận hợp tác, các khoản tài trợ, cho vay, góp cổ phần, bảo lãnh, các khoản trợ cấp, ưu đãi tài chính và thu xếp tài trợ;

(c) Mua sắm hoặc sở hữu cơ quan tài chính hoặc các dịch vụ lưu ký; các dịch vụ thanh lý và quản lý đối với các tổ chức tài chính được qui định; hoặc các dịch vụ liên quan đến bán, chuộc và phân bổ nợ công bao gồm các khoản vay, trái phiếu chính phủ, các tờ phiếu và chứng khoán khác;

(d) Hợp đồng lao động công ích;

(e) mua sắm:

Được tiến hành với mục đích cung cấp sự trợ giúp quốc tế bao gồm viện trợ phát triển;

(ii) được tài trợ bởi một tổ chức quốc tế hoặc các khoản trợ cấp nước ngoài, các khoản vay hoặc trợ cấp khác theo đó các thủ tục hoặc điều kiện mua sắm của tổ chức hoặc nhà tài trợ quốc tế được áp dụng. Nếu các thủ tục hoặc điều kiện của tổ chức hoặc nhà tài trợ quốc tế không hạn chế sự tham gia của các nhà cung cấp, việc mua sắm sẽ được qui định bởi Điều 15.4.1 (Nguyên tắc chung); hoặc

(iii) được tiến hành theo một thủ tục hoặc điều kiện cụ thể của thỏa thuận quốc tế liên quan đến bố trí quân đội hoặc liên quan đến việc thực hiện chung của các nước ký kết một dự án; và

(f) mua sắm một hàng hóa hoặc dịch vụ bên ngoài lãnh thổ quốc gia của bên mời thầu để tiêu thụ bên ngoài lãnh thổ của quốc gia đó;

Các Kế hoạch

4. Mỗi Bên ghi rõ các thông tin dưới đây trong Kế hoạch của mình ở Phụ Lục 15-A:

 (a) Trong Mục A, các tổ chức chính phủ trung ương với việc mua sắm được đề cập trong Chương này;

(b) trong Mục B, các tổ chức chính phủ dưới trung ương với việc mua sắm được đề cập trong Chương này;

(c) trong Mục C, các tổ chức khác với việc mua sắm được đề cập trong Chương này; (d) trong Mục D, hàng hóa được đề cập trong Chương này;

(e) trong Mục E, các dịch vụ không thuộc dịch vụ xây dựng được đề cập trong Chương này;

(f) trong Mục F, các dịch vụ xây dựng đề cập trong Chương này; (g) trong Mục G, các Ghi chú chung;

(h) trong Mục H, Công thức điều chỉnh ngưỡng giá trị được áp dụng;

(i) trong Mục I, thông tin công bố theo yêu cầu của Điều 15.6.2 (Công bố thông tin mua sắm); và

(j) trong Mục J, bất kỳ biện pháp chuyển tiếp nào phù hợp với Điều 15.5 (Các biện pháp chuyển tiếp);

Sự tuân thủ

5. Mỗi Bên đảm bảo các tổ chức mời thầu của mình phải tuân thủ Chương này trong việc tiến hành mua sắm chính phủ.

6. Không có tổ chức mời thầu nào chuẩn bị hoặc thiết kế một kế hoạch mua sắm, hoặc nói cách khác cấu trúc lại hoặc phân chia một kế hoạch mua sắm thành những kế hoạch mua sắm riêng biệt trong bất kỳ giai đoạn mua sắm nào, hoặc sử dụng một phương pháp cụ thể nào đó để ước tính giá trị của một kế hoạch mua sắm nhằm né tránh các nghĩa vụ trong Chương này.

7. Không có điều gì trong Chương này được coi là ngăn cản một Bên, kể cả những tổ chức mời thầu của bên đó, việc triển khai các chính sách mua sắm mới, các thủ tục hoặc hình thức ký kết miễn là chúng không đi ngược lại Chương này.

Định giá

8. Khi ước tính giá trị của một kế hoạch mua sắm với mục đích xác định liệu đó có phải là một kế hoạch mua sắm chính phủ hay không, một tổ chức mời thầu đưa vào tổng giá trị tối đa của kế hoạch mua sắm được ước tính trong suốt quá trình, có tính đến:

(a) tất cả các hình thức đãi ngộ, bao gồm tiền thưởng, phí, hoa hồng, lãi hoặc nguồn thu nhập khác có thể được đề cập trong hợp đồng;

(b) giá trị của bất kỳ điều khoản lựa chọn nào; và

(c) bất kỳ hợp đồng nào được ký trong cùng một thời điểm hoặc trong một giai đoạn nhất định với một hoặc nhiều nhà cung cấp cho cùng một kế hoạch mua sắm;

9. Nếu tổng giá trị tối đa được ước tính của một kế hoạch mua sắm trong suốt giai đoạn của nó không được xác định, kế hoạch mua sắm đó được coi là mua sắm chính phủ trừ khi không được xét đến theo Hiệp định này.

 

Điều 15.3: Các trường hợp ngoại lệ

1. Trong phạm vi của yêu cầu rằng biện pháp không được áp dụng theo cách tạo ra sự phân biệt độc đoán hoặc vô lý giữa các Bên, hoặc một giới hạn trá hình đối với thương mại quốc tế giữa các Bên, không có điều gì trong Chương này được coi là ngăn cản một Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu, được thông qua hoặc duy trì một biện pháp:

(a) cần thiết để bảo vệ phẩm chất đạo đức, trật tự hoặc an toàn của cộng đồng;

(b) cần thiết để bảo vệ con người, đời sống động thực vật hoặc sức khỏe; (c) cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hoặc

(d) liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ của một người bị khuyết tật, của các tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận, hoặc của lao động tù nhân;

2.  Các Bên đều hiểu rằng điều khoản phụ 1(b) bao gồm các biện pháp môi trường cần thiết để bảo vệ con người, đời sống động thực vật hoặc sức khỏe.

 

Điều 15.4: Những nguyên tắc chung

Đối xử quốc gia và không kỳ thị

1. Đối với bất kỳ biện pháp nào liên quan đến mua sắm chính phủ, mỗi Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu, sẽ dành ngay lập tức và vô điều kiện cho hàng hóa và sản phẩm của bất kỳ Bên nào cũng như các nhà cung cấp của bất kỳ Bên nào việc đối xử không kém thuận lợi so với việc đối xử mà Bên đó, kể cả tổ chức mời thầu, dành cho:

(a) Hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp nội địa; và

 (b) hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp của bất kỳ Bên nào.

Để chắc chắn hơn, nghĩa vụ này chỉ đề cập đến việc đối xử một Bên dành cho bất kỳ hàng hóa, dịch vụ hay nhà cung cấp của bất kỳ Bên nào dưới Hiệp định này.

2.  Đối với bất kỳ biện pháp nào liên quan đến mua sắm chính phủ, không có Bên nào, kể cả tổ chức mời thầu, được:

(a) Phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp được thành lập ở địa phương này với các nhà cung cấp được thành lập ở địa phương khác dựa trên mức độ liên kết hay sở hữu nước ngoài; hoặc

(b) phân biệt đối xử một nhà cung cấp thành lập tại địa phương trên cơ sở hàng hóa hoặc dịch vụ họ chào bán là một hàng hóa hay dịch vụ của bất kỳ Bên nào khác.

3. Tất cả các đơn đặt hàng theo các hợp đồng mua sắm chính phủ sẽ thực hiện theo các khoản 1 và 2 của Điều này.

Các phương pháp mua sắm

4. Một tổ chức mời thầu sẽ áp dụng thủ tục đấu thầu rộng rãi cho mua sắm chính phủ trừ khi Điều 15.9 (Năng lực của nhà cung cấp) hoặc Điều 15.10 (Đấu thầu giới hạn) được áp dụng.

Qui tắc xuất xứ

5. Mỗi Bên sẽ áp dụng trong mua sắm chính phủ đối với một hàng hóa các qui tắc xuất xứ mà nó áp dụng trong lộ trình thương mại bình thường đối với hàng hóa đó.

Bù trừ

6. Đối với mua sắm chính phủ, không có Bên nào, kể cả tổ chức mời thầu, được tìm kiếm, xem xét, áp đặt hoặc thông qua bất kỳ sự đền bù nào trong bất kỳ giai đoạn nào của một kế hoạch mua sắm.

Các biện pháp không cụ thể cho việc mua sắm

7. Các khoản 1 và 2 không áp dụng thuế và lệ phí hải quan thuộc bất kỳ loại nào được đánh vào hoặc liên quan đến nhập khẩu, phương pháp áp đặt các loại thuế và lệ phí đó, các qui định hoặc thủ tục nhập khẩu khác, và các biện pháp tác động đến thương mại dịch vụ chứ không phải là các biện pháp quản lý mua sắm chính phủ.

Sử dụng phương tiện điện tử

8. Các Bên sẽ cố gắng cung cấp các cơ hội mua sắm chính phủ được tiến hành thông qua các phương tiện điện tử, bao gồm việc công bố thông tin mua sắm, các thông báo và hồ sơ mời thầu, và việc nhận hồ sơ dự thầu.

9. Khi tiến hành mua sắm chính phủ thông qua các phương tiện điện tử, bên mời thầu sẽ:

(a) Đảm bảo rằng việc mua sắm được tiến hành thông qua việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm, kể cả các hệ thống và phần mềm liên quan đến việc xác thực và mã hóa thông tin mà nói chung là có sẵn và tương thích với các hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm khác; và

(b) thiết lập và duy trì các cơ chế vốn đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin được cung cấp bởi các nhà cung cấp, bao gồm những đề nghị tham dự và hồ sơ dự thầu.

 

Điều 15.5: Các biện pháp chuyển tiếp

1. Một Bên là một quốc gia đang phát triển (Bên của quốc gia đang phát triển) có thể, với sự đồng ý của các Bên khác, thông qua hoặc duy trì một hay nhiều các biện pháp chuyển tiếp dưới đây, trong suốt quá trình chuyển tiếp được qui định trong Mục J của Kế hoạch mỗi Bên trong Phụ lục 15-A:

(a) Một chương trình ưu đãi giá, miễn là chương trình này sẽ:

(i) Ưu đãi một phần hồ sơ dự thầu bao gồm hàng hóa hoặc dịch vụ xuất phát từ Bên của quốc gia đang phát triển đó; và

(ii) Phải minh bạch, và sự ưu đãi cũng như ứng dụng của nó trong kế hoạch mua sắm phải được mô tả rõ ràng trong thông báo ý định mua sắm;

(b) Sự bù trừ, với điều kiện bất kỳ yêu cầu nào hoặc sự xem xét nào đến việc áp đặt bù trừ đều phải được nêu rõ trong thông báo ý định mua sắm;

(c) Một ngưỡng giá trị cao hơn ngưỡng thông thường của nó;

Một biện pháp chuyển tiếp sẽ được áp dụng theo một hình thức không phân biệt đối xử giữa các Bên khác.

2. Các Bên có thể đồng ý việc thực hiện chậm trễ bất kỳ nghĩa vụ nào trong Chương này (trừ Điều 15.4.1 (b) (Những nguyên tắc chung), bởi Bên của quốc gia đang phát triển trong quá trình Bên đó thực hiện nghĩa vụ.   Giai đoạn thực hiện sẽ là giai đoạn cần thiết để thực hiện nghĩa vụ.

3.  Bất kỳ Bên của quốc gia đang phát triển nào đã thỏa thuận về giai đoạn thực hiện một nghĩa vụ theo khoản 2 phải liệt kê vào Kế hoạch của mình giai đoạn thực hiện đã được thống nhất, nghĩa vụ cụ thể theo giai đoạn thực hiện và bất kỳ nghĩa vụ tạm thời nào mà nó đồng ý tuân thủ trong suốt giai đoạn thực hiện.

4. Sau khi Hiệp định này đã có hiệu lực đối với một Bên của quốc gia đang phát triển, các Bên khác, theo đề nghị của Bên quốc gia đang phát triển đó, có thể:

(a) gia hạn giai đoạn chuyển tiếp đối với một biện pháp đã được thông qua hoặc duy trì theo khoản 1 hoặc bất kỳ giai đoạn thực hiện nào được thỏa thuận theo khoản 2; hoặc

(b) tán thành việc thông qua một biện pháp chuyển tiếp mới theo khoản 1, trong những trường hợp đặc biệt không lường trước được.

5. Một Bên của quốc gia đang phát triển đã thỏa thuận một biện pháp chuyển tiếp theo các khoản 1 hoặc 4, một giai đoạn thực hiện theo khoản 2, hoặc bất kỳ sự gia hạn nào theo khoản 4, sẽ thực hiện các bước đó trong suốt giai đoạn chuyển tiếp hoặc giai đoạn thực hiện có thể cho là cần thiết để đảm bảo rằng nó tuân thủ theo Chương này vào cuối kỳ của bất kỳ giai đoạn nào.  Bên của quốc gia đang phát triển sẽ khẩn trương thông báo từng bước thực hiện cho các Bên khác theo Điều 27.7 (Báo cáo về Tiến độ liên quan đến các biện pháp chuyển tiếp).

6.Mỗi Bên sẽ xem xét bất kỳ đề nghị nào từ Bên của quốc gia đang phát triển trong hợp tác kỹ thuật cũng như xây dựng năng lực liên quan đến việc thực hiện Chương này của Bên đó.

