Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam là gì? Thủ tục xử lý đơn Madrid có chỉ định Việt Nam như thế nào? – Trúc Lâm (Quảng Bình)
Thủ tục xử lý đơn Madrid có chỉ định Việt Nam (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 14 Điều 3 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam là Đơn Madrid yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, có nguồn gốc từ các thành viên khác của Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid.
Thủ tục xử lý đơn Madrid có chỉ định Việt Nam được quy định tại Quyết định 2060/QĐ-BKHCN năm 2023, cụ thể như sau:
* Trình tự thực hiện:
- Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ tải về qua đường dẫn trực tuyến do Văn phòng quốc tế của WIPO cung cấp.
- Bước 2: Thẩm định nội dung đơn
Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế về đơn Madrid có chỉ định Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo thể thức quốc gia để đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
- Bước 3: Ra quyết định chấp nhận/từ chối chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam:
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế), gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố bảo hộ và công bố quyết định trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn có một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc nhãn hiệu đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đăng ký quốc tế còn có thiếu sót (thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, thiếu ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh nhãn hiệu ba chiều v.v…), Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định chấp nhận bảo hộ một phần hoặc quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ và gửi cho Văn phòng quốc tế. Quyết định chấp nhận bảo hộ một phần được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.
* Cách thức thực hiện:
- Nộp qua cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia các nước thành viên hệ thống Madrid đến Văn phòng quốc tế của WIPO.
- Trường hợp sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối ý kiến từ chối: nộp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo thể thức quốc gia, tức là nộp yêu cầu: (i) Trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ, hoặc (ii) Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
* Thành phần, số lượng hồ sơ: Theo yêu cầu của Nghị định thư Madrid
* Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo về việc đơn có chỉ định Việt Nam.
* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau có quyền đăng ký nhãn hiệu:
+ Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;
+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó;
+ Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
+ Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
+ Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với điều kiện (i) việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh; (ii) việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
- Người có quyền đăng ký, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
- Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
- Người nộp đơn phải là công dân hoặc cư trú hoặc có cơ sở kinh doanh tại một nước thành viên của Thỏa ước hoặc Nghị định thư.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |