Cho tôi hỏi thủ tục khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định như thế nào? - Thu Huyền (Cần Thơ)
Thủ tục khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 7 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II.
Trong đó:
- Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I khi đáp ứng các tiêu chí sau:
(i) Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản
Hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế
Hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa
Hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã
Hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.
(ii) Số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá
Hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 05 năm tiếp theo.
- Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm II khi đáp ứng các tiêu chí sau:
+ Đáp ứng tiêu chí được quy định tại (i).
+ Số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 20% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá;
Hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 20% trong 05 năm tiếp theo.
Hồ sơ đề nghị khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bao gồm:
- Đơn đề nghị theo Mẫu số 10.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;
- Phương án khai thác theo Mẫu số 11.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;
- Bản chính hoặc bản sao chứng thực văn bản ký kết hợp tác quốc tế cấp quốc gia về cho, tặng, trao đổi loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đối với trường hợp khai thác vì mục đích hợp tác quốc tế;
- Quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu khoa học, bảo tồn, nghiên cứu tạo giống ban đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thuyết minh đề cương bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống ban đầu đối với trường hợp khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống ban đầu;
- Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đề nghị cấp văn bản chấp thuận đối với trường hợp nghiên cứu khoa học, bảo tồn, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu.
(Khoản 1 Điều 9 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)
Trình tự khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại mục 2.1 đến Tổng cục Thủy sản;
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm định hồ sơ;
Lấy ý kiến Ban quản lý khu bảo tồn biển đối với trường hợp khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn biển và ban hành văn bản chấp thuận theo Mẫu số 12.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
* Lưu ý:
- Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có hiệu lực theo thời gian thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống ban đầu, hợp tác quốc tế.
- Tổng cục Thủy sản thu hồi văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận hoặc phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
(Khoản 2, 3 và 4 Điều 9 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)
Nguyễn Thị Hoài Thương
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |