Thủ tục quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói được pháp luật quy định thế nào? - Yến Ngọc (Tiền Giang)
Thủ tục quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Thủ tục quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói theo Điều 26 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 như sau:
- Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói. Khi quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản phải viết giấy xác nhận việc trưng dụng tài sản ngay tại thời điểm trưng dụng.
Nội dung giấy xác nhận phải ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản; tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng; mục đích, thời hạn trưng dụng; tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng.
- Chậm nhất là bốn mươi tám giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản và gửi cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản một bản. Văn bản xác nhận phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
Nội dung của quyết định trưng dụng tài sản theo Điều 25 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 như sau:
- Quyết định trưng dụng tài sản bằng văn bản có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng dụng tài sản;
+ Tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng;
+ Mục đích, thời hạn trưng dụng tài sản;
+ Tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng;
+ Thời gian và địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng.
- Quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; trường hợp người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng vắng mặt thì quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trưng dụng.
Quy định về bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng theo Điều 29 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 như sau:
- Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng được thực hiện theo đúng đối tượng, thời gian và địa điểm quy định tại quyết định trưng dụng tài sản.
- Thành phần tham gia bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng gồm có:
+ Người có tài sản trưng dụng, người đại diện hợp pháp hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản;
+ Cá nhân, đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng.
- Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng phải được lập thành biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm có:
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng;
+ Tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng, người đại diện hợp pháp hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng;
+ Tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng tại thời điểm bàn giao, tiếp nhận;
+ Thời gian và địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng.
- Trường hợp người có tài sản trưng dụng, người đại diện hợp pháp hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng không có mặt tại địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản theo thời gian đã quy định thì trong biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản phải ghi rõ sự vắng mặt của họ và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trưng dụng.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |