Thủ tục kết nạp hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

Thủ tục kết nạp hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam
Nguyễn Thị Diễm My

Thủ tục kết nạp hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam như thế nào? Chức năng của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là gì? – Ngọc Nhi (Long An)

Thủ tục kết nạp hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

Thủ tục kết nạp hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (Hình từ internet)

1. Hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

Hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam bao gồm:

- Hội viên chính thức:

+ Hội viên của các thành viên là hội viên chính thức của Liên hiệp;

+ Các cá nhân là người khuyết tật có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam, nữ và nguyên nhân khuyết tật có nguyện vọng đóng góp xây dựng Liên hiệp, tự nguyện đăng ký gia nhập Liên hiệp và tán thành Điều lệ của Liên hiệp được Ban Thường vụ Liên hiệp quyết định kết nạp đều có thể trở thành hội viên của Liên hiệp;

+ Công dân Việt Nam có đạo đức, uy tín cá nhân, có kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt có tâm huyết muốn giúp đỡ những người khuyết tật, có nguyện vọng được đóng góp xây dựng Liên hiệp, có điều kiện tham gia hoạt động tại các cơ quan chuyên môn của Liên hiệp, tán thành Điều lệ Liên hiệp, tự nguyện tham gia Liên hiệp và cam kết đóng đầy đủ hội phí được Ban Thường vụ Liên hiệp xem xét và công nhận.

- Hội viên danh dự:

Cá nhân, công nhân Việt Nam không phải là hội viên chính thức nhưng có nhiều đóng góp tích cực cho Liên hiệp thì được Ban Thường vụ công nhận là hội viên danh dự. Hội viên danh dự được tham gia các hoạt động của Liên hiệp nhưng không được biểu quyết, bầu cử, ứng cử vào các chức danh lãnh đạo của Liên hiệp.

(Điều 8 Điều lệ Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1538/QĐ-BNV)

2. Thủ tục kết nạp hội viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

- Cá nhân, tổ chức Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Điều lệ này, có đơn xin gia nhập hội gửi Ban Thường vụ Liên hiệp xem xét, quyết định.

- Ban Thường vụ Liên hiệp quy định cụ thể trình tự, thủ tục kết nạp thành viên, hội viên.

(Điều 9 Điều lệ Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1538/QĐ-BNV)

3. Chức năng của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

- Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là tổ chức tập hợp các hội, tổ chức của người khuyết tật và tổ chức vì người khuyết tật, tạo sức mạnh trong mọi hoạt động hỗ trợ người khuyết tật sống tự tin, bình đẳng và hòa nhập đầy đủ trong xã hội, phấn đấu trở thành những người công dân có ích cho gia đình và xã hội.

- Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên và hội viên; tạo cơ hội bình đẳng, điều kiện thuận lợi để người khuyết tật học tập, sinh hoạt và làm việc; đại diện cho các thành viên, hội viên trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực hoạt động vì người khuyết tật Việt Nam.

- Điều hòa phối hợp hoạt động của các hội, tổ chức thành viên.

- Tập hợp ý kiến và nguyện vọng của người khuyết tật để phản ánh với Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng chính sách pháp luật và các vấn đề khác có liên quan đến người khuyết tật.

- Tham gia hoạt động giám sát, phản biện và đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về người khuyết tật và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các tổ chức thành viên và hội viên.

- Tham gia với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

(Điều 5 Điều lệ Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1538/QĐ-BNV)

4. Nhiệm vụ của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

- Làm đầu mối tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và người khuyết tật về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của Công ước quốc tế liên quan đến người khuyết tật; những hoạt động của quốc tế về người khuyết tật và quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật.

- Tham gia bảo vệ và thúc đẩy quyền bình đẳng của người khuyết tật trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục hòa nhập, phục hồi chức năng, việc làm, hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí.

- Bảo vệ quyền bình đẳng của người khuyết tật về quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế, cải tiến khoa học kỹ thuật, công nghệ, ý tưởng, sáng tạo, bản quyền, thương hiệu, sản phẩm của người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức trợ giúp cho người khuyết tật hoặc các tổ chức của người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

- Vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ các nguồn lực về vật chất và tinh thần cho hoạt động của Liên hiệp và các thành viên.

- Tổ chức các hoạt động về thông tin, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các tổ chức thành viên, hội viên của Liên hiệp và người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

- Củng cố và mở rộng quan hệ giữa các thành viên với các tổ chức xã hội có liên quan, quan hệ quốc tế. Thúc đẩy và phát triển hội viên, thành viên trong phạm vi toàn quốc.

- Tiếp nhận tài trợ trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Thành lập các tổ chức trực thuộc Liên hiệp theo quy định của pháp luật.

(Điều 6 Điều lệ Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1538/QĐ-BNV)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1088 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;