Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Nguyễn Thị Diễm My

Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 377/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ internet)

Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

* Quan điểm phát triển:

- Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm. Phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như: nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bauxite, alumin, nhôm. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch cấp trên.

- Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, đưa văn hóa Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của Vùng. Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc đồng bào vùng Tây Nguyên. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giữa các địa bàn, các dân tộc trong Vùng. Bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong bối cảnh mới.

- Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước là yêu cầu cấp bách đối với vùng Tây Nguyên. Chú trọng bảo vệ, phát triển rừng gắn với kinh tế lâm nghiệp và ổn định, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng; bảo vệ môi trường đất để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao đáp ứng xu thế mới. Tăng cường phối hợp quản lý các lưu vực sông, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Bảo đảm an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước. Củng cố tiềm lực quốc phòng, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Tăng cường xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy cao độ giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; bảo đảm xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

- Tăng cường liên kết với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và các nước ASEAN. Tổ chức không gian hợp lý và tăng cường liên kết các tiểu vùng, các hành lang kinh tế, các vùng động lực phát triển, hệ thống đô thị nông thôn, các khu chức năng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực cho phát triển vùng; trên cơ sở tuân thủ không gian các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực an ninh, quốc phòng; phát huy lợi thế và điều kiện phát triển đặc thù của từng tiểu vùng; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái. Phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn phù hợp với các điều kiện đặc trưng về tự nhiên, bản sắc văn hóa. Ưu tiên bố trí ổn định các điểm dân cư, đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tập quán và phương thức sản xuất mới.

* Tầm nhìn đến năm 2050:

Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

100 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;