Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi theo quy định thì đối tượng nào có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp? - Hoàng Minh (Cần Thơ)

Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 như sau:

- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

- Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Các hành vi bị cấm về cấp lý lịch tư pháp

Các hành vi bị cấm về cấp lý lịch tư pháp theo Điều 8 Luật Lý lịch tư pháp 2009 gồm:

- Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại dữ liệu lý lịch tư pháp.

- Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sai sự thật.

- Giả mạo giấy tờ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Tẩy xoá, sửa chữa, giả mạo Phiếu lý lịch tư pháp.

- Cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nội dung sai sự thật, trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.

- Sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân.

3. Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp

Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp theo Điều 5 Luật Lý lịch tư pháp 2009 như sau:

- Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam, Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

- Người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.

- Công dân Việt Nam, người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp

Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp theo Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp 2009 như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

- Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

- Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp;

+ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác lý lịch tư pháp;

+ Quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;

+ Bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp;

+ Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;

+ Ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp;

+ Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp;

+ Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực lý lịch tư pháp;

+ Định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp.

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp;

+ Bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương;

+ Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;

+ Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;

+ Định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

545 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;