Thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập

Cho tôi hỏi hiện nay thì ai có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập? - Khả Hân (TPHCM)

Thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập

Thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Căn cứ xác minh tài sản, thu nhập

Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;

- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo 2018;

- Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;

- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

2. Thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập 

Căn cứ Điều 42 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập như sau:

- Khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 hoặc khi xét thấy cần có thêm thông tin để phục vụ cho công tác cán bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập:

+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước;

+ Chủ tịch nước yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

+ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Thứ trưởng và chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018;

+ Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp;

+ Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu xác minh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

+ Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội;

+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu hoặc kiến nghị xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

- Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xét thấy cần làm rõ về tài sản, thu nhập có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.

3. Trình tự xác minh tài sản, thu nhập

Trình tự xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo các bước sau đây:

- Ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập.

- Yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình.

- Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.

- Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập.

- Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

- Gửi và công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

(Theo Điều 43 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)

Tô Quốc Trình

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

232 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;