Quy trình bổ nhiệm trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương

Quy trình bổ nhiệm trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương
Lê Trương Quốc Đạt

Xin hỏi về bổ nhiệm trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương được quy định như thế nào? - Ngọc An (Vĩnh Long)

Quy trình bổ nhiệm trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương

Quy trình bổ nhiệm trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Chức vụ lãnh đạo ở Trung ương được sử dụng trợ lý, thư ký 

Theo Điều 2 Quy định 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 thì chức vụ lãnh đạo  ở Trung ương được sử dụng trợ lý, thư ký gồm:

(1) Chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý:

- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.

- Ủy viên Bộ Chính trị.

- Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

(2) Chức vụ lãnh đạo được sử dụng thư ký:

- Chức vụ lãnh đạo tại (1) mục này.

- Ủy viên Trung ương Đảng; bộ trưởng và tương đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

2. Quy trình bổ nhiệm trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương

Quy trình bổ nhiệm trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương theo Điều 8 và Điều 9 Quy định 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 như sau:

* Quy trình bổ nhiệm trợ lý:

- Đồng chí lãnh đạo trao đổi, thống nhất với tập thể lãnh đạo là ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc lãnh đạo cơ quan nơi không lập ban cán sự đảng, đảng đoàn (ở các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương); hoặc với ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về dự kiến nhân sự bổ nhiệm trợ lý.

- Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng (ở các cơ quan Trung ương là ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan, trưởng các đoàn thể, vụ trưởng và tương đương trở lên; 

Ở tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương là ban chấp hành) để lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm trợ lý (bằng hình thức bỏ phiếu kín và không công bố kết quả tại hội nghị).

- Lãnh đạo cơ quan xem xét kết quả lấy phiếu tín nhiệm của hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự dự kiến bổ nhiệm (bằng hình thức bỏ phiếu kín và phải đạt trên 50% số phiếu của tập thể lãnh đạo).

- Lãnh đạo cơ quan hoặc cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm (tương tự hồ sơ bổ nhiệm cán bộ diện Trung ương quản lý), báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét, quyết định.

* Quy trình bổ nhiệm thư ký:

- Sau khi có ý kiến của đồng chí lãnh đạo về nhân sự dự kiến bổ nhiệm thư ký, tập thể lãnh đạo cơ quan xem xét, giới thiệu (bằng hình thức bỏ phiếu kín và phải đạt trên 50% số phiếu tán thành).

- Đối với chức danh thư ký của chức vụ lãnh đạo tại điểm a khoản 2 Điều 2 Quy định 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021, lãnh đạo cơ quan hoặc cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm (như hồ sơ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý) gửi Ban Tổ chức Trung ương trình Thường trực Ban Bí thư xem xét, quyết định. 

Đối với chức danh thư ký của chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng; bộ trưởng và tương đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương do tập thể lãnh đạo cơ quan xem xét, quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương

Nhiệm vụ, quyền hạn của trợ lý, thư ký của các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương theo Điều 5 Quy định 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 như sau:

* Chức danh trợ lý:

** Nhiệm vụ:

- Tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của đồng chí lãnh đạo.

- Chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí lãnh đạo.

- Trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.

** Quyền hạn:

- Được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao.

- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc.

- Được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc.

* Chức danh thư ký:

** Nhiệm vụ:

- Nghiên cứu, tham mưu một số lĩnh vực theo sự phân công của đồng chí lãnh đạo.

- Tham mưu, phối hợp, sắp xếp lịch làm việc của đồng chí lãnh đạo; tiếp nhận, kịp thời báo cáo, xử lý công văn, tài liệu; kiểm tra văn bản trước khi trình đồng chí lãnh đạo duyệt, ký ban hành.

- Phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để phục vụ, ghi biên bản các cuộc họp do đồng chí lãnh đạo chủ trì hoặc chuẩn bị chương trình công tác của đồng chí lãnh đạo.

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của đồng chí lãnh đạo.

** Quyền hạn:

- Tiếp nhận, truyền đạt ý kiến của đồng chí lãnh đạo đến cơ quan, cá nhân có liên quan.

- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc; được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ.

- Được mời tham dự các cuộc họp theo sự phân công của đồng chí lãnh đạo và phát biểu khi cần thiết.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

4173 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;