Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được pháp luật quy định như thế nào? - Duy Lâm (Đồng Tháp)
Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Điều 28 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT như sau:
- Về công nghệ:
+ Có khả năng tiếp nhận, phân loại chất thải, xử lý mùi, nước rỉ rác, khí thải, linh hoạt trong kết hợp các công nghệ khác, xử lý các loại chất thải rắn khác nhau; có khả năng mở rộng công suất, thu hồi năng lượng, xử lý các chất thải thứ cấp; mức độ phù hợp về quy mô xử lý;
+ Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; mức độ tiên tiến của công nghệ xử lý; độ bền của thiết bị, dây chuyền công nghệ; xuất xứ của các trang thiết bị; tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ, khả năng sử dụng, thay thế các loại linh kiện, phụ tùng trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của hệ thống công nghệ, thiết bị;
+ Ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thiết bị xử lý, tái chế chất thải và phù hợp với điều kiện Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ;
Công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
- Về môi trường và xã hội:
+ Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
+ Tiết kiệm diện tích sử dụng đất;
+ Tiết kiệm năng lượng, khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý;
+ Khả năng đào tạo nhân lực địa phương tham gia quản lý, vận hành thiết bị, bảo dưỡng và bảo trì thiết bị.
- Về kinh tế:
+ Chi phí xử lý phù hợp với khả năng chi trả của địa phương hoặc không vượt quá mức chi phí xử lý được cơ quan có thẩm quyền công bố;
+ Khả năng tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động tái chế chất thải;
+ Tiềm năng và giá trị kinh tế mang lại từ việc tái sử dụng chất thải, năng lượng và các sản phẩm có ích được tạo ra sau xử lý;
+ Nhu cầu thị trường; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sau khi xử lý được áp dụng;
+ Tính phù hợp trong chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
+ Chất thải thực phẩm;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
- Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào các bao bì để chuyển giao như sau:
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
- Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thực hiện quản lý như sau:
+ Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |