Tôi muốn biết dịch vụ bưu chính là gì? Người sử dụng dịch vụ bưu chính có các quyền và nghĩa vụ như thế nào? – Phương Trinh (Gia Lai)
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.
Cụ thể:
- Dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ bưu chính được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác.
- Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ bưu chính được cung ứng thường xuyên đến người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
(Khoản 3, 4, 5 Điều 3 Luật Bưu chính 2010)
Người sử dụng dịch vụ bưu chính là tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính, bao gồm người gửi và người nhận.
Trong đó, người sử dụng dịch vụ bưu chính có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về dịch vụ bưu chính mà mình sử dụng;
- Được bảo đảm an toàn và an ninh thông tin;
- Khiếu nại về dịch vụ bưu chính đã sử dụng;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Ghi đúng họ tên, địa chỉ của người gửi và người nhận;
- Cung cấp thông tin về bưu gửi;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về bưu gửi;
- Thực hiện các quy định về an toàn, an ninh đối với bưu gửi;
- Thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính mà mình sử dụng, trừ trường hợp được miễn, giảm giá cước theo quy định của pháp luật hoặc các bên có thoả thuận khác;
- Trả thù lao, chi phí hợp lý khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát bưu gửi đến địa chỉ của mình hoặc lắp đặt hộp thư tại vị trí thuận tiện cho việc phát bưu gửi;
- Bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính theo quy định tại Điều 42 Luật Bưu chính 2010.
(Khoản 16 Điều 3 và Điều 30 Luật Bưu chính 2010)
Cụ thể tại Điều 42 Luật Bưu chính 2010 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người sử dụng dịch vụ bưu chính như sau:
- Người sử dụng dịch vụ bưu chính phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và các bên có liên quan theo quy định của pháp luật khi gửi vật phẩm, hàng hoá không được gửi quy định tại Điều 12 hoặc bưu gửi không được gói, bọc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Bưu chính 2010.
- Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, người sử dụng dịch vụ bưu chính không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
+ Thiệt hại xảy ra do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm hợp đồng đã giao kết;
+ Bưu gửi đã được chấp nhận đúng thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính không thực hiện các quy định về khiếu nại, giải quyết tranh chấp quy định tại Điều 38 và Điều 39 Luật Bưu chính 2010.
Các chính sách của Nhà nước về bưu chính bao gồm:
- Xây dựng và phát triển ngành bưu chính hiện đại nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân.
- Xây dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh theo quy định của pháp luật để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bưu chính.
- Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bưu chính.
- Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bưu chính.
- Áp dụng cơ chế ưu đãi đối với việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
(Điều 5 Luật Bưu chính 2010)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |