Thủ tục xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân

Tôi muốn biết thủ tục xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân diễn ra như thế nào? - Quỳnh Anh (TPHCM)

Thủ tục xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân

Thủ tục xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 11/4/2024, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 01/2024/TT-TAND quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân.

Thủ tục xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân

Theo Điều 29 Thông tư 01/2024/TT-TAND quy định về thủ tục xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân như sau:

- Những trường hợp đề nghị xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải làm báo cáo thành tích để trình bày tại cuộc họp bình xét thi đua, khen thưởng của tập thể nhỏ hoặc của Tòa án nhân dân cấp huyện (đối với trường hợp thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện). Sau khi xem xét, đánh giá thành tích, tiến hành bỏ phiếu lựa chọn cá nhân, tập thể đạt các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo trình tự từ thấp lên cao. 

Người đứng đầu tập thể nhỏ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện lập hồ sơ những trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề nghị xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trình “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” (đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao không có con dấu, tài khoản riêng) để xem xét.

Thành phần “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” gồm: Tập thể lãnh đạo đơn vị; đại diện lãnh đạo: cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên, tập thể nhỏ thuộc đơn vị (nếu có); đối với những đơn vị có lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sinh hoạt cùng thì mời tham dự để chỉ đạo.

Đối với cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý từ 90% trở lên tính trên tổng số công chức, viên chức, người lao động trong tập thể nhỏ hoặc trong Tòa án nhân dân cấp huyện; đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý từ 80% trở lên tính trên tổng số công chức, viên chức, người lao động trong tập thể nhỏ hoặc trong Tòa án nhân dân cấp huyện (nếu có cá nhân vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).

- Tổ chức phiên họp của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” để xem xét những trường hợp đề nghị khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khi có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên.

Đối với cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” từ 90% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng hoặc Hội nghị; đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng hoặc Hội nghị (nếu có thành viên vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).

- Căn cứ đề nghị của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị”; thủ trưởng cơ quan, đơn vị Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tổ chức phiên họp để xem xét những trường hợp đề nghị khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định hoặc đề nghị. Tổ chức phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân khi có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên.

Đối với cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân từ 90% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng; đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Cờ thi đua Tòa án nhân dân, “Cờ thi đua của Chính phủ” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu có thành viên vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).

- Căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Mỗi vòng bỏ phiếu lựa chọn đề nghị khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng chỉ được tiến hành không quá 02 lần bỏ phiếu. Nếu sau 02 lần bỏ phiếu mà chưa lựa chọn được, thì việc xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do Người có thẩm quyền quy định tại Điều 26 Thông tư 01/2024/TT-TAND hoặc Trưởng cụm và Phó Trưởng cụm thi đua quyết định (đối với Cờ thi đua). Trong trường hợp này, cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật hơn sẽ được ưu tiên xem xét, đề nghị khen thưởng.

- Đối với cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái xét khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trên cơ sở ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái.

- Đối với cá nhân chuyển công tác thì cơ quan, đơn vị mới có trách nhiệm xét khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị cũ).

Xem thêm Thông tư 01/2024/TT-TAND có hiệu lực thi hành từ ngày 11/6/2024.

Thông tư 01/2024/TT-TAND thay thế Thông tư 01/2018/TT-TANDTC và các văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân trước đây trái với quy định trong Thông tư 01/2024/TT-TAND.

Tô Quốc Trình

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

351 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;