Tiêu chuẩn trợ giúp xã hội của cơ sở trợ giúp xã hội

Cho tôi hỏi pháp luật quy định như thế nào về tiêu chuẩn trợ giúp xã hội của cơ sở trợ giúp xã hội? Trần Hoàng (Cần Thơ)

Tiêu chuẩn trợ giúp xã hội của cơ sở trợ giúp xã hội

Tiêu chuẩn trợ giúp xã hội của cơ sở trợ giúp xã hội (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Cơ sở trợ giúp xã hội là gì?

Theo Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ sở trợ giúp xã hội gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (sau đây gọi tắt là cơ sở). Trong đó:

- Cơ sở trợ giúp xã hội công lập do cơ quan nhà nước thành lập, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

- Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

2. Tiêu chuẩn trợ giúp xã hội của cơ sở trợ giúp xã hội 

2.1. Tiêu chuẩn về môi trường, khuôn viên và nhà ở

- Môi trường và khuôn viên của cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

+ Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông; môi trường có cây xanh, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng;

+ Có hệ thống thoát nước; có nơi đổ rác, chất thải thường xuyên và các biện pháp phù hợp để xử lý rác, chất thải;

+ Cổng cơ sở có biển ghi tên và địa chỉ rõ ràng; có tường rào và đèn chiếu sáng nhằm đảm bảo sự an toàn cho cơ sở;

+ Có phòng tang lễ, nhà thắp hương cho đối tượng qua đời;

+ Đối với cơ sở ở khu vực nông thôn, miền núi có ít nhất một khu vườn, cột cờ và không gian phù hợp cho đối tượng tập thể dục, thể thao và vui chơi. 

Nếu có ao, hồ thì cần được rào lại, bảo đảm an toàn cho đối tượng; có khu đất để tăng gia, sản xuất phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày tại cơ sở; khu chăn nuôi gia súc, gia cầm cách xa khu vực văn phòng và nhà ở.

- Cơ sở vật chất của cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

+ Hệ thống nhà làm việc, nhà ở phải kiên cố, đảm bảo an toàn, tránh được mưa bão;

+ Cửa ra vào, cửa sổ cung cấp đủ ánh sáng và bảo đảm thông thoáng;

+ Các hệ thống bảo đảm an toàn cho đối tượng, bao gồm việc lắp đặt các hệ thống điện, gas và thoát nước một cách phù hợp;

+ Nhà vệ sinh, nhà tắm phù hợp với các nhóm đối tượng, bao gồm cả người khuyết tật; có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng cho phụ nữ;

+ Sắp xếp việc ngủ, nghỉ cho đối tượng phù hợp với độ tuổi và giới tính;

+ Có khu sinh hoạt chung cho đối tượng trong thời gian rảnh rỗi;

+ Có khu vui chơi, khu sản xuất và lao động trị liệu cho đối tượng;

+ Có bếp và phòng ăn chung cho đối tượng;

+ Có phòng y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đối tượng;

+ Có trang thiết bị cần thiết cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em;

+ Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em tiếp cận, sử dụng thuận tiện.

(Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH)

2.2. Tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng

Cơ sở bảo đảm đối tượng được chăm sóc theo các tiêu chuẩn sau:

- Chăm sóc y tế:

Cơ sở có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. 

Đối với cơ sở có nhiệm vụ phục hồi chức năng thì phải có cán bộ và trang thiết bị phục hồi chức năng cho đối tượng.

- Vệ sinh và đồ dùng sinh hoạt:

+ Cung cấp đầy đủ nước uống sạch và bảo đảm vệ sinh tắm, giặt hàng ngày cho đối tượng;

+ Cung cấp đồ dùng vệ sinh cá nhân, gồm xà phòng tắm, khăn tắm, khăn mặt, kem đánh răng và bàn chải đánh răng riêng;

+ Cung cấp đồ dùng phục vụ việc ngủ, gồm giường nằm, chiếu, gối, chăn, màn;

+ Có nội quy riêng của cơ sở trợ giúp xã hội quy định dọn dẹp vệ sinh và vệ sinh cá nhân.

- Quần áo:

Đối tượng được trang bị quần áo đồng phục đi học (đối với trẻ em trong độ tuổi đi học), tất và dép được cung cấp ít nhất 6 tháng/01 lần và được thay thế trong trường hợp bị hư hỏng, mất và quần áo mặc đủ ấm về mùa đông.

- Dinh dưỡng:

+ Cung cấp ít nhất ba bữa ăn (sáng, trưa và tối) mỗi ngày;

+ Bảo đảm dinh dưỡng đủ calo, có chất đạm (thịt, cá, đậu nành, chất bột đường, ngũ cốc, rau quả);

+ Có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những đối tượng có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật, theo tôn giáo hay tín ngưỡng.

(Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH)

2.3. Tiêu chuẩn về giáo dục và học nghề

Cơ sở bảo đảm cung cấp cho đối tượng được học văn hóa (đối với người có khả năng học tập); được học nghề (đối với trẻ em từ 13 tuổi trở lên và những người có khả năng lao động, có nhu cầu học nghề), cụ thể:

- Bảo đảm phổ cập giáo dục.

- Cung cấp giáo dục chính quy hoặc không chính quy trong các trường công lập, dân lập hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội.

- Giáo dục đối tượng về đạo đức xã hội, vệ sinh, kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản và các chủ đề khác phù hợp với độ tuổi và giới tính.

- Hướng dẫn đối tượng các phương pháp tự phòng, chống nạn mua bán người, lạm dụng, xâm hại, bạo hành và bóc lột.

- Cung cấp sách vở, tài liệu học tập và bố trí nơi học tập cho đối tượng.

- Tư vấn để đối tượng tự lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng cá nhân và điều kiện của địa phương.

- Đối tượng được hỗ trợ học tiếp lên hoặc học nghề tùy thuộc vào độ tuổi, sự lựa chọn và nhu cầu thị trường.

(Điều 9 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH)

2.4. Tiêu chuẩn về văn hóa, thể thao, thể dục và giải trí

- Về văn hóa:

+ Môi trường văn hóa có sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ đối tượng thể hiện tình cảm, suy nghĩ, ý tưởng và sự sáng tạo;

+ Có cơ hội tham gia vào các hoạt động tôn giáo và xã hội;

+ Học văn hóa truyền thống dân tộc và tôn trọng quyền tự do về tôn giáo, tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam;

+ Có quyền lựa chọn tôn giáo mà không bị phân biệt đối xử, không bị ép buộc theo một tôn giáo để được chăm sóc trong cơ sở.

- Về thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí:

+ Tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi và người dân ở cộng đồng; 

Hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia một cách an toàn vào các hoạt động kể trên;

+ Được tạo điều kiện để làm quen, kết bạn với những người sống xung quanh, bạn học ở trường và cộng đồng; 

Gặp gỡ với gia đình hoặc những người thân, bạn bè, trừ một số trường hợp có khả năng đe dọa đến sự an toàn của đối tượng.

(Điều 10 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH)

Nguyễn Thị Hoài Thương

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1013 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;