Việc lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em được thực hiện với những bước nào? – Minh Phúc (Gia Lai)
Quy trình lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em (Hình từ internet)
- Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em; cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.
- Tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến; bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến.
- Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.
- Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em.
- Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH.
(Điều 2 Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH)
Quy trình lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em bao gồm các bước sau:
(1) Bước 1: Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em
- Xây dựng kế hoạch lấy ý kiến của trẻ em bao gồm:
+ Mục đích, yêu cầu;
+ Thời gian, địa điểm;
+ Đối tượng trẻ em tham gia lấy ý kiến;
+ Nội dung cần lấy ý kiến;
+ Hình thức lấy ý kiến;
+ Kinh phí;
+ Phân công thực hiện.
- Thuyết minh nội dung của văn bản đang soạn thảo; xây dựng bộ công cụ lấy ý kiến của trẻ em bảo đảm khoa học, ngắn gọn, đơn giản và phù hợp với hình thức lấy ý kiến của trẻ em.
- Lựa chọn trẻ em tham gia lấy ý kiến bảo đảm đại diện vùng miền, dân tộc, độ tuổi, giới tính, tôn giáo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phải lấy ý kiến của trẻ em hoặc đại diện nhóm trẻ em chịu sự tác động trực tiếp của văn bản phù hợp với mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.
- Tập huấn hoặc cung cấp thông tin cho người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em về mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức lấy ý kiến.
- Ban hành văn bản hướng dẫn hoặc đề nghị phối hợp thực hiện lấy ý kiến của trẻ em.
- Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với hình thức lấy ý kiến của trẻ em.
(Điều 4 Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH)
(2) Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em
- Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trực tiếp tổ chức lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức sau:
+ Phiếu lấy ý kiến của trẻ em;
+ Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm;
+ Thông qua điện thoại;
+ Thông qua môi trường mạng;
+ Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em; người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em cung cấp cho trẻ em những thông tin cơ bản sau:
+ Mục đích, yêu cầu việc lấy ý kiến của trẻ em;
+ Nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em;
+ Hướng dẫn, giải thích cho trẻ em những thông tin liên quan đến nội dung cần lấy ý kiến và những nội dung khác mà trẻ em quan tâm.
- Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm việc kịp thời cung cấp, giải thích thông tin, hỗ trợ cho trẻ em.
- Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không trực tiếp tổ chức việc lấy ý kiến của trẻ em thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
- Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức quy định tại khoản 1 và quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH.
(Điều 5 Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH)
(3) Bước 3: Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em
- Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tổng hợp đầy đủ ý kiến của trẻ em vào nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hồ sơ trình thẩm định, thẩm tra văn bản; tiếp thu những ý kiến phù hợp, bổ sung, chỉnh sửa vào dự thảo văn bản trước khi ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; giải trình những ý kiến không tiếp thu.
- Trường hợp Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thì gửi văn bản tổng hợp kết quả lấy ý kiến của trẻ em đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tiếp nhận văn bản tổng hợp và thực hiện theo quy định trên.
(Điều 6 Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH)
(4) Bước 4: Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em
- Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thông tin, phản hồi việc tiếp thu ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức sau:
+ Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp báo;
+ Thông qua điện thoại;
+ Thông qua môi trường mạng;
+ Các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Gửi văn bản đến trường học, cộng đồng, địa phương nơi tổ chức lấy ý kiến của trẻ em để niêm yết công khai;
+ Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
- Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lấy ý kiến của trẻ em thông qua Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì gửi văn bản thông tin, phản hồi về việc tiếp thu ý kiến của trẻ em cho Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để thông tin, phản hồi cho trẻ em thông qua một hoặc các hình thức trên.
(Điều 7 Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |