Cho tôi hỏi thư bảo lãnh là gì? Thư bảo lãnh do ai nào ban hành và có những nội dung nào bắt buộc phải có? – Ngọc Ngân (Lâm Đồng)
Thư bảo lãnh là gì? Thư bảo lãnh do ai nào ban hành? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 91/2018/NĐ-CP, thư bảo lãnh là văn bản về bảo lãnh Chính phủ được thực hiện dưới các hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc văn bản bảo lãnh.
Cụ thể, thư bảo lãnh do Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ cấp và quản lý. Bộ Tài chính chỉ cấp Thư bảo lãnh, không cấp Thư tái bảo lãnh.
Ngoài ra, thư bảo lãnh được phát hành một lần duy nhất cho từng khoản vay, từng đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và không vượt quá tổng mức dự kiến bảo lãnh cho khoản vay, phát hành trái phiếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho dự án đầu tư.
Riêng đối với các ngân hàng chính sách, Bộ Tài chính xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh hàng quý theo khối lượng trái phiếu thực tế phát hành.
(Khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 91/2018/NĐ-CP)
Nội dung bắt buộc có trong Thư bảo lãnh gồm:
- Người bảo lãnh;
- Đối tượng được bảo lãnh;
- Dẫn chiếu các hợp đồng thương mại liên quan, thỏa thuận vay hoặc thông tin về khoản phát hành trái phiếu được bảo lãnh (nếu có);
- Số tiền vay được bảo lãnh, loại tiền vay được bảo lãnh;
- Cam kết của Bộ Tài chính đối với người nhận bảo lãnh về các nghĩa vụ của Đối tượng được bảo lãnh và Bộ Tài chính;
- Quyền lợi và trách nhiệm của người nhận bảo lãnh;
- Thời hạn hiệu lực và thu hồi Thư bảo lãnh;
- Luật điều chỉnh và cơ quan, địa điểm, ngôn ngữ được sử dụng trong giải quyết các tranh chấp;
- Địa điểm, ngày, tháng, năm ký phát hành Thư bảo lãnh
Lưu ý: Những nội dung khác của Thư bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng không trái với các quy định pháp luật của Việt Nam.
(Khoản 4, 5 Điều 7 Nghị định 91/2018/NĐ-CP)
Cụ thể tại Điều 26 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh như sau:
(1) Việc điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh cho thỏa thuận vay đã ký theo yêu cầu của đối tượng được bảo lãnh được Bộ Tài chính thực hiện khi nhận đầy đủ các hồ sơ hợp lệ sau đây:
- Văn bản đề nghị của đối tượng được bảo lãnh giải trình rõ lý do, nội dung đề nghị điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh và ảnh hưởng của việc điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh đối với việc thực hiện các nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh theo thỏa thuận vay;
- Các văn bản sửa đổi, bổ sung của thỏa thuận vay đã ký;
- Ý kiến về việc điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh của người nhận bảo lãnh;
- Dự thảo văn bản điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh do người nhận bảo lãnh đề xuất (nếu có).
(2) Trường hợp nội dung điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh cho thỏa thuận vay đã ký không làm tăng tổng trị giá vay gốc được Chính phủ bảo lãnh và không thay đổi đối tượng được bảo lãnh, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và phát hành văn bản hoặc phụ lục điều chỉnh Thư bảo lãnh trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ nêu tại (1) từ đối tượng được bảo lãnh.
(3) Trường hợp nội dung điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh cho thỏa thuận vay đã ký làm tăng tổng trị giá vay gốc được Chính phủ bảo lãnh hoặc thay đổi đối tượng được bảo lãnh, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ nêu tại (1) từ đối tượng được bảo lãnh.
Bộ Tài chính phát hành văn bản hoặc phụ lục điều chỉnh Thư bảo lãnh hoặc văn bản thông báo không phê duyệt điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh gửi đối tượng được bảo lãnh trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
(4) Quy định tại (1), (2), (3) không áp dụng đối với trái phiếu đã phát hành đã được Bộ Tài chính cấp bảo lãnh Chính phủ
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |