Tôi muốn biết để trở thành Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì cá nhân cần đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào? – Duy Long (Lâm Đồng)
Tiêu chuẩn để trở thành Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 11 Thông tư 04/2012/TT-BNV, để trở thành Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì cá nhân cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố.
- Đủ 21 trở lên, có sức khoẻ, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác;
- Có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, được người dân tín nhiệm;
- Có kiến thức văn hoá, năng lực, kinh nghiệm và thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư cũng như những công việc cấp trên giao;
- Bản thân và gia đình gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố theo Điều 10 Thông tư 04/2012/TT-BNV (sửa đổi tại Thông tư 14/2018/TT-BNV) như sau:
- Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2012/TT-BNV (sửa đổi tại Thông tư 14/2018/TT-BNV):
+ Cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố bàn, quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc tự quản trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Cộng đồng dân cư tham gia bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về các công việc của thôn, tổ dân phố và của cấp xã theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
+ Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; tham gia tự quản trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương, phòng, chống các tệ nạn xã hội.
+ Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.
+ Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
- Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;
- Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động;
- Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.
- Được ký hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư đã được hội nghị thôn, tổ dân phố thông qua và bảo đảm các quy định liên quan của chính quyền các cấp;
- Được phân công nhiệm vụ giải quyết công việc cho Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố; được chính quyền cấp xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố; được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |