Cho tôi hỏi các tiêu chí đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng gồm những tiêu chí nào? - Ngọc Châu (Hậu Giang)
Tiêu chí đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Tiêu chí đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng
Tiêu chí đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng theo Điều 19 Nghị định 59/2019/NĐ-CP như sau:
- Tiêu chí đánh giá việc phát hiện tham nhũng bao gồm các tiêu chí thành phần sau:
+ Kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;
+ Kết quả phát hiện tham nhũng qua phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng;
+ Kết quả phát hiện tham nhũng qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
- Tiêu chí đánh giá việc xử lý tham nhũng bao gồm các tiêu chí thành phần sau:
+ Kết quả xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính với tổ chức, cá nhân có vi phạm;
+ Kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng;
+ Kết quả xử lý hình sự người có hành vi tham nhũng;
+ Số lượng tiền, tài sản tham nhũng được kiến nghị thu hồi.
2. Tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo Điều 18 Nghị định 59/2019/NĐ-CP như sau:
- Tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm các tiêu chí thành phần sau:
+ Kết quả thực hiện công khai, minh bạch;
+ Kết quả kiểm soát xung đột lợi ích;
+ Kết quả ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ;
+ Kết quả thực hiện quy tắc ứng xử;
+ Kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác;
+ Kết quả thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt;
+ Kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập;
+ Kết quả thực hiện quy định về trách nhiệm của người đứng đầu.
- Tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bao gồm các tiêu chí thành phần sau:
+ Kết quả xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ;
+ Kết quả thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch;
+ Kiểm soát xung đột lợi ích;
+ Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.
3. Quy định về xử lý vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng
Quy định về xử lý vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng theo Điều 85 Nghị định 59/2019/NĐ-CP như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác mà không báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì bị xử lý như sau:
+ Khiển trách đối với người có hành vi vi phạm lần đầu;
+ Cảnh cáo đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng nhưng không xử lý thì bị xử lý như sau:
+ Khiển trách đối với người có hành vi vi phạm lần đầu;
+ Cảnh cáo đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng;
+ Cách chức đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |