Cho tôi hỏi về quy trình mua sắm tập trung tổng quát trong đấu thầu hiện nay được quy định như thế nào? - Thùy Hoa (Tiền Giang)
Quy trình mua sắm tập trung tổng quát trong đấu thầu (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 68 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì nguyên tắc mua sắm tập trung trong đấu thầu quy định như sau:
- Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp.
Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.
- Đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung thỏa thuận khung và ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung trên cơ sở thỏa thuận khung.
Trường hợp ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán hợp đồng.
- Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đối với mua sắm tập trung được thực hiện theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc nhiều người có thẩm quyền khác nhau, người có thẩm quyền của các gói thầu thỏa thuận, ủy quyền cho một người có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 73 Luật Đấu thầu;
Trong trường hợp này, người có thẩm quyền giao cho một đơn vị trực thuộc có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Điều 69 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Quy trình mua sắm tập trung tổng quát trong đấu thầu theo Điều 70 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:
- Quy trình mua sắm tập trung tổng quát:
+ Tổng hợp nhu cầu;
+ Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
+ Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
+ Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng;
+ Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Hoàn thiện, ký kết thỏa thuận khung;
+ Hoàn thiện, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung trực tiếp ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu thì không tiến hành ký kết thỏa thuận khung theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 70 Nghị định 63/2014/NĐ-CP;
+ Quyết toán, thanh lý hợp đồng.
- Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu thực hiện mua sắm tập trung có thể chia thành nhiều phần để tổ chức đấu thầu lựa chọn một hoặc nhiều nhà thầu trúng thầu.
Theo Điều 71 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung như sau:
- Hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
+ Hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.
- Trách nhiệm ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung:
+ Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung do Bộ Y tế ban hành;
+ Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung thuộc phạm vi quản lý của mình.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |