Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Cho tôi hỏi hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số được quy định như thế nào tại Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT? - Thu Hương (Hải Phòng)

Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

1.1. Đối tượng tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT, đối tượng tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số bao gồm:

- Tuyển sinh vào học chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số: 

+ Công dân Việt Nam có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; 

+ Nói được tiếng dân tộc thiểu số của chương trình đào tạo. 

* Lưu ý: Ưu tiên tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm thường trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Tuyển sinh vào học chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số: 

+ Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số; 

+ Cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

1.2. Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số được quy định như sau:

- Đối với chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số: tổ chức đào tạo theo hình thức tập trung;

- Đối với chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số: tổ chức bồi dưỡng theo hình thức tập trung, bán tập trung hoặc từ xa.

(Khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT)

1.3. Đánh giá kết quả học tập đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT quy định đánh giá kết quả học tập đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số như sau:

- Học viên có điểm thi cuối khóa từ 5,0 trở lên thì được đánh giá hoàn thành chương trình.

- Xếp loại kết quả học tập được ghi trong chứng chỉ cấp cho học viên căn cứ vào điểm trung bình chung toàn khóa đã quy về thang điểm 10 (điểm kiểm tra thường xuyên có hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ có hệ số 2, điểm thi cuối khóa có hệ số 3). 

Xếp loại cụ thể như sau:

+ Điểm trung bình chung toàn khóa đạt từ 8,0 đến 10 điểm, xếp loại: Giỏi;

+ Điểm trung bình chung toàn khóa đạt từ 6,5 đến dưới 8,0 điểm, xếp loại: Khá;

+ Điểm trung bình chung toàn khóa đạt từ 5,0 đến dưới 6,5 điểm, xếp loại: Trung bình.

Ngoài ra, học viên có điểm thi cuối khóa dưới 5,0 thì được bảo lưu các điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ và được phép thi lại 01 lần để đánh giá hoàn thành chương trình.

2. Cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

2.1. Có các chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số nào?

Học viên được đánh giá hoàn thành chương trình thì được cấp chứng chỉ. Theo đó, có 2 loại chứng chỉ sau đây:

- Chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho các học viên hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số;

- Chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

2.2. Thẩm quyền cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Thẩm quyền cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số được quy định như sau:

- Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý;

- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương ứng.

(Điều 7 Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT)

>>Thông tư 09/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 03/6/2023.

Nguyễn Thị Hoài Thương

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

947 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;