Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ

Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ
Lê Trương Quốc Đạt

Sau đây là thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.

Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ

Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Hình từ Internet)

1. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ

Theo Điều 21 Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ như sau:

* Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh

- Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh theo một trong các hình thức sau: trực tiếp, trực tuyến, dịch vụ bưu chính. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

- Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh khi có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh bị thu hồi được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 158/2024/NĐ-CP.

- Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng

+ Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

- Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia hoặc cổng thông tin doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trước khi cấp Giấy phép kinh doanh.

- Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại Bộ phận Một cửa của cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh hoặc dịch vụ bưu chính. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh hoặc dịch vụ bưu chính, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.

Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện xử lý hồ sơ và cấp Giấy phép kinh doanh trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.

- Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn một trong các trường hợp sau đây:

+ Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

+ Không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 06 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh trong thời gian 06 tháng liên tục trở lên;

+ Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;

+ Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu;

+ Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền;

+ Trong thời gian 01 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu;

+ Trong 01 năm có từ 02 lần trở lên bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải;

+ Không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.

- Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thu hồi Giấy phép kinh doanh do cơ quan mình cấp và thực hiện theo trình tự sau đây:

+ Ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh;

+ Gửi quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải và phải đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;

+ Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện;

+ Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với loại hình kinh doanh vận tải có vi phạm; trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu theo đúng quyết định thu hồi, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh không cấp lại Giấy phép kinh doanh trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại đủ Giấy phép kinh doanh và phù hiệu theo quyết định thu hồi.

Trường hợp quá thời hạn trên, đơn vị kinh doanh vận tải không nộp Giấy phép kinh doanh và phù hiệu hoặc có nộp nhưng không đủ theo quyết định thu hồi, Sở Giao thông vận tải không cấp lại Giấy phép kinh doanh trong thời gian 45 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại đủ Giấy phép kinh doanh và phù hiệu theo quyết định thu hồi. Sau thời hạn trên, nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh, đơn vị kinh doanh vận tải làm thủ tục để được cấp Giấy phép kinh doanh, phù hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 21 và khoản 6 Điều 23 Nghị định 158/2024/NĐ-CP.

- Sở Giao thông vận tải

+ Quản lý, tổ chức thực hiện việc in ấn Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ theo mẫu đã được ban hành tại Nghị định 158/2024/NĐ-CP; cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn địa phương;

+ Định kỳ từ ngày 01 đến ngày 05 hằng tháng, công bố danh sách phương tiện (biển số đăng ký xe), loại phù hiệu đã cấp và thời hạn có hiệu lực của phù hiệu) và đơn vị kinh doanh vận tải (tên đơn vị, loại hình kinh doanh đã được cấp, thời hạn có hiệu lực của giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; danh sách phương tiện bị thu hồi, bị tước phù hiệu; danh sách đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi, bị tước giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của tháng liền trước trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.

2. Quy định về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ

Quy định về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ theo Điều 11 Nghị định 158/2024/NĐ-CP như sau: 

- Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ phải có bộ phận quản lý an toàn, xây dựng và thực hiện bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đáp ứng yêu cầu sau:

+ Có người trực tiếp điều hành vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 158/2024/NĐ-CP và có nhân sự thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe, phương tiện trong suốt quá trình tham gia kinh doanh vận tải;

+ Xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại Điều 11 Nghị định 158/2024/NĐ-CP;

+ Giao nhiệm vụ cho lái xe; chỉ sử dụng lái xe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải có Giấy phép lái xe phù hợp loại xe theo quy định tại Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và lái xe đã được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn nghiệp vụ vận tải.

- Người trực tiếp điều hành vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải phải bảo đảm các yêu cầu như sau:

+ Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc phải có trình độ chuyên môn về vận tải (có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải hoặc đường bộ trở lên);

+ Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa (không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 158/2024/NĐ-CP) đáp ứng yêu cầu tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 158/2024/NĐ-CP hoặc phải có kinh nghiệm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải tối thiểu từ 03 năm trở lên hoặc là chủ hộ kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc là người đại diện pháp luật của đơn vị kinh doanh vận tải;

+ Bảo đảm về thời gian làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật về lao động và phù hợp với thời gian hoạt động kinh doanh của đơn vị mình.

- Bộ phận quản lý an toàn tại đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ trước khi giao nhiệm vụ vận chuyển mới cho người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (áp dụng đối với phương tiện thuộc đối tượng phải lắp) để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm;

+ Tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, phản ánh của người lái xe về các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông;

+ Phối hợp với bộ phận khác của đơn vị để bố trí xe và người lái xe thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, bảo đảm thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong một ngày, trong một tuần, thời gian nghỉ ngơi của người lái xe theo quy định tại Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

- Trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, bộ phận quản lý an toàn hoặc người trực tiếp điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công và người lái xe phải thực hiện các nội dung công việc (riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe taxi thực hiện theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị):

+ Kiểm tra Giấy phép lái xe của người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với hoạt động vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt; hợp đồng vận tải đối với hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng; giấy vận tải đối với hoạt động vận tải hàng hóa;

+ Thông báo trực tiếp hoặc qua phần mềm của đơn vị kinh doanh vận tải cho người lái xe các yêu cầu vận chuyển của khách hàng;

+ Kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra).

- Sau khi được giao nhiệm vụ và trước khi cho xe khởi hành, người lái xe được giao nhiệm vụ vận chuyển phải thực hiện kiểm tra bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện tối thiểu các nội dung chính gồm: kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe lắp trên xe (đối với những xe bắt buộc phải lắp theo quy định) bảo đảm tình trạng hoạt động tốt; kiểm tra hệ thống lái; kiểm tra các bánh xe; kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe.

- Trước khi cho xe khởi hành thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người lái xe nhận nhiệm vụ phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe.

- Khi xe đang hoạt động trên đường

+ Bộ phận quản lý an toàn giao thông hoặc người được giao nhiệm vụ quản lý an toàn giao thông trong đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện các nhiệm vụ: thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, khi phát hiện lái xe vi phạm quá thời gian lái xe liên tục, quá thời gian lái xe trong ngày, chạy sai hành trình, thiết bị giám sát hành trình không hoạt động thì kịp thời thông tin cho lái xe yêu cầu điều chỉnh, kịp thời khắc phục các sai phạm;

+ Người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông trong quá trình điều khiển phương tiện để vận chuyển hành khách, hàng hóa, chấp hành quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong một ngày, trong một tuần, quy định về tốc độ, hành trình chạy xe, thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (đối với loại phương tiện phải lắp) bảo đảm luôn hoạt động; báo cáo ngay thời gian, địa điểm và nguyên nhân khi xảy ra sự cố mất an toàn giao thông để đơn vị có biện pháp xử lý kịp thời.

- Khi người lái xe kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc

+ Bộ phận quản lý an toàn hoặc người trực tiếp điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: thống kê quãng đường phương tiện đã thực hiện làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện bảo đảm theo đúng chu kỳ bảo dưỡng định kỳ; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện; thống kê các lỗi vi phạm về tốc độ xe chạy, vi phạm về thời gian người lái xe liên tục, thời gian lái xe trong một ngày, trong một tuần, hoạt động sai hành trình vận chuyển, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (đối với loại phương tiện phải lắp) bị gián đoạn; báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất an toàn giao thông trong quá trình xe hoạt động kinh doanh vận tải trên đường;

+ Người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ: sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

- Theo định kỳ tháng, quý, năm, bộ phận (cán bộ quản lý do đơn vị phân công) quản lý an toàn phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Thống kê số vụ, nguyên nhân, mức độ tai nạn giao thông đã xảy ra của từng người lái xe và của toàn đơn vị;

+ Xây dựng và thực hiện phương án xử lý khi xảy ra sự cố gây mất an toàn giao thông trong quá trình kinh doanh vận tải;

+ Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm đối với toàn bộ người lái xe của đơn vị sau khi xảy ra tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên trong quá trình kinh doanh vận tải;

+ Phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ của đơn vị để tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải cho toàn bộ người lái xe của đơn vị theo quy định;

+ Lưu trữ hồ sơ, sổ sách ghi chép bằng bản giấy hoặc lưu trên phần mềm kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, khoản 3, và điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 158/2024/NĐ-CP. Thời gian lưu trữ tối thiểu 03 năm.

- Đơn vị hoạt động vận tải nội bộ phải theo dõi, tổng hợp hoạt động của lái xe, xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ trong quá trình vận tải cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên; vận tải sản phẩm, hàng hóa hoặc trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu để phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của đơn vị vận tải nội bộ.

Đơn vị vận tải nội bộ, người lái xe phải bảo đảm tối thiểu công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ theo các nội dung quy định sau:

+ Quy định tại điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 158/2024/NĐ-CP;

+ Kiểm tra giấy phép lái xe của người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký xe;

+ Sau khi được giao nhiệm vụ và trước khi cho xe khởi hành, người lái xe được giao nhiệm vụ vận chuyển phải thực hiện kiểm tra bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện; kiểm tra hệ thống lái; kiểm tra các bánh xe; kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe. Khi xe đang hoạt động trên đường, người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông trong quá trình điều khiển phương tiện để vận chuyển hành khách, hàng hóa, chấp hành quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong một ngày, trong một tuần, quy định về tốc độ, hành trình chạy xe; báo cáo ngay thời gian, địa điểm và nguyên nhân khi xảy ra sự cố mất an toàn giao thông để đơn vị có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách);

+ Đơn vị vận tải nội bộ phải thực hiện: theo dõi, tổng hợp quá trình hoạt động thực hiện nhiệm vụ vận chuyển của phương tiện và người lái xe; thực hiện nhắc nhở, chấn chỉnh khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông; thực hiện thống kê quãng đường phương tiện đã thực hiện làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện bảo đảm theo đúng chu kỳ bảo dưỡng định kỳ; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện; tổng hợp các sự cố mất an toàn giao thông trong quá trình xe hoạt động vận tải trên đường.

- Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách, bến xe hàng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Đường bộ 2024; xây dựng, thực hiện quy trình xe ra, vào bến bảo đảm an toàn cho phương tiện hoạt động trong bến xe.

- Đơn vị kinh doanh vận tải

+ Sử dụng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ tham gia kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao thông theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35, khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 40 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh), có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe;

+ Không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi;

+ Sử dụng lái xe kinh doanh vận tải phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm điều khiển xe ô tô khách có trọng tải thiết kế trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để điều khiển xe ô tô khách có giường nằm hai tầng;

+ Lập, cập nhật đầy đủ các nội dung quy định về quá trình hoạt động của xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ và lái xe thuộc đơn vị vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe;

+ Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Đường bộ 2024.

- Thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục như sau:

+ Đối với lái xe ô tô taxi, xe ô tô buýt nội tỉnh tối thiểu là 05 phút;

+ Đối với lái xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt liên tỉnh, xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng, xe ô tô vận tải hàng hóa tối thiểu là 15 phút.

 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;