Quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được lấy từ các nguồn vốn nào? - Minh Trí (Quảng Nam)

Quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng gì?

Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam; có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, được tham gia hệ thống thanh toán với các ngân hàng và cung cấp dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật.

(Điều 3 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 1515/QĐ-TTg năm 2015)

2. Quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Cụ thể tại Điều 6 Nghị định 46/2021/NĐ-CP quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:

(1) Vốn chủ sở hữu:

- Vốn điều lệ ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Việc thay đổi mức vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Phát triển và ý kiến của Bộ Tài chính, đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn của Ngân hàng Phát triển trong từng thời kỳ;

- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do ngân sách nhà nước cấp;

- Các quỹ: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính;

- Chênh lệch do đánh giá lại tài sản; chênh lệch tỷ giá;

- Kết quả hoạt động chưa phân phối;

- Vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức trong nước và nước ngoài;

- Vốn khác thuộc sở hữu của Ngân hàng Phát triển.

(2) Vốn huy động theo quy định của pháp luật, gồm:

- Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

- Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển;

- Vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài;

- Vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Huy động của các tổ chức khác trong và ngoài nước;

- Nhận tiền gửi ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

- Huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

(3) Các khoản vốn khác gồm:

- Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất để thực hiện các hợp đồng hỗ trợ sau đầu tư phát sinh trước thời điểm Nghị định 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành;

- Vốn vay nước ngoài của Chính phủ được Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại;

- Vốn nhận ủy thác của Bộ Tài chính, chính quyền địa phương, các quỹ tài chính địa phương, các tổ chức trong nước và nước ngoài (bên ủy thác) để thực hiện theo văn bản yêu cầu của bên ủy thác;

- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam sử dụng vốn hoạt động để làm gì?

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 46/2021/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được sử dụng vốn hoạt động để:

- Thực hiện chính sách tín dụng theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện các hình thức cấp tín dụng khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển và quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Cấp hỗ trợ sau đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các Hợp đồng phát sinh trước thời điểm  Nghị định 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành;

- Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật;

- Ủy thác cho các tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật;

- Cho vay theo ủy quyền/ủy thác, cấp phát vốn theo ủy thác; bảo lãnh theo ủy quyền/ủy thác;

- Ủy thác, nhận ủy thác cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng theo quy định của pháp luật;

- Mua, bán, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật;

- Góp vốn, thành lập công ty con hoặc tham gia thành lập các công ty liên kết trong nước theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển;

- Đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển theo quy định Nghị định 46/2021/NĐ-CP;

- Sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng Phát triển lựa chọn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để gửi tiền đảm bảo an toàn, không để mất vốn;

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1581 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;