Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết

Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết được quy định như thế nào? - Minh Quân (Tiền Giang)

Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết

Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết

Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết theo Điều 56 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:

- Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân. 

Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân trước khi làm thủ tục mai táng. Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó gửi giấy báo tử cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân; 

Đồng thời báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam có trách nhiệm tổ chức mai táng.

- Khi cơ quan có thẩm quyền cho phép làm các thủ tục mai táng người chết thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo về việc mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện của phạm nhân. 

Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. 

Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức mai táng theo quy định của pháp luật và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của người chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở. 

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc mai táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc mai táng được Nhà nước cấp.

Trường hợp phạm nhân chết là người nước ngoài, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi thông báo về phạm nhân chết, nếu cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch không đề nghị nhận tử thi thì trại giam tổ chức mai táng.

- Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân và tự chịu chi phí, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. 

Việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài thì việc nhận tử thi hoặc hài cốt phải được cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định.

2. Quy định về giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn

Quy định về giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn theo Điều 42 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:

- Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.

Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

- Phạm nhân đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1849 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;