 

Điều 15.6: Công bố thông tin mua sắm

1. Mỗi Bên phải khẩn trương công bố bất kỳ biện pháp áp dụng chung nào liên quan đến mua sắm chính phủ cũng như bất kỳ sự thay đổi hoặc bổ sung thông tin này.

2. Mỗi Bên phải liệt kê vào Mục I của Kế hoạch các phương tiện giấy viết hoặc điện tử dùng để công bố thông tin được mô tả trong khoản 1 và những thông báo theo yêu cầu của Điều 15.7 (Các thông báo về ý định mua sắm), và Điều 15.9.3 (Năng lực của các nhà cung cấp) và Điều 15.16.3 (Thông tin sau khi giao thầu)

3. Mỗi Bên phải hồi đáp những thắc mắc liên quan đến thông tin như được dẫn chiếu trong khoản 1.

 

Điều 15.7: Các thông báo về ý định mua sắm

1. Đối với mỗi mua sắm chính phủ, ngoại trừ những trường hợp được đề cập trong Điều 15.10 (Đấu thầu hạn chế), bên mời thầu phải công bố ý định mua sắm thông qua hình thức giấy hoặc điện tử phù hợp được liệt kê trong Phụ lục 15-A. Các thông báo phải dễ dàng tiếp cận đối với công chúng ít nhất cho đến khi thời hạn phản hồi thông báo kết thúc hoặc hạn chót nộp hồ sơ dự thầu.

2. Các thông báo, nếu có thể cung cấp qua phương tiện điện tử, phải được cung cấp miễn phí:

(a) đến các tổ chức chính phủ trung ương được qui định trong Phụ lục 15-a, thông qua một điểm truy cập duy nhất; và

(b) đến các tổ chức chính phủ tiểu trung ương và các tổ chức khác được qui định trong Phụ lục 15-A thông qua cổng thông tin điện tử duy nhất.

3.Trừ khi được đưa ra trong Chương này, mỗi thông báo ý định mua sắm phải gồm các thông tin dưới đây, ngoại trừ thông tin đó được cung cấp trong hồ sơ mời thầu vốn được gởi miễn phí cho tất cả các nhà cung cấp quan tâm cùng thời điểm với thông báo ý định mua sắm.

(a) tên và địa chỉ của bên mời thầu và các thông tin cần thiết để liên lạc với bên mời thầu cũng như để mua các tài liệu liên quan đến kế hoạch mua sắm, chi phí và việc thanh toán để mua các tài liệu liên quan (nếu có);

(b) bảng mô tả về kế hoạch mua sắm, bao gồm, nếu phù hợp, bản chất và khối lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ được thu mua và một bảng mô tả về bất kỳ phương án lựa khác, hoặc khối lượng ước tính nếu khối lượng đó chưa được biết;

(c) Khung thời gian cho việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc thời hạn của hợp đồng nếu áp dụng;

(d) Địa chỉ và ngày cuối cùng nộp đơn đề nghị tham gia thầu;

(e) địa chỉ và ngày cuối cùng nộp hồ sơ dự thầu;

(f) ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ mà các hồ sơ dự thầu hoặc đề nghị dự thầu có thể nộp nếu không phải là ngôn ngữ chính thức của quốc gia của bên mời thầu;

(g) danh sách hoặc mô tả tóm tắt những điều kiện tham gia thầu có thể bao gồm những yêu cầu về tài liệu hoặc chứng nhận cụ thể nào đó mà các nhà cung cấp phải nộp;

(h) các tiêu chí sẽ được sử dụng để chọn lựa nhà cung cấp, và nếu áp dụng, bất kỳ sự hạn chế nào đối với số lượng nhà cung cấp được phép tham gia thầu theo Điều 15.9 (Năng lực nhà cung cấp) trong trường hợp bên mời thầu có ý định chọn lựa một số nhà cung cấp có đủ năng lực để mời tham gia thầu;  

4.  Để rõ hơn, khoản 3 không ngăn cản một Bên việc thu một khoản phí cho hồ sơ mời thầu nếu thông báo ý định mua sắm bao hàm đầy đủ các thông tin được qui định trong khoản 3.

5. Với mục đích của Chương này, mỗi Bên phải cố gắng sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ dùng để công bố thông báo ý định mua sắm.

Thông báo về kế hoạch mua sắm

6. Các bên mời thầu được khuyến khích công bố càng sớm càng tốt trong năm tài chính về thông báo liên quan đến các kế hoạch mua sắm tương lai của mình (thông báo kế hoạch mua sắm) phải bao gồm nội dung chính của kế hoạch mua sắm và ngày tháng dự tính công bố thông báo ý định mua sắm.

 

Điều 15.8: Các điều kiện tham gia thầu

1. Một bên mời thầu sẽ giới hạn bất kỳ điều kiện tham gia trong một kế hoạch mua sắm chính phủ đến những điều kiện vốn đảm bảo rằng nhà cung cấp phải có năng lực pháp lý và tài chính cũng như khả năng thương mại và tài chính để đáp ứng những yêu cầu của kế hoạch mua sắm đó.

2.  Để thiết lập những điều kiện tham gia, bên mời thầu:

(a) sẽ không đưa ra điều kiện rằng, để nhà cung cấp tham gia vào một kế hoạch mua sắm, nhà cung cấp đó đã từng ký một hoặc nhiều hợp đồng với bên mời thầu của Bên được đề cập hoặc nhà cung cấp đó đã từng làm việc trong lãnh thổ của Bên đó; và

(b) có thể đòi hỏi những kinh nghiệm liên quan nếu xét thấy cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của kế hoạch mua sắm.

3. Để đánh giá liệu một nhà cung cấp có thỏa mãn những điều kiện tham gia hay không, bên mời thầu:

(a) sẽ đánh giá năng lực tài chính, thương mại và kỹ thuật của nhà cung cấp trên cơ sở các hoạt động kinh doanh của nhà cung cấp đó trong và ngoài lãnh thổ của quốc gia của bên mời thầu; và

(b) căn cứ các đánh giá của mình chủ yếu trên những điều kiện mà bên mời thầu đã nêu ra trong các thông báo hoặc hồ sơ mời thầu.

4. Nếu có tài liệu hỗ trợ, một Bên, kể cả các tổ chức mời thầu, có thể loại nhà cung cấp trên cơ sở như sau:

(a) phá sản hoặc giải thể;

(b) kê khai gian dối

(c) Những nhược điểm lớn hoặc dai dẳng trong việc thực hiện một yêu cầu hoặc nghĩa vụ quan trọng trong các hợp đồng trước đây; hoặc

(d) không đóng thuế

5. Để cụ thể hơn, Điều này không có ý định ngăn cản bên mời thầu trong việc thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật trong lãnh thổ nơi hàng hóa hoặc dịch vụ được tạo ra liên quan đến quyền lao động như được công nhận bởi các Bên và được qui định trong Điều 19.3 (Quyền của người lao động) miễn là các biện pháp đó được áp dụng theo cách thống nhất với Chương 26 (Tính minh bạch và chống tham nhũng), và không được áp dụng theo cách sẽ tạo ra sự phân biệt độc đoán hoặc vô lý giữa các Bên hoặc một giới hạn trá hình về thương mại giữa các Bên.1

 

Điều 15.9: Năng lực nhà cung cấp

Hệ thống đăng ký và qui trình tuyển chọn

1.  Một Bên, kể cả các tổ chức mời thầu, có thể duy trì một hệ thống đăng ký nhà cung cấp theo đó các nhà cung cấp quan tâm được yêu cầu đăng ký và cung cấp một số thông tin.

2.  Không một Bên nào, kể cả các tổ chức mời thầu của mình, được:

(a) thông qua hoặc áp dụng bất kỳ hệ thống đăng ký hoặc qui trình tuyển chọn nào với mục đích tạo ra những trở ngại không cần thiết cũng như ảnh hưởng của nó đối với việc tham gia của các nhà cung cấp; hoặc

(b) sử dụng hệ thống đăng ký hoặc qui trình tuyển chọn đó để ngăn cản hoặc trì hoãn việc tham gia của các nhà cung cấp vào danh sách các nhà cung cấp hoặc ngăn không cho họ có cơ hội được xem xét cho một kế hoạch mua sắm cụ thể.

Đấu thầu chọn lọc

3.  Nếu các biện pháp của một Bên cho phép sử dụng đấu thầu chọn lọc, và nếu bên mời thầu có ý định sử dụng đấu thầu chọn lọc, bên mời thầu đó phải:

(a) công bố thông báo ý định mua sắm để mời các nhà cung cấp nộp yêu cầu tham gia; và

(b) đưa vào thông báo ý định mua sắm các thông tin được nêu trong Điều Article 15.7.3(a), (b), (d), (g), (h) và (i) (Thông báo ý định mua sắm)

4.  Bên mời thầu phải:

a) công bố thông báo một cách đầy đủ về kế hoạch mua sắm để các nhà cung cấp quan tâm gởi đề nghị tham gia;

(b) cung cấp, vào khoảng thời gian bắt đầu đấu thầu, ít nhất các thông tin được nêu trong Điều 15.7.3 (c), (e) và (f) (Thông báo ý định mua sắm) cho các nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn đã được thông báo như được nêu trong Điều 15.14.3 (b) (Các giai đoạn thời gian); và

(c) cho phép các nhà cung cấp đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ dự thầu trừ khi bên mời thầu nêu trong thông báo ý định mua sắm về mức hạn chế số lượng các nhà cung cấp sẽ được phép đấu thầu và các tiêu chí chọn lựa.

5. Nếu hồ sơ mời thầu không được công bố công khai từ ngày công bố thông báo quy định tại khoản 3, Bên mời thầu phải đảm bảo rằng hồ sơ mời thầu phải được công bố tại cùng một điểm cho tất cả các nhà cung cấp đủ điều kiện lựa chọn phù hợp với khoản 4 (c).

Danh sách đa dụng

6.  Một Bên, kể cả tổ chức mời thầu, có thể lập hoặc duy trì một danh sách đa dụng miễn là hàng năm phải công bố thông báo mời các nhà cung cấp quan tâm tham gia vào danh sách hoặc liên tục truyền tải thông báo đó trên các phương tiện điện tử. Thông báo gồm:

(a) bảng mô tả các hàng hóa và dịch vụ, hoặc các chủng loại liên quan, theo đó danh sách có thể được sử dụng;

b) những điều kiện mà nhà cung cấp phải đáp ứng để được tham gia vào danh sách và các phương pháp mà bên mời thầu hoặc cơ quan chính phủ khác sẽ sử dụng để thẩm định việc thỏa mãn các điều kiện đó của nhà cung cấp;

(c) tên và địa chỉ của bên mời thầu hoặc cơ quan chính phủ khác và các thông tin khác cần thiết để liên hệ với bên mời thầu cũng như để mua tất cả các tài liệu liên quan đến danh sách;

(d) thời hạn hiệu lực của danh sách và hình thức gia hạn hoặc chấm dứt sử dụng danh sách, hoặc sự chỉ định về phương pháp theo đó thông báo về việc chấm dứt sử dụng danh sách sẽ được đưa ra nếu thời hạn hiệu lực không được cung cấp;

(e) hạn chót nộp hồ sơ xin tham gia vào danh sách nếu áp dụng; và

(f) sự chỉ định rằng danh sách có thể được sử dụng cho kế hoạch mua sắm được qui định trong chương này trừ khi chỉ định đó được công bố thông qua các thông tin được công bố theo Điều 15.6.2 (Công bố thông tin mua sắm).

7. Một Bên, kể cả tổ chức mời thầu, lập và duy trì danh sách đa dụng, sẽ đưa vào danh sách, trong khoảng thời gian hợp lý, tất cả các nhà cung cấp đáp ứng những điều kiện tham gia trong thông báo được dẫn chiếu tại khoản 6.

8.  Nếu một nhà cung cấp không có tên trong danh sách nộp đơn đề nghị tham gia vào kế hoạch mua sắm cũng như tất cả hồ sơ cần thiết, bên mời thầu sẽ xem xét đề nghị đó trong khoảng thời gian được qui định tại Điều 15.14.2 (Các giai đoạn thời gian). Bên mời thầu sẽ không loại khả năng xem xét nhà cung cấp này trừ khi bên mời thầu không thể hoàn tất việc xem xét đó trong khoảng thời gian nộp hồ sơ dự thầu.

Thông tin về quyết định của bên mời thầu

9.  Bên mời thầu hoặc tổ chức khác của một Bên phải khẩn trương thông báo cho bất kỳ nhà cung cấp có nộp đơn đề nghị tham gia dự thầu hoặc xin tham gia vào danh sách đa dụng về quyết định liên quan đến đề nghị đó.

10. Nếu bên mời thầu hoặc tổ chức khác của một Bên từ chối đề nghị tham gia dự thầu hoặc đề nghị tham gia vào danh sách đa dụng của nhà cung cấp, không công nhận nhà cung cấp là đủ tiêu chuẩn hoặc loại nhà cung cấp ra khỏi danh sách đa dụng, tổ chức đó phải khẩn trương thông báo cho nhà cung cấp và cung cấp văn bản giải thích lý do đưa ra quyết định đó nếu được yêu cầu.

 

Điều 15.10: Đấu thầu hạn chế

1. Bên mời thầu được phép sử dụng đấu thầu hạn chế miễn là họ không sử dụng điều khoản này cho mục đích né tránh sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, để bảo vệ nhà cung cấp nội địa hoặc theo một cách phân biệt đối xử với các nhà cung cấp của Bên khác.

2. Nếu bên mời thầu sử dụng đấu thầu hạn chế, họ có quyền lựa chọn không áp dụng từ Điều 15.7 (Các thông báo ý định mua sắm) đến Điều 15.9 (Năng lực nhà cung cấp) và từ Điều 15.11 (Các thương thuyết) đến Điều 15.15 (Xem xét hồ sơ dự thầu và ký hợp đồng giao thầu) theo bản chất của kế hoạch mua sắm. Bên mời thầu được phép sử dụng đấu thầu hạn chế chỉ đối với những trường hợp dưới đây:

(a) Nếu, để phản hồi lại thông báo đã công bố trước đó: (i) không có hồ sơ dự thầu nào được nộp hoặc không có nhà cung cấp nào đề nghị tham gia;

(ii) không có hồ sơ dự thầu nào đáp ứng những yêu cầu chính nêu trong hồ sơ mời thầu;

(iii) không có nhà cung cấp nào đáp ứng đủ các điều kiện tham gia; hoặc

(iv) các hồ sơ dự thầu được nộp có sự thông đồng, cấu kết,

miễn là bên mời thầu không có sửa đổi gì đáng kể những yêu cầu chính được nêu trong các thông báo hoặc hồ sơ mời thầu;

(b) nếu hàng hóa hoặc dịch vụ chỉ có thể được cung cấp bởi một nhà cung cấp cụ thể và không có hàng hóa hoặc dịch vụ thay thế hợp lý nào khác tồn tại cho bất kỳ những lý do nào dưới đây:

(i) yêu cầu đó là cho một tác phẩm nghệ thuật;

(ii) bảo vệ bằng sáng chế, bản quyền hoặc các độc quyền khác; hoặc

(iii) do không có sự cạnh tranh vì những lý do kỹ thuật;

(c) đối với việc cung cấp bổ sung những hàng hóa hoặc dịch vụ không được bao gồm trong kế hoạch mua sắm ban đầu nếu việc thay đổi nhà cung cấp để thực hiện cung cấp bổ sung các hàng hóa hoặc dịch vụ đó:

(i) không thể được tiến hành vì những lý do kỹ thuật như những yêu cầu về tính hoán đổi hoặc tính tương tác với thiết bị, phần mềm, dịch vụ hoặc lắp đặt đã được tiến hành trong kế hoạch mua sắm ban đầu, hoặc do những điều kiện dưới chế độ bảo hành của nhà cung cấp trước; và

(ii) sẽ gây ra sự bất lợi đáng kể hoặc trùng lặp chi phí cho bên mời thầu;

(d) đối với một hàng hóa được mua trên thị trường hàng hóa hoặc trao đổi;

(e) nếu bên mời thầu mua một nguyên mẫu hoặc một hàng hóa hay dịch vụ đầu tiên dự định thử nghiệm trong phạm vi hẹp hoặc được phát triển theo một hợp đồng nghiên cứu, thí nghiệm hoặc phát triển ban đầu.  Phát triển ban đầu một nguyên mẫu hoặc một hàng hóa hay dịch vụ đầu tiên có thể bao gồm việc sản xuất hoặc cung ứng trong phạm vi hẹp để hợp nhất các kết quả thí nghiệm tại hiện trường và để chứng minh rằng vật mẫu hay hàng hóa, dịch vụ đầu tiên là phù hợp cho việc sản xuất hoặc cung ứng với số lượng theo các tiêu chuẩn chất lượng có thể chấp nhận được, nhưng không bao gồm việc sản xuất hoặc cung ứng số lượng để thiết lập năng lực thương mại hoặc để thu hồi chi phí nghiên cứu và phát triển.    Tuy nhiên, những kế hoạch mua sắm về sau đối với các hàng hóa hoặc dịch vụ vừa mới phát triển này sẽ được qui định trong Chương này;

(f) Nếu dịch vụ xây dựng bổ sung không bao gồm trong hợp đồng ban đầu nhưng lại nằm trong phạm vi các mục tiêu của hồ sơ mời thầu ban đầu trở nên cần thiết, do những tình huống ngoài dự đoán, phải hoàn thành các dịch vụ xây dựng được nêu trong hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, tổng giá trị của hợp đồng được ký cho những dịch vụ xây dựng bổ sung không được phép vượt quá 50% giá trị của hợp đồng ban đầu;

(h) nếu hợp đồng được ký với người đoạt giải cuộc thi thiết kế, miễn là:

(i) cuộc thi được tổ chức theo cách phù hợp với Chương này; và

(ii) cuộc thi được chấm bởi một ban giám khảo độc lập với một quan điểm trao hợp đồng thiết kế cho người đoạt giải; hoặc

(i) Nếu, vì những nguyên nhân cực kỳ khẩn cấp gây ra bởi những biến cố mà bên mời thầu không thể đoán trước, hàng hóa hoặc dịch vụ không thể được cung ứng kịp thời qua hình thức đấu thầu mở rộng hoặc đấu thầu chọn lọc.

3. Đối với mỗi hợp đồng được trao theo khoản 2, bên mời thầu sẽ chuẩn bị một báo cáo bằng văn bản, hoặc duy trì một bộ hồ sơ bao gồm tên của bên mời thầu, giá trị và loại hàng hóa hoặc dịch vụ được thực hiện, và một bản kê khai chỉ ra các tình huống và điều kiện được mô tả trong khoản 2 về việc xác minh việc sử dụng đấu thầu hạn chế.

 

Điều 15.11: Các thương thuyết

1.  Một Bên có thể hỗ trợ các tổ chức mời thầu của mình tiến hành các thương thuyết trong mua sắm chính phủ nếu:

(a) Nếu bên mời thầu chỉ ra ý định thực hiện các thương thuyết trong thông báo ý định mua sắm như được yêu cầu trong Điều 15.7 (Các thông báo ý định mua sắm); hoặc

(b) theo đánh giá, dường như chẳng có hồ sơ dự thầu nào là nổi bật nhất về các chỉ tiêu đánh giá cụ thể được nêu ra trong thông báo ý định mua sắm hoặc hồ sơ dự thầu.

2.         Bên mời thầu phải:

(a) đảm bảo rằng việc loại các nhà cung cấp khỏi việc tham gia vào các thương thuyết phải được tiến hành phù hợp với các tiêu chí đánh giá được nêu trong thông báo ý định mua sắm hoặc hồ sơ mời thầu; và

(b) đưa ra một thời hạn chung để các nhà cung cấp còn lại nộp hồ sơ dự thầu mới hoặc điều chỉnh lại khi kết thúc thương thuyết.

------------------------------------------------------------

Chú thích

1 Việc thông qua và duy trì các biện pháp này bởi một Bên không nên hiểu là chứng cứ về việc Bên khác đã vi phạm nghĩa vụ theo Chương 19 (Lao động) liên quan đến lao động.

2 Đối với các Bên quản lý ở cấp chính phủ trung ương các loại mua sắm mà các Bên khác thực hiện ở cấp dưới trung ương thì các thương thuyết có thể bao gồm các cam kết ở cấp chính phủ trung ương hơn là cấp chính phủ dưới trung ương.

PHỤ LỤC CHƯƠNG 15

 

MỤC LỤC 

TPP - Chương 00 - Lời mở đầu

TPP - Chương 01 - Quy định và định nghĩa chung

TPP - Chương 02 - Nguyên tắc đối xử quốc gia và việc tiếp cận thị trường hàng hóa

TPP - Chương 03 - Quy tắc xuất xứ và thủ tục về xuất xứ

TPP - Chương 04 - Hàng dệt may

TPP - Chương 05 - Quản lý hải quan và tạo thuận lợi trong thương mại

TPP - Chương 06 - Biện pháp phòng vệ Thương mại

TPP - Chương 07 - Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch

TPP - Chương 08 - Rào cản kỹ thuật đối với thương mại

TPP - Chương 09 - Đầu tư

TPP - Chương 10 - Thương mại dịch vụ xuyên biên giới

TPP - Chương 11 - Dịch vụ tài chính

TPP - Chương 12 - Nhập cảnh tạm thời đối với doanh nhân

TPP - Chương 13 - Viễn thông

TPP - Chương 14 - Thương mại điện tử

TPP - Chương 15 - Mua sắm Chính phủ

TPP - Chương 16 - Chính sách cạnh tranh

TPP - Chương 17 - Các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị độc quyền

TPP - Chương 18 - Sở hữu trí tuệ

TPP - Chương 19 - Lao động

TPP - Chương 20 - Môi trường

TPP - Chương 21 - Hợp tác và nâng cao năng lực

TPP - Chương 22 - Năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi trong kinh doanh

TPP - Chương 23 - Phát triển

TPP - Chương 24 - Doanh nghiệp vừa và nhỏ

TPP - Chương 25 - Đồng nhất trong sự quản lý

TPP - Chương 26 - Sự minh bạch và chống tham nhũng

TPP - Chương 27 - Quy định hành chính và thể chế

TPP - Chương 28 - Giải quyết tranh chấp

TPP - Chương 29 - Trường hợp ngoại lệ và quy định chung

TPP - Chương 30 - Điều khoản thi hành

 

1186 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;