Quy trình kiểm soát phương tiện giao thông đường thủy được quy định như thế nào? – Ngọc An (Thái Bình)
Quy trình kiểm soát phương tiện giao thông đường thủy (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Quy trình kiểm soát phương tiện giao thông đường thủy được quy định tại Điều 9 Thông tư 36/2023/TT-BCA như sau:
(i) Kiểm soát phương tiện giao thông:
- Sau khi phát hiệu lệnh dừng phương tiện, cán bộ thuộc Tổ tuần tra, kiểm soát hướng dẫn cho phương tiện tiếp bờ, cập cầu tàu (nếu kiểm tra tại Trạm) hoặc cặp mạn vào phương tiện tuần tra, kiểm soát. Trường hợp nơi dừng phương tiện bị kiểm tra có mớn nước sâu, địa hình phức tạp, luồng hẹp, khan cạn hoặc việc dừng lại của phương tiện gặp khó khăn thì thông báo cho người điều khiển phương tiện giảm tốc độ và điều khiển phương tiện tuần tra, kiểm soát áp mạn của phương tiện cần kiểm soát;
- Tổ trưởng và tổ viên được phân công lên phương tiện, gặp chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện, tùy từng trường hợp cụ thể Tổ trưởng hoặc tổ viên được phân công có thể thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói, giới thiệu cấp bậc, họ tên, chức vụ, đơn vị công tác; thông báo lý do, nội dung kiểm soát và yêu cầu chấp hành việc kiểm soát; tiến hành kiểm soát theo quy định;
- Nội dung và phương pháp kiểm soát trên phương tiện:
+ Kiểm soát giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người đi trên phương tiện; kiểm soát hàng hóa chở trên phương tiện, giấy tờ của hàng hóa và các loại giấy tờ khác có liên quan theo quy định (sau đây viết gọn là giấy tờ). Khi kiểm soát giấy tờ phải đối chiếu với thực tế và xác định tính hợp pháp của giấy tờ;
+ Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện: Kiểm soát bằng quan sát, đối chiếu thực tế với giấy tờ của phương tiện hoặc bằng thiết bị kỹ thuật theo trình tự từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Khi cần thiết phải kiểm tra trên cơ sở dữ liệu hoặc đề nghị cơ quan chuyên môn giám định;
+ Kiểm soát an toàn vận tải: Độ chìm của phương tiện so với vạch dấu mớn nước an toàn; chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật, số người thực tế so với sức chở của phương tiện và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải;
+ Kiểm soát những nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
+ Khi kiểm soát phải có mặt đại diện chủ phương tiện hoặc thuyền viên, người điều khiển phương tiện. Trường hợp không có mặt của những người trên, việc kiểm soát phải có đại diện chính quyền cơ sở nơi kiểm soát hoặc ít nhất một người chứng kiến.
+ Sau khi các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng hiệu lực, giá trị sử dụng của các giấy tờ nêu trên (tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu, mất) thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ bằng bản giấy.
- Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó.
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiều thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử. Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước, thu hồi, tịch thu giấy tờ thì yêu cầu tổ chức, cá nhân xuất trình các giấy tờ đó để xử lý theo quy định của pháp luật;
Trường hợp kiểm soát phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ, chất độc hại hoặc hàng hóa nguy hiểm khác thì phải có biện pháp an toàn đưa phương tiện ra xa khu dân cư hoặc nơi vắng người để tiến hành kiểm soát; trường hợp cần thiết phải đề nghị cơ quan chuyên môn tham gia vào hoạt động kiểm tra.
(ii) Kiểm soát tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, quá trình kiểm soát nếu phát hiện vi phạm phải được ghi lại bằng hình ảnh:
- Đối với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, phải tiến hành kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa, tình hình an toàn của luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ luồng, công trình, cảng, bến thủy nội địa và các công trình khác có liên quan để phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật;
- Khi phát hiện luồng, tuyến, hệ thống báo hiệu có thay đổi so với thiết kế, công bố của cơ quan quản lý đường thủy hoặc biến đổi khác thường, phải ghi nhận và kiến nghị kịp thời với cơ quan, đơn vị quản lý có biện pháp khắc phục hoặc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
- Trường hợp phát hiện vật chướng ngại nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trên luồng, Tổ tuần tra, kiểm soát tổ chức đặt báo hiệu tạm thời, điều tiết giao thông và thông báo ngay cho cơ quan quản lý đường thủy để đặt báo hiệu hướng dẫn giao thông; phối hợp với cơ quan quản lý đường thủy xác định chủ vật chướng ngại, yêu cầu đặt và trông giữ báo hiệu, xác định thời gian, biện pháp trục vớt, giải tỏa để bảo đảm an toàn giao thông, xử lý vi phạm theo quy định.
(iii) Sau khi kiểm soát, Tổ tuần tra, kiểm soát thông báo cho người liên quan biết về kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) và tiến hành xử lý vi phạm hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp không phát hiện vi phạm thì nói lời cảm ơn đã hợp tác. Trường hợp phát hiện công trình, cảng, bến thủy nội địa không bảo đảm an toàn mà người đại diện của công trình, cảng, bến thủy nội địa vắng mặt thì lập biên bản kiểm tra với sự có mặt của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất một người chứng kiến; thông báo cho đơn vị quản lý công trình, cảng, bến thủy nội địa đó biết và hẹn thời gian làm việc theo quy định.
(iv) Kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
- Cán bộ vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật trên đường thủy của người và phương tiện, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát đường thủy;
- Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ;
- Khi kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường thủy, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:
Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;
Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |