Ai có quyền đề nghị hủy bỏ Quyết định cấm tiếp xúc? Thủ tục hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc như thế nào? – Mạnh Hùng (Đà Nẵng)
Thủ tục hủy bỏ Quyết định cấm tiếp xúc theo đơn đề nghị (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Thủ tục hủy bỏ Quyết định cấm tiếp xúc theo đơn đề nghị được quy định tại Quyết định 3657/QÐ-BVHTTDL năm 2023 như sau:
- Số lượng hồ sơ: 01 (đơn).
- Thành phần hồ sơ: Đơn đề nghị hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc.
- Cách thức nộp hồ sơ:
Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền gửi đề nghị hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với địa phương không tổ chức chính quyền cấp xã) thông qua hình thức trực tiếp, bưu chính hoặc điện tử (Cổng dịch vụ công Quốc gia).
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị ra quyết định cấm tiếp xúc hoặc người bị bạo lực gia đình, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình không đồng ý với quyết định cấm tiếp xúc gửi đơn đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với địa phương không tổ chức chính quyền cấp xã) đã ra quyết định cấm tiếp xúc để đề nghị hủy bỏ quyết định này theo Mẫu số 10 của phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP.
- Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với địa phương không tổ chức chính quyền cấp xã) sẽ quyết định hủy bỏ hay không hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc. Trường hợp không ra quyết định thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Công chức Văn hóa - Xã hội hoặc Trưởng cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch cấp huyện đối với địa phương không tổ chức chính quyền cấp xã sẽ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân ban hành Quyết định hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc theo mẫu số 11 của phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP.
- Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Việc đề nghị phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
(Điều 15 Nghị định 76/2023/NĐ-CP)
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định 76/2023/NĐ-CP ban hành quyết định cấm tiếp xúc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định cấm tiếp xúc theo đề nghị quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 15 Nghị định 76/2023/NĐ-CP theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP. Trường hợp không ban hành quyết định thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc theo Mẫu số 08 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP.
- Thời gian cấm tiếp xúc không quá 03 ngày cho mỗi lần quyết định cấm tiếp xúc.
(Điều 17 Nghị định 76/2023/NĐ-CP)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |