Xin hỏi sở hữu chung của cộng đồng có phải là sở hữu chung hợp nhất không phân chia? Chia tài sản thuộc sở hữu chung như thế nào? - Bảo Uyên (Long An)
Sở hữu chung của cộng đồng có phải là sở hữu chung hợp nhất? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
- Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.
- Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
(Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015)
Theo Điều 211 Bộ luật Dân sự 2015 quy định sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
- Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.
Như vậy, theo quy định nêu trên, tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.
- Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.
Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
- Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.
(Điều 210 Bộ luật Dân sự 2015)
Theo Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chia tài sản thuộc sở hữu chung như sau:
- Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
- Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Tại Điều 220 Bộ luật Dân sự 2015 sở hữu chung chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- Tài sản chung đã được chia.
- Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung.
- Tài sản chung không còn.
- Trường hợp khác theo quy định của luật.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |