Đây là nội dung mới được lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Ảnh minh họa
Cụ thể, tại Điều 3 Dự thảo quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương gồm các khoảng thời gian sau:
1. Nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc khi làm việc theo ca liên tục quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Nghị định này.
2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
4. Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5. Nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh.
6. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
7. Thời giờ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
8. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
9. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn.
10. Thời gian người lao động được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Dự thảo lần này đã bãi bỏ thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu được quy định tại Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP và thay vào đó là thời gian người lao động được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật sẽ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.
Chi tiết xem tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Lê Hải
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |