Tiêu chuẩn các ngạch Thẩm tra viên trong Quân đội

Tiêu chuẩn các ngạch Thẩm tra viên trong Quân đội
Trần Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi các ngạch Thẩm tra viên trong Quân đội yêu cầu về tiêu chuẩn như thế nào? - Chí Long (Ninh Thuận)

Tiêu chuẩn các ngạch Thẩm tra viên trong Quân đội

Tiêu chuẩn các ngạch Thẩm tra viên trong Quân đội (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn chung của cán bộ Ngành Thi hành án Quân đội

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 19/2018/TT-BQP, chức danh cán bộ Ngành Thi hành án Quân đội gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án; Chấp hành viên; Thẩm tra viên; Thư ký thi hành án.

Cụ thể, các tiêu chuẩn chung của cán bộ Ngành Thi hành án Quân đội bao gồm:

- Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi; lịch sự, văn hóa trong giao tiếp và phục vụ Nhân dân.

- Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

- Có độ tuổi theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; đủ các tiêu chí về đào tạo theo quy định của pháp luật; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

(Điều 4 Thông tư 19/2018/TT-BQP)

2. Tiêu chuẩn các ngạch Thẩm tra viên trong Quân đội

2.1. Tiêu chuẩn của Thẩm tra viên

Cụ thể tạI khoản 1 Điều 12 Thông tư 19/2018/TT-BQP (sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-BQP) quy định về tiêu chuẩn của Thẩm tra viên như sau:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại mục 1;

- Có trình độ cử nhân luật trở lên;

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

2.2. Tiêu chuẩn của Thẩm tra viên chính

Ngạch Thẩm tra viên chính phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 19/2018/TT-BQP (sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-BQP) như sau:

- Sĩ quan tại ngũ có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại mục 1;

- Có thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày đề nghị bổ nhiệm;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

2.3. Tiêu chuẩn của Thẩm tra viên cao cấp

Để đạt được chức danh Thẩm tra viên cao cấp, cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Sĩ quan tại ngũ có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại mục 1;

- Có thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên chính hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên (đủ 72 tháng), trong đó thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày đề nghị bổ nhiệm;

- Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

(Khoản 3 Điều 12 Thông tư 19/2018/TT-BQP (sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-BQP))

3. Hồ sơ bổ nhiệm Thẩm tra viên trong Quân đội

Theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 19/2018/TT-BQP, hồ sơ bổ nhiệm Thẩm tra viên trong Quân đội bao gồm các thành phần sau đây:

- Tờ trình của Hội đồng xét duyệt, đề nghị bổ nhiệm Thẩm tra viên trong Quân đội;

- Văn bản thẩm định của Tổng cục Chính trị đối với sĩ quan hoặc Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu đối với quân nhân chuyên nghiệp;

- Công văn đề nghị của Thường vụ Đảng ủy cấp quân khu, Đảng ủy Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng;

- Bản tự kiểm điểm của người được đề nghị bổ nhiệm;

- Bản tóm tắt lý lịch (T63);

- Bản kê khai tài sản, thu nhập;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và văn bản khác có liên quan.

Hồ sơ đề nghị của Thường vụ Đảng ủy cấp quân khu gửi về Quân ủy Trung ương qua Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.

4. Trình tự bổ nhiệm Thẩm tra viên trong Quân đội

Cụ thể tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 19/2018/TT-BQP quy định về trình tự bổ nhiệm Thẩm tra viên trong Quân đội như sau:

- Hằng năm, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tham mưu, quân khu, Quân chủng Hải quân thống nhất nhân sự bổ nhiệm các ngạch Thẩm tra viên trong Quân đội;

- Thường vụ Đảng ủy cấp quân khu, Đảng ủy Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm theo Quy chế công tác cán bộ của Quân ủy Trung ương;

- Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng tổng hợp, rà soát tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục, lập danh sách xin ý kiến thẩm định của Tổng cục Chính trị đối với sĩ quan và Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu đối với quân nhân chuyên nghiệp;

- Hội đồng xét duyệt, đề nghị bổ nhiệm Thẩm tra viên trong Quân đội lập danh sách, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị bổ nhiệm.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

671 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;